Đảng thắng - Dân thua - Nước mất, ai khóc? - Dân Làm Báo

Đảng thắng - Dân thua - Nước mất, ai khóc?

Phạm Trần (Danlambao) - Đợt 1 lấy ý kiến toàn dân về sửa đổi Hiến pháp 1992 của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) chốt lại ngày 31/03 (2013), và đợt thứ 2 sẽ nối tiếp cho đến ngày 30/09 (2013) để cho Quốc hội thảo luận hoàn tất Hiến pháp mới vào cuối năm. 

Lịch trình này xem ra suôn sẻ nếu không có những đợt sóng người dân trong xã hội nổi lên chống đảng và chống Bản Hiến pháp vì quyền làm chủ đất nước của họ đã bị đảng tiếp tục xóa đi để cai trị đất nước không ai đồng ý bằng lá phiếu.

Nhưng đảng không quan tâm lắm vì dân có chống đến đâu đảng vẫn tìm thắng bằng mọi cách. Tuy không “cưỡng chế” hay “áp đặt”, nhưng chỉ cần có sự hiện diện của cán bộ phường, khóm và Công an khu vực cũng đã bảo đảm cho đảng có được hai chữ “đồng ý” của người dân, nếu họ không muốn bị phiền hà, sách nhiễu sau này. 

Ngay cả tại các buổi gọi văn chương cho sang là “thảo luận”, “tọa đàm”, hay “hội thảo khoa học” về Hiến pháp sửa đổi thì “đố” ai dám đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp loại đảng ra khỏi vai trò “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”? 

Thế cho nên đảng sẽ thắng lớn và người dân thì nhất định phải thua, có chạy đi đâu cũng không “thoát khỏi lưới” nhà nước.

Bằng chứng như lời tuyên bố của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ thì đến ngày 25/03 (2013) “Bộ Tư pháp đã nhận được 29/30 báo cáo kết quả lấy ý kiến các bộ, ngành; 59/63 báo cáo kết quả lấy ý kiến của địa phương với tổng số 88 báo cáo, ước tính khoảng 5.000 trang. Kết quả tổng hợp cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 28.014 cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 15 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các nội dung của Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992.” 

Thống tấn xã Việt Nam (TTXVN) viết tiếp: “Đa số các ý kiến góp ý cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bám sát quan điểm, định hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp được xác định tại các Nghị quyết của Đảng; thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với tình hình mới của đất nước. Dự thảo đã ghi nhận rõ một số nguyên tắc, nền tảng; định danh rõ các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; thể hiện tư duy mới trong các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bổ sung các thiết chế hiến định độc lập.” 

Như vậy thì Hiến pháp là của dân hay của đảng? Văn kiện này chỉ nhằm “hiến pháp hóa” Cương lĩnh và các Nghị quyết của đảng thì đầu phải là Hiến pháp mà là Quy chế của đảng viên mới đúng chứ? 

Tại sao đảng lại tham lam quá như thế? Ngoài Cương lĩnh, đảng còn có Điều lệ đảng và hàng trăm văn kiện khác như Quy định số 47-QĐ/TW ấn định “19 Điều đảng viên không được làm” Quy định kê khai tài sản có từ 2007 (Số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007), sau được sửa đổi theo Nghị định 68/2011/NĐ-CP mà có dẹp nổi tham nhũng đâu?

Bây giờ đảng lại bày ra Hiến pháp để bắt dân phải coi đảng như nhà nước và nhà nước là của riêng đảng thì dân là “bù nhìn”, là “thứ bung xung” cho đảng sử dụng cho quyền lợi của đảng chứ dân có “cái khố” gì mà “làm chủ” như đảng tuyên truyền để bịp người nước ngoài? 

Nhưng tại sao lại chỉ mới có 15 triệu lượt người góp ý sửa đổi Hiến pháp trong khi riêng số công chức “chính quy” đã có khoảng 2.8 triệu. Vậy số người ăn lương dân đông như kiến “không có biên chế” trong các cơ quan “phụ diễn” hay “ngoại vi” từ trung ương xuống cơ sở còn lại chiếm bao nhiêu phần trăm trong số dân cả nước đã vượt trên 90 triệu người, tính đến năm nay (2013)? 

Con số 15 triệu có phản ảnh trung thực đối với công tác lấy ý kiến Hiến pháp không hay đã có tình trạng lơ là, không tha thiết trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên với việc sửa đổi Hiến pháp vì ai cũng biết có đóng góp hay không cũng không thay đổi được kết quả theo ý muốn của đảng?

Tình trạng thờ ơ còn thấy cả trong đội ngũ những người làm báo của đảng CSVN, căn cứ theo báo cáo tại cuộc họp tại Hà Nội ngày 26/03 (2013) của Hội Nhà báo. 

Báo điện tử của Trung ương đảng viết: “Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ, trong các ý kiến được gửi đến Hội, có 411 ý kiến trực tiếp góp ý vào các Chương, Điều, Khoản cụ thể. Tổng hợp các ý kiến đóng góp cho thấy, các cấp Hội, hội viên nhà báo cơ bản nhất trí với nội dung bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc sửa đổi Hiến pháp là để phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Tại sao lại chỉ có 411 ý kiến trong khi Hội Nhà báo có đến 17,000 hội viên? Sự chênh lệch quá đáng này đã nói lên điều gì trong khi những người làm báo đảng cũng là cán bộ đảng? 

Chẳng nhẽ những người có bổn phận phải tuyên truyền cho chủ trương, đường lối của đảng mà cũng lãnh đạm với công tác chính trị quan trọng này sao?

Nhưng theo báo đảng thì: “Đại đa số ý kiến nhất trí với quy định đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Các ý kiến cho rằng đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với đất đai, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn trong việc quản lý đất đai.”

Như thế là cán bộ báo chí đã “bảo hoàng hơn vua rồi”. Khi Hiến pháp viết “đất đai thuộc về toàn dân” là đã lấy mất quyền “tư hữu” của người dân rồi, nhưng khi Nhà nước lại cho mình quyền “đại diện sở hữu” tức là “quản lý” giúp dân thì dân đầu còn quyền làm chủ đất đai nữa? 

Nhưng ai cho phép Nhà nước được quyền “quản lý” thay dân mới được chứ? Nhà nước vừa “đá bóng vừa thổi còi” y như đảng tự cho mình quyền lãnh đạo “nhà nước và xã hội”, có phải không? 

Bằng chứng hai-năm-rõ-mười như thế mà đảng cứ lôi lời ông Hồ Chí Minh ra mà tuyên truyền ra rả ngày đêm rằng “Ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích nào khác” thì nghe có lọt lỗ tai không? 

“Liên quan đến Điều 70 của Chương IV (Bảo vệ Tổ quốc) quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…”, Hội Nhà báo báo cáo tiếp, “Đa số các ý kiến thống nhất với điều này và không tán thành việc phi chính trị lực lượng vũ trang. Bởi thực tế cách mạng Việt Nam suốt từ ngày thành lập đảng đến nay cho thấy, không thể tách rời lực lượng vũ trang khỏi sự lãnh đạo của đảng.”

Đúng là cái Hội nhà báo “không được tự do viết” này đã làm theo mọi điều đảng muốn. Sự thể bắt Quân đội phải “tuyệt đối trung thành với đảng” trên cả Tổ quốc và nhân dân là hoàn toàn sai trái với 4 Hiến pháp trước đây (1946,1959,1980 và 1992). Việc Hiến pháp sửa đổi đặt Quân đội dưới quyền đặc quyền sử dụng như một công cụ của đảng đã biến đảng như “một hội kín”, “một băng đảng có vũ trang” để cho đảng lũng đoạn quốc gia.

Nhưng Hội Nhà báo không lẻ loi trong lý luận “cối chầy” này mà hội còn được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Ban biên tập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 “tát nước theo mưa” trong cuộc thảo luận trực tuyến với người dân sáng ngày 26/03 (2013) trên báo điện tử đảng. 

Ông Thông nói: “Một trong những điểm làm rõ hơn trong vấn đề này là tiếp tục khẳng định: lực lượng vũ trang trung thành với đảng, Tổ quốc, Nhà nước và nhân dân. Điều này xuất phát từ thực tế, đảng ta là người sáng lập lực lượng vũ trang, lãnh đạo lực lượng vũ trang. Đó là một sự thật lịch sử và tiếp tục sẽ là như vậy. Cho nên, việc khẳng định lực lượng vũ trang trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với đảng là một điều đương nhiên. Lực lượng vũ trang phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc và đảng ta không có lợi ích riêng. Việc lực lượng vũ trang trung thành với đảng, với nhân dân là thống nhất với nhau.”

Nghe ông Thông nói mà lùng bùng cả lỗi tai, chóng cả mặt. Quanh đi quẩn lại vẫn “đảng ta không có lợi ích riêng”, nhưng dân đâu muốn đảng lấy “cái chung của đất nước” làm “của riêng cho đảng” đâu”? Có giỏi thì đảng “nhả” cái Điều 4 ra coi? 

Ông Thông đã trả lời cho thách đố này rằng: “Về cơ bản, Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã kế thừa và giữ nguyên nhiều nội dung đã được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành. Việc Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng là nội dung mang tính nguyên tắc. Đó là sự lựa chọn của lịch sử và của dân tộc ta. Mấy chục năm qua, sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam đối với tiến trình cách mạng nước ta đã và đang là một tất yếu lịch sử, tất yếu khách quan. Sự lãnh đạo ấy vừa có cơ sở đạo lý, vừa có cơ sở pháp lý. Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 1980 trước đây của Nhà nước ta đều khẳng định đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này cho thấy sự phù hợp với lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như thực tiễn đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 cho thấy, quy định về vai trò và sự lãnh đạo của đảng đối với Nhà nước và xã hội vẫn giữ nguyên giá trị.

Cái “vớ vẩn” của lý luận quyết bám cho bằng được ghế lãnh đạo độc quyền của đảng vẫn cứ quanh quẩn ở cái mỏ con vẹt hót mãi “Đó là sự lựa chọn của lịch sử và của dân tộc ta”, nhưng lịch sử nào” và “dân tộc” nào mới được chứ, hay đảng đã “tự biên tự diễn” rồi nhét chữ vào tai dân bắt họ phải nghe? 

Nhưng liệu dân còn nghe đảng bao lâu nữa, hay trên 7 triệu người Công giáo, 20 triệu tín đồ Phật giáo của Giáo hội Việt Nam Thống nhất, 3 triệu môn đồ của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy (Cụ Lê Quang Liêm) và hàng chục ngàn “công dân tự do” và trí thức, đảng viên, cựu đảng viên, cán bộ và công nhân viên đã dứt khoát bỏ đảng qua các Tuyên bố tẩy chay đảng và bác bỏ Hiến pháp của Nhà nước đang lan rộng trên cả nước? 

Như thế thì dù đảng có thắng trong cuộc cờ chính trị Hiến pháp, nhưng lỡ khi Trung Cộng chiếm mất Biển Đông như quân Trung Cộng đang tự do hoành hành ở đó từ mấy tháng qua thì ai là người sẽ khóc? 

E rằng đến lúc đó sẽ có “một bộ phận không nhỏ” người dân sẽ lôi đảng ra mà lột xác chứ chẳng nói đùa đâu. 

(03/013)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo