Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Theo dõi tin tức cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên của Trường Đại học Công Nghệ Thực Phẩm bị bắt vì tội chống giặc Tàu xâm lăng, và khi biết cô là con dân của đất Phan Thiết, người viết thấy thương quá những hồn Ma Bình Thuận.
“Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Đất Bình Thuận nhiều ma lắm nên mới được “sánh vai” với cọp Khánh Hòa như thế (?). Ma Bình Thuận nhiều đến đâu, nhát thế nào, ai muốn tò mò, xin vào Gú Gồ, tha hồ “vui dễ sợ” nhân dịp Halloween, mùa lễ hội ma quỷ đêm 31 (tháng 10) vác bao nhựa đi xin kẹo đầy đường bên Mỹ.
Người viết chỉ “kinh nghiệm” chút chút hơi hướng “ma Bình Thuận” vùng ven ga xe lửa Mường Mán. Xin kể lại theo trí nhớ. Nếu đồng hương (một thời) Mường Mán nào, noi gương cô gái rượu của “đồng chí Ếch” vào lốc “phản động” Danlambao đọc bài này, thấy điều gì sai, xin chỉ giáo hộ. Tác giả xin-cho cám ơn trước.
Ga xe lửa Mường Mán nằm trên đường hỏa xa Bắc-Nam, cách thị xã Phan Thiết 12 km về hướng Tây. Thập niên 50 của Thế kỷ trước vùng này rất hoang vu. Năm 1954 chính quyền TT Ngô Đình Diệm thiết lập một trại định cư cách ga Mường Mán khoảng một (?) cây số, cho một số đồng bào Miền Bắc tỵ nạn Cộng Sản sau khi đất nước chia đôi.
Nếu tác giả hiểu biết và nhớ không lầm thì vùng đất này lúc trước có người ở nhưng đã bỏ hoang từ rất lâu. Không biết do đất độc hay nước suối độc mà khách mới nhập cư phần lớn đều bị ghẻ lở cùng mình và mụt đinh đầy chân. Thằng cu Chổi đương nhiên cũng không thoát khỏi; có lần đã phải lết bộ ra nhà Ga (không còn nhớ tại sao lúc đó có toán y tá người Phi Luật Tân phục vụ cho đồng bào nơi cái nhà vòm trong trại, mà mình phải đi ra Ga) để cô y tá gắp cho cả ổ dòi nhung nhúc trong mụt đinh ở gót chân. Nay cu đã thành cụ mà “dấu ấn” ấy vẫn “không bao giờ thay đổi”; thật đúng là chân lý mụt đinh. Nhưng điều khiến bọn con nít sợ hơn cả là ma. “Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận” mà. Chỉ nghe người lớn kể chuyện “đêm qua ra ngoài “tưới” cây (dạo đó chưa có Vú Sữa bác Hồ), thấy trời không gió nhưng lá chuối tự nhiên đập phành phạch trước mặt”, hay “chó đâu mà sủa quá trời” là đưa tay sờ đã bay mất tiêu con bồ cu.
Trại định cư này nằm trên đường ra ga Mường Mán của đồng bào địa phương gồm người kinh ở rải rác trong làng Bầu Ruộng và những người sắc tộc - mà bây giờ nghĩ lại, cụ Chổi ân hận ngày xưa cu Chổi đã gọi là “người Mọi”- sống trong sâu hơn nữa. Ở trong đó rất nhiều thú rừng. Có hai chú thợ săn từ hướng Ga Mường Mán thường xuyên đi vào săn có khi mang ra một lúc hai xe bò chất đầy con mồi bắn được trong đêm, gồm nai, heo rừng, bò rừng, beo cọp, nhỏ nhất là mang, mễn. Mỗi lần đi hoặc về hai chú đều ghé quán bên đường của nhà Chổi. Khi đi thì mua thuốc lá hay rượu, khi về thì bán cho mẹ Chổi thịt săn (nhờ vậy mà cả nhà Chổi không cần vào hang, vẫn bắt được cọp; ăn thịt cọp cho “oai”, chứ cũng lờm lợm vì tưởng tượng có thịt người trong đó). Còn nhớ một chú tên là Minh Một Mắt nói lúc trước chú là lính, vì bị thương nên được giải ngũ, lâu lâu chú lại nói hồi xưa chỗ này nhiều ma lắm; thi thoảng bị ma chọc. Chẳng hạn có lần chú gặp con nai to, bắn chết rõ ràng trước mắt, nhưng khi lại gần thấy một đống phân nai tổ chảng, hoặc tiếng người than khóc kêu cứu lại gần chỉ thấy cái ao đầy ểnh ương.
Dân địa phương từ làng Bầu Ruộng đi chợ ga trên đường về cũng hay ghé vào quan mua thêm vài thứ lặt vặn riết rồi quen. Nhiều người nói hồi xưa chỗ này nhiều mà lắm, có khi thấy ma họp chợ giữa ban ngày.
Có người nói chỗ này quân ta đánh nhau với quân Pháp; hai bên chết nhiều vô kể.
Biết được lý do cô sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Công nghệ Thực Phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Phương Uyên, con dân Phan Thiết Bình Thuận, bị bắt chỉ vì cái “tội” làm thơ chống Tàu xâm lăng, mà thương những hồn ma Bình Thuận này.
Những chiến sĩ năm xưa chết thật oan uổng. Giá như để thằng Tây còn, cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên chắc như bắp sẽ không bị bắt vì làm thơ yêu nước.