Biển Đông, vì đâu nên nỗi - Dân Làm Báo

Biển Đông, vì đâu nên nỗi

Tiểu Khê (Danlambao) - Trung Quốc càng ngày càng lộng hành ngang nhiên ngoài biển đông. Đảng và nhà nước CSVN vẫn có một cách quên thuộc: phản đối, phản đối và phản đối. Và cứ sau mỗi lần như thế thì hành động của Trung Quốc lại ngang ngược hơn.

Có thể nói không riêng gì việc gây hấn với Việt Nam. Trung Quốc đang gây hấn với các nước khu vực có chủ quyền tại biển Đông và biển Hoa Đông, tuy nhiên với Việt Nam, tính chất quyết đoán của Trung Quốc càng ngày càng mạnh mẽ. Có lẽ lúc này họ đã cảm thấy thời cơ chín muồi bởi cái chiến lược bành trướng của họ có lộ trình, bài bản hẳn hoi và nhằm chính diện vào cái "Láng giềng hữu nghị..." này.

Nói đến Trung Quốc, hầu hết người dân chưa bao giờ dám tin vào bất cứ một thiện chí nào của họ. Nhà cầm quyền Việt Nam với những va chạm trong lịch sử với Trung Quốc lại càng không thể không biết đến những âm mưu thâm độc. Nhưng tại sao lại không có một đối sách nào để ứng phó. Những người lãnh đạo của Việt Nam quá mơ hồ và duy ý chí sau khi đã thống nhất được nước nhà. Họ tin tưởng vào tính bách chiến bách thắng của CN Mác - Lê nin, tin tưởng vào sự tương trợ của phe XHCN đứng đầu là Liên Xô vĩ đại mà quên mất một điều là mỗi dân tộc phải tự tìm cách đứng vững trên đôi chân của mình. Ngay cả khi Liên Xô sụp đổ, đã có lúc chúng ta cảm nhận được một sự thay đổi lớn lao của đất nước.

Song! Tiếc thay mọi sự rốt cuộc vẫn luẩn quẩn bởi những người cầm quyền sợ mang tiếng trở cờ, mang tiếng phản bội với cái thứ chủ nghĩa mà cái nôi sản sinh ra nó cũng đã đem ném vào sọt rác. Không có định hướng chiến lược rõ ràng cho sự phát triển của đất nước. Không có khả năng nhận biết những thay đổi của thế giới, không thể tư duy sáng tạo và cũng không biết phát huy nội lực bởi cái cơ chế triệt tiêu tất cả những cái mới mẻ và tiến bộ. Chắc chắn nhà cầm quyền Việt Nam cũng biết được cái yếu kém của mình. Nhưng biết không phải để khắc phục. Họ tìm cách che giấu khiếm khuyết đó, họ vẫn tiếp tục mê hoặc nhân dân bằng những mỹ từ chính trị. Nguy hiểm hơn, sau sự tan rã của Liên Xô họ đã tìm đến Trung Quốc như một cứu cánh, chấp nhận sự bảo trợ của Đại Hán để duy trì quyền lực độc tôn của mình bất chấp những hiểm họa luôn rình rập với đất nước Việt Nam đến từ Tàu cộng.

Không ít người đã cảm nhận được ý đồ thâm hiểm của Trung Quốc và mong muốn cái bắt tay giữa Việt Nam và Mỹ sau khi thống nhất đất nước. Nhưng men say chiến thắng đã làm lu mờ tất cả, trong cơn mê điên loạn ấy đã không có chỗ cho những con người còn tỉnh táo có thể đưa ra những định hướng chiến lược đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Công cuộc đổi mới không phải là phát huy sáng tạo của đảng CSVN. Đơn giản chỉ là sự cởi trói cho nền kinh tế khi mà nguy cơ sụp đổ đã cận kề. Trước sự vùng lên mạnh mẽ của các thành phần kinh tế như những chiếc lò xo bị nén, đảng sợ rằng đến một lúc nào đó sẽ không còn kiểm soát được khi dân trí sẽ được nâng lên cùng với chính sách mở cửa. Vai trò của đảng sẽ mờ nhạt dần và mất đi. Vì vậy, cùng với việc gắn cho nền kinh tế một cái đuôi định hướng, đời sống chính trị cũng xuất hiện những cụm từ như "Diễn biến hòa bình", "Thế lực thù địch" để hướng nhân dân vào cuộc chiến đấu mơ hồ với những kẻ thù tưởng tượng. Vẫn chưa yên tâm với sự tồn vong của mình, họ cần một sự đảm bảo chắc chắn để duy trì vị thế độc tôn lãnh đạo, và Trung quốc đã xòe bàn tay ra với họ.

Ngày hôm nay, hãy thử hỏi mọi người về chủ quyền biển đảo, tôi tin là câu trả lời sẽ từa tựa giống nhau "Đằng nào mà Trung Quốc chả lấy!" Vấn đề sớm hay muộn. Có người còn thực tế đến đau lòng, đó là "Hãy lo mà làm ăn, những chuyện đó có lo cũng chả làm gì được".

Như để khẳng định thêm về cái mà đa số mọi người tin rằng nó sẽ đến. Hiện tượng cờ 6 sao khi tiếp đón lãnh đạo TQ, cờ TQ xuất hiện trên các trang sách dành cho lứa tuổi mầm non. Hệ thống truyền thông đồ sộ của nhà nước không dám đưa tin hoặc đưa tin rất dè dặt những xung đột chủ quyền. Bên cạnh đó là cố tình gán ghép cho những người biểu tình chống TQ những tội danh vô lý. Các nhà lãnh đạo của đảng CSVN đang làm cho nhân dân dần quen với sự mất mát lãnh hải quốc gia.

Cộng đồng thế giới lúc này chắc chắn có rất ít sự ủng hộ với VN trong vấn đề tranh chấp chủ quyền bởi nhiều lý do. Trong đó lý do lớn nhất sẽ là "Đó là chuyện nội bộ giữa VN và TQ " theo cách diễn đạt của nhà cầm quyền VN với truyền thông thế giới. Siêu cường Mỹ thì lại càng khó gần hơn bởi một mặt chúng ta liên tục xát muối vào nỗi đau cuộc chiến VN của họ với hàm lượng muối năm sau cao hơn năm trước. 

Cùng với đó là lờ đi những tội ác mà Trung Quốc gây ra cho nhân dân Việt Nam. Đây là những việc mà Trung Quốc rất hài lòng về nhà cầm quyền Việt Nam. Như những gì ông Nguyễn Thế Kỷ, ông Trần Đăng Thanh đã giáo huấn, cùng với những hiện thực đang diễn ra cho thấy Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm trước mặt chúng ta. Đảng và nhà nước CSVN vẫn sẽ cực lực phản đối cho đến khi nào khản đặc cổ thì thôi.

Làm sao được bây giờ khi mà lúc này chúng ta dùng lực lượng quân sự của mình để đối chọi với Trung Quốc chỉ như trứng chọi đá, đó là chưa kể về cam kết của đảng CSVN là không xung đột vũ trang với Trung Quốc. Làm sao được khi sự căm phẫn của nhân dân trước sự ngang ngược của Trung Quốc đã bị chính nhà cầm quyền Việt Nam dập tắt bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Và dưới lá cờ "vẻ vang" của đảng, nền kinh tế đang ngày càng khốn đốn, nhân dân đang ngày càng nghèo nàn và cùng quẫn không còn sức để nuôi các đầy tớ có nhu cầu hưởng thụ cao cấp nữa thì bầu sữa Trung Quốc mới mới là cái đích đến của những kẻ quen hưởng thụ xa hoa.

Lúc này, khi Việt Nam đã trở nên khốn khó. Đảng còn đang mải tổ chức lực lượng để trấn áp những đòi hỏi bức thiết của nhân dân, và quân đội đang say mê với chủ thuyết tranh đấu hòa bình thì Trung Quốc tung ra cú vét cuối cùng để lấy nốt biển Đông cũng không có gì khó hiểu. Chỉ tội cho đất nước Việt Nam!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo