Vũ Đông Hà (Danlambao) - Ngày 12 tháng 11, 2012 người dân VN biết đến cái chết của cụ bà Hà Thị Nhung. Người dân cùng biết cụ Nhung năm nay 76 tuổi, quê tại thôn 6, Xuân Thành, Thọ Xuân, Thanh Hóa đã tử vong tại vườn hoa Lý Tự Trọng, Tây Hồ, Hà Nội. Nhưng người dân nghĩ cụ chết như thế nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thông tin tiếp cận. Tương tự như vậy cho trường hợp của sinh viên Nguyễn Thiện Thành - đầu mối của "vụ án" Nguyễn Phương Uyên.
Một dân oan - hai cái chết
Cụ bị chết vị già cả. Và bị cảm. Vì thế, cụ đột ngột tử vong ngay tại vườn hoa. Tất cả người dân VN đều có thể đọc tin này từ bản tin của TTXVN - Hà Nội: Một bà cụ đột ngột tử vong ngay tại vườn hoa.
Cũng vào ngày 12 tháng 11, 2012 một thiểu số người trong số gần 90 triệu dân trèo tường lửa vào một số trang mạng độc lập của lề Dân và biết được, biết trước khi tiếng nói chính thức của nhà nước lên tiếng - có một bà cụ bị công an lôi kéo, nằm gục xuống ngất xỉu, rồi chết ngay sau đó. Cụ bà này cũng có tên là Hà Thị Nhung.
Từ tiếng nói chính thức của chính phủ Việt Nam là TTXVN người dân "biết" được - theo công an Hà Nội: "bà đã đến vườn hoa Lý Tự Trọng và gặp một số người, nhưng bà không hề làm mất trật tự, không dăng biểu ngữ khiếu kiện và việc này cũng được nhiều người xác nhận. Sau khi đến vườn hoa khoảng 15 phút thì bà Nhung bị ngất xỉu. Người dân xung quanh tiến hành giúp đỡ và gọi cấp cứu 115 đến cứu chữa nhưng bà Nhung đã chết vào lúc 8 giờ 30 phút... Công an Hà Nội khẳng định nguyên nhân cái
chết của bà Nhung là do bà tuổi cao, cộng thêm việc bà bị cảm."
Từ các trang mạng phía bên kia bức tường lửa của công an, những người biết trèo tường vượt lửa không những đọc mà còn nghe rõ những nhân chứng có tên tuổi, địa chỉ cư trú trình bày sự việc: cụ bà Hà Thị Nhung chỉ có nguyện vọng duy nhất là được nhà nước giải quyết các đơn thư nói về tình trạng oan khuất suốt bao nhiêu năm khiếu nại của mình. Nhưng vì nạn tham nhũng tiêu cực của các quan chức địa phương đã đẩy bà rơi vào tình cảnh phải đi ‘xin ăn’. Bà cụ đã từng cống hiến cho chế độ suốt 30 năm, từng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì, cuối cùng với mong muốn được Quốc hội đang nhóm họp lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, bà đã phải cùng với những dân oan khác căng biểu ngữ chống tham nhũng. Nguyện vọng của bà đã được đáp ứng bởi hành động côn đồ của công an sắc phục và bà 76 tuổi đã qua đời khi bị công an lôi kéo bà đi.
Hai nguồn tin này đều có một đối tượng có tên gọi là "bạn đọc".
Những bạn đọc có sự quan tâm, có khả năng vượt tường lửa để tiếp cận thêm với những nguồn thông tin không phải là tiếng nói "chính thức", "bán chính thức", "giả dạng", không phải chỉ "theo Công an Hà Nội," thì các bạn đọc này có được một cơ hội gọi là "lượng giá thông tin và tự mình phán xét" những nguồn thông tin khác nhau về cái chết của cụ Nhung.
Ngược lại, có hàng triệu người khác chỉ biết tiếp cận với nguồn thông tin "mở cửa - không tường - không lửa nhưng nhiều chỉ đạo lẫn kéo và dao" của đảng và nhà nước. Những người này sẽ nhận thức ra sao về những sự việc đang xảy ra tại vườn hoa Lý Tự Trọng và từ đó đối với thảm trạng Dân Oan Việt Nam? Câu trả lời chỉ có mỗi cá nhân mới biết chính xác.
Tuy nhiên, cái chết thương tâm của cụ bà Hà Thị Nhung dù có được nhìn qua 2 lăng kính khác nhau nhưng ít ra nó rõ ràng tách bạch trắng đen - một bên là từ nguồn thông tin chính thức, từ tiếng nói của đảng và nhà nước (lề đảng) - bên kia là từ người dân, từ những nhà báo, blogger độc lập (lề Dân).
Một sinh viên - hai chuyên án
Sang đến câu chuyện "một sinh viên hai chuyên án" thì vấn đề trở nên "xám" hơn.
Trong bài "Điệp viên Công An Nguyễn Thiện Thành và Tuổi Trẻ Yêu Nước", tác giả ký tên Câu Lạc Bộ Kháng Chiến viết:
"Sau khi công an biết được có một nhóm bạn trẻ có tên Tuổi Trẻ Yêu Nước được thành lập và sinh hoạt tại quốc nội, Nguyễn Thiện Thành (không phải tên thật) được công an gài vào Paltalk để liên lạc và xin gia nhập vào nhóm bạn trẻ nầy. Vì là một người ở quốc nội lại có tinh thần yêu nước và ăn nói rất "chống Trung Quốc" nên chiếm được lòng tin của mọi người, Thành đã nhanh chóng "thành công" trong việc gia nhập và tiếp xúc với nhóm TTYN nầy.
Thành sinh năm 1985 (không phải 1989), vì muốn tiếp xúc với Nguyễn Phương Uyên, Thành được công an bố trí cài vào làm sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh nơi Uyên đang học. Cùng thời gian nầy Thành cũng gặp được nhiều bạn trẻ khác mà tiêu biểu là Trần Vũ Anh Bình và Đinh Nguyên Kha..."
Trong khi đó, bài báo "Bài học cho những người nông nổi" đăng trên Công An Tp HCM:
"Khoảng tháng 4-2012, Đinh Nguyên Kha vào trang mạng xã hội Facebook kết bạn với Nguyễn Thiện Thành. Thành và Kha thường xuyên trao đổi những nội dung liên quan đến tình hình Việt Nam. Tên Thành giới thiệu về những hoạt động chống phá chính quyền và cho biết mình bị công an phát hiện, bắt giữ và đã trốn sang Thái Lan. Quá trình trao đổi, tên Thành móc nối Kha tham gia tổ chức “Tuổi trẻ yêu nước” và Kha đã tham gia.
Nguyễn Phương Uyên cũng quen biết Nguyễn Thiện Thành qua yahoo.messenger khoảng đầu tháng 5-2012.
Để thực hiện kế hoạch rải truyền đơn có nội dung kích động chống Đảng và Nhà nước vào dịp xét xử hai nhạc sỹ tham gia tổ chức “Tuổi trẻ yêu nước” tháng 10-2012, tên Thành lên kế hoạch rồi giới thiệu Kha với Uyên để phối hợp hành động."
Nếu cụ bà Hà Thị Nhung được công an "cho chết" khác với nguyên nhân từ trần thật sự của cụ, cũng như những gì đã xảy ra trước khi cụ bị ngất xỉu, thì Nguyễn Thiện Thành cũng được "cho thành" 2 con người khác nhau, cùng những quan hệ khác nhau với các bạn sinh viên đang từ bị bắt cóc chuyển sang bắt giam.
Có thể tóm lại những điểm căn bản từ "chuyên án Câu lạc bộ kháng chiến" (tạm viết tắt là chuyên án 1 - CA1) và những khác biệt của chuyên án này với "chuyên án công an" (tạm viết tắt là chuyên án CA2):
1. CA1: Nhóm TTYN đã có sẵn và Thành xin gia nhập nhóm này qua môi trường Paltalk.
2. CA1: Sau khi gia nhập TTYN, công an bố trí Thành vào ĐHCNTP vì muốn tiếp xúc với Nguyễn Phương Uyên.
3. CA1: Thành tiếp xúc với Phương Uyên tại trường ĐHCNTP thay vì (như CA2) từ Thái qua yahoo.messenger vào tháng 5, 2012.
4. Trong thời gian ở trường ĐHCNTP, Thành tiếp xúc với Kha thay vì (như CA2) Kha vào trang mạng xã hội Facebook kết bạn với Thành khi Thành đã sang Thái.
5. Theo CA1, (điệp viên công an) Thành quen biết Uyên và Kha ngay trong trường đại học và theo CA2, 3 người này không quen biết nhau và chỉ tiếp xúc qua mạng lúc Thành đã qua Thái.
5. Theo CA1, (điệp viên công an) Thành quen biết Uyên và Kha ngay trong trường đại học và theo CA2, 3 người này không quen biết nhau và chỉ tiếp xúc qua mạng lúc Thành đã qua Thái.
Đối với đa phần người dân Việt không truy cập lề Dân và nếu có quan tâm đến vụ việc Nguyễn Phương Uyên thì họ chỉ có cơ hội biết đến vụ việc qua chuyên án chính thức từ an ninh - CA2 được đăng tải rầm rộ trên các báo lề đảng. Chuyên án CA2 này mong muốn gieo vào đầu người đọc những ấn tượng và kết luận gì về sinh viên yêu nước? Chỉ có những người đọc mới có câu trả lời chính xác nhất. Nhưng chúng ta có thể dùng những kết tội sau đó của an ninh, được đăng tải khắp nơi trên hệ thống truyền thông của đảng, được tiếp tay ném đá vào các sinh viên yêu nước bởi một số các thành phần "độc giả" để có thể thấy được phần nào mục tiêu "định hướng dư luận" của họ: "Những việc làm này đều nhằm mục đích lấy lòng tên Thành để hắn cho máy laptop, điện thoại và hỗ trợ học (tiền, công việc)."
Đối với thiểu số người dân có cơ hội tiếp cận thông tin đa chiều thì có đến 2 chuyên án: CA1 và CA2. (Và cũng không phải ai cũng đọc hết cả 2 chuyên án này).
Trong thông tin về cái chết của cụ bà Hà Thị Nhung, phiên bản của TTXVN nói rõ là theo công an... và phiên bản của lề Dân đến từ những thông tin và nhân chứng có thật tại hiện trường.
Ngược lại, đối với vụ việc các bạn trẻ Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Thiện Thành, chuyên án của an ninh CA2 rõ ràng từ nguồn chính thức của an ninh; nhưng những thông tin Nguyễn Thiện Thành là điệp viên công an cài cắm từ bài viết "Điệp viên Công An Nguyễn Thiện Thành và Tuổi Trẻ Yêu Nước" của tác giả ký tên Câu Lạc Bộ Kháng Chiến thì từ đâu ra?
Ngược lại, đối với vụ việc các bạn trẻ Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Thiện Thành, chuyên án của an ninh CA2 rõ ràng từ nguồn chính thức của an ninh; nhưng những thông tin Nguyễn Thiện Thành là điệp viên công an cài cắm từ bài viết "Điệp viên Công An Nguyễn Thiện Thành và Tuổi Trẻ Yêu Nước" của tác giả ký tên Câu Lạc Bộ Kháng Chiến thì từ đâu ra?
Sẽ khó mà có một câu trả lời chính xác, có bằng chứng 100%. Câu trả lời cũng tùy thuộc vào sự quan tâm, nhận xét, suy đoán và vị trí của cá nhân người tiếp cận thông tin. Nhưng câu trả lời và thái độ sau đó, dù chỉ thể hiện qua một phản hồi trên mạng, sẽ có tác động đến hình ảnh và uy tín của những người trẻ yêu nước này. Do đó, câu hỏi quan trọng hơn mà mỗi người cần đặt ra và tìm câu trả lời: mục tiêu của những phương án này là gì?
Trước khi kết thúc bài viết, xin gửi đến mọi người vài thông tin và hình ảnh:
- Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha hiện vẫn còn bị giam tại Long An, chưa chuyển về số 4 Phan Đăng Lưu.
- Tình hình tại 2 trường đại học Long An & Công Nghệ Thực Phẩm hiện nay rất phức tạp, tất cả đang bị phong tỏa và theo dõi bởi công an mật vụ. Một sinh viên đang học và trước đây không biết gì về những sinh hoạt của Phương Uyên cũng phải quan tâm và cho biết ngay cả các cô chú bác bán hàng rong hàng ngày không như lúc trước nữa, bây giờ những người đó đã thay đổi người bán họ là công an mật vụ rồi, mỗi khi chúng em ra mua cơm và nước giải khát thì họ tìm mọi cách bắt chuyện về tình hình sinh viên biến động và họ nói về dạo này trên internet có nhiều tin quá, các em biết gì không v.v...
- Theo một sinh viên khác thì "người ta" đang đánh nhóm TTYN với những tin tức nói bạn Nguyễn Thiện Thành là công an với mục tiêu để các bạn sinh viên hoang mang, nghi ngờ và chia rẽ nhau. Trong trường đại học hôm nay, không khí hoang mang bao trùm, đôi khi nhìn bạn bè sinh viên chung quanh mà cứ lo nghĩ sợ rằng người đó là an ninh.
- Hình của Nguyễn Thiện Thành thời học trung học với các bạn ngày hôm nay:
- và những giòng thơ rất học trò của cô sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên viết khoảng 2 tháng trước khi bị bắt cóc.