Chủ tịch nước đang tìm cách "chơi lại" Thủ tướng qua lá bài Quốc Hội - Dân Làm Báo

Chủ tịch nước đang tìm cách "chơi lại" Thủ tướng qua lá bài Quốc Hội

Phong Uyên (Dân Luận) - Báo điện tử "Người Lao động", trong số ngày 29-10-2012, đăng lại những điểm chính trong bản Dự thảo Sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày trước Quốc hội cùng ngày. Tôi xin nhắc lại những đểm này:

1) Hiến pháp sửa đổi giữ nguyên quy định Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, mãn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng.

2) Hiến pháp sửa đổi bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước, bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

3) Hiến pháp sửa đổi dự kiến trao cho Chủ tịch nước thẩm quyền tham dự các phiên họp của chính phủ.

4) Chủ tịch nước, căn cứ vào nghị quyết của Quốc Hội, bổ nhiệm, mãn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

5) Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Khó mà không thấy là bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi chỉ có mục đích nhất thời là qua con đường Quốc hội, giành lại cho Chủ tịch nước một chút quyền hành hiện đang bị Thủ tướng khống chế, đồng thời cũng bảo vệ quyền "lãnh đạo" của ĐCSVN:

1) Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, mãn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng

Đề nghị này chỉ có thể thực hiện được trong một chế độ đa đảng theo thể chế bán Tổng thống (cũng gọi là Tổng thống - Đại nghị ) như ở Pháp. Trong thể chế này, Tổng thống được dân bầu trực tiếp, nắm toàn quyền Hành pháp nhưng phải chọn thủ tướng trong số những nhân vật của đảng được đa số đại biểu trong Quốc hội và muốn thay thế thủ tướng bằng một người khác cùng trong đảng này, cũng phải được QH ưng thuận. Cái bất tiện của thể chế này là khi Tổng thống và Thủ tướng là người cùng một đảng hay cùng một liên minh được đa số đại biểu trong Quốc hội, thì cả quyền lập pháp và hành pháp đều nằm trong tay một đảng, gây ra hiện tượng đảng trị dù chỉ trong một giai đoạn. Trái lại khi Tổng thống và Thủ tướng thuộc 2 đảng đối lập nhau và cả 2 phải chia nhau quyền hành pháp, thì đường lối chính trị lại khó mà nhất quán. Trường hợp Việt Nam chỉ có một đảng và chủ tịch nước cũng như thủ tướng chính phủ đều do Đảng cử, sự chia chác quyền hành chỉ giữa 2 phái Tổng Bí thư Lãnh đạo và Thủ tướng Cầm quyền, thì với tư cách gì Chủ tịch nước có thể mãn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng được? Rút cục bản Hiến pháp được sửa đổi cũng sẽ chỉ là một bản khế ước phân chia quyền hành giữa những phe phái trong Đảng với nhau.

2) Chủ tịch nước có thẩm quyền bãi bỏ văn bản của chính phủ, thủ tướng chính phủ, trái với lệnh và quyết định của Chủ tịch nước

Chỉ trong một nước theo Tổng thống chế như ở Mỹ, 3 quyền Lập pháp (Thượng viện, Hạ viện), Hành pháp (Chủ tịch nước được dân bầu trực tiếp), Tư pháp (gồm những thẩm phán cũng được dân bầu) đều độc lập với nhau, thì Chủ tịch nước mới có đủ thẩm quyền bãi bỏ văn bản của thủ tướng (nếu trong thể chế có chức vị này) khi thấy văn bản này trái với lệnh và quyết định của Chủ tịch nước. Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, không nói gì đến chuyện phải phân lập tam quyền theo lá phiếu của người dân, và Chủ tịch nước cũng như Thủ tướng cũng đều chỉ là những người được Đảng (tức là 2 phe phái trong Đảng đồng thuận với nhau) cử, thì CT nước lấy tư cách gì có thể bãi bỏ văn bản của người "đồng sự" là Thủ tướng?

3) Chủ tịch có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ

Tham dự các phiên họp của chính phủ là đương nhiên vì chức vụ Chủ tịch nước nằm trong Hành pháp. Nhưng trong một nước theo Tổng thống chế hay bán Tổng thống chế , Chủ tịch nước là người cao nhất trong Hành pháp, phải là người chủ tọa, điều khiển các phiên họp của chính phủ chứ không phải chỉ tham dự, nghĩa là chỉ đứng "dựa cột mà nghe" !

4) Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm mãn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa Án Nhân dân Tối cao

Đây là một vi phạm tính cách độc lập của Tư pháp: Ở Mỹ các thẩm phán thành viên của Tòa án Tối cao được bổ nhiệm suốt đời cho đến khi chết và chỉ bị thay thế khi tự ý từ chức. Nhờ vậy Tòa Án Tối cao mới giữ được độc lập mỗi khi có thay đổi Tổng thống hay thay đổi đảng cầm quyền.

5) Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Đây là điểm quan trọng nhất trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và có tính cách thời sự trong sự phân chia quyền hành giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bản dự thảo Hiến Pháp muốn phỏng theo những thể chế bán Tổng thống, giành cho Tổng thống quyền ngoại giao (gồm cả quyền đàm phán với các nước ngoài về kinh tế và tài chính) và quốc phòng mà tổng thống được coi là tổng tham mưu trưởng. Vấn đề là cái chức vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh sẽ chỉ là một hư vị khi các tướng lãnh Quân đội và Công an đã đều nằm dưới trướng ngài thủ tướng hiện thời và "An ninh" chỉ có nghĩa là ổn định chính trị, "Quốc phòng" chỉ có nghĩa là mọi chóp bu trong Đảng đều đồng thuận bảo vệ cho được 16 chữ vàng.

Kết luận

Khác với mọi chế độ cộng sản trên thế giới chỉ là những chế độ "Độc đảng cá nhân trị" có một thủ lãnh đứng đầu, chế độ CSVN là "Độc đảng Hai phái trị", không có thủ lãnh mà chỉ có 2 phái chia nhau quyền hành và quyền lợi là phái "Đảng Lãnh đạo" và phái "Đảng cầm quyền". Chính tình trạng một đảng 2 phái đã khiến ĐCSVN không thể đổi mới được như ĐCSTQ với Mao, Đặng, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, có đủ bản lãnh thống nhất và lãnh đạo Đảng hay như đảng Nước Nga Thống nhất - chỉ là biến thân của ĐCSLX - với Putin. Sau Hội nghị Trung Ương 6, Phái "Lãnh đạo" của TBT Nguyễn Phú Trọng đã bị hoàn toàn lép vế, có triển vọng sẽ bị tiêu diệt hay trở thành một đảng cường hào địa phương, và TT Nguyễn Tấn Dũng có cơ trở thành một Putin Việt Nam với tâm địa Beria. Có nhiều người nghĩ là chỉ khi ĐCSVN trở thành một đảng bình thường như mọi đảng CS còn lại, hay như những đảng độc tài khác trên thế giới - là một đảng thuần nhất chỉ có một lãnh tụ -, thì chế độ mới có thể chuyển biến được. Tất nhiên là chả ai mong một người nửa Putin nửa Beria như Nguyễn Tấn Dũng nắm mọi quyền hành và có nhiều người đặt hi vọng ở nhân vật thứ 3 là Trương Tấn Sang. Muốn vậy những người thức thời trong ĐCSVN phải nhân dịp sửa đổi Hiến Pháp, đòi cắt bỏ cho bằng được cái dây thòng lọng đang thắt cổ Đảng là Điều 4 Hiến Pháp. Làm như vậy là cứu Đảng chứ không phải là giúp Đảng tự sát. Bỏ điều 4 là đem lại cho ĐCSVN cương vị 1 đảng cầm quyền và tạo cho Đảng, cho nước một lãnh đạo qua một cuộc phổ thông đầu phiếu để người dân được trực tiếp bầu Chủ tịch nước. Chỉ như vậy chủ tịch nước mới có thể lôi cuốn được toàn đảng và có được hậu thuẫn của toàn dân, đủ sức đương đầu với những thế lực thù địch là Công an, Tổng cục 2, giới tài phiệt, tham nhũng... mà đầu nậu là bá quyền Trung Quốc.

Phong Uyên


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo