Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
Cả ban soạn thảo lẫn ý kiến các vị ĐBQH chuyên trách họp ngày 13.3 góp ý cho hiến pháp sửa đổi đều thống nhất với việc giữ Điều 4 Hiến pháp, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, có ĐB đã lên tiếng “phản đối những người đòi bỏ Điều 4”.
Không nên biến điều bình thường thành bất thường
Phát biểu trong hội nghị, Trưởng ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992 - ông Phan Trung Lý - có nhắc đến việc có ý kiến khác đề nghị bỏ nội dung điều này (Điều 4) để tạo lập sự bình đẳng giữa các chính đảng.
Tuy nhiên, về cơ bản, theo ông Lý: Ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều tán thành với nội dung của chương I (về chế độ chính trị). Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Điều 4 cần làm rõ quy định Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, hoặc ban hành luật quy định về hoạt động của Đảng.
Thay mặt ban soạn thảo, ông Phan Trung Lý cho rằng việc Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 cũng như bổ sung mới việc “Đảng gắn bó mật thiết với dân, chịu trách nhiệm trước dân, phục vụ dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là “phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân”...
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bổ sung thêm: Đảng muốn tăng cường vai trò lãnh đạo thì phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng đạo đức nhằm xây dựng tổ chức đảng. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền thì nhấn mạnh: Việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết và không thể thay thế. “Tôi phản đối những người đòi bỏ Điều 4” - ông nói. Tuy nhiên, ông Thuyền nêu ra những trường hợp “Chẳng hạn, việc Đảng tự tăng lương cho mình thì ai là người giám sát; hoặc quy định tuổi?”. Ông Thuyền cho rằng: “Nếu Đảng muốn lãnh đạo Nhà nước và QH thì phải lãnh đạo QH xây dựng bằng luật. Cơ chế giám sát cần quy định rõ. Các tổ chức của Đảng cần phải hoạt động theo luật”.
Nhắc đến việc các phương tiện nói quá nhiều về lực lượng chống đối Hiến pháp, ông Thuyền phân tích: Số người phản đối ít, nhưng mình tuyên truyền phản bác quá nhiều thành ra dân hoang mang, cứ tưởng là có nhiều lực lượng chống đối.
ĐBQH Phạm Xuân Thường kể lại chuyện đi tiếp xúc cử tri, không thấy ai nói phải bỏ Điều 4, trong khi đó, báo chí đã “quá đà” khi liên tục khẳng định phải giữ Điều 4 Hiến pháp. Ông Thường đặt câu hỏi liệu có nên vì một vài ý kiến, quan điểm “trái chiều” mà báo chí phải tuyên truyền rầm rộ theo hướng khẳng định phải giữ Điều 4.
ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) thì bình luận, việc tuyên truyền “cách tiếp nhận ý kiến như vậy vô tình đã biến điều bình thường trở thành bất bình thường”.
Quân đội phải trung thành với Đảng
Đối với vấn đề bảo vệ tổ quốc, Dự thảo Hiến pháp xác định đây là “nhiệm vụ quan trọng” với việc khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò của các lực lượng vũ trang.
Nhắc đến ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định quá cụ thể về việc “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”, Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý cho rằng ở nước ta, lực lượng vũ trang là “công cụ của Đảng và nhân dân”.
“Lịch sử chứng minh rằng, lực lượng vũ trang luôn trung thành với Đảng và cũng chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ. Quy định của Hiến pháp về vấn đề này là phù hợp và cần thiết” - ông Lý nói.
Riêng đối với chế định Chủ tịch nước, theo Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992, có nhiều luồng ý kiến. Chẳng hạn đề nghị làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Có ý kiến đề nghị Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, đồng thời là Tổng Bí thư. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thay thế thiết chế Chủ tịch nước bằng thiết chế Tổng thống do dân bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý - dẫn quan điểm của Ban Biên tập - cho rằng: “Quy định như trong Dự thảo Hiến pháp là phù hợp”.