Trần Đắng (Danlambao) - Lãnh đạo CS VN tự hào mình là “đỉnh cao trí tuệ nhân loại”, nhưng họ làm trái với một lương thức trung bình. Hạng có học chút đỉnh không làm như họ, và không chịu nổi họ. Vừa tự kiêu ta là “đỉnh cao”, họ vừa có hành vi như con nít: Nghe khen thì thích, nghe chê thì bỏ tù người phát ngôn, dẫn đến thực trạng là không có đối lập, chính trị chỉ có một màu sắc, tức độc tài. CS mà mở mồm ra, lúc nào cũng là: “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta...”! Họ không biết chấp nhận lời phê bình như một người lớn trưởng thành. Vụ bắt tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và hàng loạt các blogger cho thấy não trạng chưa trưởng thành của họ. Chúng tôi xin kể ra đây vài danh nhân và cách họ đối nhân xử thế khi bị phê bình để thấy CSVN thấp như vịt trong các vụ án chính trị như thế nào.
Thứ nhất là “Vạn thế sư biểu” (thầy dạy muôn đời) Khổng Tử. Ông nói: “Khâu (tên của ông) này may mắn. Khi có lỗi, người khác chỉ ra ngay”. Ông khiêm tốn đến mức vô ngã, không tự cho mình là chân lý. Ông còn nói: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư” (Trong ba người cùng đi, tất có một người đáng làm thầy ta). Ông sẽ chọn người tốt, giỏi mà học theo; lại chọn người xấu, tiểu nhân mà tránh xa, không theo thói xấu của họ. Như thế, ông học mọi người, và ông lúc nào cũng học cả. Thật khác xa CSVN.
Truyện thứ hai có tựa là Can Gì Mà Phá Đi trích từ Cổ Học Tinh Hoa:
Dân nước Trịnh thường hay đến trường học thôn quê để nghị luận những chính sách hay dở của quan liêu.
Nhiên Minh bảo Tử Sản rằng: “Tôi định phá hết cả các trường thôn quê, ông tính sao?”
Tử Sản nói: “Để chứ. Phá đi làm gì? Dân sự người ta sớm tối đến chơi trường học để nghị luận điều phải điều trái của quan liêu làm. Cái gì người ta cho là dở, ta liệu mà đổi đi. Những kẻ nghị luận ấy tức là những ông thầy của ta. Can gì mà phá trường học.
Vả chăng, tôi nghe nói hết lòng làm điều phải, thì mới đỡ được người ta oán trách mình. Tôi chưa từng nghe nói: chỉ nạt nộ ra oai, mà tuyệt được hết sự oán trách của người. Cũng như phải đắp đê mà giữ nước, chớ bỏ đê đi, thì nước vỡ tứ tung, bao nhiêu người chết, không thể cứu lại được. Nay ta hẳn cứ để trường học, khiến thường được nghe những câu chê bai để làm thuốc chữa cho ta thì hơn”.
Nhiên Minh nghe Tử Sản xong, nói rằng: “Nay tôi mới biết ông là quan thầy đáng tôn vậy. Tôi thật là kẻ bất tài. Ông làm được như lời, thì chẳng những một đám chúng tôi được trông cậy mà cả nước cũng được nhờ vậy”.
Truyện vài danh nhân khác, trích từ cuốn Quẳng Gánh Lo Đi & Vui Sống của Dale Carnegie:
Nã Phá Luân khi bị đày cù lao St. Hèléne nói: “Ta sa cơ như vậy, chính lỗi tại ta chứ không tại ai hết. Ta đã là kẻ thù lớn nhất của ta, là nguyên nhân cái mạt vận của ta”.
Tôi xin kể bạn nghe chuyện một người mà tôi nhận có thiên tài về phương diện tu thân: Ông H. P. Howell. Ngày 31-7-1944, khi hay tin ông chết thình lình tại Sứ Thần Khách sạn ở Nữu Ước, tất cả những nhà doanh thương trên đường Wall Street đều như bị sét đánh, vì ông là một nhà tài chính quan trọng nhất ở Mỹ. Ông làm Hội trưởng Quốc gia Thương Mãi Ngân hàng và Tổ hợp Sản xuất Công ty, lại làm giám đốc nhiều nghiệp hội lớn nữa. Thiếu thời ông được học ít, bắt đầu làm trong một tiệm nhỏ ở nhà quê rồi sau giám đốc công ty U.S. Steel. Từ đó ông tiến dần lên đài vinh quang và uy quyền. Khi nghe tôi hỏi về nguyên nhân thành công, ông đáp: “Đã từ lâu, tôi chép trong một cuốn sổ hết thảy những cuộc hội họp về kinh doanh mà tôi đã dự. Người nhà tôi thu xếp cho tôi được rảnh tối thứ bảy, vì biết tôi bỏ ra một phần buổi tối để tự xét mình, soát lại và tự phê bình hành vi trong tuần lễ. Sau bữa cơm tối, tôi đóng cửa ngồi một mình, mở cuốn sổ rồi nhớ lại hết những cuộc hội đàm bàn cãi và hộp họp từ sáng thứ hai. Tôi tự nhủ: "Tuần này ta lầm lỡ trong bao nhiêu việc? Ta có làm được điều phải nào không và làm sao để tấn tới nữa?". Kinh nghiệm đó đã cho tôi những bài học. Lúc ngồi ôn lại những hành vi trong tuần, tôi thường thấy khổ sở lắm. Có khi tôi ngạc nhiên về những lỗi lầm nặng của tôi. Nhưng về sau mỗi ngày một bớt. Phương pháp tự xét mình, tiếp tục năm này qua năm khác, đã giúp ích cho tôi nhiều hơn hết thảy mọi việc.”
Có lẽ ông H. P. Howell đã bắt chước Benjamin Franklin. Duy Franklin không đợi tới tối thứ bảy mới xét mình. Mỗi đêm, ông nghiêm khắc soát lại những hành vi của ông. Rồi ông nhận thấy ông có tới 13 tật nặng, trong đó có ba tật này: bỏ phí thời giờ, quá thắc mắc về những chi tiết, hay cãi lý và chỉ trích kẻ khác. Ông hiểu rằng nếu không bỏ được ba tật ấy, không thể thành công lớn. Cho nên ông rán mỗi tuần thắng một tật và mỗi ngày ghi lại hành vi để xem lùi hay tiến. Rồi tuần sau, ông lại nắm cổ một tật xấu khác, xắn tay áo, sẵn sàng nhảy bổ vào vật nhau với nó. Ông chiến đấu với những tật của ông theo cách đó trên hai năm trời, không bỏ một tuần nào hết. Vậy ông có trở nên một người uy thế nhất và được thương yêu nhất ở Châu Mỹ từ trước tới nay, thiệt cũng chẳng lạ gì!
Xem các mẩu truyện trên, ta thấy các danh nhân dùng những lời phê bình để sửa mình, chứ không bỏ tù người chỉ trích. CS, trong lý thuyết của họ, cũng viết phủ định của họ là phủ định biện chứng, phủ định có kế thừa, chứ không phải bỏ đi toàn bộ. Nhưng trong đời thực, họ không phủ định có kế thừa mà là bỏ tù, là phủ định toàn bộ những người chỉ trích, không thấy các blogger là những người yêu nước, yêu dân, yêu chân lý. Không biết chấp nhận đối lập chính trị, phê bình, chỉ trích những cái yếu kém của đảng, của chính phủ là người có não trạng chưa trưởng thành.
VN 21-12-2012