Sau khi bị Chủ tịch Quốc hội "phê" là chưa dứt khoát khi trả lời câu hỏi về an toàn thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nước ở mực tràn hoàn toàn yên tâm, người dân không phải di dời.
Sáng nay, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn với phần trả lời của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Đại biểu Ngô Văn Minh đặt vấn đề: "Trong kỳ họp trước Bộ trưởng khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 là yên tâm, an toàn, nhưng tại sao Chính phủ không cho tích nước và biết rằng không cho tích nước để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, thăm dò, khảo sát, nhưng câu chuyện này quá kéo dài, để cho các nhà khoa học tầm cỡ có ý kiến khác nhau, gây tranh luận".
Nêu lại nhiều thông tin về xử lý thấm nước, khả năng chịu động đất của đập... qua sự kiểm tra của các cơ quan tư vấn độc lập, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, dù rung chấn nhỏ hơn 5,5 độ richter nhưng quan điểm của Chính phủ lấy an toàn là nhiệm vụ số một, khi dân chưa yên tâm thì chưa tích nước.
Sắp tới, công trình này sẽ tiếp tục chờ các nhà tư vấn, địa chất đến từ Nga, Ấn Độ, Nhật Bản nghiên cứu toàn diện để khẳng định động đất khu vực này không vượt quá 5,5 độ richter. "Nếu có kết quả như vậy phải tuyên truyền để bà con yên tâm mới cho tích nước. Còn nếu có sự cố thì các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật", bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: TTXVN.
Câu trả lời của người đứng đầu ngành Xây dựng bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "phê" là chưa dứt khoát. Cách đây ít hôm Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vào tận nơi khảo sát, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã trả lời trước hội trường. "Bộ trưởng tuyên bố, có phải đồng bào cứ ở tại chỗ và đập thủy điện an toàn hay không?", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngập ngừng vài giây, Bộ trưởng Xây dựng tiếp tục nêu số liệu về khả năng chịu động đất của đập thì Chủ tịch Quốc hội lại phải nhắc rằng, dân không quan tâm đến điều đó mà "chỉ quan tâm là ở hay đi".
"Nước ở mực tràn thì hoàn toàn yên tâm, người dân cứ ở đó không phải đi đâu hết", ông Dũng đáp, hội trường ồn ào. Đại biểu Ngô Văn Minh truy vấn: "Rung lắc suốt ngày như vậy thì vỡ kết cấu bờ vai đập. Bộ trưởng bảo yên tâm hay không thì dân vẫn ở đó, không thì biết đi đâu", ông Minh nêu thực tế và tiếp tục nhắc lại câu hỏi: "Nếu đập vỡ, ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên?".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, theo chứng minh của nhà khoa học, nếu chưa tích nước vào lòng hồ thì có thể yên tâm, chưa gây tác hại gì với đồng bào. "Mới là tạm thời yên tâm thôi vì vấn đề động đất còn mời nhà khoa học của các nước có kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu. Nếu không có vấn đề gì lớn thì mới tích nước. Chính phủ có giải pháp tạm thời là chưa tích nước, đồng bào cứ ở lại", ông Hùng chốt lại phiên chất vấn và nhắc lại, Thủ tướng sẽ có ý kiến về vấn đề này.
Trao đổi với báo chí ngay sau phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các nhà khoa học đã đi đến thống nhất căn bản thể hiện ở hội thảo Hội địa chất vừa qua. Hội địa chất đã kết luận đập sông Tranh an toàn, không có tình trạng nền bị phong hóa như một số đại biểu nói.
"Các nước khi xây nhà máy điện hạt nhân cũng nhiều ý kiến khác nhau, quyết định làm hay không sẽ dựa trên cơ sở của những phương án tối ưu. Ý kiến phản biện trái chiều sẽ giúp tìm ra chân lý, nhưng không phải lúc nào số đông cũng là đúng. Hiện, chỉ còn băn khoăn là động đất có quá 5,5 độ richter hay không. Cơ quan chức năng đang mời các nhà khoa học hàng đầu có kinh nghiệm của thế giới đến để nghiên cứu đánh giá toàn diện về rung chấn địa chất ở khu vực Sông Tranh Bắc Trà My", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, các câu hỏi của đại biểu Quốc hội dành cho ông là rất có trách nhiệm và không hề ép. Câu hỏi khó hay không là do khả năng của người trả lời, không nằm ở câu hỏi của đại biểu.
Nguyễn Hưng