BBC - Việt Nam không phản đối ý tưởng cùng thăm dò và phát triển nguồn lực ở các vùng lãnh hải tranh chấp, theo hãng tin Đài Loan Central News Agency.
Hãng tin này dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói việc hợp tác như vậy với các nước láng giềng phải được thực hiện theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Nhưng ông Nghị cũng được dẫn lời nói Việt Nam sẽ không hợp tác tại các vùng mà Việt Nam có chủ quyền.
Đây là điểm gây nhiều tranh cãi khi vùng mà các nước đòi chủ quyền trên Biển Đông chồng lấn và riêng Trung Quốc muốn sở hữu 90% vùng biển này.
Ông Nghị được cho là không phản đối việc cùng khai thác chung trên Biển Đông
Mặc dù hãng tin Đài Loan dẫn lời ông Nghị nói về khả năng hợp tác để cùng khai thác các vùng tranh chấp ở Biển Đông, trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam không nói gì tới chuyện này.
Bộ Ngoại giao dẫn lời ông Nghị trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước phản đối từ Trung Quốc và Đài Loan khi Luật Biển của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2013:
Ông Nghị nói: "Việc Việt Nam thông qua Luật Biển là việc làm bình thường và cần thiết của một quốc gia ven biển có chủ quyền, thành viên của UNCLOS 1982.
"Luật Biển Việt Nam khẳng định rõ chủ trương của Việt Nam giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận, cơ chế liên quan, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực Biển Đông."
'Việt Nam bất lợi'
Các nước có tranh chấp trên Biển Đông đã từng nói về chuyện gác lại bất đồng để cùng khai thác nguồn tài nguyên biển.
Tuy nhiên chưa có dự án hợp tác khai thác nguồn lực nào diễn ra.
"[M]ặc dù Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc không chấp nhận là có tranh chấp, và không chấp nhận khai thác chung với Việt Nam"Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy
Nhà nghiên cứu Biển Đông Dương Danh Huy bình luận với BBC về khả năng khai thác chung trên Biển Đông:
"Trên nguyên tắc thì khái niệm khai thác chung vùng có tranh chấp theo luật quốc tế, không khai thác chung vùng không thể có tranh chấp theo luật quốc tế, là quan điểm hợp lý.
"Tất nhiên điều kiện tiên quyết cho việc khai thác chung phải là không được gây phương hại cho chủ quyền Việt Nam.
Ông Huy cũng nói Việt Nam vẫn có những bất lợi khi đồng ý cùng khai thác: .
"Thứ nhất, mặc dù Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc không chấp nhận là có tranh chấp, và không chấp nhận khai thác chung với Việt Nam.
"Thứ nhì, mặc dù Trường Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, và vì vậy trên nguyên tắc thì khai thác chung là có thể chấp nhận được, nhưng trên thực tế lý lẽ chủ quyền của Trung Quốc và các nước khác là yếu hơn của Việt Nam, cho nên khai thác chung sẽ là thiệt thòi cho Việt Nam hơn là đưa tranh chấp cho Tòa phân xử.
"Thứ ba, Trung Quốc chủ trương mở rộng vùng tranh chấp ra xa hơn luật quốc tế cho phép, lấn sâu vào những vùng biển không thể nào là vùng tranh chấp theo luật quốc tế. Nếu khai thác chung những vùng biển này thì chắc chắn là sẽ thiệt thòi cho Việt Nam."