Nhiều thanh niên Hà Nội tổ chức thắp nến tri ân những người lính đã ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa trước quân Trung Quốc ngày 19/1/1974.
Tú Anh (RFI) - Tinh thần dũng cảm của hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống Trung Quốc xâm lược được nhật báo Thanh Niên vinh danh nhân ngày 19/01 kỷ niệm 39 năm trận hải chiến bảo vệ lãnh thổ. Các trang « dân báo » và « blog » tường thuật các sinh hoạt ghi dấu sự kiện được xem là « mối hận dân tộc », thả nến tưởng niệm cố trung tá Ngụy Văn Thà và 74 tử sĩ.
Phải chăng đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chấp nhận sự thật lịch sử ?
Nhân dịp 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa 17/19 tháng 01 năm 1974 nhật báo Thanh Niên đã dành một bài báo dài với nhiều chi tiết để nhắc lại trận chiến lịch sử chống Trung Quốc xâm lăng. Thật ra, cách nay 4 năm, nhân dịp 35 năm trận hải chiến, báo Tuổi Trẻ cũng đã kể lại trận đánh bi hùng bất cân xứng này qua hồi ức của Thượng sĩ Lữ Công Bảy, một hạ sĩ quan trên tuần dương hạm H-4 Trần Khánh Dư do Trung tá Vũ Hữu San chỉ huy.
Vào thời điểm 2009, trong bối cảnh ngư dân Việt Nam liên tục bị Trung Quốc trấn áp, các bài báo nhắc đến chủ quyền lãnh hải vẫn gọi người lính miền nam là « quân đội Sài Gòn ». Cho đến hôm nay, những công dân Việt Nam có hành động chống Trung Quốc xâm lược lần lược theo nhau vào tù với những tội danh ngụy tạo như trốn thuế hay âm mưu lật đổ chính quyền. Những hành động xâm lấn của Trung Quốc được gọi là của « nước lạ ».
Tuy nhiên, trong bài « Quyết liệt vì Hoàng Sa » trên báo Thanh Niên 19/01/2013, thì từ cách trình bày sự kiện đến từ ngữ đã khác hẵn. Thanh Niên khẳng định Trung Quốc có hành động « phi nghĩa phi pháp » tại Hoàng Sa và đã gặp sự « kháng cự mãnh liệt của người Việt Nam »,các « chiến hạm và quân nhân VNCH chiến đấu quyết liệt » và trong cuộc hải chiến ấy « 74 chiến sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận ». Tên tuổi các cấp chỉ huy được nhắc nhở một cách trân trọng.
Báo Thanh Niên còn nhấn mạnh đến động thái ngoại giao của chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi nhắc lại việc: « Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc bác bỏ luận điệu ngang ngược của Trung Quốc… xâm phạm lãnh thổ VNCH ». Tác giả bài viết công nhận các quân nhân hải quân miền Nam đã « kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lược trước một kẻ thù mạnh hơn và tính hình chính trị chung có nhiều diễn biến bất lợi ».
Theo hồi ký của Tư lệnh Vùng Một Duyên hải của VNCH, Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, quân lực miền Nam lúc đó phải căng lực lượng ra đối phó với bộ binh miền Bắc.
Trong ngày 19/01/2013, trên các blog « lề trái » tràn ngập những bài văn, bài thơ về trận Hoàng Sa. Các tác giả chia sẻ « niềm đau dân tộc » và « lòng ngưỡng mộ các anh hùng VNCH ». Một nhóm Tuổi trẻ yêu nước, tự giới thiệu sinh sau trận Hoàng Sa, tổ chức lễ « thả nến » tưởng niệm « 74 chiến sĩ Vị Quốc Vong Thân" và cố Trung tá Ngụy Văn Thà.
Nhiều bài thơ tỏ lòng quý mến với bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh được phổ biến. Liệu động thái của cơ quan Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam là tín hiệu chính quyền hiện nay bắt đầu thấy cần phải đoàn kế « nội lực » để chống Trung Quốc xâm lăng hay đây chỉ là hành động « phá rào » của một nhóm nhà báo dũng cảm có cùng ưu tư với đại đa số đồng bào ?
Blogger Nguyễn Tường Thụy nhận định : « 39 năm qua, người ta đi tìm nguyên nhân của việc mất Hoàng Sa… mà điều thuyết phục nhất có lẽ là bởi công hàm của ông Phạm Văn Đồng năm 1956 và… chính sách ngoai giao của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ». Nhà báo độc lập kết luận : "Nỗi hận này không bao giờ quên và các nhà lãnh đạo hôm nay cũng nên học người xưa… »
RFI đặt câu hỏi, từ Hà Nội, blogger Nguyễn Tường Thụy cho biết không khí ngày tưởng niệm năm nay « thoải mái hơn những năm trước » :
Tú Anh