Thất Lĩnh (Danlambao) - Khi vụ án Đoàn Văn Vươn khép lại, một cơn bão dư luận trên nhiều phương tiện truyền thông, mạng xã hội mạnh mẽ kết luận: bản án 5 năm tù cho Đoàn Văn Vươn là quá nặng. Tuy nhiên, vấn đề mà mọi người đề cập đến không chỉ dừng lại ở mức án mà cách tiến hành xử án đã bộc lộ rõ bản chất của chế độ cộng sản, đó là bẻ cong lẽ phải - bất chấp công lý.
Nhiều người theo dõi sát sao phiên tòa đều khẳng định, hội đồng xét xử chỉ tập trung vào hành động phản kháng của Đoàn Văn Vươn mà không đề cập động cơ dẫn đến hành động ấy. Thực tế, gia đình Đoàn Văn Vươn đã nhiều lần giải trình, thương lượng với chính quyền địa phương về quyền lợi và nghĩa vụ mà họ đã cam kết với chính quyền trước đây. Tất cả những lời giải thích đều bị phớt lờ vì nhà nước cần diện tích đất mà gia đình ông Vươn sở hữu để phục vụ cho mục đích khác. Sự nghiệp mà cả gia đình đã đầu tư gần 20 năm bỗng chốc bị tước đoạt, cùng đường, gia đình Đoàn Văn Vươn đã liều mình giữ đất bằng vũ lực nhằm níu giữ niềm tin le lói sau cùng. Thế nhưng, niềm tin ấy đã bị dập tắt bằng sức mạnh của cường quyền, không theo lẽ phải của một phiên xử bị phê phán từ người dân thường, người am hiểu luật pháp trong nước đến các chuyên gia nhân quyền quốc tế.
Cách tiến hành xử vụ án Đoàn Văn Vươn khiến nhiều người liên tưởng đến vụ xử của nhà báo Hoàng Khương cách đây chưa lâu. Muốn có bằng chứng cảnh sát giao thông nhận hối lộ, Hoàng Khương đã nhờ người đưa hối lộ. Đây là một phương cách thực tế chứng minh người viết bài lăn xả vào thực tế sự việc. Nhưng trớ trêu anh bị buộc tội vì hành vi “gài bẫy” cảnh sát giao thông. Thử hỏi cảnh sát giao thông liêm chính thì ai gài bẫy được? Một nhà báo không dùng phương cách đó thì làm sao có bằng chứng cảnh sát phạm tội. Hóa ra việc làm đúng trở thành sai. Người đúng ra có công góp phần đầy lùi tội tham nhũng trở thành tội phạm. Lý do là vì ai đó muốn cảnh báo rằng: dân thường hay truyền thông muốn lên tiếng chống tiêu cực thì cũng vừa phải thôi, làm quá mất uy tín của chính quyền thì phải bị xử. Thế là Hoàng Khương nhận một bản án oan khuất.
Một xã hội nhiễu nhương trắng đen lẫn lộn như thế không khó để hiểu tiêu cực vì sao tồn tại và ngày càng phát mạnh như một thứ dịch hạch. Đây là một trong hai điển hình của các vụ oan án đang xảy ra hằng ngày, hằng giờ trên đất nước Việt Nam được cai trị của đảng cộng sản. Sau khi theo dõi các vụ oan án Đoàn Văn Vươn nhiều người đã phải buộc miệng thốt lên rằng: họ ước có một vụ xử đồng Nọc Nạn thời Pháp thuộc. Cộng sản lên án thực dân Pháp là ác ôn, bất công nhưng trong mắt người dân hiện nay tòa án cộng sản thua xa tòa án thời Pháp thuộc cách đây hằng trăm năm. Điều này chứng minh sự bóc lột và bất công của chế độ cộng sản đối với đồng bào mình cũng ghê gớm hơn kẻ thù ngoại xâm.
Nhiều năm qua, người nông dân nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đã chịu nỗi đau bị chiếm đoạt đất đai. Song hành với điều đó là tình trạng oan án đang ngày càng gia tăng. Thử hỏi một xã hội mà người dân luôn chịu oan khuất, bị tước đoạt từ ruộng đất đến quyền công dân thì xã hội đó có tốt đẹp giống như những lời lừa bịp được nghe, được thấy hàng ngày trên truyền hình, báo in thông qua phát biểu của lãnh đạo cộng sản?
Chắc chắn phản ứng của người dân đến tai lãnh đạo cộng sản. Chắc chắn lãnh đạo cộng sản hiểu rõ nguyên do Đoàn Văn Vươn phản kháng. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao biết rõ đó là oan sai mà chính quyền cộng sản vẫn không thay đổi phương cách cai trị mà vẫn hà hiếp người dân từ vũ lực đến tòa án? Bởi vì, nếu không làm thế thì họ thừa nhận chính quyền sai. Từ đó, họ lo sợ niềm tin vốn đã bị xói mòn ngày càng hao hụt. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại, hành động đó càng khiến cho uy tín của chính quyền càng bị lung lay trong lòng người dân. Qua đó, người dân càng cảm thấy rõ hơn rằng dù họ đang sống ở thế kỷ 21 nhưng họ bị cộng sản đối xử chẳng khác thời phong kiến mà vua quan được tự quyền định đoạt bất chấp công lý.
Một xã hội như thế rất đáng bị xóa đi để thay thế bằng một chế độ khác tốt đẹp hơn!