Dân - đảng - Dân Làm Báo

Dân - đảng

Trương Duy Nhất - Tôi tin bài chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc làm nức lòng hàng triệu con tim. Là người ngoài đảng, nhưng ông Quốc phân rạch được đâu là dân đâu là đảng, chỗ nào là trách nhiệm trước dân, chỗ nào là trách nhiệm trước đảng.

Câu hỏi, nhưng đã chính là trả lời: “Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đang nặng trách nhiệm với đảng, nhẹ trách nhiệm với dân?” 

Dường như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không phân rạch được điều này. Ông say sưa nói về trách nhiệm với đảng:

“… Gần suốt cuộc đời tôi theo đảng, cách mạng, dưới sự hoạt động trực tiếp của đảng, tôi không chạy, tôi cũng không xin, tôi không thoái thác nhiệm vụ gì mà đảng, nhà nước phân công. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc như đã làm trong suốt 51 năm qua.” 

Nghe Thủ tướng nói càng thấy đúng là ông chỉ nói về trách nhiệm trước đảng, về sự tận tụy, lòng trung thành với đảng mà không hề ý thức được trách nhiệm trước dân. Tôi có cảm giác dường như Thủ tướng nhầm lẫn quốc hội với đảng. Quốc hội là đại diện của dân, trả lời chất vấn trước quốc hội là trách nhiệm trước dân chứ không phải trách nhiệm trước đảng. 

Trách nhiệm trước dân luôn phải được đề cao và coi trọng hơn trách nhiệm trước đảng. Khác với các đảng khác, thậm chí cả các đảng Cộng sản khác, không chỉ chính quyền, đoàn thể mà đảng Cộng sản Việt Nam cũng ăn từ đồng thuế dân nuôi. Người ngoài đảng cũng phải đóng thuế nuôi đảng. Vì thế, không quan chức đảng viên nào được quyền đặt trách nhiệm, lợi ích đảng lên trên trách nhiệm và lợi ích của dân, với dân. Chính khách hàng nguyên thủ càng phải ý thức, phân rạch rõ điều này. 

Một bạn đọc ký tên Hoàng Nguyễn viết một còm khá hay: “Ông Quốc hỏi hay quá. Từ lâu nay đảng Cộng sản luôn tự cho mình là đại diện của nhân dân, nên (nhiều vị quen nghĩ) chỉ cần chịu trách nhiệm trước đảng là xong. Câu hỏi này không chỉ chỉ trích ông Dũng, mà còn tách biệt hai thứ. Suy cho cùng thì đảng Cộng sản chỉ là một đảng phái chính trị, nó không đại diện cho toàn bộ dân Viêt Nam này.” 

Một bạn đọc khác, Vĩ tuyến 17 viết: “Tôi không ở trong đảng nhưng chính phủ và Thủ tướng thì làm việc cho tôi là thằng dân đóng thuế. Cớ chi chính phủ lại (chỉ) chịu trách nhiện trước đảng mà không chịu trách nhiệm với chúng tôi là những người trả lương cho chính phủ và Thủ tướng?” 

Xem ra bài học vỡ lòng dân-đảng còn quá nhiều người chưa thuộc. 

Thậm chí cả cái cách viết chữ đảng nhiều người (nếu không muốn nói là hầu hết) đều luôn viết sai. Chữ đảng mà viết hoa thành Đảng là sai chính tả. Văn kiện viết sai, báo chí viết sai, nhà trường dạy sai, tất tật đều sai, sai mãi thành quen mà cứ tưởng thế là đúng. Giả trong các trường hợp cần viết hoa để tỏ sự trân trọng (như cách hiểu lâu nay) thì phải viết hoa cả chữ Dân lẫn chữ Đảng. Nhà báo lão thành Thái Duy (tức nhà văn Trần Đình Vân, tác giả tập ký “Sống như anh” một thời là quyển sách gối đầu giường cho lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam) từng căn dặn thế hệ cầm bút chúng tôi: Khi viết, không bao giờ mình cho phép đảng đứng trước dân. Trong khi tất thảy các báo viết "ý Đảng lòng dân" (chữ Đảng viết hoa, chữ dân viết thường), thì ông luôn viết "lòng Dân ý Đảng". Ông nói: Dân cũng phải viết hoa, và phải đứng trước, đứng trên đảng! 

Nguyên tắc này được báo Đại Đoàn Kết giữ mãi qua hai triều Tổng Biên tập (Nguyễn Ngọc Thạch và Lê Quang Cảnh). Sau này, dưới các triều TBT khác, đã không giữ được, lại tự kẻ hoa chữ đảng, đẩy đuổi chữ dân ra sau đảng. Theo tôi biết thì do tự báo làm chứ chẳng ai, chẳng ngài nào nhắc bảo cả. Mấy lần tôi nhắc bảo thế là không nên nhưng chẳng ai nghe. 

Học ông, nghe ông, chưa bao giờ, chưa bài nào tôi viết hoa chữ đảng. 

Quan hệ, trách nhiệm và ý thức dân- đảng nhiều khi chẳng xa xôi to tát gì. Nó từ chính những câu chữ trả lời chất vấn của Thủ tướng, từ ngay cái lỗi chính tả về chữ đảng tưởng như nhỏ tí vậy. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo