Dự thảo Hiến pháp, tôi xin góp ý kiến! - Dân Làm Báo

Dự thảo Hiến pháp, tôi xin góp ý kiến!

Việt Nguyễn (Danlambao) - Chưa có quốc gia nào trên thế giới, từ năm 1946 đến nay 2013, mới qua 67 năm, mà có đến 5 lần sửa đổi HP. Cứ trung bình 13,4 năm, thì Việt Nam có một HP, quả là một kỷ lục... Sở hữu thì toàn dân, nhưng chủ sở hữu là nhà nước, nhà nước do đảng lãnh đạo, đi lòng vòng rồi lại trở về túi đảng thôi hà... Một khi điều 4 trong bản dự thảo HP còn tồn tại, thì tất cả những tâm huyết đóng góp xây dựng HP đều trở thành vô nghĩa. Việc tổ chức lấy ý kiến của quốc dân, đồng bào cho bản HP mới, chỉ có ý nghĩa làm cảnh cho chế độ...

*

Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất của quốc gia, mà mọi người sống trên quốc gia đó phải tuân theo. Nó được thể hiện ý chí và sự đồng thuận cao nhất của toàn xã hội. Hiến pháp phải được làm ra bởi toàn dân, bằng các hình thức trực tiếp tham gia, hay thông qua người đại diện, tổ chức đại diện, để viết hiến pháp và góp ý xây dựng hiến pháp.

Bản dự thảo sửa đổi HP 1992, do một ủy ban của Quốc hội hiện hành soạn thảo. Ở Việt Nam, đảng cộng sản lãnh đạo toàn bộ xã hội, việc một cơ quan nhà nước dưới quyền, thảo ra một văn bản mang tính đảng, là điều hiển nhiên. Toàn văn bản dự thảo sửa đổi HP 1992, có 3 điểm mấu chốt làm bản HP trở thành Đảng pháp.

1, Hiến định quyền lãnh đạo của đảng CSVN. (điều 4)
2. Đất đai là sở hữu toàn dân. (điều 57)
3. Lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với đảng CSVN (điều 70).

Chưa có quốc gia nào trên thế giới, từ năm 1946 đến nay 2013, mới qua 67 năm, mà có đến 5 lần sửa đổi HP. Cứ trung bình 13,4 năm, thì Việt Nam có một HP, quả là một kỷ lục.

Hệ lụy chính cũng từ sự độc quyền lãnh đạo của đảng CSVN mà ra. Đảng đã thông qua định chế nhà nước của mình là Quốc hội, mà làm ra HP theo từng thời kỳ, chỉ để phục vụ sự lãnh đạo của đảng. Trong lời nói đầu bản dự thảo HP 1992 có ghi "Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước."
Mỗi bản HP chỉ để ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn, thì nó đâu còn là bản HP nữa. Nó thực sự chỉ là bản văn có tính thời vụ, để đảng biến HP thành công cụ cai trị mà thôi. Chưa có bản sửa đổi HP nào được đưa ra để toàn dân phúc quyết. Bản HP đang hiện hành, không thể hiện ý chí, sự đồng thuận của đa số quốc dân.

Với nguyên tắc toàn dân xây dựng HP, việc đầu tiên là tạo cho được một môi trường trong sáng, để ai cũng có thể tham gia được bình đẳng. Hãy xem ủy ban dự thảo sửa đổi HP của Quốc hội, do ông Phan Trung Lý đứng đầu, như là một thành viên. Trang mạng Bôxit của nhóm trí thức Việt Nam, đứng đầu là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, với bản kiến nghị sửa đổi HP 1992, hàng ngàn chữ ký đang tăng lên từng ngày, như là một thành viên. Trang mạng cùng viết HP của giáo sư toán Ngô Bảo Châu, và cộng sự, là một thành viên. Các cộng đồng dân cư, viết bài, đóng góp ý kiến sửa đổi HP, là các thành viên v.v...

Bằng các hình thức tuyển chọn, như ứng cử, bầu cử, ủy nhiệm, lấy chữ ký, hay thăm dò dư luận... chọn ra một ủy ban gồm những thành phần ưu tú nhất của xã hội, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, mà tổng hợp các đóng góp, viết thành bản HP bảo đảm sự đồng thuận cao nhất của toàn xã hội. Nhất thiết phải thông qua trưng cầu dân ý.

Thực tế các bản HP có giá trị bền vững, của các nước tiên tiến, thường do một nhóm, thậm chí một vài cá nhân ưu tú của quốc gia đó soạn thảo ra. Nhưng nó trường tồn cùng thời gian, vì phù hợp với nguyên tắc chỉ để phục vụ nhân dân. Không bị uốn nắn để phục vụ lợi ích phe nhóm, đảng phái, hoặc cá nhân nào.

Không phải toàn dân Việt Nam, ai cũng có thể viết, nói, đóng góp ý kiến xây dựng HP được, vì nhiều lý do. Thậm chí có nhiều người, kể cả đảng viên, còn không biết điều 4 trong HP nói gì. Chứ đừng mong họ đóng góp ý kiến. Do cách giáo dục nặng về răn đe của chính quyền, nên nhiều công dân thờ ơ với những điều liên quan đến chính trị, tất cả phó mặc cho nhà nước.

Không phải vì thế mà các nhà soạn thảo HP đưa vào các điều luật, không phù hợp với quyền lợi của toàn dân.

Cá nhân tôi xin ủng hộ mạnh mẽ, bản kiến nghị sửa đổi HP của nhóm trí thức Việt Nam, đăng tải trên trang mạng Boxitvn.blogspot. Ở đó các kiến nghị đều rõ ràng, khúc triết. các phản biện đều rất khoa học, chính xác. Chỉ xin vài góp ý nhỏ.

Tên nước nên để là Việt Nam, không thêm tiếp đầu ngữ nào nữa. Các tính ngữ đi theo tên nước, chỉ có tính giai đoạn, còn tổ quốc VN là trường tồn. Cụm từ CNXH lại càng không nên dùng. Cho dù giải thích cách nào đi nữa, thì CNXH, theo học thuyết Mác- Lênin cũng đã sụp đổ cả lý luận lẫn thực tế, trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam cũng đã chuyển qua nền kinh tế thị trường, đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, thì việc dùng tên nước có cụm từ CNXH là không thuyết phục.

Công cuộc hòa hợp, hòa giải dân tộc của VN, từ sau năm 1975 đến nay, vẫn chưa hồi kết thúc, nhiều khi chỉ vì những tên gọi không chính danh này.

Về điều 4, tôi hình tượng hóa, bản dự thảo sửa đổi HP như là một sân bay mà ở đó điều 4 như một quả bom nổ giữa đường băng. Các máy bay ví như các điều của HP, cái thì hư hỏng hoàn toàn, cái thì bị thương, cái thì không thể cất cánh được. Muốn sân bay trở lại hoạt động bình thường, trước hết phải làm lại đường băng, rồi sửa chữa những máy bay. Muốn HP được vận hành phục vụ dân sinh, trước hết phải làm lại điều 4, rồi mới sửa đổi các điều khác. Vì điều 4 phủ nhận điều 2 "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức." Đảng thì lãnh đạo nhà nước, mà đảng thì không phải do dân bầu ra, thì quyền lực nhà nước đâu có thuộc về nhân dân.

Điều 4 cũng phá vỡ các điều quy định về ứng cử, bầu cử của công dân. Đơn giản là, đảng đương nhiên nắm quyền lãnh đạo thì còn ứng cử, bầu cử làm gì nữa. Theo tôi nghĩ đây là một trong những lỗi hệ thống mà ông Nguyễn Văn An, nguyên chủ tịch Quốc hội nói tới. Với hình thức bầu cử như Việt Nam vẫn làm, chẳng bao giờ chọn được người có tài, có tâm phục vụ nhân dân. Người được bầu, không nhận lãnh trách nhiệm từ nhân dân, nên không chịu sự kiểm soát của dân, mặc nhiên họ tự tung tự tác, hậu quả thật khôn lường. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị ông Dương Trung Quốc chỉ rõ là nặng trách nhiệm với đảng, nhẹ trách nhiệm với dân, nên làm gương từ chức đi. Câu trả lời của ông Dũng thì ai cũng biết, đảng phân công thì tôi vẫn làm, như 51 năm qua đi theo đảng.

Dùng quyền lãnh đạo, đảng chèn ép các quyền hiến định của công dân, như tự do ngôn luận, hội họp và biểu tình v.v... Cùng là các điều hiến định, điều quy định về quyền lãnh đạo của đảng, khi chưa được luật hóa, thì áp dụng tuyệt đối. Còn quyền biểu tình chưa được luật hóa, thì đàn áp, bắt bớ, tù đầy.

Đảng tự cho mình quyền ngồi trên HP. Sự sai quấy này được bảo kê bằng điều 70 "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với đảng CSVN". Lực lượng vũ trang nhân dân, hàm chứa là của nhân dân, nhưng lại phải tuyệt đối trung thành với đảng CSVN thật là một nghịch lý. Đảng sử dụng nghịch lý này, trên nỗi sợ hãi của dân chúng, nhưng cứ tự huyễn hoặc rằng nhân dân tin yêu, mà lựa chọn mình là người lãnh đạo. Đảng đã không ngần ngại ra tay tiêu diệt các manh nha đối lập, bằng tất cả những thủ đoạn, kể cả hạ tiện. Điều này tạm thời vẫn bảo vệ được vị trí độc tôn của đảng, nhưng đồng thời cũng thui chột những sáng tạo, đóng góp của nhân dân cho sự hưng thịnh của đất nước.

Điều 57 dự thảo sửa đổi HP 1992 viết: "Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật".

Sở hữu thì toàn dân, nhưng chủ sở hữu là nhà nước, nhà nước do đảng lãnh đạo, đi lòng vòng rồi lại trở về túi đảng thôi hà. Trong hơn hai thập niên trở lại đây, Việt Nam chuyển qua tư bản định hướng XHCN, đất đai trở thành món hàng có lời khủng nhất. Vì nắm quyền đại diện chủ sở hữu, nên nhà nước tha hồ ban phát đất đai cho mình và người thân thuộc. Dân chúng thấy mình mất đất mà không làm gì được, chỉ biết đi khiếu kiện, chửi bới cho đau mồm. Bất cập trong sở hữu đất đai, bây giờ ngày một phức tạp, khiến nhà nước vô cùng lúng túng, khiếu kiện đã có cơ bùng phát không kiểm soát được. Tại sao không đổi sở hữu mang tính không tưởng này thành sở hữu đa thành phần như đang hiện diện trong thực tế. Nói tóm lại điều này vẫn bị chi phối bởi sự lãnh đạo của đảng, nên mới ngày càng rối rắm.

Một khi điều 4 trong bản dự thảo HP còn tồn tại, thì tất cả những tâm huyết đóng góp xây dựng HP đều trở thành vô nghĩa. Việc tổ chức lấy ý kiến của quốc dân, đồng bào cho bản HP mới, chỉ có ý nghĩa làm cảnh cho chế độ.

Vẫn biết là vậy, nhưng là công dân VN, dẫu còn phần nghìn tia hy vọng, cho sự thay đổi tốt đẹp ở VN, tôi vẫn xin đóng góp ý kiến của mình.

Xin cám ơn!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo