Chu Chi Nam (Danlambao) - Nước Tàu trong hơn 30 năm cải cách kinh tế, mặt phải và mặt trái của nó? Có phải ông Đặng Tiểu Bình là tác giả cải cách này không? Ông là một nhà cải cách như nhiều người nghĩ hay ngược lại? Mục đích của bài này như phụ đề đã nói rõ: điểm chính là nói lên ưu và khuyết điểm của cải cách kinh tế Tàu; thêm vào đó, tôi muốn nói một vài ngộ nhận về Đặng Tiểu Bình.
Không ai chối cãi rằng trong hơn 30 năm cải cách kinh tế, nước Tàu đã có những bước tiến bộ lớn trong lãnh vực này:
Tổng sản lượng quốc gia (PIB) là 7 318,5 tỷ $, đứng thứ nhì sau Hoa kỳ là 15 094 tỷ, trên Nhật là 5 867,2 tỷ (Theo Alternatives Economiques – Les Chiffres 2 013).
Tuy nhiên sản lượng tính theo đầu người hàng năm thì nước Tàu vẫn còn là một nước chậm tiến với 8 465,8 $, trong khi đó Hoa kỳ là 48 441,6 $; nước Nhật là 34 293,7 $; nước Pháp là 34 993,4 $. Tuổi thọ trung bình của Tàu là 73,3 tuổi, của Hoa kỳ là 78,25, của Nhật là 82,9, của Nam Hàn là 80,8, của Pháp là 81,4. Ngân sách về giáo dục, hàng năm so với tổng sản lượng quốc gia, thì Tàu không dám công bố, trong khi đó thì Hoa kỳ là 5,4%, Nhật là 3,4%, Nam Hàn là 5%, Pháp là 5,9%.
Tỷ lệ những người truy cập Internet: Nước Tàu: 38,4%, Việt Nam: 35,5%, Nam Hàn: 81,5%, Nhật: 78,7%, Hoa Kỳ: 78,2%, Đức: 83,4%, Pháp: 76,8%.
Với cải cách kinh tế, nước Tàu đã vượt qua nạn đói mà dân chúng phải đối mặt hàng nhiều thế kỷ trước đó.
Sự phát triển kinh tế này có được là nhờ một số yếu tố sau: 1) Chính sách cải cách kinh tế; 2) Chính sách kìm lương người thợ để giá nhân công rẻ nhằm thu hút vốn đầu tư ngoại quốc; 3) Chính sách kìm giá đồng nhân dân tệ rẻ hơn đồng đô la trên giá thị trường để dễ xuất cảng; 4) Hi sinh nông thôn cho thành thị, chỉ chú trọng vào phát triển thành thị và những miền ven bờ biển; 5) Hi sinh môi sinh, môi trường cho sự phát triển, đưa đến tình trạng ô nhiễm môi trường, như chúng ta thấy hiện nay, thành phố Bắc kinh bị ô nhiễm, với một đám sương mù, chính quyền khuyên dân không nên ra ngoài; 6) Chính sách hạn chế sinh đẻ.
Không ai phủ nhận rằng chính những chánh sách này đã làm phát triển nước Tàu về mặt kinh tế, nhưng đồng thời nó cũng mang lại những hậu quả tai hại không nhỏ:
Vấn đề kìm hãm lương người thợ đưa đến tình trạng người thợ Tàu bị bóc lột đến xương tủy, mặc dầu đảng Cộng sản Tàu lúc nào cũng rêu rao là đảng của người thợ.
Chú trọng phát triển thành thị và những vùng ven biển đi đến tình trạng bỏ rơi nông thôn. Từ lúc cải cách kinh tế, mở cửa thông thương với nước ngoài, con số người dân bỏ nông thôn lên thành thị lên đến cả 250 triệu người. Họ là thành phần bị bóc lột dã man nhất, nhiều cơ quan quốc tế đã tố cáo, mặc dù làm việc 12 tiếng trong ngày nhưng họ chỉ nhận được khoảng 5 đô la / ngày; chưa kể hàng trăm triệu người vẫn sống trong tình trạng thu nhập khoảng 1 đô la / ngày.
Vấn đề khuyến khích dân làm giàu bằng bất cứ giá nào, "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng. Quan trọng là mèo bắt chuột", đã đưa đến tình trạng dân làm giàu bằng bất cứ giá nào, không còn một tý gì là đạo đức, nhân nghĩa.
Vấn đề chính sách một con đưa đến vấn nạn về quân bình dân số, đồng thời đưa đến vấn nạn về giáo dục gia đình. Dân càng này càng trở nên già nua. Các cậu ấm hay cô nương con một được nuông chiều, ngày càng trở nên hư đốn, giáo dục gia đình không ổn, khi ra ngoài xã hội thì những gương xấu, tham nhũng, hối lộ, mọi người tối mắt vì vật chất, vì tiền, đưa đến băng hoại xã hội suy đồi đạo đức.
“Như hàng trăm ngàn người khác, cô Trần cũng mất hết niềm tin khi sống ở đất nước mình (tức nước Tàu – Lời tác giả bài này), môi trường ngày càng kinh khủng, tham nhũng ngày càng lộng hành và người dân thấp cổ bé họng ngày càng bị đẩy xuống tận cùng hố đen xã hội.” (Theo báo Ánh Dương – trên Internet – ngày 27/02/2013).
Vấn đề chuyển quyền qua hình thức “Đại gia” chỉ có giá trị khi Đặng tiểu Bình còn sống. Nhưng từ ngày ông chết đi đã không còn hiệu lực nữa. Nó sụp đổ với hiện tượng Bạc hi Lai.
Nhưng vấn đề chính của nước Tàu không phải chỉ có với thời đại cải cách kinh tế, mà đã có từ lâu, đó là vấn đề cải cách chính trị, từ bỏ mô hình tổ chức xã hội cộng sản độc tài, một hình thức quân chủ phong kiến trá hình, sang hình thức dân chủ, tự do và kinh tế thị trường.
Đặng tiểu Bình chết vào năm 1997, nhưng cho tới giờ này ảnh hưởng của ông, của gia đình, chân tay, bộ hạ của ông vẫn còn rất quan trọng đối với sứ Tàu. Không những thế, ảnh hưởng của ông trước đó, ngay vào thời Mao, khi đảng Cộng sản Tàu thành lập, vào năm 1921, nhất là từ lúc Mao lên làm Tổng bí thư năm 1934, ông cũng đã là người quan trọng bên cạnh Mao, thi hành tất cả những cuộc đàn áp, ngoại trừ Cách mạng Hồng vệ binh.
Vì vậy, quan sát lịch sử Tàu cận đại chúng ta không thể quên ảnh hưởng của họ Đặng.
I) Nước Tàu trong hơn 30 năm cải cách kinh tế
Ở đây, tôi dùng cụm chữ “hơn 30 năm”, vì tôi muốn nêu rõ là: Cải cách kinh tế của nước Tàu bắt đầu vào lúc nào? Bắt đầu vào lúc Mao chết, cuối năm 1976, rồi cuộc đảo chính hất nhóm 4 người do bà Giang Thanh, vợ của Mao cầm đầu; rồi Đặng Tiểu Bình trở lại chính quyền? Hay bắt đầu xa hơn nữa. Đó là bắt đầu từ đầu những năm 60, sau khi thất bại của "Kế hoạch 5 năm, Bước tiến nhảy vọt", vào năm 1958, chủ trương bởi Mao. Sau vụ thất bại này, Mao gần như bị loại khỏi chính quyền. Nhóm bộ ba Lưu thiếu Kỳ, Đặng tiểu Bình và Chu ân Lai thực tế nắm quyền nước Tàu. Cuộc Cách mạng Hồng Vệ Bình, mà nhiều nhà báo và trí thức tây phương mơ ước và thêu dệt, trên thực tế chỉ là một cuộc tranh giành quyền hành của nước Tàu, một truyền thống có từ bao nhiêu ngàn năm. Một nhà tư tưởng có nói: “Lịch sử nước Tàu chúng ta có thể giản dị hóa qua câu nói: Đó là lịch sử của những vụ tranh quyền, cướp đất, xâm chiếm thiên hạ.”
II) Phải chăng Đặng tiểu Bình là tác giả của chính sách cải cách kinh tế của nước Tàu? Con người của họ Đặng?
Thực ra thì những cải cách, không phải do chính Đặng tiểu Bình quyết định.
Nếu chúng ta nói về những cải cách như quyết định bãi bỏ hợp tác xã, khoán đất cho dân để dân cày cấy, rồi chính phủ đứng ra mua nông sản của dân, sau vụ thất bại “Bước tiến nhảy vọt” của Mao vào năm 1958. Những quyết định này do nhóm Lưu thiếu Kỳ, Chu ân lai và Trần Vân quyết định.
Ngay cả sau khi Mao chết vào tháng 9 năm 1976, thì vào tháng 12/1978, một Hội nghị toàn bộ Trung Ương đảng cộng sản tàu đã họp và lấy quyết định cải cách nước Tàu, khởi đầu cho những cải cách kế tiếp sau này. Lúc này họ Đặng chưa được hoàn toàn phục quyền và Hoa quốc Phong vẫn là nhân vật thứ nhất của Đảng của Nhà nước và quân đội. Hoa quốc Phong chỉ hoàn toàn mất quyền vào năm 1981, lúc này họ Đặng mới có thực quyền.
Để hiểu nước Tàu, dân tộc và lịch sử Tàu, có rất nhiều điều cần biết, nhưng ở đây theo thiển ý của tôi, có ba điều căn bản không thể bỏ qua:
Nước Tàu có một truyền thống quân chủ độc tài, ác ôn quá lâu dài.
Từ đó tinh thần quốc gia cực đoan rất mạnh, tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, những dân tộc khác chỉ là man di, mọi rợ.
Cộng thêm tinh thần gia tộc đã ăn sâu vào máu của mỗi người Tàu, nhất là giới lãnh đạo, ở thời nào cũng vậy, ngay cả thời cộng sản.
Tinh thần thù dai và trả thù bằng bất cứ giá nào.
Thật vậy, nếu chúng ta cho rằng lịch sử nhân loại đã trải qua những thời văn minh: văn minh trẩy hái, con người sống trong hang đá, hái trái cây và săn bắn ở quanh hang để sống; một khi cây quả, súc vật trở nên khăn hiếm, thì con người phải đi xa để tìm kiếm, đó là thời kỳ văn minh du mục. Dù đi xa để tìm kiếm, nhưng cây quả súc vật cũng trở nên khan hiếm, con người bắt buộc phải nuôi súc vật, trồng trọt để có thức ăn. Con người bước sang nền văn minh định cư nông nghiệp. Với nền văn minh này, con người có thể thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu như miếng cơm, manh áo, nhà ở. Một khi những nhu cầu thiết yếu được thích ứng, con người nghĩ sang thỏa mãn những nhu cầu xa xỉ, như khi tôi có lúa mì để ăn, nhưng tôi thích lúa mạch, thì tôi trao đổi vơi người có lúa mạch. Khi tôi có vải để mặc, nhưng tôi thích lụa, thì tôi trao đổi vơi người dệt lụa. Con đường tơ lụa và con đường gia vị xuất hiện là vì vậy. Đó là nền văn minh thương mại. Ngày hôm nay con người còn tiến xa hơn; đó là văn minh điện toán, vì ngày xưa con người phải đi xa để trao đổi; nhưng ngày hôm nay con người chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể trao đổi nhờ máy điện toán và mạng lưới internet.
Mô hình tổ chức nhân xã tương ứng với nền văn minh định cư nông nghiệp là chế độ độc tài quân chủ phong kiến. Mô hình nhân xã tương ứng với văn minh thương mại và điện toán, là dân chủ tự do và kinh tế thị trường, vì trao đổi là phải có đối thoại, đa phương.
Hai nước có nền văn minh nông nghiệp sớm và to lớn nhất thế giới, với mô hình tổ chức nhân xã tương ứng là chế độ quân chủ độc tài, đó là Ai cập và Tàu.
Nước Ai cập đã dồn nỗ lực vào việc xây dựng thế giới bên kia. Bao nhiêu sức lực của dân, tài nguyên, tài sản quốc gia đã đem đi xây kim tự tháp.
Nước Tàu, thực tế hơn, nghĩ nhiều về hiện tại. Nhưng sức lực, công sức của dân nhằm vào việc củng cố chế độ quân chủ, biến chế độ này thành độc tài, tập trung, ác ôn, côn đồ, với những hành động sau đó đi ngược lại dân, phản lại con người, như hiện tượng thiến con người làm thành hoạn quan với cả một đội ngũ có thể tới cả ngàn người để phục vụ ông vua, hiện tượng bắt cung tần mỹ nữ cũng có thể lên tới cả ngàn người hay tục bó chân người phụ nữ.
Có nhiều chế độ quân chủ phong kiến, nhưng không chế độ nào có hiện tượng phản con người, phản dân như thế. Hơn thế nữa chế độ quân phủ phong kiến tại Tàu bắt đầu rất sớm và có thể nói còn kéo dài cho tới ngày hôm nay với chế độ cộng sản. Vì chế độ cộng sản cũng chỉ là mặt trái của chế độ quân chủ phong kiến, như một nhà nghiên cứu về thể chế chính trị cho rằng chế độ phát xít là mặt phải, còn chế độ cộng sản là mặt trái. Tuy nhiên chế độ quân chủ còn có danh dự, thể diện, phần đông giới lãnh đạo quân chủ liêm khiết khác hẳn với giới lãnh đạo cộng sản, không những sống theo triết lý duy vật hạ cấp, cho rằng tiền bạc, vật chất là trên hết, làm bất cứ điều gì để có tiền, không còn một chút đạo đức tối thiểu, mà còn độc tài, ác ôn gấp cả trăm lần. Điều này rất chính xác.
Dân tộc Tàu là một dân tộc lớn, có một nền văn minh và lịch sử lâu đời, có những đóng góp to lớn cho nhân loại với những phát minh sáng kiến sớm như địa bàn, thuốc súng, máy in, tơ lụa. Chế độ quân chủ độc tài phong kiến là một bước tiến của nhân loại, nó giúp làm nên kim tự tháp, xây vạn lý trường thành, những lâu đài, nhưng rồi nó kéo dài quá lâu, trở thành bước cản, tiêu hủy những ý chí tiến thủ của con người. Người ta cứ loay hoay tìm kiếm lý do tụt hậu của văn minh đông phương so với văn minh tây phương, nhưng nhiều khi người ta quên một trong những lý do chính đã đưa đến sự tiến bộ vượt bực của các nước tây phương, đó là chế độ dân chủ tôn trọng tự do cá nhân, nhân quyền.
Không cần tìm hiểu đâu xa, chúng ta cứ lấy thí dụ một số nước Ả rập với chế độ quân chủ còn lại như Arabie Sahoudite và ngay cả nước Tàu, tinh thần trọng nam khinh nữ, không cho người phụ nữ đi học, ra đời làm việc, quả là một sự pha phí tài cán, nhân lực của quốc gia, dân tộc. Tây phương về sau này tiến bộ hơn đông phương bắt đầu từ thế kỷ thứ 17, 18 cho tới ngày hôm nay là vậy.
Triều đình quân chủ, độc tài phong kiến lâu ngày trở thành nơi tập trung những hành động nịnh bợ, dối trá, lừa đảo, âm mưu sát hại lẫn nhau, nhất là vào thời kỳ chế độ xuống dốc, ông vua bất tài, bất lực, chỉ nghĩ đến quyền hành cá nhân, ham mê tửu sắc.
Người ta chỉ cần coi một số phim lịch sử Tàu, tất nhiên không tiêu biểu hoàn toàn, nhưng nó cũng nói lên một phần nào sự thật. Tại triều đình, quần thần, hay cả những người trong gia đình vua: anh em, chú bác, lúc nào miệng cũng tung hô: “Thánh thượng vạn tuế”; nhưng trong bụng lại tìm cách âm mưu giết vua. Quả là sự giả dối. Không riêng gì triều đình, mà hàng ngũ hoàng hậu, cung tần mỹ nữ của vua cũng vậy, luôn âm mưu sát hại lẫn nhau, làm thế nào để được vua sủng ái, lên hàng hoàng hậu, quí phi. Tập đoàn hoạn quan cũng không thua gì: cả một thế giới dối trá, lừa đảo, sát hại lẫn nhau. Nhà văn Lỗ Tấn (1881-1936) đã mượn lời nhân vật chính trong tác phẩm Nhật ký người điên để nói lên mặt thật của lịch sử Tầu đằng sau bình phong nhân nghĩa, đạo đức, chỉ toàn là cảnh người ăn thịt người « Lịch sử không đề niên đại, có điều trang nào cũng có mấy chữ “nhân nghĩa đạo đức” viết lung tung tí mẹt. Trằn trọc không sao ngủ được, đành cầm đọc kỹ mãi đến khuya mới thấy từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng, là ba chữ ăn thịt người”.
Nhìn vào những chế độ cộng sản, ngay từ thời Lénine, đã trở thành một triều đình phong kiến, luôn tìm cách sát hại lẫn nhau. Vợ Lénine tố cáo Staline giết chồng minh. Con Staline tố cáo Khrouschev, Béria giết bố minh.
Ở Tàu, Mao giết Lưu thiếu kỳ, Lâm Bưu tìm cách đảo chính ám hại Mao.
Triều đình cộng sản, quân chủ, độc tài, phong kiến tại Tàu chúng ta chỉ nhìn qua 2 thời đại của Mao trạch Đông và của Đặng tiểu Bình thì rõ, vì tinh thần này sau trở thành tinh thần gia tộc, chỉ tin những người chung quanh và thân thiết gia đình. Mao thì truyền lệnh qua mấy người y tá luôn ở cạnh mình. Đặng thì truyền lệnh qua người con gái.
Mấy năm trước đây, một số trí thức tây phương và đặc biệt là trí thức cộng sản, đã hết lời ca tụng "Phương pháp chuyển quyền qua hình thức đại gia tộc", "phát minh" ra bởi Đặng tiểu Bình, cho rằng đây là phương pháp chuyển quyền, từ thế hệ này qua thế hệ khác hay nhất. Nhưng người ta bật ngửa, khi biết vụ Bạc hi Lai, con của Bạc nhất Ba, một trong 8 đại gia thời họ Đặng.
Lịch sử phong kiến, âm mưu sát hại lẫn nhau lại diễn ra với Bạc hi Lai.
Người ta ví Mao trạch Đông như một ông hoàng đế đỏ (emperuer rouge) không phải là không có lý, cũng như nói nước Tàu hiện nay bị cai trị bởi những đại gia của những hoàng tử đỏ cũng không phải là sai.
Đầu óc độc tài phong kiến, đại gia, đại Hán, tự chủ trung tâm, cho rằng nước Tàu là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ, những dân tộc khác chung quanh chỉ là man ri, mọi rợ, ý nghĩ này vẫn còn sâu nặng trong đầu óc người Tàu, nhất là giới lãnh đạo, dù là quốc gia hay cộng sản.
Ở đây tôi xin dẫn chứng một vài trường hợp cụ thể của giới lãnh đạo nước Tàu cận đại như Tôn dật Tiên, Tưởng giới Thạch, Mao trạch Đông và đặc biệt là Đặng tiểu Bình, chủ đề của bài này.
Tôn dật Tiên là tác giả chính của cuộc Cách mạng Tân hợi 1911, trong thời gian hoạt độc cách mạng, ông đã nhiều lần sang trú ẩn ở Việt Nam, cũng như được nhiều người Việt cũng có tư tưởng cách mạng giúp đỡ. Chính ông đã đưa tên Phạm hồng Thái vào danh sách những người Tàu có công với cách mạng Tân hợi và được thờ tại Hoàng hoa cương. Tuy nhiên ông cũng không thể bỏ đầu óc đại hán, vẫn cho nước Tàu là trung tâm. Có một buổi mạn đàm với Khuyển dưỡng Nghị, một chính khách của Nhật, ông đã đánh giá người Việt nam có căn tính nộ lệ và bị họ Khuyển trả lời lại là mặc dầu như vậy nhưng đã nhiều lần dân tộc này đánh bại Tàu.
Tưởng giới Thạch, học trò của họ Tôn, sáng suốt hơn họ Tôn ở chỗ đã nhìn thấy rõ hiểm họa cộng sản, cho rằng “Nhật là bệnh ngoài da, cộng sản là bệnh trong xương tủy”, nhưng vẫn có đầu óc đại Hán, sẵn sàng thương thuyết với Pháp để bán rẻ quyền lợi Việt Nam, bản đồ Biển Đông với đường lưỡi bò hiện tại là dựa vào bản đồ biển 11 đoạn xuất hiện dưới thời họ Tưởng đã minh chứng điều này.
Người ta nghĩ Mao trạch Đông và Đặng tiểu Bình là người cộng sản thì không có đầu óc đại Hán. Nhưng thực sự 2 người này còn có đầu óc Trung Hoa tự kỉ trung tâm mạnh hơn ai hết.
Đừng quên cuộc tranh chấp Nga – Hoa là bắt nguồn chính từ đầu óc này với giới lãnh đạo Trung cộng bắt đầu bởi Mao rồi tới Đặng tiểu Bình. Trung cộng muốn giật quyền lãnh đạo thế giới cộng sản với Liên sô, nên đã xảy ra vụ Khrouschev rút tất cả những cố vấn Nga khỏi Trung cộng vào năm 1960, rồi tiếp theo vụ tranh chấp lên tới cao điểm vào những năm 64, 65, 66.
Chính vào thời Mao và thời Đặng, tinh thần đại Hán lên cao nhất, mà nạn nhân chính là Việt Nam: mở đầu bằng bức thư của Chu ân Lai về vấn đề hải lý, có xác định quần đảo Hoàng sa và Trường Sa thuộc về Tàu, rồi Phạm văn Đồng trả lời qua công hàm, mà ngày nay ai cũng biết, rồi đến vụ Tàu cộng tấn công quần đảo Hoàng sa ngày 19/01/1974. Đó là thời Mao còn sống. Đến thời Đặng tiểu Bình thì tinh thần đại Hán lại lên cao một mức, mà nạn nhân vẫn là Việt Nam, qua vụ họ Đặng “Dạy cho Việt Nam một bài học “vào năm 1979, rồi chiến tranh biên giới vẫn tiếp diễn, tới chiến tranh ở ngoài biển chiếm Trường Sa vào ngày 14.03 năm 1988.
Nhưng tinh thần đại Hán của họ Đặng và giới lãnh đạo đảng Cộng sản Tàu, và tinh thần qụy lụy phương bắc của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam được thể hiện rõ nhất qua hội nghị Thành Đô vào tháng 3/1990.
Đừng nghĩ rằng những người lãnh đạo Tàu, sau Mao, sau Đặng, như Giang trạch Dân, Hồ cẩm Đào và Tập cận Bình là không có tinh thần đại hán.
Chính với Giang trạch Dân là có hội nghị Thành đô, sau đó có 2 Hiệp định dâng đất và nhượng biển cho Tàu: Hiệp định 1999 dâng cả ngàn cây số vuông vùng biên giới và Hiệp định năm 2000 dâng cả chục ngàn cây số vuông vùng biển.
Với Hồ cẩm Đào và Tập cận Bình hiện nay, thì đã nhiều lần tàu Trung cộng bắn vào tàu ngư dân Việt nam, ngay cả việc Trung cộng dùng tàu hải quân cắt giây cáp của tàu dò khí đốt và dầu hỏa của Việt nam. Chưa kể Hồ cẩm Đào lên được một phần là nhờ những thành tích đàn áp sắt máu nhân dân Tây tạng.
Đặng tiểu Bình (1904 – 1997)
Ông cùng với Tôn dật Tiên, Trần độc Tú, trước đó một vài năm, và cùng với với Mao trạch Đông, Lưu thiếu Kỳ, Chu ân Lai, Trần Vân, Dương thượng Côn v.v.., ở Việt Nam thì có Hồ chí Minh, Trần Phú, Nguyễn thị Minh Khai, Lê đức Thọ v.v.. là những thế hệ đầu tiên đi theo chương trình tây học. Vào lúc đó, người Pháp đã đặt xong nền đô hộ, trước đó thì mở trường thông ngôn, nay mở trường tiểu học phổ thông ở Việt Nam, Đông Dương và ở vùng tô giới Pháp. Tất cả những người vừa kể trên đều theo học chương trình tiểu học này và được cái bằng gọi là “Cao đẳng tiểu học «, trình độ khoảng hơn tiểu học một chút sau năm sáu năm học.
Đặng tiểu Bình đã cùng với Chu ân Lai trong một đoàn thanh niên trẻ gồm 79 người, năm 1920, lấy tàu thủy qua Pháp (Marseille), sau khi đậu tiểu học Pháp, lúc đó ông 16 tuổi. Mao trạch Đông, tiếc rằng không có phương tiện để đi, đã ra bến tàu tiễn đưa những người này. Ở Pháp, ông cùng Chu ân lai làm thợ cho hãng xe hơi Renault, gia nhập cộng sản năm 1922, dưới sự hướng dẫn của Chu ân Lai.
Năm 1926, ông rời Pháp, qua Nga, học trường Tôn dật Tiên, sau đó đổi thành trường Đông phương, do Lénine mở ra để đào tạo cán bộ cộng sản. Người cộng sản sau này tâng bốc trường này, nói rằng “Trường đại học Đông phương ở Moscou”, nhưng thực ra trình độ rất là thấp, để được chấp nhận vào học, chỉ cần có chứng chỉ làm thợ ở một hãng xưởng trong vòng 2 năm.
Trường này đã đào tạo 28 người cán bộ cộng sản Tàu, mà người thứ 28 là Dương thượng Côn, tay em của Đặng tiểu Bình, sau này vào thời biến cố Thiên An Môn 1989, ông đã lên đến chức Chủ tịch nhà nước; và con trai ông là người cầm đầu đoàn quân đàn áp sinh viên, học sinh ở quảng trường này.
Những người như Tôn dật Tiên, mặc dầu có bằng bác sĩ y học, Trần độc Tú, có học thêm về nghề đóng tàu thủy, nhưng cũng chỉ là chuyên môn, còn lại những người như Mao trạch Đông, Lưu thiếu Kỳ, Chu ân Lai, Đặng tiểu Bình, Trần Vân v.v.., ở Tàu; và ở Việt Nam như Trần Phú, Hồ chí Minh, Nguyễn thị minh Khai, Lê Duẫn, Lê đức Thọ v.v.., những người này, với trình độ tiểu học, nói như nhà chuyên viên nghiên cứu về Tàu, Jean luc Domenach, hiện là giáo sư hợp tác, đang dạy ở trường Huấn luyện cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Tàu, thì những người này không đủ trình độ để hiểu rõ cái hay cái dở của văn minh đông phương, cũng như cái hay cái dở của văn minh tây phương, thấy đất nước bị liệt cường xâu xé, bị đô hộ, thì qui lỗi không những cho triều đình đương thời, mà cho cả văn minh đông phương, vội vất bỏ tất cả những cái hay của văn minh này, và nhập cảng cái cặn bã của văn hóa tây phương, đó là lý thuyết Mác xít, đã bị giới trí thức cùng thời vứt bỏ. Đó cũng chính là một trong những lý lo mà cách mạng cộng sản không xảy ra ở những nước kỹ nghệ tây, theo ước mơ của Marx, mà lại xảy ra ở những nước chậm tiến, ngay vào nước Nga vào thời đó.
Một điều đáng tiếc hơn nữa là ngày hôm nay các nước Nga và Đông Âu, cái nôi của chủ nghĩa Marx, đã vứt bỏ nó, thế mà Trung cộng và Việt Nam vẫn còn bám vào, viện đủ mọi lý do ngụy biện xảo trá.
Ngày nào mà hai nước trên còn bám vào lý thuyết của Marx, chủ trương đấu tranh giai cấp, chủ trương độc khuynh, độc đảng, ngày đó còn chưa thể theo kịp những nước tân tiến kỹ nghệ.
Ở điểm này có người dựa vào tổng sản lượng quốc gia, cho rằng nước Tàu trong tương lai, tổng sản lượng quốc gia sẽ bắt kịp Hoa Kỳ, rồi vượt mặt và sẽ làm chủ thế giới. Công nhận rằng tổng sản lượng quốc gia quan trọng, nhưng không phải là lý do độc nhất của phát triển, còn những yếu tố khác.
Trở về lịch sử trong quá khứ, ngay của nước Tàu, để nhìn cho rõ: vào năm 1830, tổng sản lượng quốc gia của Tàu là 29,8%, gần 1/3 so với tổng sản lượng thế giới (Theo Paul Kennedy – The Rise and Fall of the great Powers – trang 19O – nhà xuất bản Random House – 1988); nhưng chỉ mười năm sau, 1840, nước Tàu bị liệt cường xâu xé.
Chúng ta cũng nên nói sơ về tình hình thế giới và nước Tàu vào những năm đầu thế kỷ 20 để rõ vấn đề. Người ta có thể nói một cách tổng quát, sơ qua, những biến cố quan trọng của những năm đầu thế kỷ 20 là: Trận Đại chiến thứ Nhất (1914 -1918), cuộc cướp chính quyền của Lénine 1917, Hội nghị Versailles 1919, rồi phong trào những nước thuộc địa đòi độc lập.
Trận Đại Chiến này gồm 2 phe: Phe Trục gồm có Đức, đế quốc Áo Hung (Austro – Hongrois) và đế quốc Thổ nhĩ kỳ, phe bên này gồm có đế quốc Pháp, Anh, Nga, sau đó có Hoa kỳ.
Đến gần cuối thế chiến, Đức nhận thấy không thể nào đương đầu cùng một lúc 2 mặt trận lớn: mặt trận đông bắc với Nga lúc đó là vào thời Nga hoàng Nicolas 2 và mặt trận phía nam với Pháp, muốn dồn lực vào mặt trận phía nam. Chính vì vậy mà Bộ Tham mưu Đức đã giúp đỡ và đưa Lénine về cướp chính quyền năm 1917.
Sau này Mao trạch Đông và Hồ chí Minh cũng lợi dụng sự hoang tàn của Đệ Nhị thế Chiến (1939 – 1945) để cướp chính quyền theo chỉ thị của Đệ Tam quốc tế Cộng sản. Bởi lẽ đó mà Đức Đạt Lai Lạt ma đã nói: “Cộng sản là loài cỏ dại mộc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi nẩy nở trong rác rưởi của cuộc đời.”
Sau Đệ Nhất thế chiến, có Hội Nghị Versailles 1919, hai nước Anh và Pháp đã buộc Đức phải trả chi phí chiến tranh quá cao, làm cho nước Đức lâm vào tình trạng khủng hoảng, một trong những nguyên do chính đưa Hitler lên nắm quyền, gây ra Đệ Nhị thế Chiến.
Sau Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến là Phong Trào đòi độc lập của những nước bị đô hộ. Đệ Tam Quốc tế đã lợi dụng phong trào này cũng như phong trào quốc gia để cướp chính quyền, mặc dầu lý thuyết cộng sản không có một tý gì là tinh thần quốc gia, mà ngược lại, chủ trương “Vô gia đình, vô quốc gia và vô tôn giáo.”
Trở về nước Tàu và Đặng tiểu Bình:
Nhiều người cho rằng ông Đặng tiểu Bình là một nhà cải cách, nhưng riêng tôi, tôi có một cái nhìn hơi khác.
Đó là ông không phải là một nhà cải cách, ông chỉ được đội cái mũ cải cách, vì tất cả những chương trình cải cách đều được quyết định trước, ông chỉ thừa hưởng những chương trình này, nếu không muốn nói ông là một nhà bảo thủ, mang tất cả đặc tính của một nhà lãnh đạo Tàu: Tinh thần quân chủ phong kiến, gia tộc và chủ nghĩa đại Hán.
Chúng ta chỉ cần quan sát biến cố Thiên an Môn, thì chúng ta rõ ông ta là một người lợi dụng thời cơ và cuối cùng là bảo thủ. Ông đứng hàng hai, lừng chừng giữa bảo thủ và cải cách trước đó, sau thấy phe bảo thủ thắng thế, thì ngả về phe bảo thủ. Cũng như chúng ta quan sát suốt cuộc đời chính trị của ông. Ông đã tiếp tay với Mao trạch Đông, có thể nói là một người thi hành đắc lực, tất cả những cuộc đàn áp dân, đàn áp trí thức, quân đội, trong thời Mao, qua những cuộc “Chỉnh quân, chỉnh Đảng”, cho tới cuộc cách mạng văn hóa của Hồng vệ Binh 1964 thì gia đình ông trở thành nạn nhân.
Tính chất đại Hán của ông được tiêu biểu rõ nhất qua câu nói “Cần phải cho Việt Nam một bài học”, rồi xua quân tràn sang biên giới Việt Hoa 1979. Nó còn được lập lại qua Hội nghị Thành đô năm 1990, qua câu nói: “Cộng sản Việt Nam là phường ăn cháo, đái bát, tôi không thèm gặp những kẻ này.”
Tinh thần gia tộc của ông được thể hiện qua chính sách cấu kết giữa các "Đại gia tộc".
Sau biến cố Thiên an môn 1989, nhằm bảo đảm quyền hành của gia tộc, phe nhóm, ông thành lập hệ thống cai trị và cách thức chuyển quyền qua sự sắp xếp và đồng thuận của 8 đại gia đình. Đó là:
Đặng tiểu Bình (Deng Xiao Ping) (1905 – 1997), đã từ lâu là thư ký Ban Thường vụ Bộ Chính trị dưới thời Mao.
Dương thượng Côn (Yang Shanghun) (1907 – 1998), tay em của Đặng tiểu Bình và cùng ông này ra lệnh cho tiến hành vụ đàn áp quảng trường Thiên an Môn 1989.
Văn Chấn (Wang Zhen) (1908 – 1993), người lo về vấn đề lương thực của quân đội Mao và cũng là người ủng hộ họ Đặng hết sức sau này, được họ Đặng cho một biệt danh là “Cây đại bác đáng yêu của tôi”.
Trần Vân (Chen Yun) (1905 – 1995), người giữ vai trò quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch kinh tế, tài chính của Mao, từ năm 1949.
Lý tiên Niệm (Li Xiannian), người giữ vai trò quan trọng trong việc kết thúc Cách mạng Hồng vệ binh.
Bành Chân (Peng Zen), người giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập luật pháp cộng sản.
Tống nhiệm Cùng (Song Renqion), đã từng giữ chức Tổ chức Đảng và giám sát việc phục hồi những cán bộ thanh trừng hồi Cách mạng Hồng vệ binh.
Bạc nhất Ba (Bo Hibo), Phó Thủ tướng, chết sau cùng trong 8 người, vào năm 2007, ở tuổi 98.
Theo như Đặng tiểu Bình thì 8 đại gia tộc này sẽ nắm toàn quyền từ chính trị đến kinh tế, và theo cách cha truyền con nối, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ cha tới con, tới cháu, tới chít v.v…
Nhiều người, phần lớn là trí thức thiên tả, cộng sản, cho rằng "Đây là phát minh sáng kiến kỳ diệu của họ Đặng", giúp cho việc chuyển quyền tốt đẹp trong hòa bình.
Thực ra thì chẳng có gì mới lạ, vì đây chỉ là cái rơi rớt lại của chế độ độc tài phong kiến, xưa thì phong hầu, kiến ấp cho con cháu, người nhà và hơn thế nữa cho “quân hầu, đầy tớ”; nay thì con cháu của 8 gia tộc nắm tất cả quyền hành trong đảng và làm chủ hầu hết các đại công ty. Theo báo chí quốc tế thì qua 1 thế hệ 8 gia tộc này đã trở thành 44 đại gia đình, phần đông nằm trong số 50 tỉ phú đô la của nước Tàu, và hiện nay nhóm này đang sửa soạn cho thế hệ cháu lên nắm quyền, mà đa số đều được học hành đến nơi đến chốn tại các nước tây phương. Sự bất công này đưa nước Tàu đến tình trạng phân hóa cực độ: cách biệt đẳng cấp, chênh lệch giàu nghèo, cướp đáp hiếp người vô tội vạ v.v... làm con số biểu tình, bạo động của người dân lên cả 180.000 trong 1 năm.
Hơn thế nữa, chính họ Đặng đã là người đầu tiên phá hủy "giao kết" này. Chỉ hai ba năm sau đó, vào năm 1992, ông đã liên kết với Giang trạch Dân, hạ bệ Dương thượng Côn, mặc dù ông là tay em của họ Đặng từ khi ở Nga về và là người đã đề cử Giang trạch Dân lên làm Tổng bí thư đảng, sau biến cố Thiên an Môn.
Theo một số nguồn tin không chính thức, nhưng đáng tin cậy, thì sau biến cố Thiên An môn 1989, có cuộc họp của các Đại gia. Đặng tiểu Bình muốn đề nghị người thay thế Triệu tử Dương, đương quyền Tổng bí thư lúc bấy giờ. Nhưng Dương thượng Côn đã phản bác lại: "đồng chí Đặng, ở đời không có chuyện tái tam 3 bận, đồng chí đã chỉ định 2 người Tổng bí thư là Hồ diệu Bang và Triệu tử Dương, đã thất bại, nay xin nhường cho người khác đề cử". Chính vì vậy mà có giải pháp dung hòa vào lúc đó: Dương thượng Côn chỉ định Giang trạch Dân làm tổng bí thư và Hồ cẩm Đào vào ban thường vụ.
Tuy nhiên chỉ cần một vài năm sau, với tình thần “trả thù” của họ Đặng và tinh thần "ham quyền lực" của họ Giang, hai người đã liên kết với nhau, để bắt Dương thượng Côn từ chức Chủ tịch Nhà nước vào năm 1992.
Hệ thống "Đại gia tộc", chuyển quyền lực trong hòa bình này đã mất hết hiệu lực sau khi Đặng tiểu Bình chết vào năm 1997, vì những người kế tiếp như Giang trạch Dân, rồi Hồ cẩm Đào không đủ uy tín để nói mọi người nghe.
Đại gia tộc chỉ là nơi đấm đá ngầm lẫn nhau, chia phe kết phái, bề ngoài thì có vẻ yên lặng, nhưng bên trong là "chiến tranh ngầm". Sự việc này đã nổ bùng với vụ Bạc hi lai, con của Bạc nhất Ba.
Người ta nói nhiều đến Bạc hi Lai, ngôi sao sáng của đảng Cộng sản Tàu vào những năm cuối thập niên 90 và đầu năm 2 000, cho rằng đây là một người “yêu nước, có tài, đại diện cho giai tầng những ông hoàng đỏ, người mà có thể vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị trong tương lai”. Thế rồi trái bong bóng Bạc hi Lai bị xẹp, người ta mới khám phá ra rằng “phe nhóm Bạc hi lai” chỉ là hiện thân của tổ chức cộng sản, và xa hơn nữa là tổ chức quân chủ, phong kiến cuối trào, như cuối thời nhà Thanh hay cuối thời nhà Minh, đầy tham nhũng, âm mưu sát hại lẫn nhau; và hơn thế chỉ là một tổ chức “Mafia”, bề ngoài thì hô hào chống tham nhũng, cổ võ tinh thần yêu nước, trở về thời Mao, nhưng bên trong thì đầy tham ô và cấu kết với ngoại quốc để gửi tiền ra nước ngoài.
Vợ Bạc hi Lai, trước đó được coi như "Người đàn bà gương mẫu" giúp chồng làm nên sự nghiệp, nhưng sau đó người ta mới rõ, đó là một người đàn bà không từ bất cứ một thủ đoạn nào để làm giàu, để chuyển tiền ra ngoại quốc, ngay cả giết người.
Bạc hi Lai chỉ là con cờ của Giang trạch Dân, đưa ra để nhằm quân bình với lực của Hồ cẩm Đào, với mục đích sẽ có thể khống chế được Tập cận Bình. Nhưng phe Hồ cẩm Đào, đương quyền vào lúc đó, phản công lại, đưa đến hậu quả là 2 phe đấm đá lẫn nhau, "trét cứt vào mặt nhau", vạch áo cho người xem lưng, làm mất hết niềm tin của người dân, ngay cả giới lãnh đạo. Cho đến nỗi mà chính Tập cận Bình, trước khi lên chức Chủ tịch đảng, cũng phải than: "Đảng cộng sản là nơi qui tụ tất cả những thành phần tham nhũng, xấu xa nhất của xã hội Tàu hiện nay."
Giới lãnh đạo"Gia tộc Tàu", lại hiện nguyên hình, mang đầy đủ đặc tính cố hửu của giới lãnh đạo Tàu, ham quyền lực, độc tài phong kiến, tính gia tộc, đấm đá lẫn nhau cho tới chết.
Tôi không thể đi sâu vào lịch sử lãnh đạo Tàu, chỉ xin nêu 2 nhân vật tiêu biểu của đảng Cộng sản, Mao trạch Đông và Đặng tiểu Bình, mà Yakolev, Ủy viên Bộ Chính trị Liên sô thời Gorbatchev, đã có nhận xét:
“Giới lãnh đạo cộng sản là loài sâu bọ. Con mới đẻ nằm lên xác con già. Con già đè lên xác con trẻ. Trong đó, có con khỏe nhất, leo lên được chỗ cao nhất. Tuy nhiên để được lên chỗ cao nhất, nó đã giẵm lên xác không biết bao con khác.”
Nếu chúng ta xét lịch sử cuộc đời của Mao và Đặng nói riêng và giới lãnh đạo cộng sản nói chung như Lénine, Staline, Hồ, chúng ta quả thấy như vậy: chơi xấu, giết biết bao đồng chí của mình, ngay cả những người thân nhất, để được leo lên chức cao nhất.
Mao trạch Đông đã bỏ tù, hành hạ cho tới chết Lưu thiếu Kỳ, Bành đức Hoài, người đã "Ăn cùng mâm, ngủ cùng giường", thời ở Diên An. Đặng tiểu Bình đã chơi xấu Dương thượng Côn, tay em của mình trong gần suốt cuộc đời, bắt ông này phải từ chức chủ tịch nhà nước năm 1992. Giang trạch Dân cũng vậy, được họ Côn nâng đỡ để lên chức chủ tịch đảng, nhưng sau đó lại phản liên kết với họ Đặng để chơi xấu họ Côn.
Ngoài đặc tính phong kiến, đại gia, độc tài, độc đoán, nó còn phảng phất tính chất thù hằn cá nhân, mà chúng ta không cần chứng minh sâu xa, chỉ cần nhìn qua những tiểu thuyết và phim kiếm hiệp của người Tàu, thì chúng ta cũng rõ. Đồng ý, phim và tiểu thuyết không thể nói lên tất cả, nhưng nó cũng rất tiêu biểu của một dân tộc.
Ở đây, tôi xin mở một dấu ngoặc, nói đồng thời về Tàu và Việt Nam, vì 2 nước này vẫn lấy lý thuyết Mác Lê làm nền tảng cho việc xây dựng xã hội, như hiến pháp đương thời của 2 quốc gia qui định; thêm vào đó là việc cộng sản Việt nam và một số trí thức đang bàn cãi về việc sửa đổi hiến pháp.
Đồng ý rằng hiến pháp là luật lệ căn bản cao nhất của một quốc gia, nhưng đó chỉ là trên bình diện pháp luật. Còn có những luật lệ không thành văn, nhưng cao hơn cả hiến pháp, đó là nền tảng triết học và đạo lý. Chừng nào mà 2 quốc gia trên vẫn giữ tư tưởng Mác Lê, cặn bã của văn hóa tây phương, mà những nước này đã từ bỏ ngay từ lúc đầu, rồi sau này với Liên sô và Đông Âu, chừng nào mà vẫn giữ quan niệm độc đảng, không chịu sửa đổi chính trị, mà chỉ sửa đổi kinh tế, thì chẳng khác nào như một người què, đi một chân. Chính hình ảnh này đã được Đặng tiểu Bình dùng, trước khi biến cố Thiên An Môn xảy ra.
Vào những năm của thập niên 80, khi họ Đặng đưa ra 4 hiện đại hóa: hiện đại hóa kinh tế, hiện đại hóa canh nông, hiện đại hóa giáo dục, khoa học và hiện đại hóa quân đội, lúc đó còn có báo dán trên tường ở thành phố Bắc kinh, thì nhà tranh đấu cho dân chủ Ngụy kinh Sinh đã nói: "Đặng tiểu Bình quên một hiện đại hóa quan trọng nhất, đó là hiện đại hóa chính trị, dân chủ hóa chế độ".Chính vì hành động này mà Ngụy kinh Sinh bị chính quyền cộng sản trù dập.
Thật vậy, chừng nào hiện đại hóa kinh tế, mà không có hiện đại hóa triết lý, chính trị, vẫn theo lý thuyết Mác Lê, vẫn chủ trương độc đảng, thì vẫn là què quặt, có tiến, nhưng không thể nào tiến như những nước dân chủ khác. Dù có sửa đổi hiến pháp đến đâu chăng nữa, mà vẫn giữ nền tảng lý thuyết của Mác, vẫn theo chế độ độc đảng, thì vẫn chỉ là hình thức bề ngoài.
Nước Tàu, từ ngày đảng Cộng sản cướp được chính quyền năm 1949 tới nay, chính quyền này tự nhận là tân tiến, khoa học, dân chủ, vì dựa trên tư tưởng của Mác và Mao, nhưng thực tế chỉ là mặt trái, mặt phải của chế độ quân chủ, độc tài, phong kiến trá hình. Mặt phải đó là chế độ độc tài phát xít, quân phiệt, xưa là Mussolini ở bên Ý, Hitler ở bên Đức, ngày hôm nay là những chế độ Sadam Hussein ở Irak, Khadaphie ở Lybie và Assad ở Syrie. Mặt trái, đó là chế độ cộng sản, đã sụp đổ ở Liên Sô, Đông Âu, chỉ còn một vài nước như Tàu, Việt Nam, Bắc Hàn và Cu ba.
Nhưng chế độ quân chủ, độc tài, phong kiến còn có phần chấp nhận được, vì nó còn có đạo đức và danh dự. Dù sao nó cũng có một giai tầng sĩ phu, trí thức, quan quyền tôn trọng giá trị tinh thần, liêm khiết, biết lo cho dân, cho nước.
Ngược lại chế độ cộng sản, phần lớn giai tầng sĩ phu, trí thức, quan quyền không có một tý gì là liêm sỉ, danh dự, nhất là với quan niệm của họ Đặng “Mèo trắng, mèo đen không quan trọng. Cái quan trọng là nó biết bắt chuột”, đã đi theo một triết lý duy vật hạ cấp, đặt nặng vật chất, quên hết giá trị nhân bản, tinh thần, theo một chế độ tư bản rừng rú, miễn sao có lợi, miễn sao có tiền, bất chấp liêm sỉ, danh dự, đạo đức tối thiểu của con người.
Chế độ cộng sản này, có thể có những tăng trưởng về kinh tế, nhưng nó đã bị mục nát ngay từ nền tảng, đó là quan niệm đạo đức và triết học và sớm muộn sẽ sụp đổ, không phải vì người ngoài đến làm sụp đổ nó, mà chính tự nó làm sụp đổ nó, để nhường chỗ cho một chế độ dân chủ.(1)
Để kết luận, tôi xin mượn lời của tướng Lưu Á Châu, vừa mới được thăng chức từ vị trí Phó Chính Ủy của Lực lượng Không quân lên vị trí Chính Ủy của Học Viện quốc phòng Trung cộng:
“Một hệ thống tồi khiến cho một người tốt cũng hành xử tồi, trong khi một hệ thống tốt sẽ khiến ngay cả một người tồi cũng có thể hành xử tốt. Dân chủ là một hệ thống cần thiết, mà không có nó, sẽ không có sự trỗi dậy bền vững. “(Theo tuanvietnam.net/2010-08-12- trung-quoc-cai-cach-hay-la-chet.)
danlambaovn.blogspot.com
____________________________________
Xin xem thêm những bài về Tàu và lý thuyết của Marx, trên http://perso.orange.fr/chuchiam/