Gần một triệu người Việt Nam thất nghiệp - Dân Làm Báo

Gần một triệu người Việt Nam thất nghiệp

BBC - Số liệu vừa được công bố của Tổng cục thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam có tổng cộng 984 nghìn người thất nghiệp và gần 1,37 triệu người thiếu việc làm. Đứng đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp là thành phố Hồ Chí Minh, ở mức 3,9%. Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và thủ đô Hà Nội lần lượt xếp vị trí thứ hai và ba. 

Cũng theo Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong những tháng đầu năm cao hơn so với những tháng cuối năm do các cơ sở sản xuất thường giãn việc vào đầu năm và đẩy mạnh sản xuất trở lại vào cuối năm. 

Trong thành phần người thất nghiệp, độ tuổi từ 15-24 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 46,8%. Trong đó 38,1% là ở khu vực thành thị và 56,2% ở khu vực nông thôn. 

Tỷ lệ thiếu việc làm từ 15-24 tuổi chiếm 24,2% tổng số người thiếu việc làm. 

Tỷ lệ thất nghiệp ở phái nữ cao hơn so với nam giới
Tuy nhiên con số này có xu hướng tăng lên so với năm 2011 và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn cao hơn khu vực thành thị. 

Cũng có sự khác biệt trong giới tính của người thất nghiệp. 

Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị chiếm 50,4% và số nữ chiếm 55,4% tổng số thất nghiệp trong quý 3 năm 2012. 

Khu vực nông thôn chiếm 84,4% và số nữ chiếm 43,2% tổng số người thiếu việc làm trong quý 3 năm 2012. 

Thiếu cân bằng 

Thống kê mới nhất cũng cho thấy Việt Nam vẫn là nước có phần lớn lao động sống bằng nghề nông, với 69,4% lực lượng lao động cả nước tập trung ở khu vực nông thôn, mặc dù lực lượng lao động khu vực thành thị đã tăng lên đáng kể trong ba thập kỷ qua. 

Tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam so với khu vực. (Nguồn: Viện nghiên cứu Brookings) 

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhất lại tập trung vào vùng miền núi và trung du phía Bắc, ở mức 84,3% và Tây Nguyên, 83,1%. 

Trong khi đó tại hai trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước, với đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao - Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này lại thấp nhất, lần lượt là 69,8% và 65,7%. 

Dù có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước, nhưng thành phố Hồ Chí Minh lại có cơ cấu kinh tế phát triển cao nhất, với 97,2% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, cách khá xa mức 75,6% của thành phố xếp thứ nhì, thủ đô Hà Nội. 

Tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động nhóm tuổi 15-24 và 55 tuổi trở lên tại thành thị thấp hơn khu vực nông thôn. Trong khi đó nhóm tuổi lao động chính 25-54 lại cao hơn nông thôn. 

Điều này được Tổng cục thống kê diễn giải là chứng tỏ người lao động ở khu vực thành thị tham gia vào lực lượng lao động
muộn hơn và ra khỏi lực lượng lao động sớm hơn so với người lao động ở khu vực nông thôn. 

Sự chênh lệch về phân bổ việc làm giữa giới tính cũng khá lớn khi tổng số lực lượng lao động là nữ giới thấp hơn nam giới đến 2,8%. 

Lao động của khu vực "có vốn đầu tư nước ngoài" và khu vực "Nhà nước" có xu hướng giảm dần qua các quý của năm 2012. Ngược lại, khu vực "ngoài nhà nước" lại tăng mạnh. 

'Chấp nhận thu nhập thấp' 


Phát triển kinh tế và hệ thống an sinh xã hội kém khiến người dân phải chấp nhận việc làm thu nhập thấp, bấp bênh. 

Mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam, theo Tổng cục thống kê là không cao. 

Mặc dù vậy, cũng theo cơ quan này, lý do cho tỷ lệ thất nghiệp thấp tại Việt Nam là do "trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, đời sống của người dân chưa cao, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển", bản báo cáo viết. 

"Điều này khiến người lao động không chịu được cảnh thất nghiệp lâu dài và phải chấp nhận làm công việc nào đó, thường là phi chính thức với mức thu nhập thấp, bếp bênh để nuôi sống bản thân và gia đình." 

Theo nghiên cứu của Viện Brookings có trụ sở tại Mỹ, nếu tính bằng chuẩn nghèo của Mỹ thì tính đến năm 2011 có 40% người Việt Nam sống dưới mức 2 đôla/ ngày và 70% sống dưới mức 5 đôla/ngày. 

Một báo cáo gần đây của Chính phủ Việt Nam đưa ra trong Hội nghị "Nhóm tư vấn các nhà Tài trợ" cho rằng thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam tăng trong những năm qua là do tăng giá tiền đồng trong bối cảnh mất cân bằng vĩ mô và lạm phát cao. 

Trong giai đoạn 2000 - 2007, mức tăng giá đồng nội tệ chỉ đóng góp 10% vào tăng thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên trong năm 2007 - 2011, mức này đã là 50%.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo