‘Bỏ phiếu vì cái ghế, chế độ sẽ suy vong’ - Dân Làm Báo

‘Bỏ phiếu vì cái ghế, chế độ sẽ suy vong’

- Những người cầm lá phiếu bỏ phiếu tín nhiệm vì lợi ích cá nhân hay vì cái ghế mình đang ngồi thì chế độ sẽ suy vong - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định. 

Ngày 26/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1, TP.HCM.

Đừng để dân mất lòng tin 

Tháng 6 năm sau, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các nhân sự cấp cao của Chính phủ và Quốc hội. Hầu hết các ý kiến của cử tri đều bày tỏ vui mừng trước thông tin Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội hoặc HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, họ cho rằng, trong 3 mức độ để đánh giá cán bộ là “tín nhiệm”, “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm thấp” thì những người bỏ phiếu thường có tư tưởng “dĩ hòa vi quý” sẽ bỏ phiếu ở mức độ “tín nhiệm” vì không ảnh hưởng đến ai. Cử tri yêu cầu người bỏ phiếu tín nhiệm cần tập trung và thể hiện rõ quan điểm của mình, không bị chi phối bởi người khác và không thiên vị cho bất cứ ai.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Không ai có quyền đoán cấm báo chí chống tham nhũng. Ảnh: Tá Lâm

Cử tri Phạm Thị Nga (phường Bến Thành) cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm rất được lòng tin của người dân. Tuy nhiên, bà băn khoăn, trong thực tế bỏ phiếu tín nhiệm còn thể hiện sự vận động, có thể xảy ra mua chuộc, tiêu cực, mua lá phiếu tín nhiệm.

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các nhân sự cấp cao là một việc làm cụ thể trong tổng thể những giải pháp chống tham nhũng. “Việc này nếu làm tốt, đúng đắn, hiệu quả thì chắc chắn sẽ xoay chuyển tình thế”, ông Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, mỗi người cầm lá phiếu phải có trách nhiệm đầy đủ, khách quan, công tâm, vì sự nghiệp của đất nước chứ không phải vì lợi ích cá nhân hay vì cái ghế của mình đang ngồi. 

“Nếu vì cái ghế mình đang ngồi thì chế độ sẽ suy vong. Muốn chế độ vững bền thì người cầm lá phiếu phải đầy trọng trách”, ông khẳng định.

Theo Chủ tịch nước, chất lượng lá phiếu phụ thuộc vào người đại biểu Quốc hội.

“Cử tri là những người bầu ra đại biểu Quốc hội nên cử tri cũng phải có trách nhiệm đòi hỏi đại biểu làm đúng ý chí của mình. Còn nếu không thực hiện ý chí đó là không còn tư cách đại biểu nữa. Tôi hy vọng rằng, các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trên cả nước đừng để mất lòng tin của dân khi họ đã bỏ phiếu cho mình”, ông nói.

Không ai có quyền cấm báo chí chống tham nhũng 

Ngoài bỏ phiếu tín nhiệm, vấn đề chống tham nhũng một lần nữa được cử tri quận 1 bức xúc gay gắt. Họ cho rằng, Quốc hội đã nhất trí thành lập Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư đứng đầu, liệu có làm an lòng dân không, bởi vì từ trước đến nay “nói hoài, nói mãi” mà vẫn không đẩy lùi được.

Cử tri Nguyễn Thị Hiệp (phường Bến Thành) nhắc lại lời Chủ tịch nước khi trả lời cử tri quận 1 trong một lần tiếp xúc trước đây rằng, vấn nạn tham nhũng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. “Nhưng hôm nay, vấn nạn này đã phổ biến, không còn là con sâu làm rầu nồi canh nữa mà là nồi canh sâu. Chủ tịch nước có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?”, cử tri Hiệp nói.

Hay như cử tri Trần Văn Lân cho rằng, “nhóm lợi ích” cũng là biểu hiện của tham nhũng. Tuy nhiên, cách xác định “nhóm lợi ích” này chưa được cụ thể hóa. “Tôi đề nghị, khoa học hóa nhóm lợi ích để bắt bệnh”, ông Lân nói.

Còn cử tri Phạm Thị Nga (phường Bến Thành) đề nghị, nên rộng mở quyền cho báo chí viết bài về chống tham nhũng. “Nếu phát hiện thấy tham nhũng, tiêu cực thì Đảng và Nhà nước phải tiếp thu và có biện pháp xử lý ngay”, bà Nga nói.

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, kênh thông tin báo chí rất quan trọng trong việc phát hiện những vụ tham nhũng, lãng phí. “Gần đây, tôi nghe anh em than vãn là kênh này không được coi trọng lắm và cũng nghe nói, đồn thổi ông A, ông B, ông C ra lệnh cấm đoán. Không ai có quyền. Nếu cấm là phải nhân danh cái gì và phải căn cứ đạo luật nào đã quy định thì mới được quyền”, Chủ tịch nước khẳng định.

Còn những trường hợp đấu tranh, tố cáo tham nhũng bị trù úm, trù dập, ức hiếp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, trong trường hợp đó phải đấu tranh lại. “Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người chứ không thể trù úm cả dân tộc này”, Chủ tịch nước nhắc lại.

Tá Lâm


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo