(NLĐO) - Ngày 25-1, bà Đặng Thị Liên (51 tuổi, ngụ quận 4 - TPHCM) cùng người thân đã mặc áo tang, mang băng rôn tiếp tục đến cổng Sở Y tế TPHCM yêu cầu làm rõ cái chết của chồng là ông Đinh Văn Thường (49 tuổi).
Đây là lần thứ 3 bà Liên mặc áo tang đi khiếu nại liên quan đến cái chết của chồng. Trước đó, ngày 21-7-2012, ông Thường đến khám tại Bệnh viện Bình Dân vì đi tiểu dắt kèm đau thận. Các bác sĩ ở đây đã tư vấn mổ lấy sỏi. Ngày 31-7, ông được mổ sỏi nhưng không có viên sỏi nào. Hai ngày sau, các bác sĩ thông báo ông Thường bị ung thư ống mật phải đặt ống dẫn lưu mật ra ngoài. Ngày 21-11-2012, ông Thường qua đời.
Đau buồn trước cái chết đột ngột của chồng, bà Liên nhiều lần gửi đơn và hai lần mặc áo tang đến Sở Y tế TPHCM yêu cầu làm rõ. Văn bản mới nhất ngày 15-1-2013 của Sở Y tế TPHCM đã trả lời thắc mắc của bà nhưng bà Liên không chấp nhận và cho rằng chồng mình chết oan ức.
Đến sáng nay, 25-1, bà Liên vẫn tiếp tục yêu cầu làm rõ các vấn đề như: xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp MRI của chồng bà đều cho kết quả âm tính, riêng kết quả MRI kết luận "ống mật chủ không giãn, không sỏi" nhưng đến khi mổ ra bác sĩ lại nói "có cục bướu rất to" và kết luận ung thư. Mặt khác, việc mổ lấy sỏi sau khi mổ ra lại không lấy được cục sỏi nào…
PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết Sở đã kết luận bệnh viện có sai sót trong việc chẩn đoán và chữa trị cho bệnh nhân Thường. Cụ thể, trong thời gian phẫu thuật phát hiện bất thường, nhận định có thêm bệnh lý so với chẩn đoán trước mổ nhưng bác sĩ phẫu thuật không kịp thời thông báo, tư vấn cho gia đình bệnh nhân. Ông Bỉnh cho rằng thiếu sót lớn nhất là thái độ ứng xử của bệnh viện đối với gia đình bệnh nhân. Sắp tới, Sở sẽ kiểm điểm những cá nhân liên quan.
Đại diện Bệnh viện Bình Dân cũng hứa trong tuần tới sẽ đến nhà bà Liên để thỏa thuận hòa giải, hỗ trợ cho gia đình. Sở Y tế cũng sẽ cử người giám sát buổi hòa giải.
Tin-ảnh: Ng.Thạnh
Sở Y tế TP.HCM náo động vì khiếu nại tử vong
SGTT.VN - Khoảng 8 giờ sáng ngày 25.1, lưu thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn trước sở Y tế TP.HCM, đã bị chậm lại và ách tắc vì gia đình một người dân trong trang phục áo tang đã căng biểu ngữ, đòi nhà quản lý làm sáng tỏ về cái chết của người thân.
Đó là trường hợp bà Đặng Thị Liên (ngụ tại phường 8, quận 4, TP.HCM) cùng con trai đòi làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng, ông Đinh Văn Thường, sinh năm 1963, từng được điều trị tại bệnh viện Bình Dân và tử vong vào cuối năm 2012.
Bệnh viện hoàn toàn sai
Gia đình bà Đặng Thị Liên mặc áo tang căng biểu ngữ trước sở Y tế đòi làm rõ nguyên nhân cái chết của người thân, vì không đồng ý cách giải quyết của sở. Ảnh: N.V.N
Trong buổi tiếp hai mẹ con bà Đặng Thị Liên cùng một số người thân trong gia đình, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc sở Y tế TP.HCM, xác nhận bệnh viện Bình Dân hoàn toàn sai về việc khi mổ cho ông Thường phát hiện bất thường, có thêm bệnh lý so với chẩn đoán trước mổ, nhưng lại không kịp thời thông báo và tư vấn cho thân nhân bệnh nhân.
Theo gia đình, vào tháng 7.2012, ông Thường bị tiểu lắt nhắt, đau quặn thận, thận phải ứ nước và đến khám tại bệnh viện Bình Dân và được chẩn đoán giãn ống mật chủ, cần phải mổ để lấy sỏi. Tuy nhiên, sau khi ông Thường mổ, gia đình không thấy sỏi mà lại được bác sĩ thông báo ông bị ung thư ống mật và cho đặt ống dẫn lưu mật ra ngoài. Gia đình bức xúc, nếu biết bệnh nhân bị ung thư, gia đình đã cho điều trị bằng thảo dược và quy trách nhiệm ca mổ đã khiến diễn tiến bệnh ung thư nặng lên, làm bệnh nhân qua đời không lâu sau đó.
Sau khi ông Thường mất, gia đình ông đã gửi đơn khiếu nại lên sở Y tế. Sau đó, hội đồng KHKT sở Y tế đã nhóm họp và ra kết luận vào ngày 26.12.2012 với nội dung: Bệnh nhân bị ung thư di căn gan có khả năng tiên phát từ đường mật, kèm sỏi đường mật. Không có sai sót phẫu thuật. Có thiếu sót là không tư vấn cho thân nhân người bệnh trong quá trình phẫu thuật khi phát hiện bất thường so với chẩn đoán trước mổ.
Chưa thỏa đáng, đầu tháng này, gia đình lại tiếp tục khiếu nại lên sở Y tế đòi làm rõ chẩn đoán (kết luận chụp MRI) của trung tâm y khoa Medic đối với ông Đinh Văn Thường; việc đặt ống Kehr của bác sĩ bệnh viện Bình Dân có làm cho tình trạnh bệnh nhân nặng hơn không; và đối với tình trạng bệnh của ông Thường, nếu không phẫu thuật thì thời gian sống khoảng bao lâu. Ngày 9.1.2013, hội đồng KHKT sở Y tế lại họp và kết luận: Quy trình chụp MRI gan mật tụy của trung tâm Medic là đúng, nhưng trong trường hợp này, do khối u đường mật không bắt thuốc tương phản nên không thể hiện hình ảnh khối u đường mật trên kết quả MRI. Việc đặt ống Kehr xuyên bướu để dẫn lưu ống mật chủ trong trường hợp này là phù hợp nhằm giải áp đường mật, giúp bệnh nhân giảm các biến chứng do tắc mật và không làm nặng thêm tình trạng bệnh của bệnh nhân. Nếu không phẫu thuật triệt để, bệnh nhân có thể sống từ 2 - 315 ngày, trung bình 117,87 ngày (theo một nghiên cứu của nhóm bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện vào năm 2006, công bố trên tạp chí Y học TP.HCM, phụ bản số 1, năm 2007).
Trong buổi tiếp gia đình sáng 25.1, PGS – TS Nguyễn Tấn Bỉnh, khẳng định nếu gia đình không đồng ý với kết luận của sở Y tế TP.HCM, gia đình có quyền khiếu nại lên bộ Y tế, hoặc thậm chí đưa vụ việc ra tòa án để giải quyết.
Chờ bệnh viện thỏa thuận với gia đình
Theo PGS – TS Nguyễn Tấn Bỉnh, thông cảm mất mát người thân và chia sẻ với hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình bệnh nhân, trong cuộc giải quyết khiếu nại lần trước, trong vai trò quản lý ngành, sở Y tế TP đã đề nghị mức hỗ trợ ma chay 20 triệu đồng, nhưng gia đình đã không nhận.
Trong cuộc gặp sáng 25.1, gia đình cho rằng cách điều trị của bệnh viện Bình Dân đã khiến gia đình tiêu tốn cả trăm triệu đồng, thậm chí phải cầm cố nhà cửa để vay mượn tiền. Bà Đặng Thị Liên nói: “Chúng tôi từng gửi đơn khiếu nại lên thanh tra sở Y tế, nhưng nơi này ngâm gần hai tháng trời. Chúng tôi đã lạy lục, khóc lóc xin mọi người đừng theo đúng quy trình, vì đây là chuyện cấp bách, bởi lúc đó chồng tôi còn sống, còn đi đứng được, thế nhưng nhân viên không cho gặp lãnh đạo cao nhất sở Y tế”.
Trả lời về việc căng biểu ngữ ngoài đường, không chịu vào sở Y tế TP.HCM làm việc, bà Liên cho rằng gia đình đã đến đây làm việc nhiều lần, nhưng thanh tra sở không giải quyết, nên gia đình mới làm như thế. Bà nói: “Chúng tôi bức xúc chứ không quậy phá. Chúng tôi đâu có điên mà hành xử như thế”.
Trả lời thắc mắc của báo chí về quy định thời gian giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, BS Phạm Kim Bình – phó chánh thanh tra sở Y tế TP.HCM, cho biết theo quy định, thời gian này là 30 ngày, nhưng nếu vụ việc có phát sinh thêm tình tiết và cần đòi hỏi sự trưng dụng thì thanh tra không thể lường trước thời gian, và quy định cũng không tính vào thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ông Bình nói: “Đối với trường hợp này, thanh tra sở Y tế TP.HCM đã giải quyết theo đúng thời hạn”.
Trả lời báo chí, PGS – TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết sau khi làm việc riêng với người nhà bệnh nhân và đại diện bệnh viện Bình Dân, hai bên đã đồng thuận về quy trình làm việc của sở Y tế. Bước kế tiếp là sẽ đưa ra tòa để giải quyết vụ việc, nhưng trước đó, người nhà bệnh nhân và bệnh viện sẽ có buổi làm việc để thương thảo mức bồi thường. Nếu buổi làm việc này êm xuôi, hai bên sẽ không cần đưa nhau ra tòa án. Trong các buổi thương thảo, sở Y tế sẽ cử người cùng xuống làm việc để bảo đảm tính khách quan.
Nhận định về trách nhiệm của ban giám đốc bệnh viện Bình Dân trước vụ việc này, PGS – TS Nguyễn Tấn Bỉnh nói: “Cách tiếp xúc với người bệnh cực kỳ quan trọng, gia đình bệnh nhân đã mất mát lớn rồi, vậy bác sĩ điều trị và cao hơn nữa là nhà quản lý bệnh viện phải giải thích cho gia đình rõ về những hạn chế trong giai đoạn hiện nay của ngành y tế mình. Không thể phủ nhận phương tiện máy móc y khoa dần từng bước tốt lên, nhưng máy móc thì cũng có những xác suất sai biệt nhất định, chưa kể còn người đọc kết quả nữa. Sai sót trong y khoa là phải có, sai sót chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, cách giải quyết của bệnh viện là làm sao nói cho bệnh nhân thông hiểu được. Nếu giải quyết có tình, có sai thì nhận lỗi, gia đình bệnh nhân sẽ nguôi ngoai”.
Phan Sơn