Dân chủ kiểu nào? Trực tiếp hay gián tiếp? - Dân Làm Báo

Dân chủ kiểu nào? Trực tiếp hay gián tiếp?

Dân đọc báo (Danlambao) - Nhiều người quá chán chế độ Cộng Sản, họ cho rằng chỉ cần lật đổ rồi bầu cử chính quyền mới với hình thức dân chủ là đủ. Nhưng cái đầy đủ bây giờ có thể là cái thiếu thốn trong tương lai. Có nhiều quốc gia trên thế giới đã lật đổ chế độ độc tài như Liên Xô, Irak, Iran... rồi mới đây Ả Cập, Tunisia, Lybia... mà có hạnh phúc, cơm no áo ấm đâu? 

Khi một trật tự chính trị cũ đổ ngã, vừa vượt qua nạn không được lựa chọn chính trị thì dân chúng lại gặp khó khăn mới. Chọn gì, chọn ai trong những chính trị gia, đảng phái nở rộ như nấm mọc sau mưa? Phân biệt đâu ra những đảng phái phù hợp với mình trong khi ai ai cũng vỗ ngực lo dân và vì dân?

Xin mổ xẻ một đề tài nóng: Nước Ai Cập

Sau khi lật đổ được chính quyền Mubarak, những người biểu tình hí hửng cho vậy là xong, bằng cách bầu cử dân chủ sẽ được một quốc gia dân chủ. Kết quả là đảng Huynh Đệ Hồi Giáo thắng cử. Tổng Thống Mohamed Morsi, dù đã được số đông dân chúng bầu cử một cách dân chủ, đang lăm le ra những đạo luật để thành một chế độ độc tài mới. Vậy là biểu tình, nội loạn tiếp. 

Xa hơn trong quá khứ, chế độ Cộng Sản Liên Xô sập đổ. Gobachev xuống, Eltsine lên, rồi được Putin thay đổi thành chế độ độc tài khác. Dân chúng lầm than thì lầm than. Quốc gia nghèo nàn thì nghèo nàn. Chỉ có thiểu số giàu sụ lên nhờ tài nguyên, vây cánh chính trị và những kẻ hở của luật pháp, (Olygarchy). 

Lịch sử luôn luôn lập lại những lỗi lầm của con người. Cách đây mấy trăm năm, dân chúng Pháp nổi lên cướp ngục tù Bastille, rồi cuối cùng phong trào Cách Mạng Pháp rơi vào tay Hoàng đế Nã Phá Luân. Châu Âu bị chiến tranh liên miên, nước Pháp thua trận, kiệt quệ kinh tế cả nhân lực. 

Vậy lỗi tại ai? Xin thưa là tại dân chúng Ai Cập, Liên Xô và Pháp. 

Lỗi tại vì dân chúng đã giao quyền hạn điều hành xứ sở của mình cho một số ít người khác. Lỗi của thái độ cho rằng lật đổ xong rồi bầu cử một cách dân chủ là đủ. 

Sau nhiều thế hệ được giáo dục để tin tưởng tuyệt đối và thi hành cho chế độ độc tài. Người dân được tự do chính trị nhưng họ chưa biết dùng sự tự do cho đúng cách. Bằng hình thức bầu cử, họ đem sự quyết định của mình dâng cho một số ít người khác quyết định cuộc đời họ. Một “số ít người khác” này sẽ lập ra đảng phái, vây cánh, cho mình những quyền hành mới. Danh từ dân chủ bị lợi dụng. Chế độ độc tài đổi tên, đổi chủ nhưng không đổi bản chất. Nhiều người bạo miệng nói rằng: Có bầu cử thì hết dân chủ!! 

Trong một số ít quốc gia thoát khỏi ách Cộng Sản và thành dân chủ liền nhưng tôi cho Việt Nam sẽ không thuộc diện này. Phần đông các nước khác đều bị dân chủ hụt thì sao Việt Nam lại khác được? 

Khi đọc đến đây thì người chống cộng sản nghi tôi là công an mạng, CAM. Còn những công an mạng, lý thuyết gia ăn lương cộng sản lại mừng hết lớn. Họ có chứng cớ để bài bác phong trào dân chủ. Viễn cảnh tình trạng đất nước tệ hại hơn sau một cuộc tranh đấu để dành dân chủ là một trong những chiêu bài của các chế độ độc tài. 

Xin hỏi tiếp: 

Vậy dân chúng có muốn trở lại chế độ độc tài của Mubarak? 
Có người dân Đông Đức nào muốn dựng lại bức tường Bá Linh? 
Có quốc gia nào trong khối Đông Âu muốn trở lại chế độ cộng sản? 

Câu trả lời là: Dứt khoát không! 

Chẳng qua là khi dân chúng không được chuẩn bị, giáo dục để sống tự do thì nền dân chủ phải qua những giai đoạn chuyển tiếp. Ai Cập biểu tình rồi sao? Rồi sẽ biến chuyển để hình thành một chính quyền dân chủ hơn. Nếu không thì sẽ biểu tình, bạo động tiếp. Khi chính phủ cai trị không cho dân chúng quyền quyết định bằng những cách thức ôn hòa hơn thì biểu tình là một cách “bầu cử”, “tự điều hành”! 

Tôi viết bài này không phải để bài bác dân chủ vì đây là một hiện tượng của lịch sử không thể tránh khỏi (inevitable). Nếu ta nhìn trên bản đồ thế giới, vào năm 1946 thì chỉ có 20 quốc gia được mang danh là dân chủ trong 72 quốc gia. Đến năm 2005 thì đã có 88 quốc gia dân chủ trong số 195 quốc gia hơn 1 triệu dân. Bây giờ con số này đã tăng lên thêm vì nhiều nước đang dân chủ như Tunisia, Lybia. Nhiều nước khác đang rục rịch dân chủ bằng cách ôn hòa như Miến Điện hay bằng bạo động như Syria. 

Những người Việt có may mắn được sống ở những xứ tự do biết rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm công dân của họ. Biết vì luật lệ rõ ràng, minh bạch và công bằng hơn. Những luật lệ đó không phải phải ngủ qua đêm sáng dậy là có liền. 

Trong nền chính trị dân chủ, mỗi công dân có những quyền lợi dính liền với những trách nhiệm. Trách nhiệm đó đòi hỏi nhiều hơn là thái độ đi “bầu cử một cách dân chủ là đủ”. 

Có kiểu dân chủ nào khác ngoài kiểu dân chủ gián tiếp, “bầu cử là đủ”, trao thân gởi phận này không? 

Dạ thưa có: Dân chủ trực tiếp. 

Dân chủ trực tiếp. (Pure Democracy) 

Tổng Thống Abraham Lincohn có nói: Chế độ dân chủ là một chính phủ của dân, vì dân và cho dân. (Thành ngữ này Cộng Sản Việt Nam vi phạm bản quyền. Của xứ Tự Do chứ không phải của Cộng Sản). Thì loại dân chủ trực tiếp gần sát với ý nghĩa của dân, cho dân và vì dân nhất. 

Chế độ chính trị dân chủ trực tiếp lâu đời nhất là thành phố Athens. Ở đây quốc hội (Boulé) đề nghị những luật lệ, cách thức giải quyết những vấn đề hằng ngày, chi thu, thuế má... và mỗi công dân sẽ được quyền hạch hỏi, giải thích ý kiến của mình rồi phán quyết. Số đông sẽ thắng. Nền dân chủ này không có đại diện, không có vua chúa, tổng thống, thủ tướng... vì quyền hạn trong mỗi một công dân. 

Trong lịch sử nhân loại, chỉ có vài ba thành phố, quốc gia có nền dân chủ trực tiếp như thế này mà thôi. Trở ngại lớn nhất là khoảng cách. Khi quốc gia trở nên rộng lớn thì không phải công dân nào cũng đến được trung tâm quyền lực để góp ý kiến và lựa chọn được. Nhờ internet xóa đi khoảng cách, dân chúng trên thế giới càng ngày càng nghiêng về cách thức dân chủ trực tiếp. 

Ba Tây, Estonia... là những nước đi đầu về dân chủ trực tiếp với internet: e-dân chủ, e-democracy. Ở vài thành phố của Ba Tây, dân chúng có thể quyết định những việc xây cất về cầu đường, trường lớp. Họ cũng được quyết định những chi phí về y tế, giáo dục, an ninh. 

Chính quyền của thành phố phải kê khai ngân sách, số tiền nào làm việc gì, do ai đấu thầu... Nhờ vậy mà tham nhũng giảm đi đáng kể. 

Chúng ta đang áp dụng mô hình dân chủ trực tiếp cho cuộc sống hàng ngày mà không phải ai cũng ý thức được. Khi nhóm bạn bè cùng lứa tuổi họp lại, bàn với nhau đi nơi này nơi kia là dân chủ trực tiếp. Khi những thành viên của một câu lạc bộ bàn với nhau chuyện chi tiêu, cách điều hành của câu lạc bộ cũng là dân chủ trực tiếp. Hình thức dân chủ trực tiếp chỉ đòi hỏi một điều kiện duy nhất: Những thành viên đối thoại với nhau phải có quyền lực bằng nhau. 

Tất nhiên như mỗi chế độ chính trị, nó cũng có nhiều người bài bác. Khi công khai minh bạch như vậy thì những người sống bằng cách buôn bán quyền lực, luật lệ (lobby) mất hết đất sống. Những chính trị gia không có thể làm gì thì làm nên họ tìm cách đả kích loại dân chủ này. 

Công bằng mà nói, dân chủ trực tiếp cũng có cái sở đoản của nó. Plato nêu rõ là nền dân chủ trực tiếp này chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt mà thôi. Bởi gì người dân quyết định cái lợi trước mắt mà không chịu nghĩ xa xôi hơn. Một quốc gia điều hành bởi chế độ dân chủ trực tiếp không có một quốc sách, chiến lược, lối đi... cho trung và dài hạn. 

Sở đoản nữa là số đông sẽ chèn ép thiểu số. Lấy Nguyễn Tấn Dũng làm thí dụ. Nếu cộng sản Việt Nam sụp đổ, đem Nguyễn Tấn Dũng ra đấu tố thì mạng sống của ông sẽ chấm dứt. Những người muốn Dũng chết nhất là ai? Trước hết là vây cánh của Dũng vì giết để bịt miệng, giết để đổ tội, giết để phủi tay. Khi nạn nhân được thành thẩm phán rồi thì họ cũng dễ thành đao phủ. Nhưng Dũng cùng những Trọng, Sang, Bình, Thanh... nên được những tòa án không thiên vị xét xử (như Tòa Án Quốc Tế). Trong quá khứ, hiền triết Socrate cũng bị “ tòa án nhân dân” thành phố Athens ép phải tự sát vì những tội vu vơ “đả kích chính quyền”, “đầu độc giới trẻ”!!!” 

Vậy có nền dân chủ nào hòa hợp hai loại dân chủ này không? 

Thưa có, dân chủ bán trực tiếp. 

Dân chủ bán trực tiếp Half Direct Democracy. 

Ở Thụy Sĩ, ai ai cũng có thể tham gia vào chính trị. Những nghị sĩ của quốc hội, cố vấn nửa ngày của phường, quận, tỉnh ngồi họp, tranh cãi, bỏ phiếu rồi đồng ý với nhau ở hội trường thì trở lại là người dân. Ai làm việc ấy. Ông chủ - đại biểu thì tiếp tục coi quản nhân viên, anh chàng sửa xe - đại biểu thì tiếp tục vặn mỏ lếch, thằng đại biểu- thất nghiệp thì tiếp tục kiếm... việc làm. Họ cũng được trả công nhưng rất ít, có thể xem như là trượng trưng. Không có ai có thể sống bằng lương đại biểu của mình. Vì những vấn đề mà họ phải đồng ý như giá như điện, nước, xăng, dầu... liên quan trực tiếp đến đời sống của họ nên sự bàn cãi đó rất nghiêm chỉnh và kịch liệt. Chi phí cho sự vận hành của chính quyền Thụy Sĩ cũng cực kỳ ít ỏi. (Một Thụy Sĩ 'keo kiệt' trong mắt người Trung Quốc - Tân Phúc Thản). 

Nếu chúng ta muốn Việt Nam đi lên thì chúng ta nên có loại dân chủ bán trực tiếp này. Nó kiềm chế được khiếm khuyết của hai loại dân chủ trực tiếp và gián tiếp. Để có một quốc gia hùng mạnh, công dân tương lai trong nước Việt Nam dân chủ phải bầu ra những người làm bộ trưởng, tỉnh trưởng, xã trưởng, thành phần quốc hội... Nhưng họ cũng phải có quyền tham dự, đề nghị luật, trưng cầu dân ý, và bãi nhiệm bất cứ ai trong chính quyền nếu họ thấy sự lợi ích của họ bị đe dọa. Nhờ internet, họ cũng chẳng cần mất thời gian để đi xa xôi, chờ chực phiền phức. Họ chỉ cần vào những website của chính phủ, vào mục trưng cầu dân ý và bỏ phiếu thuận, nghịch hay trắng cũng dễ dàng như bầu hoa hậu ảnh, bài hát hay nhất trong năm... 

Số đông sẽ thắng. 

Khi họ bầu cử ông A, ông B đại diện cho họ, thì những ông này chỉ có quyền hạn tạm thời mà thôi. Công dân có thể lập tức lấy lại quyền quyết định của mình trong bất kể lúc nào mà họ muốn khi ông A, ông B đi ngược lại nguyện vọng của họ. Họ sẽ tự đại diện cho chính mình và có quyền lực của một cổ phiếu. 

Dù chẳng phải là người đầu tiên, Bismarck đã từng nói: 

Chỉ có người ngu mới rút kinh nghiệm của chính mình! (Mà không rút kinh nghiệm của người khác). Những gì đã xảy ra ở Ai Cập và trên thế giới cho chúng ta thấy, chỉ có những đảng phái chính trị tham gia điều hành chính phủ thì vẫn chưa đủ. Vì chỉ cần các đảng phái chính trị “ ăn-gơ” với chính phủ là đất nước sẽ rơi vào một chế độ độc tài. (''Các đảng phái'' có thể là một đảng cộng sản cầm quyền duy nhất của Việt Nam, một đảng chiếm đa số cử tri như Huynh đệ hồi giáo của Ai Cập, hay nhiều đảng đã có những thỏa thuận ngầm như Liên Xô). 

Chính phủ, các đảng phái đối lập và quần chúng, cả ba đều đáng được cầm quyền song song, giám sát lẫn nhau. Giới trí thức dùng sự hiểu biết quảng bá cách nhìn của mình đến quần chúng bằng báo chí hay trên những website. Dân chúng có quyền quyết định theo lời khuyên của chính phủ, các đảng phái và các trí thức. 

Để kết luận, tôi xin đưa ra đề nghị cuối cùng, là một trong những Tuyên Ngôn Quốc Tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, điều 21 trong chương 1: Mọi người đều có quyền tham gia vào cách điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay gián tiếp qua những đại biểu được tuyển chọn một cách tự do. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo