Ông Bút (Danlambao) - Đọc những loạt bài về hộ chiếu đường lưỡi bò, chạnh nghĩ tới hộ chiếu nhà văn, nhà báo Nguyễn Hưng Quốc, và hộ chiếu của nhiều người khác, đến Việt Nam từ thế giới Tự Do, đã bị Cộng Sản đuổi về nước, lòng cảm mối u hoài: Một con dân của tổ tiên Việt Nam, hộ chiếu không in hình lưỡi bò thì bị đuổi, còn bọn Tàu lại ngông nghênh ra vào đất nước, với hộ chiếu mà bất kể ai mới nhìn đã thấy hận thù, hết sức trớ trêu!...
*
Nhân việc làm kỹ thuật: Layout, design, đánh máy cho một tờ đặc san xuân Quý Tỵ, Ban biên tập gởi đến tôi, một bài viết của nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, tựa đề: Ba tôi. Trong bài này tác giả, diễn tả tình cha con rất thắm thiết, ngoài khung cảnh đời thường, cha con nào không thương nhớ nhau, trong cách trở, từ Úc tới Việt Nam, sau bao năm dài biền biệt. Thân mẫu ông NHQ, đã qua đời hơn mười năm, chỉ còn người cha già 93 tuổi, đang ở với người con út, tại Việt Nam, hình ảnh ông cụ thân sinh NHQ, cũng hao hao giống mọi người cha khác, thương con bằng hành động săn sóc, lo lắng cho con cái, nhường miếng ăn cho con, khi chính bụng mình chưa được no. Thân phụ NHQ, người ít nói, thậm chí còn vụng trong khoa diễn đạt, mỗi lần cha con trên phone, ông cụ chỉ nói được mỗi một câu: "Ba nhớ con lắm" chỉ bốn tiếng đó thôi, nhưng lòng thương nhớ bao lung, như trời cao, biển rộng, kèm theo nỗi đợi chờ con về, đến nao lòng.
Bài văn ghi lại trong một đoạn ngắn, thời điểm năm 2005, ông NHQ, đưa đoàn sinh viên, từ Úc đến Việt Nam nghiên cứu, trước khi đi, ông ta có điện thoại cho ba của mình, biết lộ trình: Khi nào tới Hà Nội, khi nào Sài Gòn, hẹn ba đón con giờ này... tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khoảng cách từ cú điện thoại tới giờ mơ ước đoàn viên, không lâu lắc, nhưng hẳn trong lòng người đợi mong dài thăm thẳm, người cha hằng tưởng tượng, ôm được hình hài đứa con mình trong lòng, vò cái đầu của nó, chắc sướng lắm đôi bàn tay, người con tha hồ tựa đầu vào ngực cha, thở hít...
Một người cha vốn ít nói, nhưng trước tin vui, ông lại "tíu tít" chỉ hai chữ tíu tít, nhưng người đọc có thể thấy được niềm vui, chung quanh một ông cụ 93 tuổi, cả trời đều vui, vui lây tới ghế bàn, giường tủ cũng như reo mừng. Nhưng không! Máy bay đáp xuống, vừa chạm đường băng, phải cất cánh ngay lập tức! Chính quyền CSVN, đuổi Nguyễn Hưng Quốc, không được đến Việt Nam. Nghe tin này thoạt tiên ông cụ ngạc nhiên, giận dữ, rồi lòng chùng xuống, một tia hy vọng bừng lên, ông cụ khuyên người con, như thời còn bé dại:
“Con thử năn nỉ mấy ổng xem sao. Con nói con đâu có làm chính trị. Ông Nguyễn Cao Kỳ mà còn về Việt Nam được mà! Con lại nói với mấy ổng đi!” Đọc câu này, tôi ứa nước mắt và chợt nghĩ còn bao mảnh tình nhiệt ngã nữa, chắc nhiều lắm như ông NHQ, làm sao mình biết hết được? Tôi cảm thấy xấu hổ, so mình với ông NHQ và nhiều trường hợp kém may mắn khác, cũng trên con đường tranh đấu chống Cộng Sản tham tàn, độc tài.
Dĩ nhiên không thể so sánh văn tài, đức độ. NHQ người đàn anh, dù có thể tuổi ông ta ít hơn, song nghề nghiệp, đâu có ai luận tuổi tác, NHQ đã đi trước trên đường truyền thông, báo chí, với những luận cứ nhẹ nhàng, sắc bén. CSVN đuổi NHQ đã chứng tỏ ông ta đã có bề dày và trọng lượng văn nghiệp. Nhưng khía cạnh gia đình có thể đem so sánh:
Cha tôi mất sớm, khi mới 56 tuổi, đơn vị cho phép, từ Cần Thơ về tới Hội An, lễ an táng đã qua mất bốn ngày, tôi chỉ còn mẹ. Cuộc sống cơ cực, mẹ nhọc nhằn theo con, kể sao xiết nỗi tình, vài năm trước tôi về thăm mẹ, diễm phúc lần sau cùng, tôi được tắm cho bà, được kỳ cọ trên làn da nhăn nheo, tự cầm chiếc bàn chải giặt bộ đồ, chà xát trên tấm đanh, được hai tuần lễ quấn quít bên mẹ. Lần về này tôi nói trước với anh chị em trong nhà, sau này mẹ mất tôi không về. Về VN nhằm lúc mùa hoa anh đào nỡ rộ, năm sau cũng mùa hoa nỡ, mẹ tôi không còn... hoa thắm cả trời, lòng riêng cứ buồn xót xa!
Đọc bài NHQ, tôi biết anh không gặp được người cha của mình, điều ngoài ý muốn, nhưng ngẫm nghĩ, tôi thấy xấu hổ với anh, điều ấy không rõ rệt lắm, nhưng thật sự xấu hổ, giống như tôi đã ngửa tay nhận từ kẻ thù một ân huệ. Nhưng bù lại tôi thề không về nữa, khi chế độ Cộng Sản, còn ngự trị trên quê hương. Thực hiện lời thề không khó, nhưng áy náy lương tâm không dứt, tôi từng mắng tôi rằng "Thề thốt làm gì, mầy hưởng no nê một ân huệ". Khi đọc bài NHQ lương tâm tôi thốt lên lời đay nghiến đó.
Hôm qua đọc một loạt bài nói về hộ chiếu đường lưỡi bò. (HCĐDLB) Thế giới này chẳng ai lạ gì tâm địa tham lam của Trung Quốc, Việt Nam lại quá quen và thuộc làu nữa đằng khác. Nhưng vẫn ngỡ ngàng, qua bài viết của: Tâm Sự Y Giáo, tựa đề: Trung Quốc đã phát hành hộ chiếu lưỡi bò đã hơn nửa năm nay rồi, bài nêu ra 4 điểm rõ rệt:
Điểm 1: Tin tức hộ chiếu mà chúng ta biết, nhờ hãng thống tấn nước ngoài, hãng Reuters! Sáu tháng qua chúng ta không biết, và tiếp tục không biết, nếu Reuters vẫn im lặng.
Điểm 2: 6 tháng qua người TQ cầm HCĐLB vào nước ta như chốn không người, (đúng là đất nước chưa có "chính chủ")
Điểm 3: Bài báo nêu danh tánh, cùng hàng chục cửa khẩu VN - TQ, nhưng chỉ có Lào Cai và Móng Cái có biện pháp đối phó, còn lại 44 cửa khẩu "khoanh tay đứng nhìn" (phải nói chắp tay bái nhìn đúng hơn)
Điểm 4: Nêu lên hành động bị động của nhà nước, trước tấm HCĐLB.
Đọc những loạt bài về hộ chiếu đường lưỡi bò, chạnh nghĩ tới hộ chiếu nhà văn, nhà báo Nguyễn Hưng Quốc, và hộ chiếu của nhiều người khác, đến Việt Nam từ thế giới Tự Do, đã bị Cộng Sản đuổi về nước, lòng cảm mối u hoài: Một con dân của tổ tiên Việt Nam, hộ chiếu không in hình lưỡi bò thì bị đuổi, còn bọn Tàu lại ngông nghênh ra vào đất nước, với hộ chiếu mà bất kể ai mới nhìn đã thấy hận thù, hết sức trớ trêu!
Đến đây tôi nãy ra một "sáng kiến" rất ngu: Hay là ông Hưng Quốc và nhiều người khác, từng bị đuổi, đề nghị với nước sở tại (Úc, Pháp, Canada, Hoa Kỳ v.v...) in hình cái lưỡi bò lên hộ chiếu, khi đó tha hồ vào 44 cửa khẩu, tụi Cộng Sản Việt Nam, sẽ khoanh tay đứng nhìn?! Kệ mẹ nó, xài xong vứt sọt rác, ngứa ngáy gì a? Nói thế chứ khó lắm, vất sọt rác, lương tâm còn mãi thổn thức, vì chẳng lẽ mình quên ơn cái lưỡi bò? Mà đành đoạn nhớ ơn nó, mình chẳng còn là người!
Ôi mẹ, cha Việt Nam, những mảnh tình ray rức khôn nguôi.!