Huỳnh Bá Hải (Danlambao) - Hôm nay ngày 10.2 cũng là ngày đầu năm âm lịch của dân tộc. Một ngày rất có ý nghĩa với tôi và kỷ niệm với các anh chị trong Dân Làm Báo.
Tôi chuẩn bị rất nhiều cho bài viết mới: "Câu chuyện của...", một người có thật chứ không phải ông X bà Y nào cả. Nhưng vì số phận của người này trong những ngày tới nên tôi đành gác lại bài viết này. Để chuẩn bị cho bài viết này tôi đã tốn kém nhiều thời gian và công sức để thực hiện những cuộc phỏng vấn và chụp những bức hình ưng ý nhất. Với tôi thì bảo vệ nguồn tin và bảo vệ nhân vật chính nghĩa của mình là quan trọng hơn hết. Đây cũng chính là cách mà các anh chị trong Dân Làm Báo áp dụng để giúp đỡ tôi và gia đình tôi có ngày hôm nay.
Ngày 10.2.2011 tôi đặt chân xuống phi trường Oslo, Na Uy. Tuyết rơi đầy giữa cái lạnh âm 10 độ miền Bắc Âu nhưng tôi thấy tim mình ấm lên vì tôi biết chắc tôi đã được cứu thoát thành công. Tôi thử cắn mạnh vào cái lưỡi của mình để biết đây là thật hay là mơ. Phải nói rằng chị Thanh Chi và anh Vũ Đông Hà đã thực hiện một công việc một cách hoàn hảo. Tôi đang đi giữa cái lạnh cắt da nhưng cảm giác lâng lâng như mình đang mơ màng.
Một năm trời ở trước khi đến Na Uy tôi đã trốn tại Thái Lan với biết bao nhiêu vui buồn cay đắng. Có lúc tôi đã là nạn nhân của truyền thông không kiểm chứng. Nhiều lần tôi nghĩ rằng thôi thì quay về Việt Nam đi tù cộng sản còn hơn sống trong thế giới "dân chủ" mà bị vu chụp vô căn cứ. Nhưng nhà thơ Trần Trung Đạo nói với tôi rằng dù chỉ có một tia hy vọng mong manh cũng phải hành động. Cái hy vọng mà nhà thơ Trần Trung Đạo đưa lối đã cho tôi đến định cư ở một đất nước bình an và nhân ái.
Tôi vừa có chuyến quay trở lại Bangkok, Thái lan để giúp hồ sơ cho một số người tỵ nạn và vào trong nhà tù IDC tại Bangkok để thăm những người Việt tỵ nạn bị giam giữ. Tôi coi đó như là một hành động trả nợ cuộc đời. Vẫn còn người thân, bạn bè, thầy cô của tôi tại Việt Nam thân yêu mà tôi còn nặng nợ họ như lời bài hát của một nhạc sĩ mù sáng tác: "Nợ bạn bè lần vẫy tay cuối phố. Nợ thầy cô dấu câu không đúng chỗ...."
2 năm trời - thời gian như dòng chảy. Những mối quan hệ mới, những dự án mới những số phận mới mà mình quen biết trên nghiệp làm báo. Những sản phẩm báo chí của tôi cũng chưa nhiều nhưng ít ra cũng làm thay đổi một vài số phận. Tôi vui mừng và hãnh diện khi các nhân vật trong các bài báo của mình được thay đổi và may mắn mỉm cười với họ. Có một lần bài viết về Công an phường 12 Quận Bình Thạnh mê tín đăng lên Dân Làm Báo thì người cung cấp tin bị công an làm khó dễ khiến tôi không ngủ được.
Nhân vật tôi đang viết trong bài viết "Câu chuyện của...." là nhân vật mà các tổ chức nhân quyền và báo chí Việt Nam và nhiều người mong mỏi muốn biết số phận của người này sau một biến cố. Nhưng vì sự an toàn cho nhân vật của mình nên tôi đành gác qua một bên chuyện công bố bài viết này. Bài trên Dân Làm Báo có thể trễ một thời gian nhưng tôi sẽ có một giấc ngủ ngon vì không làm ảnh hưởng đến số phận một con người.
Cũng trên trang Dân Làm Báo mà tôi tìm lại những người quen ngày xưa trên còn đường làm báo của mình đó là nhà giáo dân oan Bùi Thị Thành ở Thủ Đức hay bà Trần Thị Hài ở Bình Dương. Họ là những người thân quen gắn bó với tôi khi còn trong nước. Đó là những người quen chính nghĩa cùng lý tưởng và dấn thân như tôi. Và đương nhiên tôi cũng có rất nhiều "người quen" khác - họ chuyên đi khủng bố, bắt bớ những người yêu nước chắc dễ dàng họ nhận ra tôi trong một vài chi tiết chỉ riêng tôi và họ biết nhau. Những "người quen" diện này thật tình tôi chẳng ưa gì họ chắc họ khó chịu khi những bí ẩn của họ được công bố trên Dân Làm Báo.
2 năm trời với bao thay đổi ở quê nhà nhưng cái cần thay đổi là tà quyền đang cai trị đất nước vẫn chưa được thay đổi bằng một chính thể biết tôn trọng sự thật và công lý. Một đường hoa Nguyễn Huệ đẹp đấy nhưng còn vô số những nơi ô nhiễm và dơ bẩn khác trong cùng một thành phố. Một vài cảnh sát gương mẫu không nhận hối lộ nhưng còn đấy rất nhiều công an giết người và các quan tham thay nhau nhũng nhiễu dân lành. Một số ít người tin vào đảng lãnh đạo với điều 4 Hiến Pháp tuyệt đối nhưng còn rất nhiều người chưa dám bước qua nỗi sợ hãi để dấn thân cho công lý và chính nghĩa...
"Một con chim én không làm nên mùa xuân" nhưng một bầy quạ đen sẽ gây nên khung cảnh chết chóc và ảm đạm. Và chắc chắn với số đông gấp 30 lần của đàn én dám đương đầu với một bầy quạ thì đám quạ dữ (khoảng gần 3 triệu "con") cũng lo sợ. Nhất là những mùa xuân ở Bắc Phi, ở Trung Đông đang thổi bùng lên những hy vọng mới cho mùa xuân của nhân loại.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương kể lại rằng trong một lần đi thăm chị Tạ Phong Tần khi chuyển lời nhắn thăm của tôi cho chị thì mắt chị Tần ánh lên một cái nhìn hy vọng. Tôi nghe trái tim mình như tan nát. Dẫu biết là chị mừng cho tôi được đến bến bờ tự do chứ không có kỳ vọng gì về kẻ bất tài vô dụng như tôi. Nhưng tôi đặt cho mình một nhiệm vụ phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho những người đang bị tù đày lao khổ. Hồi đó tôi cứ đòi về lại Việt Nam thì chị Tạ Phong Tần la mắng: "Em về làm cái gì, như chị và Anh Ba Sài Gòn luôn áp dụng pháp luật và lý lẽ mà còn không ăn nhằm gì. Về đi tù à?". Giờ thì chị đang bị biệt giam ở một nhà tù khắc nghiệt. Có mùa xuân nào cho chị và cho em đây chị Tần ơi?
Ngày 10.2.2013 tôi bước đi trong cái lạnh dưới 10 độ C của Bắc Âu. Tuyết vẫn rơi nhưng lòng tôi đang thổn thức...