Chuck Hagel (Foreign Affairs)/Người dịch Minh Tân - Chính trường Hoa Kỳ đang trong thời kỳ chuyển giao. Gần như chắc chắn, vị Bộ trưởng Quốc phòng mới sẽ là cựu Thượng nghị sỹ Chuck Hagel, đảng viên Đảng Cộng Hòa (Republican) và cũng có thể người kế nhiệm Thượng nghị sỹ John Kerry (nhiều khả năng sắp giữ chức ngoại trưởng) ở vị trí Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện cũng là một người Cộng hòa.
Sau đây là bản dịch từ bài viết có tính xác định chính sách đối ngoại cho Đảng Cộng Hòa của Thượng nghị sỹ Chuck Hagel cách đây 08 năm vừa được Foreign Affairs đăng lại. Như Cây Tre Việt Nam xin trân trọng giới thiệu.
Một chính sách đối ngoại của Đảng Cộng Hòa
Chuck Hagel - Tháng Bảy/Tám 2004
Sự thách thức của thế Hệ
Những cuộc tấn công của khủng bố vào ngày 11 tháng 9, năm 2001, đã giết chết gần ba (3) ngàn người Mỹ là những dấu hiệu của một kỷ nguyên mới, một khúc ngoặt trong lịch sử của chúng ta.
Chủ nghĩa Khủng bố là một thách thức có tính cách lịch sử và hiện sinh buộc chúng ta phải xác định lại những quan niệm, lối nhìn truyền thống về an ninh quốc gia, và đối phó với khủng bố phải được đặt lên trên cùng của nghị sự quốc gia, và, chính thế, nó phải được đặt vào trung tâm trong chính sách đối ngoại của Đảng Cộng Hòa. Nhưng cuộc chiến chống khủng bố không thể được xem như là cá biệt, riêng rẽ, mà cần phải xem xét cùng với cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn về vấn đề quản trị quốc gia ở khắp các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là vùng Trung Đông và vùng phụ cận.
Khi thực hiện tấn công quân sự chống lại al Qaeda và nhóm Taliban ở Afghanistan, Tổng Thống Goerge W. Bush đã hiểu rõ rằng cuộc chiến chống khủng bố không chỉ đơn thuần ở việc sử dụng quyền hạn hợp pháp của sức mạnh quân sự, mà phải buộc phải có một mục đích tương xứng với việc sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta.
Như Tổng Thống Bush đã phát biểu trước phiên họp chung của Quốc Hội vào ngày 29 tháng 1 năm 2002, "Chúng ta có một mục tiêu lớn hơn mục tiêu loại bỏ những đe dọa của khủng bố và kiềm chế lòng thù hận. Đó là chúng ta mong tìm và đạt được một thế giới công bằng và hòa bình vượt trên cả cuộc chiến chống khủng bố."
Một chính sách đối ngoại khôn ngoan phải nhận ra rằng lãnh đạo Hoa Kỳ phải quyết tâm theo đuổi các cam kết về nguyên tắc, đạo đức cũng mạnh mẽ như việc sử dụng sức mạnh của chúng ta. Chính sách đối ngoại là một chiếc cầu nối liền giữa Hoa Kỳ và thế giới, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Hoa Kỳ phải nắm, bắt lấy những cơ hội, động lực của sự thay đổi, bao gồm cả sức mạnh không-ngừng-nghỉ, bất ngờ của một thế hệ mới, thế hệ đang trưởng thành trên khắp thế giới. Sự kỳ vọng, lòng tin tưởng vào giới lãnh đạo Hoa Kỳ và những mục tiêu của lãnh đạo Hoa Kỳ có vai trò tối quan trọng trong việc hình thành một nối kết, tương quan toàn cầu hệ trọng và sống còn đối với thế hệ kế tiếp đó.
Những thách thức đối với lãnh đạo Hoa Kỳ và nền an ninh sẽ không chỉ đến từ những cường quốc đối thủ, mà còn đến từ những quốc gia nhỏ, yếu. Chủ nghĩa Khủng bố sẽ tìm nơi trú ẩn trong những quốc gia đã hoặc đang thất bại, trong những xung đột khu vực, chưa giải quyết, và trong sự bất hạnh to lớn của nghèo đói và tuyệt vọng. Những chế độ, chính thể không liêm chính, đang ủng hộ chủ nghĩa khủng bố để tìm kiếm tính hợp pháp và sức mạnh thông qua việc sở hữu những vũ khí giết người hàng loạt, thay vì đạt được điều đó thông qua lắng nghe ý nguyện và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Chủ nghĩa Khủng bố và tham vọng vũ khí hạt nhân đang câu kết âm thầm với những thách thức của các quốc gia đã và đang thất bại.
Năm (5) tỷ của 6 tỷ người trên thế giới đang sống trong những khu vực kém phát triển. Hầu hết sự gia tăng dân số trên thế giới trong thế kỷ này sẽ đến từ những khu vực này, nơi mà gần 1 phần 3 (1/3) dân số dưới tuổi 15. khi thế hệ trẻ nầy lớn lên và trưởng thành, nó sẽ trở thành một sức mạnh, một động lực to lớn nhất cho sự thay đổi chính trị thế giới trong nửa thế kỷ đầu của thế kỷ thứ 21. Nhiều chính quyền trong các quốc gia đang phát triển, nhất là ở Phi Châu, vùng Trung Đông mở rộng, và Á Châu, sẽ không đủ khả năng để đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi cơ bản của dân số gia tăng về công ăn việc làm, y tế và an sinh xã hội. Mặc dù nghèo đói và thất vọng không "gây nên, tạo nên" khủng bố, nhưng nó sẽ cung ứng một môi trường, một vùng đất phì nhiêu cho khủng bố nở rộ.
Những căng thẳng quá độ về dân số, phát triển kinh tế thất bại, và những chính thể độc tài sẽ góp phần làm cho dân chúng trở nên cực đoan và biến chính trị trở thành tàn bạo.
Sự khủng khoảng về quản trị quốc gia của các nước đang phát triển, vì vậy không thể tách biệt ra khỏi những quan tâm, quyền lợi toàn cầu của Hoa Kỳ. Đây chính là bối cảnh mà sự khủng khoảng nêu trên phải được nhận thức và hiểu rõ trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại hiện nay.
Chính sách đối ngoại của Đảng Cộng Hòa
Theo truyền thống, chích sách đối ngoại (của Đảng) Cộng Hòa đã luôn được dựa trên chủ trương, cam kết có một nền quốc phòng hùng mạnh. Các vấn đề của thế giới sẽ không chỉ đơn độc giải quyết bằng quân sự, nhưng sức mạnh vẫn là điều đầu tiên và sau cùng trong việc bảo vệ tự do và an ninh của Hoa Kỳ. Khi được sử dụng một cách khôn ngoan và thận trọng, nó sẽ là một phương tiện cần thiết cho sức mạnh và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Quân khủng bố và những quốc gia tấn công Hoa Kỳ phải hiểu rằng một cuộc phản công nhanh và mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ là điều tất nhiên và bình thường.
Đảng viên Cộng Hòa phải xác định rằng sức mạnh của Hoa Kỳ trên thế giới bắt đầu bằng sức mạnh ở trong nước.
Nguồn tài nguyên của Hoa Kỳ đòi hỏi chúng ta phải hành động khôn ngoan và quản lý thận trọng. Ngân sách thâm thủng (hay thiếu hụt) và những chương trình phúc lợi, nếu không kiểm soát, sẽ làm mất niềm tin vào nền kinh tế của chúng ta, làm cản trở phát triển kinh tế và nguồn vốn đầu tư, làm cho Hoa Kỳ trở nên kém cạnh tranh, và xói mòn đi vị trí lãnh đạo kinh tế thế giới của chúng ta. Khi đó những nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ sẽ bị áp lực buộc phải có những chọn lựa khó khăn giữa an ninh quốc gia và các ưu tiên trong nước.
Công dân Mỹ phải được giáo dục và ý thức về những thực tế của nền kinh tế toàn cầu và những lời hứa, quyết tâm về lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Chính sách giáo dục của chúng ta phải được chú trọng đến ngoại ngữ, văn hóa, và lịch sử thế giới, và tạo nhiều khuyến khích và điều kiện tiện lợi hơn cho việc du học nước ngoài.
Chúng ta cũng phải chuẩn bị cho học sinh/sinh viên và công nhân cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, những lĩnh vực sẽ giúp Hoa Kỳ có một lợi thế cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn đầu của thế kỷ thứ 21.
Đảng Cộng Hòa phải hiểu rằng một chính sách đối ngoại thành công không những chỉ là một chính sách mạnh mẽ, mà còn phải bền vững, lâu dài. Một chính sách bền vững đòi hỏi một sự đồng thuận trong nước và lòng quyết tâm của toàn quốc gia. Điều này phải được bắt đầu với sự lãnh đạo mạnh, tự tin và tầm nhìn xa của tổng thống về vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới. Đội ngũ An Ninh quốc gia của tổng thống phải thống nhất và gắn bó. Nhưng điều đó không có nghĩa là những quan điểm khác biệt không được dung thứ, bày tỏ hay chia sẻ; những lối nhìn, quan điểm khác biệt là yêu cần cần có để có thể xây dựng, hình thành được bất kỳ một chính sách bền vững nào.
Nhưng một khi quyết định đã được thực hiện, những âm mưu cung đình và các toan tính cá nhân không được phép để lây nhiễm vào chính sách và việc thực hiện chính sách đó.
Chỉ có tổng thống mới có thể kết nối được các nỗ lực này cùng với nhau. Tuy nhiên, Quốc hội cũng có một vai trò hiến pháp và trách nhiệm để giúp hình thành chính sách đối ngoại. Nếu không có sự tham gia và hỗ trợ của Quốc hội, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ thiếu tính hợp pháp và tính bền vững.
Thiếu vắng tính đồng thuận ở trong nước đồng nghĩa với việc có trở ngại trong chính sách đối ngoại ở nước ngoài. Đây là một trong những bài học lịch sử về Việt Nam, khi Hoa Kỳ, bị chia rẽ trong nước và bị cô lập ở nước ngoài, đã thất bại trong việc xử lý các vấn đề tại khu vực Đông Nam Á.
Đảng Cộng hòa cũng biết rằng một chính sách đối ngoại thành công phải rõ ràng và toàn diện, với sự uyển chuyển linh động để đáp ứng với những tình huống bất trắc, các sắc thái đa dạng và những vấn đề không thể kiểm soát –những biến động hàng ngày của vấn đề đối ngoại. Cơ cấu lực lượng Hoa Kỳ và các nguồn lực thiết yếu phải phù hợp với những cam kết về an ninh và đối ngoại cần thiết cho thế hệ nối tiếp. Điều đó có thể đòi hỏi phải hình thành một dạng mới về nghĩa vụ quốc gia bắt buộc. Nếu trong thực tế, Hoa Kỳ buộc phải tham dự vào một cuộc chiến tranh thế hệ, thì tất cả chúng ta phải chia sẻ những gánh nặng, những hy sinh, và những giá phải trả cho thách thức mang tầm quốc gia này.
Với tất cả những tính toán, dự kiến, phương án, một chính sách đối ngoại của Đảng Cộng Hòa cho thế kỷ thứ 21 sẽ đòi hỏi nhiều hơn so với truyền thống chính trị thực tại và cán cân quyền lực chính trị. Sự thành công với các chính sách của chúng ta không những sẽ phụ thuộc vào qui mô sức mạnh của chúng ta, mà còn là khả năng thấu hiểu chân giá trị về những giới hạn của nó. Lịch sử đã dạy chúng ta rằng chính sách đối ngoại không được buông lơi, xao lãng với nhiệm vụ thiêng liêng này. Nó phải truyền cảm hứng, khuyến khích các đồng minh của chúng ta chia sẻ, thực hiện sứ mệnh làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu nó luôn tuân theo bảy nguyên tắc sau đây.
Nguyên tắc và hành Động
Thứ nhất, Hoa Kỳ phải tiếp tục quyết tâm lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu. Tinh thần pháp trị (rule of law), quyền sở hữu, những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, và năng suất lao động gia tăng, là những yếu tố đã giúp cho Hoa Kỳ trở thành lực lượng hàng đầu trên thị trường toàn cầu. Tăng năng suất có thể có nghĩa là người lao động ít hơn trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như khu vực chế tạo. Nhưng qua thời gian, những thành quả này có nghĩa là công việc nhiều hơn và tốt hơn và khả năng đầu tư trong các nghành có tăng trưởng cao, hay cần công nghệ cao. Như Michael Porter đã viết trong tác phẩm kinh điển của ông Lợi Thế so sánh của các quốc gia (The Comparative Advantage of Nations), “mức sống tiêu chuẩn trong dài hạn của một quốc gia phụ thuộc vào khả năng của quốc gia đó trong việc đạt được một mức độ cao và tăng năng suất trong các ngành công nghiệp có cạnh tranh.”
Điều này có nghĩa rằng Hoa Kỳ phải mở rộng các hiệp ước thương mại tự do và công bằng và khuyến khích thương mại nội vùng (trong khu vực lân cận) và tăng đầu tư tại các khu vực đang phát triển. Thương mại là động lực lớn cho sự thịnh vượng kinh tế bền vững, an ninh, và tạo việc làm, cả Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Trong những giai đoạn của bất trắc và thay đổi, các nước có thể đóng cửa thị trường và bảo vệ các ngành công nghiệp nhất định trong nước. Mỹ cũng vẫn không tránh khỏi điều này, và trong quá khứ, sự tiềm kiếm nơi an toàn, ẩn trú trong một truyền thống chính trị ốc đảo, thiển cận, đã góp phần vào sự cô lập chia rẽ ở quốc nội và tình trạng bất ổn ở hải ngoại. Chúng ta phải chống lại những cám dỗ này và những bài học lịch sử đau đớn, quí giá đó không được phép lãng quên.
Chính sách đối ngoại của Mỹ cũng phải thúc đẩy các quốc gia khác có chính sách, đường lối quản trị tốt, cổ xúy, tôn trọng tinh thần pháp trị, đầu tư vào con người, quyền sở hữu tư nhân, và tự do kinh tế. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một thí dụ điển hình, không kiêu ngạo, nhưng hợp tác, thông qua lãnh đạo kiên quyết và hợp tác gắn bó.
Tất cả các quốc gia đều có thể cùng chia sẻ sự thịnh vượng đến từ những hoạt động quản lý kinh tế lành mạnh và các chính sách tăng trưởng dựa trên thương mại. Đó là mục đích của "Vấn Đề Thách thức của Thiên niên kỷ" (MCA – Millennium Challenge Account), được hình thành bởi chính quyền Bush như là một "công thức gói gọn cho sự phát triển toàn cầu" giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Thứ hai, chính sách đối ngoại của Mỹ không thể bỏ qua vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu. Các thảo luận về chính sách năng lượng Mỹ thường bị tách khỏi chính sách kinh tế trong và ngoài nước. Hoa Kỳ có lợi ích trong việc đảm bảo nguồn cung cấp ổn định và an toàn của dầu (hỏa) và khí (đốt) tự nhiên.
Theo Bộ Năng lượng, Hoa Kỳ nhập khẩu gần 60% dầu thô. Hai mươi phần trăm nhập khẩu đến từ Vịnh Ba Tư; đến năm 2025, tỷ lệ này được dự kiến sẽ tăng đến 26%. Tỷ lượng dầu nhập khẩu của Mỹ từ các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng dự kiến sẽ tăng từ 40% đến 53%. Nhưng ngay cả khi sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông giảm, bất ổn và xung đột ở vùng Vịnh Ba Tư vẫn sẽ ảnh hưởng đến chúng ta, kể từ khi thị trường dầu mỏ hoạt động trên cơ sở toàn cầu. Do đó, an ninh quốc gia của Hoa Kỳ phụ thuộc vào sự ổn định chính trị ở Trung Đông, cũng như những biến động, bất trắc của các vùng hay khu vực sản xuất dầu khí khác. Ngoài ra để giúp đảm bảo sự ổn định như vậy, Hoa Kỳ phải phát triển các nguồn nhiên liệu thay thế, mở rộng sản xuất khí đốt tự nhiên, mạng lưới, và các cơ sở; tận dụng lợi thế của điện hạt nhân, công nghệ than sạch, và các chương trình bảo tồn năng lượng tích cực hơn.
Thứ ba, lợi ích an ninh lâu dài của Hoa Kỳ vẫn đang được kết nối với các đồng minh, liên minh, và các tổ chức quốc tế. Một chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa phải xem các liên minh và các tổ chức quốc tế như các phần mở rộng ảnh hưởng, thay vì coi đó là những thực thể hạn chế sức mạnh của chúng ta. Không có quốc gia duy nhất nào, kể cả Hoa Kỳ với tất cả sức mạnh quân sự rộng lớn và quyền năng kinh tế đồ sộ, lại có thể đơn độc đáp ứng một cách thành công, hiệu quả đối với những thách thức của thế kỷ 21. Chiến thắng cuộc chiến tranh chống khủng bố, chẳng hạn, sẽ vẫn yêu cầu phải có một mạng lưới liền mạch của các mối quan hệ tương tác nêu trên.
Hoa Kỳ do đó phải giúp tăng cường các thể chế toàn cầu và củng cố các liên minh, khởi đầu với Liên Hiệp Quốc (LHQ ) và NATO (Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương).
Cũng như tất cả các tổ chức khác, LHQ cũng có những giới hạn của chính nó. LHQ đang cần cải cách. Đã rất nhiều lần LHQ, đặc biệt là Đại Hội Đồng, không đương đầu, giải quyết nổi các hình thức tệ hại nhất của thái độ chính trị và hành động vô trách nhiệm. Tuy nhiên, LHQ hôm nay đã trở nên một thiết chế cần thiết hơn bao giờ hết. Những thách thức toàn cầu của chủ nghĩa khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nạn đói, bệnh tật và nghèo đói, đòi hỏi nhiều phản ứng đa phương và các sáng kiến chủ động.
Liên Hiệp Quốc có một vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển tiếp, thay đổi sau xung đột, cung cấp tính hợp pháp quốc tế và chuyên môn trong những nơi như Đông Timor, các nước vùng Balkans, Afghanistan, và Iraq. Việc trợ giúp, để mang lại sự ổn định và dân chủ cho những khu vực gặp khó khăn, đang cần những nỗ lực quốc tế lớn lao. Nhiều lúc Hoa Kỳ có thể và cần phải lãnh đạo, nhưng nên khôn ngoan, tế nhị chia sẻ thẩm quyền cho - cũng như cùng chia sẻ những gánh nặng, chi phí và rủi ro của các hoạt động, chiến dịch như thế với các quốc gia khác.
Cốt lõi của mạng lưới liên minh của Hoa Kỳ phải là một sự tái cam kết, quyết tâm gắn bó trở lại với quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Lợi ích chung của Hoa Kỳ và châu Âu đang vượt qua đỉnh điểm giới hạn của cuộc chiến tranh lạnh. Như Tổng thống Gerald Ford đã phát biểu tại Hội nghị năm 1975 về An Ninh và Hợp Tác Châu Âu ở Helsinki, "Chúng ta đang chia sẻ, liên kết với nhau bởi một quan hệ mật thiết nhất trên tất cả quan hệ, đó tình yêu nhiệt thành của chúng ta đối với tự do và độc lập, không biên giới quê hương mà chỉ có tình người."
NATO vẫn phải là trung tâm đồng minh trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Sự kết thúc của Chiến Tranh Lạnh đã có nghĩa là một sự thay đổi trong trọng tâm chiến lược của NATO từ việc bảo vệ châu Âu chuyển sang Trung Đông, Trung Á, và châu Phi. Do đó, nó sẽ đòi hỏi một học thuyết chiến lược mới cho thế kỷ XXI.
Như khi NATO điều chỉnh đối với việc tham gia, mở rộng cho các thành viên mới và cả hoàn cảnh chiến lược mới, các thành viên của NATO phải giải quyết những cách biệt trong khả năng quân sự và chi tiêu giữa các nước thành viên. Hoa Kỳ không thể bị bắt buộc hay mong đợi sẽ tiếp tục gánh vác những chi phí bất tương xứng. Điều này có nghĩa là các đồng minh của chúng ta sẽ phải tái xác định lại quyết tâm của họ đối với liên minh. Sức mạnh quân sự sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng, sống còn và ở trung tâm điểm, nhưng sự thành công trong tương lai của NATO sẽ được xác định bởi khả năng của các thành viên trong việc tăng cường và mở rộng hợp tác trong việc thực thi chỉ huy, điều hợp, tình báo, thực thi pháp luật và các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, và nhân đạo.
Nguyên tắc thứ tư của một chính sách Cộng hòa cho rằng Hoa Kỳ phải tiếp tục hỗ trợ cải cách dân chủ và kinh tế, đặc biệt là vùng Trung Đông và phụ cận. Chúng ta không thể đánh mất cuộc chiến tư tưởng. Ở nhiều nước phát triển và trên khắp thế giới Hồi giáo, chúng ta đang chứng kiến một cuộc đấu tranh "bên trong nền văn minh" (intracivilizational), một phần là do những thách thức thế hệ do biến đổi về dân số và tình trạng phát triển. Đây không phải là một cuộc đụng độ của các nền văn minh, như cách đánh giá của Samuel Huntington, nhưng đó là đụng độ ngay trong một nền văn hóa và xã hội về các mô hình quản trị đất nước.
Các quốc gia không phải được xây dựng từ bên ngoài vào; mà được xây dựng, hình thành từ bên trong trở ra. Nhiều xã hội Hồi giáo đang tìm kiếm một con đường có khả năng cân bằng giữa tính hiện đại, truyền thống, và nhu cầu của một thế hệ trẻ đòi hỏi tự do chính trị cởi mở, rộng lớn hơn và những cơ hội kinh tế công bằng hơn. Iran, Pakistan, Saudi Arabia, Afghanistan, Indonesia, và Iraq là những quốc gia đi đầu của cuộc tranh đấu này.
Các sáng kiến chủ động để thúc đẩy cải cách chính trị phải được dựa trên những đánh giá thực tế về nhu cầu và những động lực của mỗi quốc gia, chứ không phải dựa trên ý thức hệ chính thống.
Như Henry Kissinger đã ghi nhận, "một chính sách đối ngoại để thúc đẩy dân chủ cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế địa phương hoặc khu vực, hoặc nó sẽ thất bại. Trong việc mưu cầu dân chủ, một chính sách hợp lý - như trong các lãnh địa khác - là một nghệ thuật có thể đạt được."
Chúng ta nên hỗ trợ thay đổi theo hướng dân chủ thông qua quan hệ đối tác với các chính phủ thân thiện và những người có đầu óc dân chủ ở nước ngoài bằng cách tham khảo ý kiến, hoạt động ngoại giao, thúc đẩy kinh tế, xây dựng các tiêu chuẩn nhân quyền, và các biện pháp có định hướng trên năng lực hướng tới thành công. Một mô hình thành công của chính sách đối ngoại trong lĩnh vực này là Georgia (Gru-dia), nơi các trợ giúp của Hoa Kỳ tập trung cho các thiết chế dân chủ và các sáng kiến chống tham nhũng, qua thời gian, đã giúp mang lại sự thành công của cuộc "Cách mạng hoa hồng" năm 2004.
Chiến lược của chính quyền Bush, "Chiến lược Thúc đẩy Tự Do" (Forward Strategy for Freedom) cho Trung Đông và phụ cận, bao gồm Sáng kiến Đối tác Trung Đông và gia tăng tài trợ đối với Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED), là một khởi đầu tốt cho một chương trình lớn lao và thực dụng vì sự thay đổi trong khu vực này. Nền dân chủ bền vững sẽ phụ thuộc vào các tổ chức hỗ trợ giáo dục, quyền phụ nữ, và khu vực tư nhân phát triển. Nhưng nó cũng sẽ phụ thuộc vào tiến trình (hướng tới việc) giải quyết các tranh chấp lâu dài trong khu vực như cuộc xung đột Israel-Palestine. Vấn đề (này) không đứng yên mà nó đang trở nên xấu hơn - và như đã xảy, nó làm tăng năng lực cho giới chính trị cứng rắn, gia tăng các hành vi cực đoan bạo lực trên toàn khu vực và trên thế giới.
Hoa Kỳ và các đồng minh, do đó, phải phát triển một trật tự an ninh khu vực cho vùng Trung Đông và phụ cận, bao gồm Israel, đồng minh Ả Rập của chúng ta, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, và Iran. An ninh khu vực có thể là một cầu nối cho một cuộc đối thoại của Mỹ với Iran và là một phương tiện khác để xử lý việc Iran hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố và chương trình hạt nhân của Iran. Đối phó với an ninh khu vực ở Trung Đông và phụ cận, và đặc biệt là với Iran và Iraq, sẽ đòi hỏi sự hợp tác khẩn thiết, sâu sắc với các đồng minh châu Âu và đồng minh khu vực của chúng ta. Quyết định của nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi[i], để từ bỏ tham vọng hạt nhân của ông ta và tham gia vào cộng đồng thế giới, có thể là một ví dụ cho Iran và những tiềm năng "tham-vọng hạt-nhân" khác ở Trung Đông và các nơi khác.
Thứ năm, Tây bán cầu phải được chuyển lên mục tiêu hàng đầu của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Quá trình hội nhập kinh tế đã bắt đầu với Hiệp định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) phải phát triển thành một chương trình toàn diện cho toàn bộ Tây bán cầu. Năng lượng, thương mại, giao thông vận tải, và nhập cư, cũng như chủ nghĩa khủng bố và buôn lậu ma túy, tất cả đều quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta.
Đặc biệt, mối quan hệ với Mexico cũng quan trọng như bất kỳ chính sách đối ngoại nào của Mỹ. Mexico có gần 100 triệu người và trên 3000 Km biên giới với Hoa Kỳ; nó là cầu nối giữa Bắc và Nam Mỹ và một trục chiến lược kinh tế của chúng ta và mối quan hệ an ninh ở Tây bán cầu. Hoa Kỳ do đó nên khuyến khích cải cách, bao gồm cả việc tự do hóa luật đầu tư nước ngoài của Mexico, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Cam kết cải cách ở Mexico nên được xem như là một đầu tư vào lĩnh vực an ninh và thịnh vượng cùng chia sẻ với chúng ta, không được coi là một viện trợ nước ngoài.
Những người đã chỉ trích NAFTA đã quên mất một trong những phát triển quan trọng nhất của thập kỷ vừa qua trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Tổng thương mại giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada tăng hơn gấp đôi trong mười năm đầu tiên (với NAFTA). Chúng ta phải tiếp tục tiến bộ này. Hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Chile sẽ xây dựng trên sự thành công của NAFTA bằng cách thúc đẩy pháp trị (rule of law), quyền sở hữu tư nhân, chính quyền cởi mở và hợp tác khu vực. Hiệp định Thương mại Tự do Trung Mỹ (CAFTA) và Khu vực Thương mại Tự do châu Mỹ (FTAA) là những bước quan trọng để hội nhập kinh tế và chính trị sâu sắc hơn giữa tất cả 34 quốc gia Tây bán cầu.
Hội nhập văn hóa của Hoa Kỳ với Tây bán cầu đã tiến triển tốt đẹp hơn trong nhiều năm qua. Hơn 50 phần trăm những người nhập cư vào Mỹ là đến từ châu Mỹ La tinh. Đến năm 2050, gần 25% dân số Hoa Kỳ được dự báo là người gốc Tây Ban Nha. Là một phần của chương trình nghị sự lớn hơn này, Hoa Kỳ và Mexico cần phải làm việc với nhau về chính sách nhập cư (di dân) trên cơ sở ưu điểm của nó chứ không phải không phải sự nghi ngại. Nhập cư là một phần quan trọng của ưu điểm (sức mạnh) và sức sống của Mỹ. Một Mexico cùng với châu Mỹ La tinh thịnh vượng và ổn định hơn sẽ giúp hạn chế nhập cư bất hợp pháp và cải thiện môi trường thuận tiện cho thương mại và đầu tư trong cả khu vực.
Thứ sáu, Hoa Kỳ phải làm việc với các đồng minh của mình để chống lại nghèo đói và sự lây lan của bệnh tật trên toàn thế giới. Đây là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất trong việc quản trị ở các nước đang phát triển. Dịch cúm gia cầm, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), HIV/AIDS, bệnh lao, sốt rét, và các bệnh dịch khác đều có thể bùng phát cấp tính ở châu Phi và châu Á, nhưng sẽ nhanh chóng lan ra toàn cầu và gây ra những tác động hệ lụy phức tạp, nguy hiểm khó lường. Nhà sử học WilliamMcNeill đã viết trong cuốn Bệnh dịch và các Dân tộc (Plagues and Peoples) rằng bệnh truyền nhiễm là "một trong những thông số cơ bản và các yếu tố quyết định của lịch sử nhân loại." Tốc độ du lịch quốc tế nhanh chóng hiện nay đang khiến thời gian cần để ngăn chặn một đợt bùng phát cúm gia cầm hoặc SARS trở nên rất gấp gáp. Và châu Phi sẽ không thể có khả năng đạt được sự phát triển bền vững nếu không có một sáng kiến đột phá để kiểm soát, trị liệu và diệt trừ bệnh AIDS, căn bệnh giết người số một của tiểu vùng cận-Sahara châu Phi.
Nguyên tắc thứ bảy và cũng là cuối cùng của một chính sách đối ngoại của đảng Cộng Hòa là tầm quan trọng của ngoại giao, của mối liên hệ mật thiết và hình ảnh tốt đẹp đối với quần chúng. Điều cốt yếu cho sự lãnh đạo là niềm tin, sự tín nhiệm. Do đó lòng bất mãn, nghi vấn của quần chúng về những sách lược đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ làm suy yếu đi các nỗ lực của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố và thực thi các sáng kiến ở Trung Đông và khu vực.
Các sáng kiến "ngoại giao, quan hệ công chúng" (public diplomacy) đòi hỏi phải có một định hướng chiến lược. Câu trả lời không nằm trong một chiến dịch truyền thông hào nhoáng hay việc đầu tư được nhiều thời lượng quảng cáo trên truyền thông (truyền thanh, truyền hình) cho những diễn giả nổi danh. Ngược lại, chúng ta phải có nhiều hơn nữa các cán bộ, viên chức ngoại giao có khả năng thu hút và tham gia với công chúng trong quốc gia sở tại, gặp gỡ người dân, lắng nghe họ nói và phối hợp các thông tin này vào một chiến lượcngoại giao công chúng hiệu quả.
Trong khi đó, các chương trình trao đổi nghiệp vụ và giáo dục - nền tảng của "ngoại giao, quan hệ công chúng" trong nhiều năm qua - đã bị thụt lùi trở lại bởi vấn đề "An Ninh Nội Địa" và chính sách chiếu khán nhập cảnh sau ngày 11 tháng 9. Đây là một phản ứng dễ hiểu trong ngắn hạn, nhưng ngay bây giờ bắt buộc phải quay trở lại tiếp tục các chương trình trao đổi và cải cách nhập cư – những vấn đề đã phải chịu nhiều thiệt hại vì an ninh và tính chất "mở cửa”.
"Ngoại giao, quan hệ công chúng" là mối liên hệ giữa các chính sách của Hoa Kỳ và việc nhận thức mục đích của nó. Mục đích của Hoa Kỳ trong các vấn đề thế giới luôn luôn phải được dựa trên những lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ, nhưng cũng phải được cân bằng với sự hiểu biết rằng những lợi ích này không cùng một lúc loại trừ những lợi ích của bạn bè và đồng minh. Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã thể hiện điều này rất hay trong bài diễn văn chia tay với quốc dân:
“Trong suốt cuộc phiêu lưu của nước Mỹ với một chính quyền tự do, các mục đích cơ bản của chúng ta làđã và đang gìn giữ hòa bình; thúc đẩy các thành tựu của loài người, và củng cố, đề cao tự do, nhân phẩm, vàsự chính trực giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia. Nếu chúng ta phấn đấu ít hơn, chúng ta sẽ không xứng là một dân tộc tự do, một dân tộc đầy đức tin. Bất kỳ một thất bại nào đều có thể truy nguồn từ sự kiêu ngạo, từ sự thiếu hiểu biết hoặc từ việc rời bỏ những giá trị đó, chúng ta sẽ tự gây tổn thương và đau buồn cho tất cả chúng ta, dù ở trong nước hay ngoài nước.”
Các quan hệ chiến lược
Đảng Cộng hòa phải hiểu rằng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong những năm tới sẽ đòi hỏi sự quan tâm cẩn trọng đến bốn mối quan hệ sống còn - với Liên minh châu Âu (EU), Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc. Quan hệ Hoa Kỳ với các cường quốc này, sẽ rất quan trọng cho sự ổn định và an ninh toàn cầu.
Liên Minh Châu Âu (EU) sẽ là một đại diện trong các khối quyền lực quan trọng nhất của thế kỷ XXI. Chínhsách đối ngoại của Mỹ cần nhận ra EU như là một lực lượng địa chính trị của riêng nó, khác biệt với, mặc dù vẫn liên kết với, các liên minh an ninh NATO. Mối quan hệ của Washington với NATO trong thực tế sẽ được tăng cường thông qua việc công nhận về tầm quan trọng ngoại giao và kinh tế của mối quan hệ Hoa Kỳ-EU.
EU bao gồm 25 quốc gia với biên giới nội bộ mở cửa cho thương mại và đầu tư. Giao thương giữa Hoa Kỳ-EU, tạo nên mối quan hệ thương mại và đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1 nghìn tỷ USD trao đổi hàng năm. Ngoài việc gia tăng mối liên hệ kinh tế khổng lồ này, cả Hoa Kỳ và EU còn có thể được hưởng lợi thêmbằng cách hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu của kỷ nguyên mới. Cả hai cũng sẽ được (hưởng) lợi từviệc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU.
Trong khi đó, kể từ khi sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1989, Nga đã phải vật lộn với cải cách chính trị vàkinh tế. Hoa Kỳ phải tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực cải cách của Nga. Tổng thống Vladimir Putin đã làm việc chặtchẽ với Hoa Kỳ trong bốn năm qua để mang lại cải cách chính trị và kinh tế rộng lớn hơn cho Nga trên conđường gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng Nga cần phải làm nhiều hơn nữa.
Tăng cường mối quan hệ Hoa Kỳ-Nga có nghĩa là phát triển thương mại song phương có hiệu quả hơn, mà cuối cùng sẽ tạo ra công ăn việc làm, an ninh và thịnh vượng ở cả hai nước. Hoa Kỳ nên thúc đẩy, thu hútNga như một đối tác năng lượng chiến lược. Nga đã chứng minh có những trữ lượng dầu vượt quá 60 tỷ thùng và trữ lượng khí đốt tự nhiên lên đến khoảng 1.700 nghìn tỷ feet khối. Vì chính sách năng lượng củaMỹ nhằm đảm bảo nguồn năng lượng đa dạng để đáp ứng nhu cầu của Hoa Kỳ, chúng ta phải tìm kiếm mộtchính sách trong đó có Nga là một đối tác kinh doanh chiến lược.
Với hơn một tỉ người, Ấn Độ được thiết lập để trở thành quốc gia đông dân nhất trên thế giới vào giữa thế kỷ21. Nền dân chủ lớn nhất thế giới, phải đối mặt với nhiều thách thức về quản trị và dân số như đã mô tả ở trên, nhưng nó cũng có tiềm năng lớn. Một mối quan hệ chiến lược Hoa Kỳ-Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích chocác quyền lợi của Mỹ không những chỉ ở Trung và Nam Á, mà còn rộng lớn hơn. Đối với các mối quan hệđể đạt được tiềm năng đầy đủ của nó, tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ phải tự do hóa nền kinh tế và tiếp tục làmviệc với Pakistan để tim ra cách giải quyết cuộc xung đột Kashmir. Mối quan hệ chiến lược của chúng ta với Ấn Độ không nhất thiết phải đánh đổi bằng cái giá của mối quan hệ (với) Pakistan, Hoa Kỳ phải làm việc với cả hai nước để ngăn chặn bất ổn và xung đột khu vực.
Đối với Trung Quốc, nó đã nằm trong những trang này trong năm 1967 (của tổng thống Nixon), khi Richard Nixon đã có những chỉ dấu cho sự mở đầu lịch sử của quan hệ, ngoại giao của ông. Ông (Nixon) đã khôngđưa ra một cơ sở nào cho lập trường chống đối đối với chính trị và các chính sách của cộng sản Trung Quốc, nhưng kết luận rằng, "về lâu dài, nó có nghĩa là kéo Trung Quốc trở lại vào cộng đồng thế giới - nhưnglà một quốc gia đồ sộ và đầy tiềm năng phát triển, chứ không phải là trung tâm của cuộc cách mạng thế giới". Những tổng thống (Hoa Kỳ) kế nhiệm đã theo chân Nixon, và đạt hiệu quả tốt. Thách thức đối với Hoa Kỳngày hôm nay là làm thế nào để đảm bảo rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục trên con đường bình thường (hóa- ngoại giao) và ổn định. Là nơi sinh ra của gần 1,3 tỷ người và là một cường quốc thế giới với tiềm năng kinh tế gần như không giới hạn, Trung Quốc phải tiếp tục được khuyến khích hướng tới sự hội nhập mạnh hơn nữa trong khu vực và có trách nhiệm toàn cầu.
Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không phải lúc nào cũng luôn đồng thuận, và Hoa Kỳ không nên né tránh bày tỏmối quan tâm về quyền con người và các quy định của pháp luật. Nhưng mối quan tâm, bày tỏ sẽ được nghe rõ ràng hơn và dễ tiếp thu hơn trong bối cảnh của một mối quan hệ song phương mạnh mẽ và tin cậy. Thương mại, một mẫu số chung lớn giữa hai nước, không được xem như là một cái cớ để trì hoãn các quyết định khó khăn hoặc để biện bạch cho các hành vi (thái độ) gây rối, mà phải là một cơ hội đểxây dựng mối quan hệ ổn định, trong đó các vấn đề khác cũng có thể thảo luận được.
Có ba lĩnh vực đặc biệt sẽ cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được sâu sắc hơn hay không.
Thứ nhất, vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ rất quan trọng trong việc giúp đỡ để khống chế các tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Mối quan hệ đặc biệt củaTrung Quốc với Bắc Triều Tiên, cho phép Trung Quốc có một vai trò độc nhất vô nhị trong việc khuyến khích Bình Nhưỡng có những lựa chọn đúng đắn. Nếu không cóTrung Quốc, ảnh hưởng của chúng ta với Bắc Triều Tiên sẽ bị giảm thiểu.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ là phương tiện trong các nỗ lực toàn cầu để giảm sự gia tăng của công nghệ tên lửa và các công nghệ kép dân-sự-và-quốc-phòng. Chính phủ Trung Quốc đã công bố gần đây các quy định về kiểm soát xuất khẩu liên quan đến tên lửa và các tác nhân sinh học dân-sự-và-quốc-phòng và các công nghệ. Nhưng Trung Quốcphải thực thi các quy đinh luật pháp của mình một cách cứng rắn, và minh bạch hơn, bắt buộc ngay cả các công ty của quốc gia và cá nhân của Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ một vi phạm nào khi bị phát hiện.
Thứ ba, Hoa Kỳ ủng hộ giải pháp hòa bình của sự khác biệt giữa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan. Việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai bờ eo biển làmột trong những xu hướng tích cực nhất trong khu vực. Tuy nhiên, việc triển khai liên tục các tên lửa và các lực lượng vũ trang khác nhằm mục tiêu chống Đài Loan sẽ tạo rasự nghi ngờ và gia tăng căng thẳng. Hoa Kỳ đã cam kết chính sách "một Trung Quốc", và nghĩa vụ của mình theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Ngoại trưởng Colin Powell đã diễn tả điều này một cách tuyệt vời, khi ông lưu ý rằng "liệu Trung Quốc lựa chọn hòa bình hay cưỡng chế để giải quyết sự khác biệt giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ cho chúng ta biết rất nhiều về loại vai trò của Trung Quốc đang tìm kiếm, ứng xử với các nước láng giềng và tương tự đối với chúng ta."
"Thắp sáng bằng tia chớp"
Nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng đã được xem là dấu hiệu tiêu chuẩn của lãnh đạo ưu việt. Mười ba năm trước, Tổng thống George H.W. Bush đã đánh giá đúng mức vềSaddam Hussein và không những chỉ cắt đứt được sự sáp nhập Kuwait của Iraq mà còn vẽ ra một hành trình cho hướng đi của thế giới thời hậu chiến tranh lạnh. Trong khi tìm kiếm hợp tác Liên Xô chống lại Iraq, Tổng thống Bush đã nói với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, "Tôi muốn, đêm ngày mai, sẽ đi nói với người dân Mỹ là hãy đónglại quyển sách về Chiến tranh Lạnh và chỉ cho họ thấy một trật tự mới của thế giới trong đó chúng ta sẽ hợp tác với nhau."
Ở thời điểm đầu thế kỷ mới này, đảng Cộng Hòa tin rằng Hoa Kỳ phải tiếp tục là một lực đẩy cho nhân loại, tự do, và tiến bộ. Đảng Cộng Hòa hiểu rằng một chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thể hiện được rõ ràng bản sắc, các niềm tin và lợi ích sinh tử của chúng ta, sẽ là di sản của 200 năm đức tin của người Mỹ vào định mệnh của họ. Hoa Kỳ đãvà đang là một lực đẩy trung tâm cho một thế giới tự do, thịnh vượng và hòa bình. Như người Hy Lạp đã ghi nhận cách đây từ hàng ngàn năm: "tính cách tạo nên số phận."
Với ngôn ngữ của ngày hôm nay thì, trong diễn văn nhậm chức lần thứ hai, Tổng thống Ronald Reagan đã bắt được cái thần chủ nghĩa lạc quan luôn nằm ở trung tâm của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ông mô tả thế giới như được "thắp sáng bởi tia chớp". Vì vậy, quá nhiều thay đổi và sẽ còn thay đổi, nhưng cũng rất nhiều thứ còn nguyên, vàvượt được qua cả thời gian."
Xưa cũng như nay, mục đích trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là phác ra một lộ trình mới trong một thế giới được "thắp sáng bởi tia chớp".
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ phải chuyển tải được sự năng động và tính cấp thiết của thế kỷ mới này. Mục đích này không phản ảnh sự ngạo mạn đi kèm với quyền lực siêu cường, cũng không phải là niềm xác tín rằng sức mạnh, quyền lực và các nguồn lực của chúng ta là vô tận.
Tóm lại, chính sách đối ngoại của Đảng Cộng Hòa là phải đoàn kết được nhân dân trong nước và qui tụ được nhiều bạn bè và ảnh hưởng ở nước ngoài để dự án vĩ đại của chúng ta làm cho thế giới ngày càng trở nên tự do và tốt đẹp hơn cho các thế hệ nối tiếp trở thành hiện thực.
Lưu ý của Biên tập viên:
Đây là bài thứ ba trong loạt các bài tiểu luận về các quan tâm trong chính sách đối ngoại cho tổng thống kế tiếp.
Chú thích:
[i] Lưu ý bài này viết năm 2004 khi Muammar al-Qaddafi chưa bị lật đổ và chết sau Cách mạng Mùa xuân năm 2011.