Nguyễn Hiếu (infonet) - Ngày nay, quà Tết không còn mang đậm nét văn hóa truyền thống văn hóa người Việt xưa nữa rồi. Quà Tết đã bị “biến tướng” quá nhiều, giá trị lớn lắm, có khi cả trăm triệu đến cả tỷ bạc… mà phần lớn là tiền moi từ công quỹ Nhà nước hoặc rút ruột công trình xây dựng mà ra...
*
Ngày xưa, kinh tế khó khăn người ta tặng quà Tết là cái bánh, cân chè… nhưng nó có nhiều ý nghĩa lắm! Nay thời buổi kinh tế thị trường, người ta “biến tướng” đi tặng quà Tết trị giá cả trăm triệu, thậm chí tiền tỷ…
Đi kèm món quà Tết đó là phong bì hàng chục nghìn đô để xin xỏ, ký duyệt chạy chức, chạy quyền đến dự án này, dự án kia… Quà Tết bây giờ “biến tướng” nhiều quá! Người ta lợi dụng cái văn hóa biếu quà Tết của người dân xưa để trả ơn, ban ơn thì phải, vì vậy, riêng cá nhân tôi thì phản đối những kiểu đi quà Tết như vậy.
Ông Trần Ngọc Huynh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng VN thắng thắn bày tỏ quan điểm. "Quà tết theo quan niệm của tôi là một thứ gì đó rất ý nghĩa mà dân dã hoặc là thứ đặc sản như: cân chè, chai rượu, cái bánh, thậm chí đôi khi là bữa nhậu…"
Ngày trước, thời còn đương chức, kinh tế chưa phát triển, thì quà tết là những con gà, cân gạo nếp, chai rượu quê hay cái bánh… mà nhân viên đến nhà biếu quà đối với tôi rất có nhiều ý nghĩa vui vẻ lắm, anh em cấp trên, cấp dưới càng thêm gắn bó. Quan điểm của tôi quà giá trị đắt tiền, kèm phong bì giá trị thì không bao giờ nhận, vì khi nhận thì sẽ mắc nợ với người ta…
Nhưng ngày nay, quà Tết không còn mang đậm nét văn hóa truyền thống văn hóa người Việt xưa nữa rồi. Quà Tết đã bị “biến tướng” quá nhiều, giá trị lớn lắm, có khi cả trăm triệu đến cả tỷ bạc… mà phần lớn là tiền moi từ công quỹ Nhà nước hoặc rút ruột công trình xây dựng mà ra.
Quà Tết biếu sếp giờ cả căn hộ tiền tỷ, mà cả đời người dân quê nghèo chẳng bao giờ làm ra được
“Tôi phản đối kịch liệt! Và để ngăn chặn việc quà Tết kiểu “biến tướng” này, chúng ta phải có Chỉ thị, Nghị quyết cấm cán bộ công nhân viên chức cơ quan Nhà nước đi đến nhà sếp để tặng quà Tết có giá trị lớn. Nên quy định quà Tết cho phép ở mức độ nào, trị giá đến đâu,và cán bộ cấp trên phải gương mẫu thực hiện thống nhất từ trên xuống, như vậy mới hạn chế được thông qua biếu quà Tết để chạy chức, chạy quyền, chạy dự án…” – ông Huynh chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Mật, nguyên cán bộ công tác Đảng TP.Hà Nội cho rằng, ngày trước, phần lớn mọi người đều tâm niệm đi đến nhà sếp chỉ tặng cây quất, cây đào, lãng hoa hay rượu… Mà anh em nhân viên đến nhà sếp rủ nhau đi cùng một lúc, vui vẻ lắm... và đó cũng là cái lễ nghĩa của cấp dưới đối với cấp trên
Hay như, lúc mình ở cương vị lãnh đạo, nhân viên cũng đi đến nhà mình năm nay cành đào, sang năm là bức tranh, hay cái đồng hồ… trị giá chỉ vài ba trăm ngàn, nhưng rất ý nghĩa và đúng đạo làm người, tuy nhiên nhớ nhất đối với mình món quà là bức tranh phong thủy nhân viên tặng.
Bây giờ, quà Tết người ta thường đi riêng lẻ, thậm chí quà còn giá trị lớn để trả ơn sếp đã cân nhắc vào vị trí nọ, vị trí kia… Những kẻ lợi dụng chuyện này để chạy chọt, quà biếu dị Tết không phải 500 – 1 triệu mà là bạc tỷ, thậm chí cả ô tô hay căn hộ.
Nếu “sếp ông” không nhận thì đưa “sếp bà”, bằng mọi giá cũng phải đưa làm cho sếp vừa lòng bằng việc tặng quà Tết để sang năm mới sếp cân nhắc đề bạt vào vị trí cao hơn. Thậm chí đi quà Tết chưa đủ, người ta còn lợi dụng cả đám hiếu thăm viếng đến nhà sếp, trị giá cả 500 triệu đến vài chục nghìn đô…
“Chúng ta cần phân biệt được quà Tết cái lễ nghĩa và quà Tết để lợi dụng chạy chọt. Việc bạn bè anh em, cấp dưới thăm hỏi cấp trên trong dịp tết cổ truyền là một truyền thống tình nghĩa truyền từ đời này sang đời khác. Cái chúng ta đang lên án, loại bỏ là những kẻ mượn cớ dịp này để đi mua quan bán chức, chạy dự án, chạy bằng cấp, chạy tội…” – ông Mật cho biết.