Giáo sư Carl J. Friedrich (1901-1984), một chuyên gia quốc tế người Mỹ về Hiến pháp (HP), từng xác định: "HP là một văn kiện nêu lên thể chế chính trị đặc biệt, không những để trình bày đặc tính của Quốc gia/Nhà nước, mà còn để giới hạn hành động của Chính quyền". Phó Giáo sư Phạm Duy Nghĩa (hiện là Chủ nhiệm khoa Luật, Đại học Kinh tế SG, và từng là học giả Fulbright, trường Luật Harvard, Hoa Kỳ), trong bài “Góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992”, cũng cùng một ý tương tự: “Trước hết, cần lưu ý HP là một khế ước của nhân dân lập ra để kiểm soát quyền lực nhà nước. HP viết ra để ràng buộc chính quyền chứ không phải để ban quyền cho người dân. Nhưng ở một số quốc gia, HP đã không được hiểu với ý nghĩa đó. Một số quốc gia sử dụng HP như cương lĩnh của nhà nước, của những người lãnh đạo; còn những quốc gia dân chủ, HP viết ra để trói buộc nhà cầm quyền.”
Hội nghị Trung ương lần thứ 5 của đảng CS (tức là Nhà cầm quyền VN), trong phiên họp từ 6 đến 15-5-2012, đã chính thức bàn đến chuyện sửa đổi HP hiện hành. Trong hội nghị này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến nội dung HP như hệ thống chính trị, tổ chức quyền lực, chế độ kinh tế, chính sách về tài nguyên... (x. BBC 15-05-2012). Từ đó đến nay, qua nhiều văn kiện khác, đặc biệt là diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (15-10-2012), những vấn đề quan trọng liên quan đến HP như vừa nói đã được nhắc lại với cùng lập trường cố hữu của đảng CS. Lập trường đó chính là Cương lĩnh đảng năm 1991 đã sửa đổi và bổ sung năm 2011 mà Dự thảo sửa đổi HP 1992 sẽ phải bám sát, như chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu lên trong trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban dự thảo ngày 8-8-2011 tại Hà Nội và còn nhắc lại mới đây hôm 23-11-2012, khi Nghị quyết của QH về lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi HP được thông qua (Thời gian lấy ý kiến này bắt đầu từ ngày 2-1 đến 31-3-2013).
Đọc lại Cương lĩnh và các văn kiện đảng "chỉ đạo" việc sửa đổi đó, người thấy ngay đảng CS chỉ cốt dùng HP làm cho quyền lực nhà nước ngày càng không bị kiểm soát, hành động chính quyền ngày càng không bị giới hạn, còn nhân dân thì tiếp tục sống trong tình trạng được thí ơn, ban quyền. Nói cách khác, đảng mưu đồ dùng Tân HP để duy trì độc tài chính trị, độc quyền kinh tế, độc hữu tài nguyên và cả độc tôn văn hóa.
1- Độc tài chính trị
Phần IV của Cương lĩnh xác quyết: “Đảng CSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc VN; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.... Đảng CSVN là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” Nghĩa là điều 4 HP sẽ được giữ lại. Ban Dự thảo đã bê gần như y nguyên câu này vào Điều 4, chỉ thêm một giòng đầy tính mỵ dân lường gạt: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ HP và pháp luật". (VietnamNet ngày 6-11-2012). Cương lĩnh còn khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp… Nhà nước ta không tam quyền phân lập”.
Khi Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XI họp lần thứ 5 ngày 7-5-2012 để bàn về sửa đổi HP hiện hành, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã rào trước là sẽ không bàn đến việc lập pháp, hành pháp và tư pháp tách rời và độc lập với nhau. Nghĩa là đảng kiên quyết giữ nguyên chế độ độc quyền toàn trị của mình, ôm chặt cả 3 quyền chính trị tối thượng đó, để không một thằng dân nào có thể kiểm soát và thay thế đảng được.
2- Độc quyền kinh tế,
Cương lĩnh đầu tiên khẳng định phải “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” dù “ với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối”, rồi tiếp đó xác quyết: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” dù “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.”
Phát biểu ngày 15-10-2012 của Nguyễn Phú Trọng cũng lặp lại cùng luận điệu: “Trung ương tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt và những kết quả quan trọng đã đạt được của doanh nghiệp nhà nước... Kiên quyết điều chỉnh để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế... Khẩn trương bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước....”
Nghĩa là dù Cương lĩnh có tuyên bố: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh” nhưng cho tới nay, bất chấp sự thất bại ê chề, lỗ lã khủng khiếp và tác hại khôn kể của các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn quốc doanh, đảng CS vẫn coi đó như những đứa con cưng của mình, tiếp tục tìm cách bao biện, che chắn, cứu vãn hầu trục lợi. Còn kinh tế tư doanh của nhân dân -nay đang ngắc ngoải- vẫn tiếp tục bị lép vế lâu dài.
3- Độc hữu tài nguyên
Tuy Cương lĩnh đảng năm 2011 đã không còn cụm từ “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” như Cương lĩnh 1991, nhưng không thể coi đây là tín hiệu “đèn xanh” để chế độ sở hữu về ruộng đất có thể thay đổi trong đợt sửa đổi HP sắp tới. Vì trong Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Nguyễn Phú Trọng vẫn nói: “Trung ương tiếp tục khẳng định: Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu… Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng để tạo quỹ đất; trực tiếp thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, giải toả, đền bù, hỗ trợ tái định cư… Không để các nhà đầu tư trực tiếp thoả thuận với người sử dụng đất về giá đền bù, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…”.Trong tinh thần này, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật đất đai ngày 19-11-2012, tuyệt đại đa số trên có 52 đại biểu góp ý đã đồng ý với quy định hiện hành, được khẳng định lại trong dự thảo Luật đất đai: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”.
Hầu như ai cũng biết rằng khái niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân là hư vô, quyền sở hữu toàn dân là hư quyền, nhà nước đại diện chủ sở hữu là mâu thuẫn. Khái niệm quái đản ấy (vay mượn từ Liên Xô, trước khi nước này tan rã khoảng một thập kỷ) là khái niệm xa lạ, mới chỉ được biết đến ở VN từ HP 1980 (Điều 19). Trước đó, nó không tồn tại suốt hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc và cũng rất hiếm thấy trên thế giới. Ở VN trước đây và ở hầu hết các nước trên thế giới, thường có 3 loại quyền sở hữu đất rạch ròi: sở hữu nhà nước (chứ không phải toàn dân); sở hữu cộng đồng; sở hữu tư nhân (của cá nhân và tổ chức tư nhân). Nghĩa là chỉ có các thể nhân và pháp nhân mới có thể là chủ sở hữu của bất cứ thứ gì. Nhà nước, các tổ chức có tư cách pháp nhân là các pháp nhân, các cá nhân là các thể nhân và họ có thể và chỉ họ mới có thể là các chủ sở hữu. “Toàn dân” nghe có vẻ cao sang nhưng không là pháp nhân cũng chẳng là thể nhân nên không thể là chủ sở hữu được. Thế nhưng việc sửa đổi điều phi lý quái dị vốn đã tồn tại 32 năm như thế là điều khó có thể thực hiện trong việc sửa đổi HP lần này. Vì nếu đảng không nắm trọn tài nguyên quốc gia thì làm sao có thể duy trì được quyền lãnh đạo tuyệt đối trên xã hội như điều 4 khẳng định?
4- Độc tôn văn hóa.
Khi khẳng định trong Cương lĩnh và trong Dự thảo HP: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động", CSVN tiếp tục theo đuổi học thuyết vô thần đấu tranh, chính sách độc tôn văn hóa và đường lối triệt hạ các giáo hội. Ai cũng biết chế độ CS là chế độ toàn trị, có tham vọng quản lý từ chính trị đến kinh tế và cả văn hóa, nghĩa là muốn làm chủ từ bao tử đến đầu óc và quả tim con người. Chính trong tinh thần này mà nhà cầm quyền vừa ban hành một Nghị định mới về tôn giáo nhằm mục tiêu xóa sổ tự do tôn giáo, để đảng trở thành chủ của mọi lương tâm và giá trị. Đó là “Nghị định 92 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”, do Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 8-11-2012 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2013. Nghị định này thay thế Nghị định 22 ban hành năm 2005, là văn bản đầu tiên hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua năm 2004. Nhiều ý kiến đã cho rằng Nghị định mới này là một sợi dây thòng lọng siết chặt hơn vào cổ các tôn giáo, vì nhà nước đang lo sợ đây sẽ là một nhân tố làm thay đổi xã hội và chế độ như bên Đông Âu.
Nói tóm lại, việc sửa đổi HP lần này, được dự thảo bởi một UB 30 người mà hơn 75% không chuyên ngành luật, số còn lại thì đảng đã “cơ cấu” vào các cơ quan có liên quan đến chuyên ngành luật rừng xã hội chủ nghĩa, rồi được “chỉ đạo” với những định hướng duy trì cho đảng các quyền độc tài chính trị, độc quyền kinh tế, độc hữu tài nguyên và độc tôn văn hóa, thì do dù có được quảng bá rầm rộ trên báo chí (chuyên trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi HP), có được các cơ quan công quyền ra rả là “phải lấy ý kiến nhân dân”, “phải được nhân dân phúc quyết”, thì rốt cục cũng chỉ là trò hề và trò bịp. Ý kiến của những công dân thiện chí muốn xây dựng một HP đa nguyên dân chủ chắc chắn sẽ bị vứt vào sọt rác, thậm chí có thể trở thành bằng chứng để đương sự bị đưa ra tòa vì “nói xấu Nhà nước, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, ngăn cản đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa tươi đẹp”.
Ban Biên Tập