Bộ trưởng Y tế: Chưa thể tăng chất lượng khám chữa bệnh
Bảo Linh (VTC News) - Đồng tình với việc tăng viện phí, giá thuốc nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại cho rằng chất lượng khám chữa bệnh không thể tăng một sớm một chiều.
Công ty dược bắt tay bác sĩ kê biệt dược
Trong phiên chất vấn trước Quốc hội diễn ra vào chiều hôm nay (13/11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được rất nhiều câu hỏi từ đại biểu.
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) là người đầu tiên đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Đại biểu thắc mắc về quy định mức trần khám chữa bệnh cho tuyến dưới mà không quy định cho tuyến trên, gây quá tải tuyến trên. Bên cạnh đó đại biểu còn nêu nghịch lý, giá thuốc đấu thầu ở bệnh viện cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: Bất cập giá thuốc là một thực trạng, phản ánh của đại biểu về giá chênh lệch giữa kết quả đấu thầu giá thuốc giữa bệnh viện và thị trường 10-15% hoặc hơn thế là chính xác.
Nguyên nhân là do thuốc lòng vòng qua các tầng lớp trung gian, công ty dược bắt tay với bác sĩ kê đơn các biệt dược, thuốc không cần thiết để ăn hoa hồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn
Nguyên nhân được Bộ trưởng giải thích cơ bản vẫn là do quản lý nhà nước, thông tư 10/2007 có kẽ hở như không chia thuốc theo nguồn gốc thuốc (châu Âu, Mỹ thì khác với châu Á) nên trong quá trình đấu thầu có thuốc Trung Quốc nhưng giá lại của Mỹ. Thông tư cũng không quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá thuốc kê khai.
Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn thừa nhận, các giải pháp dù khá mạnh dạn nhưng vẫn chưa phải là đột phá vì vẫn không minh bạch được mọi khâu.
Tương lai luật dược đang xây dựng hướng tới quy định thuốc là mặt hàng thiết yếu cũng như xăng dầu cần phải có bộ chuyên ngành quản lý giá (Bộ Tài chính) đảm nhiệm.
60& thuốc y học cổ truyền không đạt chất lượng
Các đại biểu Huỳnh Tấn Dương (Hải Dương), đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) lại chất vấn về giá thuốc, tình trạng thuốc đông y bị làm giả, tình trạng nhập thuốc để chế... ma túy đá.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tiến giải đáp: Hiện nay thuốc y học cổ truyền có tới 60% không đạt chất lượng theo dược điển. Mảng này là mảng hở, từ giai đoạn nuôi trồng tới lưu thông, phân phối, xử lý sao tẩm.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, còn một lượng lớn đông dược nhập khẩu mà Bộ Công thương kiểm soát.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) lại lo lắng về thông tin vừa qua lượng nhập khẩu hợp chất PSE để sản xuất thuốc trị cảm cúm tăng cao bất thường đi kèm với hiện tượng ma túy đá bùng phát, xuất hiện tràn lan ngoài thị trường. Hợp chất này cũng là nguyên liệu để chế ma túy đá.
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Y tế: "Sao không có bệnh dịch đột biến mà lại cấp phép nhập thuốc lớn bất thường như vậy?".
Bộ trưởng đồng ý với phân tích của đại biểu về nguy cơ tiền chất PSE để sản xuất thuốc cảm cúm có thể bị lợi dụng để chế biến thành ma túy đá.
Bộ trưởng Tiến cung cấp thêm thông tin: Vừa qua, lực lượng Công an đã phá một số vụ án ở Nghệ An, Thanh Hóa, thu gom được lượng lớn thuốc cảm cúm với tiền chất này để chế ma túy đá.
Chất lượng khám chữa bệnh chưa thể tăng
Liên quan đến những chất vấn của đại biểu về vấn đề tăng giá viện phí, dịch vụ y tế, Bộ trưởng Tiến nhận xét đây là sự thay đổi cần thiết.
Nhiều năm qua, mức lương đã tăng 8-7 lần, thu nhập bình quân của người dân đã nâng từ mức vài triệu đồng giờ đã hơn 1000 USD/năm, trượt giá cũng tới 34% mà giá viện phí vẫn không đổi.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế trong 3 nhiệm kỳ qua đều trình đề án tăng viện phí nhưng 8 lần đề nghị đều không được ủng hộ, cho tới vừa qua.
Bộ trưởng khẳng định: "Tăng giá, người bệnh được lợi vì chất lượng khám chữa bệnh cải thiện, người nghèo được trợ giúp nhiều hơn, ngành y tế cũng hạn chế được tiêu cực".
Tuy nhiên, tăng giá viện phí, tăng giá thuốc nhưng Bộ trưởng lại cho rằng chất lượng khám chữa bệnh phải từ từ, cải thiện dần từng bước, chứ không thể tăng trong một sớm một chiều.