"Báo cáo láo quen rồi” - Dân Làm Báo

"Báo cáo láo quen rồi”

Trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh (phải) 
và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại hội nghị - Ảnh: H.K.

Hữu Khá (TT) - Xử lý nợ xấu: không khéo "ăn" cả hai đầu - Ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính Trung ương kiêm chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - nói như trên tại buổi triển khai các giải pháp tiền tệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Đà Nẵng tổ chức ngày 20-3.

Ngày 20-3, chính quyền Đà Nẵng cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Tham dự hội nghị có Trưởng Ban Nội chính trung ương kiêm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cùng đại diện các chi nhánh ngân hàng và doanh nghiệp ở Đà Nẵng.

Không thể ngồi một chỗ mà nói

Theo ông Nguyễn Bá Thanh, so với các nước trong khu vực, lãi suất cho vay của VN là quá cao. Vì lãi suất cao, trong khi năng suất lao động thấp nên hàng hóa không cạnh tranh được, vì vậy hoạt động sản xuất của nền kinh tế gặp khó khăn.

“Nói là tái cấu trúc sản xuất nhưng dân không tiêu dùng thì bán cho ai. Giải quyết bài toán kích cầu sản xuất sôi động trở lại phải có giải pháp đồng bộ chứ không chỉ có hệ thống ngân hàng. Hiện người ta cần giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp thì không bàn đến, trong lúc lại đi bàn chuyện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cứ nâng lên hạ xuống. Cái cuộc sống cần thì các ông không làm mà các ông đi làm cái khác. Ông không đi làm cái chuyện mà cuộc sống đang đặt ra” - ông Thanh nói.

Ông Thanh nói rằng trong thời điểm khó khăn, để có thể hạ lãi suất cho vay thì chính hệ thống ngân hàng cũng phải tiết kiệm để chia sẻ cho doanh nghiệp. Ông dẫn chứng: “Ông ngân hàng cứ lương cao, thưởng cao thì bao nhiêu cho đủ. Bây giờ mà các ông nói ngân hàng cũng là doanh nghiệp, vay tiền của dân rồi đi cho doanh nghiệp vay là không giải quyết được bài toán gì cả. Nước ngoài họ có khoản tín dụng lớn, lúc doanh nghiệp khó khăn họ “nuôi”. Còn mình, lúc này ngân hàng phải ngồi lại với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua cơn hoạn nạn, rồi sau đó doanh nghiệp đẻ ra trứng vàng, lúc đó mới thu hái quả được chứ. Muốn hạ lãi suất không thể ngồi một chỗ mà nói, phải tìm khoản tín dụng nào lãi suất thấp của nước ngoài để cho doanh nghiệp vay”.

Cứ hô hào làm sao giải quyết được

Liên quan vấn đề giải quyết nợ xấu, ông Thanh cho rằng còn nhiều vấn đề phải bàn, với cách làm như hiện nay số nợ xấu chỉ là tương đối, còn một số ngân hàng giấu, đối phó chứ chưa nói ra hết. Ông Thanh nhấn mạnh: “Có những loại không phải xấu mà là quá xấu, không bao giờ đòi lại được nữa”. Ông Thanh phân tích: “Để giải quyết nợ xấu, anh đưa ra giải pháp thành lập công ty mua bán nợ là hướng đi đúng. Tuy nhiên, cách làm không cẩn thận không khéo lại xảy ra tiêu cực, cũng ăn cả hai đầu, cuối cùng Nhà nước và dân gánh hết”.

Theo ông Thanh, trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực thì ngân hàng là lĩnh vực đang được xã hội quan tâm. Muốn có nền kinh tế vĩ mô hoạt động tốt, Ngân hàng Nhà nước phải siết chặt, buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành đúng quy định. Ông nhấn mạnh: “Chấp hành, làm là phải tự giác. Chứ nhà người ta trị giá 10 tỉ mà ông nhân viên tín dụng định giá lên đến 50-70 tỉ, rồi lãnh đạo ngồi ở nhà không nắm được giá trị thật cứ gật gù ký, đến lúc phát hiện đổ vỡ thì lấy cái gì, hắn đưa cái mạng cùi ra đó mình cũng chịu... Ở các nước được kiểm soát chặt chẽ. Báo cáo láo, sai là trừng phạt liền, còn mình lâu nay báo cáo láo quen rồi”.

“Ngân hàng nói cho vay lãi suất 14% nhưng thật tình có nơi có ông chung chi thêm mấy đồng nữa mới cho vay. Cuộc chơi này đòi hỏi kỷ luật nếu muốn hệ thống lành mạnh. Lập lại trật tự thì phải làm, cuộc chơi mà cứ hô hào thì làm sao giải quyết được” - ông Thanh nói.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo