Kinh Hữu (CAND) - Lại thêm một vụ xông vào nhà dân đập đầu gà xảy ra tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vào chiều ngày 23/1 vừa qua. Theo chủ đàn gà bị đập chết, thì "đối tượng" hành quyết gần trụi đàn gà vài chục con của ông là những nhân viên thuộc lực lượng bảo vệ dân phố phường An Khánh. Để công việc "xử" gà diễn ra thuận tiện, họ còn dùng súng công cụ gí vào thái dương chủ nhà để khống chế.
Sau khi đập chết sạch đàn gà, họ mới lập biên bản thiêu hủy, bỏ gà vào bao và… mang đi. Truyền thông chất vấn, họ trả lời gọn lỏn: “Làm theo chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ với quyết định được ký vào… tháng 3/2009, về việc “không cho nuôi gà trên địa bàn toàn thành phố”.
Còn ông Mai Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND phường An Khánh thì cho rằng: “Chúng tôi không cần thông báo, không cần có quyết định. Cứ phát hiện gà là đập chết mới khách quan. Vì gà chọi có giá trị kinh tế, nếu mang về đi tiêu hủy thì sợ dân nghi ngại “tráo đổi” gà tiêu hủy. Nên đập xong để giao cho Thú y quận giải quyết mới khách quan”.
Tháng 3/2009, là thời điểm mà dịch cúm gia cầm H5N1 đang ở đỉnh điểm. Vậy đó, đã gần 4 năm trôi qua, nhưng những ông “vua làng” vẫn kiên quyết đập đầu gà với lá bùa là “để ngăn chặn dịch cúm gia cầm”. Mặc cho cái dịch này ngành y tế đã khống chế từ thời… xa lắc.
Liệu, hành động của lực lượng dân phố nêu trên có có thật sự vô tư(?!).
Khi gà được xem như là vật phi pháp
Vài tuần trước, tôi nhận được khiếu nại của nhiều người dân về cách hành xử kỳ lạ của các lực lượng thuộc UBND xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Những người dân này phản ánh, khi lưu thông trên địa bàn xã, họ bị lực lượng chức năng chặn xe cá nhân để… kiểm soát. Phát hiện xe của họ có chở gà (dẫu là một con), lực lượng chức năng cũng yêu cầu họ đưa xe lẫn gà về xã để chờ giải quyết.
Về xã, họ bị buộc phải ôm gà để lực lượng chức năng của xã dùng điện thoại di động chụp ảnh. Chụp ảnh xong, họ ngồi chờ hàng giờ liền để "mấy anh ở xã giải quyết". Chờ vài tiếng đồng hồ, gà của họ bất thần bị những nhân viên thuộc lực lượng chức năng của xã Bình Thạnh… đập chết.
Làm việc với chúng tôi, ông Phó chủ tịch xã Bình Thạnh cứ ấp a ấp úng mãi về hành động cho người chặn xe, đập đầu gà. Nói đi nói lại ông cứ giở chiêu bài "Là để ngăn chặn dịch". Thế nhưng, ông lại không đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi: "Dịch cúm gia cầm xảy ra lần gần đây nhất trên địa bàn xã là khi nào? Chủ trương chặn xe tịch thu gà là chủ trương của xã hay của huyện?". Ông Phó Chủ tịch luôn miệng: "Tôi sẽ báo cáo để xin ý kiến và trả lời với các anh sau".
Mặc cho trước đó, ông Phó Chủ tịch được ông Chủ tịch xã ủy quyền trả lời toàn bộ các câu hỏi của chúng tôi. Mà ông Phó Chủ tịch xã này cũng đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Phòng chống dịch cúm gia cầm của xã Bình Thạnh. Hóa ra, ông thích thì ông làm thôi, chứ ông chẳng biết gì cả!
Ông Quyền, nạn nhân của các "ông vua làng" tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp HCM.
Vị Phó chánh Văn phòng của UBND huyện Trảng Bàng, làm việc với chúng tôi lại hứa "sẽ trả lời cho mấy anh bằng văn bản về vụ việc này". Nhưng đợi hoài, không thấy phía huyện trả lời. Gọi điện thoại nhắc, thì lại nghe câu nói quen thuộc "chúng tôi đang cho cấp dưới giải trình", và mọi thứ lại rơi vào im lặng. Bất chấp trước đó, ông này từng thừa nhận “Lần đầu tiên trên địa bàn huyện xảy ra chuyện trái khoáy này”.
Xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh là địa phương giáp biên giới, nói vui miệng là thuộc "vùng sâu vùng xa". Cứ nghĩ vùng sâu vùng xa mới xảy ra chuyện lộng quyền của mấy ông quan xã. Nhưng, không thể ngờ được là ngay tại Tp HCM cũng xảy ra chuyện đó.
Địa bàn xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp HCM còn nhiều khu đất trống. Ở đâu cũng thấy người dân nuôi gà, nhà ít thì vài con, nhà nhiều thì hàng chục con. Gia đình ông Quyền có được 13 con gà chọi, làm chuồng nuôi nhốt rất đẹp. Một ngày đẹp trời giữa tháng 1/2013, ông Khanh, nhân viên của Phòng Thú y huyện cùng vài nhân viên công quyền thuộc UBND xã Vĩnh Lộc B đến "gõ cửa, xem gà, kiểm tra công tác phòng chống dịch".
Vợ ông Quyền nghe vậy, vội vã chấp hành, mở cửa chuồng gà để mấy vị kiểm tra. Mở được cửa chuồng gà, họ mượn tiếp cái bàn làm việc. Trong lúc vợ ông Quyền vào nhà lấy bàn cho họ mượn, thì ở ngoài này, họ nhào vào chuồng gà, tay bắt chân đuổi, túm được con gà nào là bẻ cổ quẳng mạnh vào tường. 13 con gà chờ bán tết của ông Quyền chỉ may mắn chạy thoát 5 con, còn 8 con bị nhóm người nhân danh "phòng chống cúm gia cầm" này vật chết thẳng cẳng.
Bị gia đình ông Quyền phản ứng dữ dội, nhân viên thú y của huyện tên Khanh chìa ra cái thẻ chứng minh "tui là người của Thú y huyện". Ông Quyền vặn lại: "Mấy anh muốn đập gà tiêu hủy gì đó phải có biên bản, ông chìa cái thẻ này ra làm gì?”.
Quê độ, ông Khanh phải nháo nhào lập một cái biên bản với nội dung "Có tịch thu, tiêu hủy 8 con gà". Biên bản lập xong, tự ông ấy giữ. Đồng thời, ông thét các nhân viên thuộc UBND xã cho xác 8 con gà vào bao tải… mang đi.
Tôi có đăng ký làm việc với mấy anh lãnh đạo xã Vĩnh Lộc B để trao đổi về vụ việc trên, nhưng anh nào cũng lắc đầu quầy quậy "Không nắm được vụ việc". Thật lòng, tôi không biết phải phản ứng ra sao trước thói vô trách nhiệm này.
Thói lộng quyền của "vua làng"
Từ rất lâu rồi, không phải là người dân không biết chuyện lộng quyền của một bộ phận quan xã, mà gọi đúng hơn là "vua làng". Quyền lực của những ông này kinh lắm, thương ai thì người đó được nhờ, còn đã để ý ai thì chắc chắn cá nhân đó phải bị "lên bờ xuống ruộng". Trở lại chuyện đập đầu gà, mấy con gà ai đó cho rằng là chuyện không lớn, nhưng tôi nghĩ chuyện lớn luôn nảy sinh từ những chuyện rất nhỏ.
Tôi chưa bao giờ đọc được bất cứ một văn bản, luật định nào cho rằng nuôi gà là phi pháp. Tôi cũng chưa bao giờ được biết hành động chặn xe đập đầu gà, nhào vào nhà dân vặn cổ gà… không cần văn bản, không cần thông báo... là hành vi hợp pháp của những người thực thi công vụ.
Từ chuyện ở xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cho đến chuyện ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM và chuyện ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ… cho phép chúng ta đưa ra nhận định: Những cá nhân thực thi công vụ tại các địa phương này, họ tự cho phép họ một loại hình "luật" riêng không ai được phép chối từ.
Phải tự cho phép họ làm luật, thì họ mới dám ngang nhiên xâm hại tài sản của công dân chứ? Làm gì có một quốc gia thượng tôn pháp luật nào, những người thực thi công vụ không cần bất cứ văn bản, quy định nào vẫn có thể xông vào nhà người dân, tay túm gà, tay vặn cổ. Làm gì có một nhóm nhân viên nào thừa hành pháp luật lại hành xử theo kiểu "lừa người dân đi khuất dạng để túm gà đập chết"…
Chuyện cứ tưởng chỉ có trong các tình tiết phim ảnh, miêu tả thói côn đồ của những tay tàn binh trong thời chiến lại đang hiển hiện ngay thời điểm này. Ai sẽ xử lý họ? Phải có người xử lý họ chứ. Mà xử lý họ có khó không(?!). Hoàn toàn không khó, nếu không muốn nói là vô cùng đơn giản.
Vậy thì tại sao một nhóm người khoác trên mình bộ áo công vụ lại dám hành xử theo kiểu này? Có phải họ được bao che? Ai bao che cho họ? Có phải là những người đứng đầu về hành chính tại địa phương theo quy định của pháp luật? Những vị này, có lá bùa rất hay để đối phó. Họ triệt để thực thi theo nguyên tắc "Không nghe, không thấy, không biết" hay đơn giản hơn chỉ là "Để hỏi lại anh em, nghe anh em báo cáo".
Thói quan liêu đã tiêm nhiễm vào máu của họ. Làm sao chấp nhận được chuyện, một lãnh đạo xã, phường hoàn toàn không biết những vụ việc gây bất bình trong lòng dân xảy ra trên địa bàn mình quản lý. Không có cái cớ nào để đổ thừa trong trường hợp này.
Tiền lương họ được thụ hưởng là từ tiền thuế của dân. Vị trí của họ là do dân bầu. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo an sinh và tạo điều kiện sinh sống tốt cho cư dân sinh sống trên địa bàn do họ quản lý. Vậy mà, trước những bất bình của người dân, họ lại không nghe, không thấy, không biết và… ngồi chờ báo cáo. Rõ ràng, họ đã không làm tốt chức phận của mình(?!). Và với một cá nhân không làm tốt chức phận của mình, cái áo công quyền đã quá khổ so với cái tầm của họ.
Nếu nói người dân nuôi gà, lại là gà chọi nên bất chấp pháp luật phải tiêu diệt hết đàn gà chọi này, nhằm ngăn chặn tệ đá gà ăn tiền. Nói như vậy, là thừa nhận sự bất lực của những người thực thi công vụ trong quá trình ngăn chặn những tiêu cực. Lập luận này của họ, khiến tôi nhớ đến câu chuyện cười, một thẩm phán đề xuất "tịch thu toàn bộ công cụ có khả năng dẫn đến hành vi xâm hại nữ giới của… tất cả đàn ông".
Nhắc lại lá bùa mà các nhân viên công quyền kè kè trong người trong việc đập chết gà của người dân. Đó chính là văn bản quy định về "ngăn chặn dịch cúm gia cầm".
Trong từng thời điểm đặc biệt, cần có những quy định phù hợp với thời điểm đó. Nên nhớ, quy định này có tính thời điểm. Khi thời điểm đã qua đi, cần phải xác tín lại phạm vi của văn bản, hay có văn bản khác phù hợp hơn với tình hình thực tế. Tạm gọi là, trả xã hội lại với trật tự ban đầu.
Tại sao lại để một văn bản, quy định được ban hành trong thời điểm khắc nghiệt nhất của dịch cúm gia cầm lại gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân vào thời điểm này. Chính vì không trả lại xã hội với trật tự ban đầu, sự quản lý cứng nhắc dựa trên văn bản mới dẫn đến thói hành xử lộng quyền, bất chấp pháp luật của các ông "vua làng" trong những câu chuyện mà tôi vừa nêu trên.
Đã đến lúc, cần phải xem xét lại trách nhiệm của những người đứng đầu tại địa phương khi buông lỏng quản lý, để thuộc cấp của mình muốn hành xử với dân theo kiểu ngang ngược nào cũng được