Nguyễn Đắc Kiên (Blog Ba Cừu) - Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Ban soạn thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 bỏ những ý kiến khác dự thảo vào sọt rác, với lý lẽ: “Có những ý kiến trái chiều nhưng đa số người dân ủng hộ dự thảo”. Tuy nhiên, sẽ là một nỗi thất vọng to lớn nếu một cách hành xử tương tự xảy ra với những người chủ trương Kiến nghị 72 và Tuyên bố Công dân Tự do.
Đằng sau mỗi chữ ký trong hàng nghìn, vạn chữ ký của Kiến nghị 72 – Tuyên bố Công dân Tự do là một con người với những trăn trở, suy tư, thậm chí cả những rủi ro cho bản thân họ và gia đình. Vì thế, có quá đáng không khi chúng ta đòi hỏi một hành xử có trách nhiệm và thực xứng đáng với những chữ ký của mình?
Trả lời BBC Tiếng Việt, GS Nguyễn Huệ Chi cho biết, có nhiều người đã viết những lá thư bày tỏ nỗi buồn, nỗi đau và xin rút tên khỏi danh sách vì thế: “Anh (ông Lộc) vẫn cố giữ được chữ ký thế là tốt rồi”(*).
Còn trả lời RFA Tiếng Việt, ông Nguyễn Đình Lộc nói rằng: “Cái việc hôm ấy đã làm xong rồi thì rút hay không rút làm gì nữa? Chỉ làm bằng ấy thôi chứ có làm thêm điều gì đâu? Chuyện gì mà ân hận nhỉ? Quốc hội kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến thì chúng tôi góp ý kiến thôi có gì đâu mà ân hận? Tiếp thu hay không thì đó là việc của ban soạn thảo, đem trình Quốc hội thì Quốc hội quyết chứ ” (**).
Trong tư cách một người đã ký tên mình vào Kiến nghị 72, tôi hy vọng rằng, đây chỉ là những ý kiến cá nhân của GS Chi và ông Lộc, không phải là quan điểm chính thức của nhóm chủ trương Kiến nghị 72.
“Chỉ làm bằng ấy thôi chứ có làm thêm điều gì đâu?… Tiếp thu hay không thì đó là việc của ban soạn thảo”. Bằng ấy thôi là bằng thế nào? Tốt rồi là tốt thế nào? – tôi đã tự hỏi mình như vậy.
Tôi tin rằng, người ta sẽ có đủ lý lẽ để biện minh cho cái “bằng ấy thôi”, cho cái “tốt rồi”. Tôi sẽ không bàn đến cái “bằng ấy thôi”, “tốt rồi” ở đây, mà sẽ bàn đến cái khác, cái liệu rằng chúng ta có thể làm tốt hơn, có trách nhiệm hơn không?
Tôi luôn tin tưởng vào ý hướng tốt đẹp và tính chính trực của những người chủ trương Kiến nghị 72, nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ họ đã làm chưa hết nhẽ.
Khi quyết định ký tên mình vào bản Kiến nghị 72, tôi đã băn khoăn: Tại sao nhóm chủ trương không đưa ra một thời hạn tiếp nhận chữ ký? Tại sao nhóm chủ trương không đưa ra một lộ trình, mục tiêu, sau khi hết thời hạn tiếp nhận chữ ký, họ sẽ xử lý ra sao với những chữ ký đó?
Những câu hỏi này đã trở lại mạnh mẽ với tôi khi nghe ý kiến của GS Nguyễn Huệ Chi và ông Nguyễn Đình Lộc đã nói ở trên.
Cá nhân tôi cho rằng, các nhóm chủ trương Kiến nghị 72 và Tuyên bố Công dân Tự do hoàn toàn có thể làm khác. Ngay bây giờ, họ có thể đưa ra một thời hạn lấy chữ ký. Sau thời hạn đó, có thể cử đại diện trực tiếp trao bản Kiến nghị, lời Tuyên bố cùng với danh sách người đã ký tên cho Ban soạn thảo Hiến pháp, đồng thời, yêu cầu một sự giải trình, đối thoại, tranh luận sòng phẳng về những điểm khác biệt. Tôi nhấn mạnh là đối thoại, tranh luận hoặc nếu là giải trình cũng phải trực tiếp và công khai, tuyệt đối không phải là hình thức trả lời bằng văn bản.
10.000 chữ ký theo Dự thảo Hiến pháp 2013 (tài liệu tham khảo đi kèm Kiến nghị 72) đã có thể mở đường cho một người ứng cử vào Quốc hội làm Nghị sỹ, thì với 11.688 chữ ký trong bản Kiến nghị 72 hay 8.300 chữ ký trong bản Tuyên bố Công dân Tự do hiện có, tại sao lại không thể đòi hỏi một đối thoại chính thức với chính quyền?
Trong trả lời phỏng vấn với BBC Tiếng Việt, GS Chi cũng cho rằng, việc truyền thông nhà nước tuyên truyền, phản bác bản Kiến nghị 72 và các ý kiến khác dự thảo là lẽ thường, là dân chủ. Tôi không đồng ý với cách lập luận này.
Có lẽ vì GS Chi đã không theo dõi những diễn biến gần đây trên truyền hình nên mới có ý kiến như vậy. Tôi theo dõi sát sao cách đưa thông tin trên các đài, báo của nhà nước, đặc biệt trên kênh 1 của Đài truyền hình VN (VTV1). Ở đó, tôi chỉ thấy được một chiều thông tin là có một dự thảo nhà nước đưa ra và hàng loạt các ý kiến bảo vệ cho các điểm trong dự thảo. Tôi không thấy những ý kiến trái chiều và những lập luận để bảo vệ cho các ý kiến đó. Tức là, không có một sự tranh luận, đối thoại sòng phẳng trong chủ đề này. Vì thế, tôi cho rằng, sẽ theo nguyên tắc dân chủ nếu có một diễn đàn tranh luận, đối thoại sòng phẳng trên các kênh thông tin quan trọng trên của nhà nước. Nên nhớ, Đài truyền hình VN cũng như các đài, báo khác của nhà nước như: Nhân Dân, QĐND... là của người dân VN, hoạt động từ tiền thuế của nhân dân nên đòi hỏi này là chính đáng.
Tôi xin mượn lại hình ảnh “hầm trú ẩn” của Nhà báo Huy Đức để nói rằng, không chỉ ĐCS VN, kể cả những người có mong muốn thúc đẩy dân chủ tự do trên đất nước chúng ta, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải ra khỏi hầm trú ẩn cuối cùng của mình.
________________________
Chú thích: