Vinashin tìm cách kéo dài khoản nợ 600 triệu USD - Dân Làm Báo

Vinashin tìm cách kéo dài khoản nợ 600 triệu USD

Nhật Minh - Hà Thu (VnExpress) - Lãnh đạo Vinashin xác nhận đang có kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ hơn 600 triệu USD phát sinh từ đợt phát hành trái phiếu quốc tế năm 2007. Kế hoạch này được cho là có sự tham gia của Bộ Tài chính.

Trao đổi với VnExpress.net chiều 5/2, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) - Nguyễn Ngọc Sự cho biết doanh nghiệp này đang lên kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ hơn 600 triệu USD do phát hành trái phiếu năm 2007, thông qua phát hành trái phiếu mới. Phương án cuối cùng đang chờ chốt và ông Sự hứa sẽ công bố vào thời điểm chín muồi. Trước đó, Vinashin đã không thể trả được khoản lãi đầu tiên cho lô trái phiếu này và bị cộng đồng tài chính quốc tế đặt dấu hỏi về việc vỡ nợ. 

Món nợ khủng của Vinashin có khả năng được giải quyết. Ảnh: AFP

Cũng trong chiều 5/2, dẫn lời một nguồn tin thân cận với vụ việc, hãng tin Reuters cho biết kế hoạch tái cơ cấu nợ của Vinashin sẽ có sự tham gia của Bộ Tài chính Việt Nam. Theo đó, Vinashin này đề xuất hoán đổi khoản vay 600 triệu USD cộng tiền lãi chưa trả trị giá 20 triệu USD bằng 620 triệu USD trái phiếu với lợi tức danh nghĩa 0%. 

Theo nguồn tin, trái phiếu này sẽ được Bộ Tài chính bảo lãnh và có thời hạn 12 năm và hưởng lãi 1% mỗi năm. Số tiền lãi này sẽ được thanh toán một lần sau khi lô trái phiếu đáo hạn. Cũng theo nguồn tin này, bản kế hoạch đã được gửi tới các chủ nợ thông qua tổ chức tư vấn phát hành trước đây là Credit Suisse với hạn chót hồi âm là 15/2. Kế hoạch chỉ được thông qua nếu có sự đồng ý của 2/3 số chủ nợ, đang sở hữu 2/3 tổng nợ của Vinashin (bao gồm chủ nợ cũ và các tổ chức mua lại nợ). 

Vinashin phát hành 600 triệu USD trái phiếu quốc tế năm 2007 với thời hạn 8 năm. Theo thỏa thuận ban đầu, tập đoàn này sẽ phải trả khoản tiền đầu tiên (60 triệu USD) vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, lãnh đạo Vinashin tuyên bố không đủ khả năng tài chính để trả nợ. 

Vụ việc trở nên rắc rối và dẫn đến không ít kiện tụng trong thời gian sau đó giữa các bên. Phía Vinashin cũng nhiều lần đưa ra phương án, trong đó có việc gia hạn khoản vay nhưng không được các chủ nợ chấp nhận với lý do Chính phủ nhiều lần tuyên bố nợ do Vinashin "tự vay, tự trả". Trong bối cảnh đó, việc phương án được đưa ra, để cập đến khả năng tham gia bảo lãnh của Bộ Tài chính, nhiều khả năng sẽ được các chủ nợ chấp nhận. 

Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa đưa ra một thông tin chính thức nào về hướng giải quyết vụ việc. 



*

BBC: Bộ Tài chính sẽ 'giải cứu Vinashin'?

Bộ Tài chính Việt Nam sắp giúp Vinashin phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ, hơn hai năm sau khi tập đoàn đóng tàu Nhà nước Vinashin mất khả năng trả nợ, theo tin thông tấn ngày 5/2.

Bộ Tài chính đã quyết định bảo lãnh cho đợt trái phiếu sắp phát hành của tập đoàn này, hãng Reuters dẫn lời một nguồn tin gần với vụ việc. 

Cùng ngày, chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, ông Nguyễn Ngọc Sự cũng thừa nhận với báo trong nước rằng doanh nghiệp này đang lên kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ 600 triệu USD do phát hành trái phiếu năm 2007 thông qua phát hành trái phiếu mới. 

Kế hoạch này được Vinashin trình đến chủ nợ với hy vọng sẽ giúp chấm dứt vụ tai tiếng kéo dài từ năm 2010, khi Vinashin mất khả năng trả khoản nợ 60 triệu USD đầu tiên. 
Chính phủ 'bỏ mặc' 

Trước đó, các ngân hàng đã cho Vinashin vay dưới sự bảo lãnh của Nhà nước. 

Tuy nhiên sau đó những ngân hàng này đã phải lãnh chịu hậu quả sau khi chính phủ bỏ mặc tập đoàn này chìm trong khoản nợ 4 tỷ USD. 

Kể từ lúc đó, tập đoàn đóng tàu do Nhà nước sở hữu này vẫn chưa tìm được một phương án tái cơ cấu hiệu quả. 

Phương án mới này sẽ được gửi đến cho hơn 20 chủ nợ, theo đó, Vinashin đề xuất hoán đổi khoản vay 600 triệu USD cộng tiền lãi chưa trả trị giá 20 triệu USD bằng 620 triệu USD trái phiếu với lợi tức danh nghĩa ở mức 0%. 

Ngân hàng thương mại Habubank phải chịu sáp nhập vào SHB một phần vì nợ xấu do cho Vinashin vay 

Thời hạn trả lời cuối cùng cho đề xuất này là ngày 15/2. 

Reuters cho biết lượng trái phiếu này sẽ được Bộ Tài chính bảo lãnh với thời hạn 12 năm và hưởng lãi 1% mỗi năm. Số tiền lãi này sẽ được thanh toán một lần sau khi lô trái phiếu đáo hạn. 

Kế hoạch này sẽ chỉ được thông qua nếu có sự đồng ý của 2/3 số chủ nợ, sở hữu ít nhất 2/3 số nợ. 

Khoản nợ 600 triệu USD thời hạn 6 năm được ký năm 2007, với sự tham gia của hơn 20 ngân hàng, phần lớn là ngân hàng thương mại. 

Đây là khoản gia tăng so với mức 200 triệu USD ban đầu, và cũng là khoản cho vay phối hợp lớn nhất của Việt Nam. 

Credit Suisse lúc đó đóng vai trò tư vấn cho cả hai bên. Kế hoạch tái cơ cấu lần này của Vinashin cũng đã được gửi thông qua Credit Suisse.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo