Đình Mười (TTO) - Hàng loạt tuyến đường tại TP.HCM đang xuống cấp nghiêm trọng khiến tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên; nhiều dự án khác thì thi công ì ạch do thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng. Người dân kêu khổ còn chính quyền thì than thiếu vốn.
Gây khó cho dân
Đường Nguyễn Văn Bứa, nối TP.HCM - Long An đã hư hỏng nặng nhưng không được sửa chữa - Ảnh: Như Thảo
Nhiều người dân sống trên đường Trần Mai Ninh, P.12, Q.Tân Bình phản ảnh, con đường này xuống cấp, hư hỏng đã nhiều năm nay, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân địa phương nhưng 4 năm nay không thấy cơ quan chức năng sửa chữa, nâng cấp. Bên cạnh đó là tình trạng các hộ dân hai bên đường lấn chiếm để buôn bán khiến lòng đường thu hẹp, lưu thông rất khó khăn nhưng không thấy có biện pháp giải quyết. Đây là con đường nối từ đường Trường Chinh đến đường Bàu Cát, tập trung rất đông dân cư, trường học, chợ... Xe cộ lưu thông dày đặc. Tình trạng nói trên gây khó khăn lớn cho người dân ở khu vực này. Bà Tư Bê, bán trái cây trên đường Trần Mai Ninh, bức xúc: "Ngày nào cũng có va quệt do xe cộ né ổ gà. Tôi ở đây gần 10 năm rồi mà chưa thấy khi nào nhà nước sửa chữa, nâng cấp đường này. Chắc mấy ổng quên nó rồi".
Công trình mở rộng tỉnh lộ 10, tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM với Long An lâu nay thi công dang dở. Đoạn từ cầu Tân Tạo đến nhà số 1824, KP.1, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, các phương tiện và vật tư phục vụ công trình như ống cống, xe xúc, xe ủi... nằm ngổn ngang không rào chắn. Nền đường thì đầy ổ gà, cát sỏi lởm chởm. Bà Nguyễn Thị Hà, bán nước mía ven đường, nói: “Khi thấy TP chủ trương mở rộng tỉnh lộ 10, người dân rất phấn khởi. Nhất là khi mới khởi công, tiến độ tiến triển rất tốt. Nhưng càng về sau tình trạng ì ạch cứ kéo dài rồi giậm chân tại chỗ”. Ông Nguyễn Văn Quốc, nhà số 1812A, KP.1, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, bức xúc: “Khi bắt đầu thi công, chủ đầu tư hứa với người dân hằng ngày sẽ cho xe chở nước tưới mặt đường để hạn chế bụi nhưng những tháng qua không có một giọt nước nào khiến bụi mù mịt. Tổ dân phố đã phải nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết”. Theo ông Quốc, tình trạng ô nhiễm kéo dài gần hai năm qua đã khiến mọi việc làm ăn buôn bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhà hai bên đường suốt ngày đóng cửa im lìm, người dân phải hạn chế ra ngoài.
Theo Khu quản lý Giao thông đô thị số 4, chủ đầu tư dự án mở rộng tỉnh lộ 10 (từ ranh Long An đến cầu Tân Tạo), dự án có tổng vốn đầu tư 772 tỉ đồng, đến nay còn hơn 100 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng, tiến độ công trình bị chậm trễ. Sở GTVT TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP có 12 công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ: xây dựng Cầu Đỏ, mở rộng đường Bến Vân Đồn, xây dựng tỉnh lộ 10B, đường liên cảng A5, xây dựng cầu Suối Cái - xa lộ Hà Nội, hoàn chỉnh nút giao cổng chính Đại học Quốc gia, xây dựng cầu Rạch Tra, mở rộng tỉnh lộ 10, mở rộng xa lộ Hà Nội, xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, xây dựng đường Vành đai đông, đường nối đường Nguyễn Duy Trinh đến KCN Phú Hữu.
Chính quyền thiếu vốn
Về tình trạng xuống cấp của đường Trần Mai Ninh, ông Đinh Khắc Huy, Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình cho biết quận cũng rất “sốt ruột” và hiểu được nỗi khổ này của người dân. Tuy nhiên, do vướng Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công không cho phép quận dùng tiền ngân sách đầu tư những công trình không mang tính trọng điểm, cấp bách. Đường Trần Mai Ninh dù xuống cấp nặng nhưng không thuộc danh mục công trình trọng điểm của Q.Tân Bình. Hiện quận đang lên kế hoạch mở rộng con đường này theo phương án nhà nước và nhân dân cùng làm. “Quan trọng là người dân phải chịu hiến đất mở rộng đường chứ quận không đủ tiền để đền bù về đất”, ông Huy cho biết. Quận thiếu tiền, tuy nhiên theo nhiều người dân sống ở đây, nếu chưa thể mở rộng đường thì chí ít, chính quyền cũng nên cho duy tu mặt đường, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm để con đường thông thoáng hơn.
Trên bình diện rộng hơn, theo Sở GTVT, việc thực hiện các dự án hạ tầng đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân giải phóng mặt bằng (do các quận, huyện) thực hiện quá chậm. Thực trạng này đang diễn ra tại các dự án: đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, xa lộ Hà Nội, tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, liên tỉnh lộ 25... Sở GTVT cho biết, việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng do thủ tục bồi thường rườm rà, quỹ nhà tái định cư TP chưa đáp ứng đủ số hộ dân bị ảnh hưởng, thiếu kinh phí. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, thực hiện Nghị quyết 11 về thắt chặt đầu tư công, vốn ngân sách bị hạn chế nên không bố trí kịp nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, công tác huy động vốn ODA và các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng cũng đang gặp trở ngại. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay bên ngoài, lãi suất vay cao đã ảnh hưởng đến việc huy động vốn, như dự án xa lộ Hà Nội, liên tỉnh lộ 25B... Đặc biệt, tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến các nhà đầu tư rút lui, như trường hợp Công ty GS đối với đường trên cao số 1.