Đón xuân này nhớ xuân xưa - Dân Làm Báo

Đón xuân này nhớ xuân xưa

Trần Việt Trình (Danlambao) - "Thế giới có thể quên Mậu Thân 1968 nhưng không ai có thể xoá biến cố tàn độc này trong lịch sử Việt Nam. Những người Việt Nam trẻ tuổi chưa biết cần phải biết. Người Việt Nam những ai đã biết lại càng không thể quên khi thủ phạm tay vấy máu đồng bào vẫn còn chưa trả lời trước toà án lương tâm và toà án thế giới."

*

Lời mở đầu: Năm nay, báo Tuổi Trẻ Online phát động một cuộc thi tùy bút với chủ đề “Tết sum vầy” để “chia sẻ về những ký ức, những hoài niệm, những xúc cảm, những câu chuyện về không khí sum vầy của gia đình, của bè bạn, của tình yêu...”. Cuộc thi diễn ra từ nay cho đến hết ngày 24 tháng 2 với giá trị giải thưởng tổng cộng lên đến 28 triệu đồng. Sau đây là bài tùy bút của tôi với nhan đề “Đón xuân này nhớ xuân xưa”. 

Tết là mùa của đoàn tụ, của yêu thương, của tình thân, của tình gia đình. Dù đang ở đâu, làm gì, Tết vẫn là ngày mà ai cũng mong được quây quần bên nhau, bên ấm trà hít hà mứt gừng cay, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, cầu nguyện cho gia đình được điều may mắn tốt lành. Tết, dù ở đâu ai cũng muốn tề tựu về nhà để hưởng một cái Tết sum vầy tràn đầy hạnh phúc trong không khí gia đình đầm ấm. 

Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, thờ cùng tổ tiên, hỏi han và mừng tuổi nhau. Ngày Tất niên là ngày gia đình sum họp lại để ăn với nhau bữa cơm cuối năm. Buổi tối ngày này, người mình có tập tục lập bàn thờ cúng tất niên. Giao thừa là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa linh thiêng ấy, mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Rồi tiếng pháo nổ râm ran mừng Tết đến. 

Đó là truyền thống một cái Tết sum vầy của dân ta, một nét văn hóa rất đặc trưng đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam. 

Ấy vậy mà cách đây đúng 45 năm, Tết Mậu Thân năm 1968, đã có hàng ngàn gia đình ở Huế tan nát vì một mưu đồ chính trị và quân sự bất minh của chính đồng bào mình. 

Tối mùng Một, rạng sáng mùng Hai Tết, trong khi Huế bắt đầu nhộn nhịp mừng Tết đến thì không ai ngờ rằng đó cũng là ngưỡng cửa vào địa ngục trần gian. 

Trong chiến dịch Đông Xuân 1967–1968, cuộc tấn công của quân đội miền Bắc, dưới danh nghĩa là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đã diễn ra đúng vào thời điểm giao thừa trong bối cảnh hai phía Bắc-Nam đã thoả thuận hưu chiến 36 tiếng đồng hồ để người dân được yên hưởng một cái Tết truyền thống trong hoà bình. 

Quân đội Bắc Việt chọn tấn công miền Nam đúng vào giờ giao thừa và lấy đó làm điều bí mật tiên quyết của trận Mậu Thân. Đại Tướng quân đội Bắc Việt Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh, trận Mậu Thân có ba điểm bất ngờ, đó là mục tiêu, qui mô, và quan trọng trên hết là thời điểm, đúng giao thừa. 

Cố tình vi phạm thoả ước, Bắc Việt đã tấn công đúng vào thời điểm giao thừa để tạo sự bất ngờ hầu chỉ mong nắm được lợi thế quân sự lúc ban đầu. Huế là một chiến trường chính yếu trong toàn cuộc chiến, đã diễn ra khốc liệt và kéo dài đến 25 ngày đêm. Khi quân đội Bắc Việt bị đánh bật ra khỏi thành phố, người dân Huế liền nhận ra rằng mấy ngàn thường dân đã bị thảm sát, và rồi từ đó về sau, mỗi năm, Tết Nguyên Đán đã trở thành ngày giỗ của hàng ngàn gia đình ở cố đô Huế.

Sau cuộc thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế, có nhiều bài viết khác nhau về sự việc này. Người Việt sống ở miền Nam và ở hải ngoại nhớ lại với những căm phẫn. Nhà cầm quyền CSVN thì lại ăn mừng và triển lãm chiến thắng vĩ đại.

Ngày ấy những người tự xưng là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Quân Đội Nhân Dân đã đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố, thị trấn và hàng trăm thị xã miền Nam Việt Nam. Bị tấn công sau, nhưng Huế đã trở thành chiến trường khốc liệt nhất và dai dẳng nhất. 

Cuối cùng thì vào ngày 25 tháng 2 năm 1968 mặt trận Mậu Thân tại Huế cũng chấm dứt. Lực lượng của phía Bắc Việt bị đẩy lui ra khỏi thành phố. An bình lại được vãn hồi. Cờ VNCH được kéo lên trên tháp Kỳ Đài Phu Văn Lâu thay cho cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chễm chệ giữa cố đô trong hơn 3 tuần. 

Nhưng kinh hoàng không dừng lại ở đó. 

Người dân Huế bắt đầu một cơn ác mộng khác. Họ bàng hoàng nhận ra hàng ngàn đồng bào của họ, trong đó có cả thân nhân của họ, bị bắt trong 3 tuần lễ phía Bắc Việt làm chủ thành phố Huế, sẽ không bao giờ trở về nữa. Họ đã bị thảm sát ra sao, và được vùi lấp trong các hầm chôn tập thể như thế nào? 


Những nạn nhân đã bị giết bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả việc cột người lại thành từng hàng, rồi đẩy xuống hố chôn sống. Đó là lời kể của những người chứng kiến tận mắt cảnh khai quật tử thi ở các hầm chôn người tập thế. Nhiều đợt khai quật tử thi cho thấy các nạn nhân tay bị trói cột ra sau lưng bằng dây thép gai, miệng bị nhét giẻ, thân xác không còn nguyên vẹn nhưng lại không có dấu vết bị thương. Điều đó cho thấy rõ ràng rằng họ đã bị chôn sống. 

Khi đài truyền hình Quốc Gia phỏng vấn gia đình của các nạn nhân, hầu như mọi người đều kể một câu chuyện tương tự như nhau là trong 3 tuần lễ rưỡi mà lực lượng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Quân Đội Nhân Dân chiếm đóng Huế thì thân nhân của họ bị những người cầm quyền tạm thời nầy kết án là “ác ôn”, “làm tay sai cho Mỹ”, “có tội với nhân dân” và phải “được xử lý thích đáng”. Những người bị kết án là ai? Họ là những giới chức trong chính quyền VNCH, và gia quyến của họ, những sĩ quan trong quân đội cũng như những người lính đang về nghỉ phép ở nhà, những nhân vật Công giáo được nhiều người biết. “Xử lý thích đáng” có nghĩa là bị xử tử tại chỗ hay bị bắt dẫn đi và không bao giờ trở lại. 

Những người bị dẫn đi mất tích về sau được tìm thấy trong hơn 20 bãi chôn tập thể lớn nhỏ ở các vùng ngoại ô của Huế. Mỗi bãi là một hay nhiều hố cạn chứa từ 5, 7 người cho đến hàng chục hàng trăm xác. Tổng cộng khoảng chừng gần 7000 người đã bỏ mạng trong gần 4 tuần lễ đó. 

Có hầm nạn nhân bị đập đầu bằng cuốc mà chết. Có một nhân chứng là một phóng viên miền Nam bị bắt đi theo Việt Cộng sau được VNCH giải cứu cho biết: “Họ được lệnh đập đầu bằng đầu cuốc, từ phía lưỡi vào”. Cũng theo nhân chứng này, người này phải đập người kia, cứ 10 người bị cột vào với nhau bằng giây điện thoại và đều bị đập vỡ đầu từ phía sau. 

Ông Võ Văn Bằng, Trưởng Ban Truy Tìm và Cải Táng Nạn Nhân Cộng Sản Tết Mậu Thân, thuật lại: “Các hố cách khoảng nhau. Một hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, nào là nằm, nào là ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ, họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng.” 

Nhưng kinh hoàng vẫn không dừng lại ở đó. Mức độ kinh hoàng không ngừng dâng lên. 20 tháng sau, ngày 19 tháng 9 năm 1969, Huế vỡ oà về việc thảm sát tại Khe Đá Mài thuộc quận Nam Hoà. Khoảng 400 bộ hài cốt được khai quật ra từ đây. Những hài cốt chỉ còn xương và sọ. Thịt da đã rữa và trôi đi theo dòng nước. 

Những địa danh của Huế như Gia Hội, Cồn Hến, Chợ Thông, Phú Thứ, Khe Đá Mài, Bãi Dâu, ... xưa nay vốn chỉ được biết trong cư dân Huế với nhau, nay bỗng chốc, trở thành đề tài bán tán của cả miền Nam, trên truyền hình và báo chí tong nước và cả quốc tế. 

Trách nhiệm thuộc về ai? Ai đã giết, ai đã chết, ai chịu trách nhiệm những gì đã xảy ra trong 3 tuần rưỡi kinh hoàng của Huế? 

Thân nhân họ hàng đứng cạnh các bộ phận thân thể vừa được đào lên từ các mộ tập thể trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Photo courtesy of Wikipedia 

Học giả Douglas Pike, thuộc Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, trong bản báo cáo hoàn tất vào ngày 1 tháng 2 năm 1970 tại Sài Gòn, cho biết chỉ trong một trận Mậu Thân tại Huế, gần 4,800 thường dân đã chết và mất tích. Ông kết thúc lời mở đầu của báo cáo thật khẳng định: “Nếu báo cáo của tôi là một bản án đối với thái độ của người Cộng Sản, thì thật sự nó là như vậy đấy. Đơn giản vì thái độ ấy đáng bị lên án.” 

Ông Philip W. Manhard, cố vấn Mỹ tại Huế bị bắt làm tù binh và bị giam giữ ở một trại tù binh ngoài Bắc mãi cho đến năm 1973, đã xác nhận rằng khi phải rút khỏi thành phố Huế, bộ đội miền Bắc đã hạ sát tất cả những ai không chịu đi theo, cũng như những người quá già hoặc nhỏ tuổi gây trở ngại cho cuộc rút quân của họ. 

Nói về phía bên kia, tất cả các kế hoạch đột kích miền Nam được chuẩn bị rất chu đáo và bí mật. 

Sau tháng 5 năm 1975, nhà cầm quyền CSVN hàng năm vẫn khoe thành tích và ăn mừng chiến thắng Mậu Thân nhưng vào năm 1969 Võ nguyên Giáp khi bị các ký giả ngoại quốc phỏng vấn đã đểu giả trả lời là Bắc Việt không hề biết về cuộc chiến Tết Mậu Thân xảy ra ở Miền Nam vì đó là chuyện của MTGPMN và VNCH. 

Một bản tin của đài Giải Phóng nghe được ngày ấy đổ tội cho cảnh sát và quân đội VNCH khi thua rút đi đã gây thảm sát. Chuyện che dấu và đổ tội vạ là điều bình thường của CS từ trước đến giờ mà ai cũng biết. Nhân chứng vẫn còn đó, cả trong nước lẫn ngoài nước. Họ không thể che dấu được tội ác tày trời này. 

Về câu hỏi tại sao VC tàn sát thường dân vô tội, đến nay nhà cầm quyền CSVN vẫn tránh né. Theo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thì động cơ miền Bắc tàn sát dân chúng Huế, ngoài một lý do thứ yếu là trả thù do hờn oán trước đây giữa cá nhân với nhau thì lý do chính yếu là tàn sát theo kế hoạch phá huỷ và làm rối loạn bộ máy cầm quyền của VNCH. Tàn sát để khủng bố và cảnh cáo đe dọa dân chúng đừng tòng quân chống cộng. Tàn sát tín đồ Thiên Chúa Giáo để chia rẽ sự đoàn kết tại miền nam, tạo sự nghi kỵ giữa các tôn giáo với nhau. Đây đúng là chủ trương dùng bạo lực cách mạng mà cấp trên chỉ thị. 

Nói tóm lại, dù Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch cưỡng chiếm VNCH thật chu đáo, cũng như đã tuyệt đối tin tưởng vào đám Việt gian miền Nam nhưng cuộc tổng tấn công đã hoàn toàn thất bại về quân sự. Hà Nội cũng thua luôn về phương diện đạo đức và chính nghĩa khi đã tàn nhẩn xô đẩy hàng ngàn người vào chỗ chết. 

45 năm qua là 45 năm người dân Huế đón Tết cùng lễ giỗ. 45 năm tuy dài nhưng vết thương vẫn chưa lành. Nỗi kinh hoàng đối với dân Huế đã qua đi nhưng trong lòng họ, nỗi đau vẫn còn đó. Người còn sống vẫn đau với vết thương chưa lành và người đã khuất vẫn chưa được giải oan. 

Ông Phan Văn Tuấn là một nạn nhân tiêu biểu của Mậu Thân Huế 68. Khi CS chiếm đóng Huế ông chỉ mới hơn 16 tuổi, đang theo học tại trường tư thục Nguyễn Du. Ông chứng kiến tận mắt một vụ ám sát 5 người ngay ngày đầu tiên. Sau đó, ông và hơn một chục thiếu niên khác bị cộng quân bắt sử dụng vào việc đào hố chôn sống đồng bào ở Gia Hội. Nhờ một phép lạ, ông và 2 thiếu niên khác thoát thân được dưới làn mưa đạn, còn những thiếu niên kia bị cộng quân giết chết. Ông đau khổ nghẹn ngào bộc lộ như sau khi được Nam Dao phỏng vấn nhân dịp tưởng niệm Mậu Thân 40 năm: 

“Phiêu bạt giang hồ, tôi bỏ Huế tôi đi từ hồi đó tới giờ, không bao giờ về… Tôi sợ Huế chị ạ! Không phải tôi sợ quê hương tôi, nhưng tôi sợ cái quá khứ khốn nạn mà CSVN gieo rắc vào quê hương tôi. Mỗi lần nhắc tới Huế, tôi tắt radio. Nhạc mà hát về Huế, tôi tắt. Nói tiếng Sàigòn đi, chị mà nói tiếng Huế, tôi sợ tôi đi. Ở Huế mà sợ Huế, không có chị ơi! Huế không phải sợ Huế, mà Huế sợ cái con ma Mậu Thân Huế. Cái bóng ma Mậu Thân Huế 40 năm nó vẫn theo tôi. Ai nói tiếng Huế tôi giật mình. Chị nói anh người Huế, ai nói tiếng Huế anh thích, không có đâu! Ai nói thì giật mình, giật mình giống như cái lưỡi dao nằm trong thịt, nó lành rồi nhưng mà ai đụng thì tự nhiên thốn! Thốn trong tim!” 

Thật là oái ăm! Ông là người Huế chính gốc. Người Huế tha hương mà ra đường gặp người Huế lại sợ, nghe ai nói tiếng Huế cũng sợ, thấy Tết đến cũng sợ luôn. 45 năm trôi qua rồi, ông đã đón 45 cái Tết với những tâm trạng khác nhau. Ông tưởng rằng đã lấy được thăng bằng, đã chấp nhận sự thật và quên đi những nỗi buồn để sống, nhưng sự thật không phải như vậy. Nỗi buồn đó vẫn khắc sâu trong tim ông. Vì những biến cố và sóng gió xảy ra đó đã làm cho ông sợ Tết. Dẫu cho trong sâu thẳm tâm hồn ông vẫn yêu Tết lắm, để ông nhớ lại những gì tốt đẹp của một gia đình sum vầy mà ông từng có. Nhiều lúc trong những giấc mơ ông vẫn khóc thầm, bao giờ cho đến bao giờ. 

Có lẽ không ai có đủ tư cách và thẩm quyền để trả lời câu hỏi: Ai đã giết người dân Huế? Chỉ có thành phố Huế và người dân Huế, những nạn nhân trực tiếp của cuộc thảm sát, cũng như những người trực tiếp tham gia công tác truy tìm, khai quật và mai táng xác nạn nhân mới có quyền trả lời, và có quyền lên án. 

45 năm đã trôi qua, không biết có bao nhiêu người nay còn muốn nhắc lại câu chuyện Tổng công kích của cộng sản tại Huế, có bao nhiêu người còn đoái hoài tới những kẻ xấu số đã bị cướp mất đi mạng sống của mình một cách thảm thương. 

45 năm rồi, chúng ta, những người không cộng sản còn nhớ được những gì và suy nghĩ gì về cuộc giết người hàng loạt này?

Đã 45 năm trôi qua, vụ thảm sát vẫn là một vết thương chưa lành, vẫn còn là nỗi đau trong lòng người dân Huế. Những gì xảy ra cho người đã chết, sẽ còn mãi trong lòng người đang sống. Biến cố ấy sẽ không trôi qua trong quên lãng. 

Thế hệ Mậu Thân của Huế vẫn còn đó. Năm nay, người dân Huế ở trong nước thì ở những nơi riêng tư, còn ở nước ngoài thì công khai, vẫn tiếp tục tưởng niệm những nạn nhân xấu số của vụ thảm sát 45 năm về trước.

Thế giới có thể quên Mậu Thân 1968 nhưng không ai có thể xoá biến cố tàn độc này trong lịch sử Việt Nam. Những người Việt Nam trẻ tuổi chưa biết cần phải biết. Người Việt Nam những ai đã biết lại càng không thể quên khi thủ phạm tay vấy máu đồng bào vẫn còn chưa trả lời trước toà án lương tâm và toà án thế giới. 

Lời kết: Nếu như tuỳ bút của tôi được may mắn chấm trúng một giải nào đó, xin báo Tuổi Trẻ Online hãy lấy số tiền trúng thưởng đó để tặng hết cho một gia đình nạn nhân của năm 68 còn sót lại đã không hưởng được một cái Tết Mậu Thân sum vầy.

6 tháng 2 năm 2013 
(26 tháng Chạp năm Nhâm Thìn) 
Đón Tết Quý Tỵ mà nhớ Tết mậu Thân 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo