Lỗi chính tả ở sân bay Tân Sơn Nhất - Dân Làm Báo

Lỗi chính tả ở sân bay Tân Sơn Nhất

Độc Lập - Sơn Duân (TNO) - Những tấm biển báo tiếng Anh đầy lỗi chính tả và dịch thuật xuất hiện ngay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ngay tại địa điểm được cho là nơi sử dụng thứ ngôn ngữ quốc tế này nhiều nhất, du khách có thể phát hiện khá nhiều... lỗi. 


Tấm biển "Thông tin" tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được viết sai chính tả phần tiếng Anh là "Infomation", thay vì "Information". Sau khi được báo giới và cộng đồng mạng phản ánh, phần hướng dẫn tiếng Anh đã được bôi trắng vào hôm 19.3. Tuy nhiên, đó chưa phải là lỗi duy nhất trong cụm biển hướng dẫn này.


Nhiều cư dân mạng cho rằng gần như tất cả phần hướng dẫn tiếng Anh trên năm biển hướng dẫn trên đều ít nhiều chứa các lỗi sai khác nhau. Cụ thể, hướng dẫn "Lên máy bay" - "To Planes" được nhiều người cho rằng là một cách dịch ngớ ngẩn không tuân theo quy tắc nào. Thông thường, để hướng dẫn hành khách nơi ra máy bay, các sân bay quốc tế khác chỉ đơn giản dùng từ "Departures". "Excess Counter" hẳn cũng đặt ra một vấn đề hóc búa với các hành khách nước ngoài khi họ muốn thanh toán phí hành lý quá cước. Các vị khách nước ngoài đó có thể nhanh chóng tìm được nơi họ cần với cụm từ "Excess Baggage Payment".


"Đổi ngoại tệ" - "Foreign Exchange" không hẳn là một cách dịch sai. Song người ta thường dùng "Currency Exchange" hơn là "Foreign Exchange" tại các sân bay quốc tế. Trong khi đó, "Quầy bán vé" - "Ticketing Counter" cũng là một cách dịch đầy "sáng tạo" của đơn vị chịu trách nhiệm lắp đặt các biển hướng dẫn. Quầy bán vé chỉ đơn giản là "Ticket Counter". 


Lỗi này cũng xuất hiện tại các biển hướng dẫn khác tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 


Và ở những nơi khác...



*

Lỗi chính tả ở sân bay Tân Sơn Nhất: Không có gì oan ức!

Minh Quyên - Đình Quân (TNO) - Chiều 21.3, bà Trần Thị Minh Nguyệt, Chánh văn phòng Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam cho biết sau khi nhận được thông tin về lỗi chính tả ở các tấm biển báo tiếng Anh ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam đã chỉ đạo sân bay quốc tế sửa các lỗi này.

“Ở sân bay chỉ có hai biển báo sai ở chữ Information vì thiếu chữ r chứ không có gì ghê gớm cả. Sau khi phát hiện chúng tôi đã chỉnh sửa ngay”, bà Nguyệt nói.

Chữ viết sai chính tả Infomation (Thông tin) đã được xóa trắng vào hôm 19.3.2013 - Ảnh: Độc Lập.

Liên lạc với ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ông thừa nhận sân bay chỉ sai sót chính tả ở chữ Information và sân bay đã sửa ngay sau khi phát hiện. 

Còn về các lỗi dịch thuật liên quan đến cụm từ Ticketing Counter, Foreign Exchange, To Planes..., ông Tú cho hay trách nhiệm thuộc về các hãng hàng không ở sân bay. 

“Ở sân bay đều dành một số vị trí để các hãng thực hiện các thủ tục cho hành khách. Về phần trang trí các bảng hiệu ở khu vực này, do các hãng tự làm và chịu trách nhiệm. Tôi sẽ cho kiểm tra xem hãng nào sai để yêu cầu hãng đó sửa”, ông Tú nói. 

Vietjet Air là hãng hàng không vừa mở đường bay quốc tế từ TP.HCM đi Bangkok (Thái Lan) xuất phát từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet Air không bình luận gì. 

Ông Khánh cho biết ông chưa nhận được thông tin về lỗi chính tả ở bảng hướng dẫn ở sân bay Tân Sơn Nhất từ nhân viên của hãng hay từ hành khách. 

Tương tự, bà Phạm Thị Phương Hải, Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines, cũng không bình luận gì đến vấn đề này. 

“Tôi chưa nghe tiếp viên báo lên nên rất khó để trả lời”, bà Hải đáp. 

Đại diện Jetstar Pacific cho hay nếu biển hiệu sai lỗi chính tả thì sửa lại cho chuẩn để tránh hiểu nhầm từ du khách nước ngoài. 

“Giờ Việt Nam đã hội nhập với quốc tế. Ngôn ngữ tiếng Anh rất thông dụng và rất nhiều người biết”, đại diện Jetstar Pacific nói. 

Dịch quá ngây ngô! 

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Quan hệ quốc tế, Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM nhận xét "những từ bị phát hiện sử dụng sai lỗi chính tả là đúng rồi, không có gì oan ức cả". 

TS Phương Anh có cho biết thêm, riêng từ to planes thì cách dịch quá ngây ngô!

Trong khi đó, theo tiến sĩ Phạm Quốc Lộc, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học, Trường đại học Hoa Sen thì những lỗi chính tả do Thanh Niên Online phản ánh tại sân bay Tân Sơn Nhất là chính xác các lỗi. Theo ông Lộc, ở đây có thể thấy cả lỗi chính tả, lỗi dịch và cả lỗi diễn đạt. 

"Theo tôi, các lỗi này khá đơn giản và không phải vấn đề là có hai hay nhiều cách diễn đạt, mà đơn thuần là “không ai nói thế” trong tiếng Anh. Có lẽ do sân bay thiếu một bộ phận hiệu chỉnh việc sử dụng ngôn ngữ (cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài) và do trình độ tiếng Anh của người phụ trách còn thấp, và do thiếu tìm hiểu, tham khảo" - TS Lộc kết luận. 

TS Lộc cho biết bản thân đã đến khá nhiều sân bay trên thế giới và chưa thấy những bảng hiệu ngớ ngẩn như vậy. "Sân bay là một cơ sở khá chuẩn, dù ở đâu cũng có những phương tiện cơ bản như nhau, nếu chịu khó tham khảo cách người ta dùng từ ngữ thì đâu đến nỗi. Qua những lỗi này, tôi thấy một vấn đề nghiêm trọng đằng sau nó, đó là sự thiếu tìm hiểu, tham khảo" - TS Lộc nhận xét. 

TS Phương Anh cho biết thêm rõ ràng các cơ quan ban ngành, không chỉ ngành hàng không, cần phải quan tâm nhiều hơn về vấn đề ngôn ngữ vì ngoài sân bay Tân Sơn Nhất thì những nơi khác cũng có thể có lỗi, đặc biệt là trong các địa điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, trên thực đơn, bảng hiệu,… 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo