Huy Cương - Mình nhớ mãi câu nói của bác: "biết mà không nói là bất nhân". Đúng, không như bao người khác, như bao các văn nghệ sĩ khác bác đã thẳng thắn góp ý công khai về những điều bất cập trong xã hội hiện nay dù biết rằng việc đó hoàn toàn không có lợi cho cuộc sống của bác cũng như nhưng người thân trong gia đình bác. Chính điều này đã làm nên một nhân cách Hoàng Tiến, nhân cách của một trong những văn nghệ sĩ rất có công trong việc "khơi dậy" phong trào dân chủ của cả nước...
*
(Viết nhân ngày giỗ 49 ngày mất của nhà văn Hoàng Tiến)
Biết rằng việc sinh, lão, bệnh, tử là chuyện bình thường của đời người, mấy ai có thể tránh khỏi được thế nhưng khi nghe tin bác Tiến mất mình thấy đột ngột quá. Cách hôm bác mất độ hơn 1 tháng bác có gửi mail cho mình xem lại một số bài viết trước đây của bác và bác khoe sức khỏe của bác có khá hơn trước rất nhiều. Bác còn hẹn với mấy anh em chúng tôi sẽ tổ chức họp mặt thường xuyên để hàn huyên tâm sự. Thế mà bác đã ra đi. Đột ngột quá, đau đớn quá!
Mình quen với bác Hoàng Tiến cũng là do một cái duyên hết sức tình cờ. Sau khi đọc bài viết có lẽ là được rất nhiều người có thái độ quan tâm đến phong trào đấu tranh vì dân chủ ở Việt Nam biết đến là bài viết "Tiếng vỗ tay trong một đám tang", mình không biết có cách nào để làm quen được với nhà văn "nổi tiếng" này. Với các văn nghệ sĩ mình là một người ngoại đạo. Sau đám tang của Trung tướng Trần Độ, bác Tiến là một trong những người được chính quyền đặc biệt chăm sóc. Điện thoại nhà riêng của bác bị cắt, không có internet. Thậm chí chính quyền còn cắt cử 1 trạm theo dõi để "bảo vệ" riêng cho bác. Bác bắt đầu nổi tiếng từ đó. Thế thì làm sao mà có thể làm quen với bác được Thế mà hôm đến chơi nhà một anh bạn mình tình cờ gặp bác. Ấn tượng về một người đàn ông nhỏ nhắn trong bộ quần áo nâu với đôi mắt sáng và luôn tươi cười đi chiếc xe máy Chaly đã đọng lại trong tâm trí mình hình ảnh một con người rất nhân hậu nhưng cũng đầy bản lĩnh trong cuộc đấu tranh chống lại bạo quyền.
Sau đó mình có tìm hiểu một số bài viết của bác, tất nhiên chủ yếu là qua mạng internet. Mình nhớ mãi câu nói của bác: "biết mà không nói là bất nhân". Đúng, không như bao người khác, như bao các văn nghệ sĩ khác bác đã thẳng thắn góp ý công khai về những điều bất cập trong xã hội hiện nay dù biết rằng việc đó hoàn toàn không có lợi cho cuộc sống của bác cũng như nhưng người thân trong gia đình bác. Chính điều này đã làm nên một nhân cách Hoàng Tiến, nhân cách của một trong những văn nghệ sĩ rất có công trong việc "khơi dậy" phong trào dân chủ của cả nước. Từ thế hệ của những Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Hoàng Tiến, Vũ Cao Quận... đến giờ đây phong trào dân chủ đã phát triển đến không ngờ mặc dù chính quyền cộng sản tăng cường mọi biện pháp ngăn chặn, đàn áp.
Có lẽ trong số mấy anh em chúng tôi thân với bác, tôi là thằng ít tuổi nhất nhưng bác vẫn coi tôi như cậu em út. Bác bảo tôi hãy cố gắng đóng góp những gì mà mình có thể làm được để thúc đẩy phong trào đấu tranh vì một nền dân chủ cho nước nhà. Bản tính của bác rất nhân ái nhưng cũng đầy cương trực và không thỏa hiệp với cường quyền. Có lẽ trong số các văn nghệ sĩ ở VN đã có ai dám làm đơn gửi lên chính quyền xin trả lại thẻ cử tri để phản đối trò hề bầu cử của chính quyền, Thế mà bác đã làm việc đó. Bác đã tự mình tước bỏ "quyền công dân" của mình, tự mình không công nhận mình là một công dân đang được sống trên cái gọi là "thiên đường xã hội chủ nghĩa" để sống một cuộc đời không điện thoại, không internet. Cứ như thế bác đã tự mình từ biệt cõi tạm này từ rất lâu rồi cho đến ngày hôm nay.
Mình rất nhớ bác có một bài viết ca ngợi những con người đã chọn cho mình con đường đi hẹp, con đường chịu biết bao thiệt thòi không những của riêng bản thân mình mà còn gây bao hệ lụy cho người thân trong gia đình. Và chính bản thân bác lại là người đi tiên phong trên con đường đó.
Bác là một con người rất trung dung, không màng danh lợi. Cách đấu tranh của bác mặc dù rất thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất ôn hòa nên chính quyền cũng không dám làm gì quá căng với bác. Bác có bảo với mấy anh em chúng tôi là từ nay bác lui vào trong" tháp ngà văn chương" để tập trung cho việc viết văn, không màng đến thế sự nữa. Thế mà năm 2011, khi các cuộc biểu tình phản đối chống Trung quốc xâm lược bị đàn áp tàn bạo, bác lại lên tiếng. Bác đã thẳng thắn góp ý với chính quyền Hà Nội: "Không ai lại đi đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước, trong khi kẻ thù đang rình rập ngoài ngõ. Tôi mong các vị lãnh đạo hãy tỉnh táo lại. Kinh Phật có câu:" Quay lại là bờ". Hãy đặt quyền lợi của dân tộc trên hết, hãy biết tôn trọng người dân, là mọi việc giải quyết sẽ êm như ru. Đừng đẩy người dân vào thế đối địch với chính quyền. Tôi đề nghị một giải pháp: chính quyền Hà nội hãy đối thoại với những người biểu tình. Hãy dừng ngay bạo lực". Thật có lẽ không thể có một kiểu góp ý nào có thể tỉnh táo và đầy tính nhân văn như vậy của một công dân đối với chính quyền trước hiểm họa của đất nước. Tiếc thay, có lẽ trong bộ máy chính quyền của thủ đô Hà nội và cả cấp cao hơn nữa không có lấy 1 bộ óc nào có đủ trí tuệ và lương tri để lắng nghe lời góp ý ấy của bác. Hơn thế nữa bác còn dũng cảm: tôi giờ đã ngoài 80 tuổi rồi, việc góp ý của tôi các ông muốn bắt thì bắt, muốn giết thì giết...
Tưởng rằng sau này chính quyền sẽ buông tha cho bác, không còn những trạm canh gác để theo dõi "thằng cha phản động" nữa, không phải đề nghị bưu điện Hà Nội cắt điện thoại bàn nữa để bác phải chuyển sang dùng điện thoại di động và đến đám tang của bác cũng không phải bị theo dõi hoặc gây phiền hà nữa. Không, chính quyền này đã không hành xử đúng mực như vậy ngay trong đám tang của bác. Giống như đám tang của trung tướng Trần Độ, của cụ Hoàng Minh Chính, đám tang của bác vẫn được chính quyền "chăm sóc" rất kỹ lưỡng. Rất nhiều công an, mật vụ chìm nổi trà trộn vào trong đám tang của bác để theo dõi và ngăn chặn ảnh hưởng của người đã chết đến những người còn sống. Sống, họ sợ bác đã đành, nhưng chết rồi họ vẫn sợ. Mình đã chứng kiến lúc những người bạn của bác lúc đem bức trướng có câu đối vào viếng bác đã bị gỡ bỏ, hôm nay xin chép lại để mọi người xem:
"DANH LỢI XEM KHINH TRẢI TẤM LÒNG SON CÙNG CHÍNH KHÍ
NGHĨA TÌNH COI TRỌNG TÁM MƯƠI XUÂN THẮM VỚI NHÂN VĂN"
Bạn bác, nhà thơ Tần Thắng trong lúc xúc động vô bờ đã viết 1 bài thơ viếng bác:
Bác Hoàng Tiến
Hà nội chưa về lại Thăng Long
Ai dựng tượng Alexandre De Rhodes?
Thương thế hệ mai sau mất dần văn hóa đọc
Tâm huyết với đời, trang sách dở dang....
Các vị trong câu lạc bộ Cảo Thơm
Lận đận hơn ông đồ xưa
Việc mưu sinh đâu cần bán chữ?
Cặm cụi vỉa hè
Thương về quá khứ
Níu kéo tình người
Nét đẹp Việt nam
Xuân này Cảo thơm Thư thiên
Vắng Chu Thành Thi, Hoàng Tiến
Các cụ về với "Người muôn năm"
Nhưng
Không cũ
Bác Tiến ơi
Từ nay không ai cắt điện thoại nhà bác nữa
Di ngôn bác truyền như ngọn lửa
Trong đêm tối trời
Hồ Tây 29/1/2013
Tần Thắng
Đúng, từ nay bưu điện thành phố Hà nội sẽ không còn phải làm cái công việc có một không hai trong cái ngành nghề của mình là đi cắt điện thoại của công dân đang sinh sống trên đất nước của mình nữa. Ông tổ trưởng dân phố đã thở phào nhẹ nhõm vì từ nay không còn phải" vâng lệnh trên" để khỏi phải để mắt theo dõi "cái thằng cha phản động" nữa.
Bác Tiến ơi! Hôm nay là ngày giỗ 49 ngày bác mất, cháu xin viết bài viết này thay cho 1 nén nhang thắp trước bàn thờ bác. Cầu mong cho linh hồn bác nhẹ đôi cánh hạc về chốn bồng lai. Cầu mong cho những mầm hoa mà bác cùng các đồng chí của bác ươm trồng sớm nảy rộ trên "con đường hẹp" mà bác đã đi.
Hà Nội, 17/3/2013
Ảnh chụp tại Đại hội 8 Nhà văn Việt Nam (31/8/2010) - Từ trái sang phải:
Nhà văn Nguyễn Hiếu, nhà văn Hoàng Tiến, nhà văn Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Bùi Minh Quốc