MinhVN (Danlambao) - Suốt bao năm qua những tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã không ngừng đấu tranh để phơi bày những cái xấu xa của đảng CS và nhà nước Việt Nam, để đòi tự do, dân chủ, nhân quyền nhằm xây dựng Việt Nam trở thành một nước phát triển, tiến bộ về kinh tế, văn hóa, chính trị và nhân quyền.
Có rất nhiều con đường có thể chọn để thực hiện mục tiêu này, nhưng con đường nào cũng khó khăn và gian khổ cả. Đã biết bao nhiêu trăn trở của các thế hệ đi trước và thế hệ ngày nay nhưng chưa có có ý tưởng nào trở thành hiện thực. Chúng ta đang bơi giữa dòng nước mà không biết dòng nước sẽ cuốn ta về đâu.
Tôi cũng đã trăn trở rất nhiều để làm sao mang được sự công bằng cho những người dân Việt Nam đã và đang bị lừa dối quá nhiều. Sự bất công và lừa dối này hầu hết là từ chính những con người tự phong là “đầy tớ” của nhân dân, những người đang tuyên truyền hết lòng ra sức “vì dân” nhưng thật sự chỉ vì “tiền” và “quyền”.
Có nhiều người thường nghĩ đến một cuộc khởi nghĩa để giành quyền làm chủ đất nước cho nhân dân nhưng theo tôi đó chỉ là suy nghĩ bộc phát và bất khả thi.
Tôi xin trình bày quan điểm của tôi như sau:
Tôi và các bạn chắc hẳn đang rất muốn giành lại Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng đang bị Trung Quốc ngang ngược chiếm đóng. Tôi và các bạn đang muốn xử tội những kẻ tham nhũng, bán nước, hèn với giặc và ác với dân.
Để xua đuổi kẻ ngoại xâm Trung Quốc thì nội bộ ta phải đoàn kết một lòng, từ nhân dân đến lãnh đạo, phải mạnh về kinh tế hay ít nhất cũng phải vững vàng, kiên quyết về chính trị. Điều này hiện tại không thể khi mà chủ trương của đảng và nhà nước lại là “hèn với giặc ác với dân”. Vậy nên chúng ta phải thay đổi từ nội bộ chúng ta trước để đạt được 2 mục tiêu: (1) đưa Việt Nam phát triển thoát khỏi sự kìm hãm của thể chế độc tài và (2) chấm dứt sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Khi đất nước thật sự dân chủ, chính quyền thật sự do dân bầu ra và từ đó cùng với nhân dân đoàn kết, đồng lòng thì chúng ta mới có thể có đủ sức mạnh để đòi lại những gì thuộc về chúng ta.
Nếu 87 triệu người dân chúng ta đồng loạt đứng lên biểu tình để ép buộc chính phủ phải thay đổi thì nhất định sẽ thành công mà không cần dùng đến bạo lực. Nhưng điều này có thể nói là bất khả thi vì 87 triệu người dân Việt Nam không phải là một khối đồng lòng.
Ta thấy 87 triệu người Việt Nam có thể bao gồm 4 thành phần chính như sau:
- Thành phần A: Chiếm phần lớn, họ là những người nghèo đói, bị bịt mắt, mù thông tin, bị tuyên truyền để vẫn coi đảng và nhà nước là thành phần lãnh đạo, là cứu tinh của họ.
- Thành phần B: Một phần không nhỏ vẫn tỏ ra thờ ơ trước thời cuộc, một phần vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, một phần vì tinh thần yêu nước của họ không cao.
- Thành phần C: Bộ phận những người người yêu nước nhưng còn nhiều sợ hãi, không dám dấn thân.
- Thành phần D: Còn lại những người yêu nước dám dân thân. Nhưng đây lại là thành phần thiểu số.
Nếu đứng lên biểu tình đòi lật đổ chính quyền thì chỉ có thành phần D khởi động và một số rất ít trong thành phần C dám tham gia. Khi lực lượng của 2 thành phần D và C này không đủ nhiều thì không những không làm được gì mà còn bị đàn áp, bắt bớ và qui vào tội chống phá lật đổ chế độ lật đổ chính quyền.
Nếu lực lượng của 2 thành phần này có vũ khí trong tay và tiến hành một cuộc đảo chính, thì quả thật về tương quan lực lượng như trứng chọi đá. Không những vậy họ còn bị thành phần A coi là phản động và không được ủng hộ, bị thành phần B xem là những hành động ngu xuẩn (để biện minh cho thái độ thờ ơ và gánh nặng gạo tiền của họ).
Vậy thì chỉ còn một cách mà bước đầu là tận dụng thành phần D và C (tạm gọi là thành phần tiên phong) tập trung vào những hành động đấu tranh ôn hòa, dùng chính những gì còn lại mà Hiến pháp lẫn Luật pháp do đảng và nhà nước đặt ra mà không bị gán ghép là phản động. Dĩ nhiên, điều này cũng không bảo đảm 100% là không bị đàn áp, bỏ tù vì thực tế đã chứng minh điều đó đã xảy ra, nhưng ít ra nó có giảm đi những áp lực trong hoàn cảnh chính trị hiện tại. Đồng thời, để làm điều này phải cần sự đoàn kết của thành phần tiên phong này với số lượng đủ lớn và biểu tình chỉ đòi 2 điều: đó là Dân chủ và đa đảng.
Tại sao lại đòi 2 quyền này, xin cho tôi được trình bày quan điểm như sau:
Nếu tách 2 quyền này ra thì chúng sẽ không thể tồn tại.
Nếu không có dân chủ thì chắc chắn sẽ không có đảng nào khác được thành lập.
Nếu có dân chủ bước đầu mà độc đảng thì từ từ mọi việc lại trở lại như cũ, đa đảng sẽ đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân.
Khi đi trên con đường này chúng ta sẽ phải không ngừng tuyên truyền cho những thành phần còn lại nhất là thành phần A để có được sự ủng hộ của nhân dân. Đồng thời chúng ta sẽ đánh thức được thành phần B đang ngủ quên. Nếu thành phần D đồng lòng, có được kế hoạch cụ thể, thuyết phục được nhiều người trong thành phần C bước ra khỏi sự sợ hãi để xây dựng được một lực lượng nền tảng ban đầu thì có xác suất thành công.
Chúng ta phải thực hiện “đấu tranh toàn diện” không phải bằng súng đạn mà bằng tuyên truyền, thu phục được sự ủng hộ từ từng người dân, từng gia đình, từng địa phương… và đoàn kết sẽ là sức mạnh để chiến thắng.
Khi đạt được mục tiêu dân chủ và đa đảng, như tôi đã nói dân chủ sẽ thúc đẩy tiến trình công bằng xã hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do bầu cử. Đa đảng thì tiếng nói của nhân dân mới được coi trọng vì họ sẽ cần nhân dân bầu cử cho họ và họ sẽ đóng vai trò là lực lượng bảo vệ được quyền lợi của nhân dân.
Khi đó ngày càng nhiều người lãnh đạo có phẩm chất tốt thay thế lực lượng lãnh đạo suy đồi hoặc kém hiệu quả. Họ thực sự được nhân dân tin tưởng và giao phó và họ sẽ làm những việc mà nhân dân giao phó. Sẽ có các tòa án của dân, luật pháp của dân và vì dân. Đến lúc này việc điều tra lại những vụ tham nhũng, những kẻ bán nước hại dân sẽ được tiến hành và chúng nhất định bị trừng trị.
Chính trị sẽ ngày một tốt lên vì tính cạnh tranh công bằng của đa đảng. Có một thể chế tốt thì kinh tế sẽ nhất định được phục hồi và phát triển sau những năm đất nước bị thống trị bởi độc tài và những người lãnh đạo không có khả năng. Một khi kinh tế phát triển vững mạnh, chính trị vững vàng, người dân đoàn kết, một khi vấn đề nội bộ đã được giải quyết thì việc đòi lại những gì thuộc về ta từ tay Trung Quốc mới có cơ may thành công.
Tuy nhiên, xin được nhấn mạnh rằng Dân Chủ và Đa Đảng là điều kiện cần và đủ để giải quyết vấn nạn Việt Nam và xâm lược Trung Quốc nhưng điều đó không có nghĩa là bây giờ chúng ta quay lưng lại với những hành động xâm lược của Trung Quốc để rồi đến lúc có được sức mạnh dân tộc thì đã quá muộn, chủ quyền biển đảo đã trở thành chuyện "để lâu hóa bùn".