Đức Tâm (RFI) - Hôm nay, 17/12/2012, trong cuộc họp báo tại Tokyo, người sẽ lên làm thủ tướng xứ hoa anh đào, ông Shinzo Abe, khẳng định là không đàm phán với Trung Quốc về chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku.
Lãnh đạo Đảng Tự do-Dân chủ - PLD tuyên bố : « Quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ Nhật Bản. Nhật Bản sở hữu và kiểm soát các đảo này chiếu theo luật pháp quốc tế. Đó là điều không thể đàm phán ».
Quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư là tâm điểm cuộc xung đột lãnh thổ và làm cho quan hệ song phương ngày càng xấu đi, đặc biệt là kể từ khi chính quyền Tokyo quyết định quốc hữu hóa một số hòn đảo không có người ở thuộc quần đảo này tại biển Hoa Đông.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cái gai trong quan hệ Nhật -Trung. - REUTERS/Xinhua
Được coi là nhân vật « diều hâu » trong chính sách đối ngoại, ông Shinzo Abe, khi vận động tranh cử, đã hứa sẽ có thái độ cứng rắn trong các hồ sơ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. Đối với lãnh đạo Đảng Tự do-Dân chủ, Nhật Bản « không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ quần đảo Senkaku và vùng biển của chúng ta ».
Tối ngày 16/12/2012 sau khi các cuộc thăm dò dự báo kết quả kiểm phiếu, ông Abe đã nhắc lại rằng quần đảo Senkaku là của Nhật Bản. Ông nói : « Trung Quốc phản đối việc các đảo này là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản. Mục tiêu của chúng tôi là phải chấm dứt sự đòi hỏi này », đồng thời, ông khẳng định : « Chúng tôi không có ý định làm xấu đi mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ».
Chính quyền Bắc Kinh đã có phản ứng ngay lập tức. Hôm nay 17/12/2012, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố « rất lo ngại » về ban lãnh đạo mới của Nhật Bản và cũng khẳng định, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Từ nhiều tuần qua, các tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc hiện diện gần khu vực quần đảo có tranh chấp và thường xuyên xâm nhập vào lãnh hải của Nhật Bản. Sự kiện nghiêm trọng là hôm 13/12/2012 lần đầu tiên, máy bay của Trung Quốc bay vào không phận quần đảo Senkaku. Chính quyền Tokyo tố cáo hành động này là « rất đáng tiếc » và ra lệnh cho các tiêm kích F 15 cất cánh xua đổi máy bay Trung Quốc.
Theo giới quan sát, trong thời gian qua, dưới thời cánh trung tả cầm quyền, ngoại giao Nhật Bản rơi vào thế yếu, bị Trung Quốc và thậm chí Hàn Quốc coi thường. Với việc ông Shinzo Abe quay lại nắm quyền, tình hình chắc chắn sẽ khác.
Năm nay 58 tuổi, ông Shizo Abe nguyên là thủ tướng Nhật Bản trong thời kỳ 2006-2007, xuất thân trong một gia đình mà ông ngoại đã từng làm thủ tướng và người cha có thời giữ chức Ngoại trưởng. Ông Shinzo Abe nổi tiếng là chính trị gia rất quan tâm đến vấn đề lãnh thổ, chủ quyền, nhậy cảm với những ý tưởng dân tộc chủ nghĩa, nhấn mạnh đến việc phải đưa nước Nhật thoát ra khỏi cơn chấn động tâm lý thời hậu chiến, ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp chủ hòa do Mỹ áp đặt từ thời kỳ sau chiến tranh, đổi tên Lực lượng phòng thủ thành Quân đội Nhật Bản để phát triển bộ máy quân sự.
Biết được xu thế thay đổi chính trị tại Nhật Bản, trước cuộc bầu cử lập pháp, Trung Quốc đã dè chừng. Tân Hoa Xã bình luận rằng những thông điệp của các đảng phái Nhật Bản kêu gọi phải cứng rắn với Trung Quốc, nếu được thực hiện, sẽ làm tổn hại quan hệ của Tokyo với các nước láng giềng, làm tăng thêm nguy cơ chính trị và quân sự hóa trong khu vực. Bắc Kinh khuyên phe thắng cử Nhật Bản hãy xây dựng một chính sách thực tế và lâu dài, cho phép làm dịu quan hệ của Nhật Bản với các quốc gia lân bang.
Tháng Chín vừa qua, khi ghé thăm Nhật Bản, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã cảnh báo là các xung đột lãnh thổ hiện nay tại châu Á, đặc biệt là giữa Trung Quốc với nhiều nước trong vùng, có thể dẫn đến chiến tranh, nếu như các chính phủ liên quan tiếp tục các hành động« khiêu khích ».
Đức Tâm