Fabookker Đinh Nhật Uy - Được Mẹ báo tin có “kẻ ác” ngồi chờ trước nhà, tôi chuẩn bị mọi thứ để đương đầu. Xong, nghĩ lại, có gì phải dè dặt chứ, bình thường thôi.
Chở Mẹ và Chị đến trại giam xong, tôi vào quán cafe ngồi chờ. Vừa đặt lưng xuống ghế chưa kịp gọi cafe thì cái tên lẽo đẽo theo sau nãy giờ cũng vào quán. Nó ngồi bàn đối diện hơi xa xa, tay cầm điện thoại chụp hình rẹt rẹt, rồi gọi điện lén lút. Tôi ngồi đó từ 8h30 sáng đến gần 12h, nó vẫn ngồi đó chờ đợi.
12h trưa. Khi Mẹ và Chị bước vào quán, nó liền móc điện thoại ra, giơ cao chụp thêm vài tấm nữa. Điệu bộ nghiệp dư,trơ trẽn nhìn tức cười. Nó bóc máy lên gọi gọi, làm liên tục, tất bật như tổng đài taxi. 2 bà mẹ nhìn thấy cười sặc sụa, xong cũng thấy lo lo vì không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Nhìn thấy cái bản mặt thằng “côn đồ” này non chẹt, tôi lại thấy lo hơn. Lo bởi vì mấy thằng du côn trẻ người non dạ thường thất học nên hăng tiết thích làm càn. Tôi nhìn xung quanh, dò xét địa điểm rồi trấn an:
- Nơi này là quán cafe lớn, đông người, chắc mấy thằng côn đồ cũng không dám làm càn. Thôi mình cứ tự nhiên.
- Tao thách nó dám làm gì đấy, tao già sắp chết, nó rớ vào mất công tốn tiền mua hòm bồi thường – mẹ trả lời to tiếng.
- Thôi kệ nó đi mà bác, con chạy chậm lắm – Chị nói vui giã lã, Mẹ cười.
Mẹ và Chị ngồi trao đổi chuyện gia đình. Mẹ hỏi thăm tình hình sức khỏe hai vợ chồng, rồi công việc làm ăn những ngày cận Tết. Chị kể về những vấn đề khó khăn về mặt xã hội và bức xúc khi nói về sự kỳ thị của xã hội đối với gia đình Chị. Những trường học ngoài khu vực Chị sinh sống, họ đem hẳn vụ việc con chị bị bắt tuyên truyền cho học sinh cấp 2 ,3 và phụ huynh biết để phòng tránh. Vợ chồng chị ốm đi rất nhiều vì dư luận và vì lo lắng cho đứa con gái mới lớn đang trong tù tội. Còn đứa con nhỏ thì thường xuyên nhắc đến tên chị của nó trong mỗi bữa ăn và sau những sáng thức dậy. “Mẹ ơi con nhớ chị Uyên”, Chị nói lại câu này, miệng cười nhưng ánh mắt lưng tròng. Mẹ thở dài - “Tao có hay ho gì hơn mày đâu” rồi cả hai lặng yên.
Mẹ nhắc đến việc gửi đơn cho ông Nguyễn Sáu để yêu cầu được gặp mặt gửi quà tết cho 2 đứa nhỏ nhưng không được chấp nhận. Chị cũng nói về việc gửi đơn cầu cứu, tố cáo về sai phạm của CA Long An. Thằng côn đồ nghe loáng thoáng gì đó đến công an Long An, mắt nó sáng lên, móc điện thoại ra hí hoáy làm gì đó. Chắc có lẽ, côn đồ luôn làm chuyện ác nên nghe hai từ công an là giật mình, vậy thôi, tôi không quan tâm nữa. Mẹ và Chị thấy thế, càng nói to tiếng hơn, nói nhiều hơn nữa, tôi chỉ biết cười.
1h30 trưa. Chúng tôi ra về, vừa ra khỏi quán, tôi nhìn lại, tên “côn đồ” lật đật đứng dậy theo sau. Tôi chở Chị ra bến xe khách Long an để về Sài Gòn, Mẹ chạy theo sau. Tôi đưa Chị lên tận xe, dặn dò kỹ lưỡng rồi đi. Điện thoại tôi reo, Mẹ gọi: “Nó theo, xe dream tàu 62K4 8375 ”. Tôi tức tốc quay ngược lại bến xe, xe vừa xuất bến. Tôi chạy theo, thấy một tên côn đồ chạy theo sau xe, một tên đứng núp lùm ngay trụ ATM của ngân hàng đối diện. Bực mình, mẹ quay đầu xe chạy vào con hẻm bên hông bến xe rồi quay ngược lại, bóp còi và đâm mũi xe vào tên “núp lùm”:
- “Đậu chi chỗ này, tránh chỗ cho tui rút tiền”, tên “côn đồ” quay lại nhìn thấy Mẹ, hoảng hốt, nổ máy xe bỏ chạy, mặt sượn ngắt. Tôi gọi điện cho Chị dặn dò cẩn thận nhưng vẫn không an tâm. Thôi, chạy theo sau xe Chị cho chắc ăn vậy. Bởi vì, “côn đồ gian ác” cướp của giết người, hiếp dâm phóng hỏa, chuyện gì mà tụi nó không dám làm. Tôi càng nghĩ, càng lo sợ cho Chị. Tôi và Mẹ quyết định “hộ tống” Chị và 2 tên “côn đồ” ra khỏi địa phận TP. Tân An, thậm chí lên tận cả Sài Gòn. Chạy hơn 10km, thấy yên lặng, cả 2 quay về.
Ở cái xã hội này, trên diện tích 1 mét vuông có đến 4 thằng ăn cướp. Chị, thân phụ nữ một mình vượt đường xa hơn 300km để vào thăm con. Nguy hiểm. Tôi và Chị không bà con máu mủ, không bạn bè chí cốt. Nhưng, chúng tôi như người một nhà. Có một thứ gì đó vô hình gắn kết chúng tôi lại với nhau không thể tách rời. Chắc đó là sự đồng cảm, sự nhận định về công lý và lẽ phải. Chúng tôi sẽ đoàn kết, đoàn kết để bảo vệ lẫn nhau và đoàn kết để bảo vệ cho lẽ phải. Có lẽ những người có lý trí và chính nghĩa mới hiểu được. Còn bọn “côn đồ đầu đất” thì ngàn năm muôn thuở.
Đi thăm con trong tù. Một việc làm bình dị giản đơn của những người mẹ. Nhưng sự thật thì không đơn giản. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra cho những ngày sắp tới, ở cái xã hội này?
Tôi tự đặt câu hỏi rồi lại không dám trả lời.