Thùy Linh - Kỳ họp Quốc hội vào tháng 8, ngay sau khi bầu Kiên bị bắt, mình ngồi nghe ông Thống đốc trả lời chất vấn qua tivi. Không nhớ hết những gì ông Bình đã nói, nhưng có câu này thì rất nhớ: ông Bình nói không thích câu “lợi ích nhóm”, theo ông đó là “lợi ích cục bộ”. Mình chả muốn đi sâu vào bắt bẻ câu chữ thế nào là lợi ích nhóm, thế nào là lợi ích cục bộ? Cũng không hiểu ông phân biệt thế nào thì gọi là lợi ích nhóm và thế nào thì là lợi ích cục bộ? Có thể cách nói thứ hai dễ đánh đồng rằng, vì lợi ích cục bộ của đất nước, lợi ích cục bộ trong một thời gian nhất định nên NHNN làm thế này thế kia? Còn khi bị gọi đích danh lợi ích nhóm thì một nhóm người sẽ bị “đánh dấu” chăng? Chắc phải hỏi ông Bình để rõ hơn khi có dịp…
Nhưng bỗng mấy hôm nay các báo đồng loạt đăng tin rằng ông Bình lên tivi đăng đàn để tuyên chiến với lợi ích nhóm trong ngành ngân hàng. Chính ông đã nhận thức ra rằng: "Lợi ích nhóm là rào cản lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu. Nó có thể thao túng ngân hàng và ảnh hưởng đến cả hệ thống". Vậy là chỉ sau hơn một tháng, tư duy của ông đã có sự thay đổi vượt bậc (!?). Chợt thấy ông “hồn nhiên” thật…
Nhóm lợi ích mà ông viện dẫn khoanh nhỏ lại trong các ngân hàng thương mại cổ phần vì ông khẳng định: "Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng ghi nhận không có lợi ích nhóm trong ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước cũng như từng cá nhân trong ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước". Ông dẫn chứng: "Có những ngân hàng chỉ do một, hai cổ đông hoặc một nhóm cổ đông chi phối, dư nợ ngân hàng có đến 70 - 90% phục vụ cho nhóm cổ đông đó. Đặc biệt, các nhóm cổ đông này sử dụng vốn không hiệu quả, gây nên thất thoát vốn, buộc ngân hàng phải tái cơ cấu".
Việc xếp hạng các ngân hàng vào diện cần tái cơ cấu rất nhiều chuyện vì mọi việc được làm trong bí mật, bí ẩn. Chuyện tái cơ cấu cũng lùm xùm rất nhiều chuyện vì không ai được biết, chỉ khi bị huỵch toẹt ra trước bàn dân thiên hạ thì ông mới lên tiếng “tuyên chiến”. Căn cứ nào để đưa một ngân hàng vào hay ra khỏi diện tái cơ cấu thiếu minh bạch nên giờ mới thành chuyện. Chuyện nhà nước độc quyền đô la, vàng người dân cũng không được nghe những luận giải kinh tế thuyết phục. Chỉ biết gửi đô la, vàng vào ngân hàng, đến khi rút ra thì chỉ được nhận tiền VND với sự thua thiệt về người dân thì mới ỏm tỏm lên. Chắc chắn có nhiều người còn giữ vàng, không phải vàng SJC nhưng họ chả quan tâm đến việc chuyển đổi sang thứ vàng được nhà nước đóng dấu mộc độc quyền, vì họ mỉa mai: để xem các ông độc quyền được bao lâu nữa? Ông thống đốc trả lời sao với người dân?
Dư luận rất cần ông Thống đốc đưa ra những lý lẽ xác đáng, thật sự hồn nhiên ở những việc đang gây bức bối về các chính sách của ngành ngân hàng như: tiêu chí xếp hạng ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu? Cụ thể từng trường hợp tái cơ cấu? Cơ sở lí luận và thực tiễn của quyết sách độc quyền đô la, vàng của nhà nước? Nguyên nhân khủng hoảng toàn diện ngành ngân hàng vào thời điểm ông là thống đốc, cái gì là “lỗi hệ thống”, cái gì thuộc về trách nhiệm của ông?
Ông không nên “hồn nhiên” kêu gọi: “Quần chúng nhân dân không có gì phải hoang mang, vì cơ quan quản lý pháp luật đã có đầy đủ các phương án để xử lý tất cả các hệ lụy. Tôi đề nghị người dân hết sức cảnh giác đối với các thế lực thù địch tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Đồng thời phải tin tưởng vào sự vận hành của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt của NHNN”.
Hệ lụy đã đến, đang đến. Người dân không mong muốn chờ đến khi sập hẳn để truy vấn những lời lêu gọi của ông hôm nay. Ông nên “tuyên chiến” với luận điệu của “thế lực thù địch” bằng sự minh bạch nếu họ nói sai về ông, sếp của ông, ngành của ông. Việc đó không hề khó vì các ông đang có quyền, tiền trong tay. Thậm chí bắt người thiếu căn cứ mà chính quyền còn làm được thì việc đăng đàn minh oan cho chính danh quan chức là điều rất nên làm, đừng nên đổ lỗi cho thế lực thù địch hay những kẻ phản động nào đó chưa tỏ mặt. Xin ông hãy hồn nhiên trong sự minh bạch…
Chỉ e tay phải hắt nước lên mặt, tay trái vuốt nước cho mặt khô ráo chăng?
Xin hầu ông Thống đốc và sếp của ông về minh triết của các minh sư chưa bao giờ vô ích: dốt nát và hồn nhiên đều không có tri thức nên người ta hay lầm lẫn về bản chất. Hồn nhiên là trạng thái của vô ham muốn. Dốt nát thì nghèo nàn, là kẻ ăn xin, mong muốn cái này, cái nọ, nó muốn được am hiểu, được kính trọng, muốn giàu có, muốn quyền hành. Dốt nát đi trên con đường của ham muốn. Mà những cái dốt nát thì khó che giấu lắm…
Chỉ có những người trưởng thành mới không lặp lại sự dốt nát – cái luôn sinh ra từ quyền lực và sự ham muốn.
Osho đã từng nói: “Già đi, bất kỳ con vật nào cũng có khả năng ấy. Trưởng thành là đặc quyền của con người”. Con người trưởng thành chính là được tái sinh lần hai vậy.
Rất nhiều người chỉ già đi chứ chưa bao giờ trưởng thành. Họ chỉ được cha mẹ sinh ra một lần duy nhất trong đời, lớn lên, già đi và…chết.
Khi nào Việt Nam có Người Trưởng thành điều hành đất nước?