Khi đảng Cộng Sản tự giải thể - Dân Làm Báo

Khi đảng Cộng Sản tự giải thể

Ngô Nhân Dụng (Người Việt) - Sau khi chế độ quân phiệt ở Miến Ðiện chấp nhận con đường dân chủ hóa, nhiều người nghĩ đảng Cộng Sản Việt Nam cũng nên theo gót họ. Theo một cách giản dị là họ có thể sửa đổi hiến pháp, bãi bỏ độc quyền thống trị của đảng, bắt đầu nới lỏng cho các quyền tự do phát biểu, tự do hội họp; và sau cùng tổ chức bầu cử cho nhiều đảng chính trị tham dự. Như vậy, họ có thể tuyên bố bắt đầu một tiến trình dân chủ hóa, như giới tướng lãnh ở Miến Ðiện đang làm.

Không biết những người cầm đầu đảng Cộng Sản có khả năng và can đảm dấn bước trên con đường như vậy không. Nhưng nếu họ làm như thế thật thì có thể đáng lo cho nước Việt Nam. Vì trong quá khứ đã có một đảng Cộng Sản đi theo con đường đó vào năm 1990, ở Bulgaria. Cho đến nay chế độ dân chủ ở nước đó vẫn chưa thực sự trưởng thành, mà vì thế nền kinh tế tiến chậm nhất trong số các nước Cộng Sản cũ ở Ðông Âu.

Tại các nước thay đổi chế độ khác, kinh tế suy sụp sau khi thay đổi thể chế vì thời gian chuyển tiếp gian nan. Nhưng không có nước nào mà tình trạng kinh tế suy yếu kéo dài như ở Bulgaria. Tại các nước khác, kinh tế suy yếu nhưng không làm cho dân chúng mất tin tưởng vào thể chế dân chủ; nhờ thế đời sống ngày càng được cải thiện. Ngay tại một nước không Cộng Sản như Tây Ban Nha, sau khi chế độ dân chủ thay thế chế độ Franco (chết năm 1975) thì tỷ lệ phát triển kinh tế cũng xuống thấp; từ trung bình 7% một năm (1960-1974) xuống thấp hơn 2% (1975-1985). Cùng lúc đó tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3% lên tới 20%. Tuy vậy, dân chúng Tây Ban Nha, cũng như dân các nước cựu Cộng Sản như Hungary, Tiệp, Ba Lan, vẫn tin tưởng rằng thể chế tự do dân chủ là tốt nhất, so với các chế độ cũ; kinh tế suy yếu là hiện tượng ngắn hạn.

Tại Bulgaria thì khác. Kinh tế xuống quá khiến người dân chán cả thể chế tự do dân chủ. Mức sống giảm 40% trong 14 năm sau khi thay đổi chế độ. Lạm phát có lúc lên tới 122% một năm (1994) - tức là giá hàng hóa tăng gấp đôi - và tăng gấp bốn (311%, năm 1996). Ðến năm 1997, một chính phủ không Cộng Sản đắc cử, quyết tâm cải tổ cơ cấu và ngân hàng, nhờ thế dần dần khôi phục được niềm tin, kinh tế bắt đầu hồi phục. Từ năm 2000, sau khi việc đổi mới kinh tế được thực hiện toàn diện, kinh tế Bulgaria mới gia tăng với một tốc độ trung bình 6%, ngân sách chính phủ bắt đầu thặng dư. Trong năm 2012, lợi tức bình quân của dân Bulgaria đã lên trên 14,000 đô la Mỹ một năm, và tỷ lệ thất nghiệp dưới 10%. Tuy nhiên, viễn tượng phát triển kinh tế lâu dài ở Bulgaria vẫn chưa sáng sủa vì guồng máy chính quyền vẫn còn đầy tham nhũng, hệ thống tư pháp chưa vững chắc, vì thế quyền tư hữu cũng bấp bênh khiến giới đầu tư chưa yên lòng.

Tại sao con đường phát triển kinh tế và dân chủ hóa ở Bulgaria gặp nhiều chướng ngại như vậy? Nguyên do là vì đảng Cộng Sản Bulgaria đã “cướp thời cơ,” tự đứng ra thay đổi chế độ, để tiếp tục giữ quyền bính dưới một tên gọi mới. Ðây là một kinh nghiệm mà người Việt Nam cần nghiên cứu để tránh vết xe đổ.

Năm 1989, biến cố trong vùng Ðông Âu khiến đảng Cộng Sản Bulgaria lo sợ. Một ngày sau khi bức tường Berlin đổ (9 Tháng Mười Một năm 1989), Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Bulgaria đã họp nhau truất phế Tổng Bí Thư Todor Zhivkov (nắm quyền từ năm 1954), bầu một người mới. Nhóm lãnh đạo mới bắt đầu chương trình cải tổ chính trị theo trình tự của họ; mục đích để kiểm soát tình hình việc thay đổi. Tháng Hai năm 1990, đại hội đảng đã biểu quyết xóa bỏ điều số 1 trong hiến pháp giành độc quyền lãnh đạo cho đảng, cũng giống xóa bỏ như điều 4 ở Việt Nam. Ðể có một bộ mặt dân chủ hóa giống như thật, đảng Cộng Sản mời một nhóm người được coi là “đối lập” tới họp một “Hội nghị Bàn tròn” bàn công việc cải tổ chính trị.

Hành động này cốt để cho thấy họ cũng làm một công việc giống như các đảng Cộng Sản ở Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc. Nhưng các “Hội nghị Bàn tròn” ở hai nước kia khác hẳn. Vì tại hai nước đó đã có một hình thức xã hội công dân sinh hoạt mạnh từ trước. Ở Ba Lan là nhờ giới công nhân và các nhà trí thức trong Giáo Hội Công Giáo; mà nông dân Ba Lan cũng chưa bao giờ bị nạn tập thể hóa, đã quen sống tự lập, tự chủ. Tại Hungary kinh tế đã thay đổi dần dần trong ba chục năm, nông dân và giới tiểu thương được tự do làm ăn. ở Tiệp Khắc, phong trào Hiến Chương 77 đã khơi động những cuộc thảo luận về thể chế và xây dựng xã hội công dân. Còn tại Bulgaria, chế độ Cộng Sản theo đúng khuôn mẫu Stalin, không chấp nhận một ý kiến hay hành động nào độc lập ở bên ngoài đảng. Những người được gọi là “đối lập” chỉ dám lên tiếng về việc bảo vệ môi trường sống, nhưng cũng không thể hoạt động liên tục. Một số người, vào năm 1990 lại được “mời gia nhập đảng để giúp đảng cải tổ;” rồi họ cũng được mời vô tham dự “Hội nghị Bàn tròn!”

Sau đó, đảng Cộng Sản Bulgaria đổi tên thành đảng Xã Hội, và quyết định tổ chức bầu cử ngay vào Tháng Sáu. Thời gian bốn tháng này quá ngắn, không một đảng chính trị nào đủ sức tổ chức với nhau, cho nên đảng Xã Hội thắng phiếu, tiếp tục nắm quyền một cách chính đáng! Trong cuộc vận động, họ còn đi phao tin ở các vùng thôn quê rằng nếu đảng đối lập Liên Minh Lực Lượng Dân Chủ thắng thì sẽ cắt hết tem phiếu, dân sẽ không thể mua được đủ thực phẩm mà ăn! Năm 1992, đảng Xã Hội thất cử, dân được tự do bỏ phiếu đã chọn Liên Minh Lực Lượng Dân Chủ. Nhưng luật lệ bầu cử trong hiến pháp do đảng Cộng Sản viết ra đưa tới tình trạng quá nhiều đảng phái. Cho nên chính quyền cũng không có đủ đa số trong Quốc Hội để thực hiện các chương trình đổi mới kinh tế. Phe đối lập lên nhưng cũng có khuynh hướng muốn nắm toàn quyền, theo lối Cộng Sản! Năm 1994, phe không Cộng Sản lại thua, đảng Xã Hội, tức Cộng Sản cũ, lại chiếm đa số trong Quốc Hội. Họ nắm quyền trở lại nhờ liên minh với phong trào bảo vệ môi trường sống. Cho tới năm 1997, liên minh các đảng phái dân chủ mới được bầu trở lại cầm quyền. Trong thời gian hơn 10 năm từ khi đảng Cộng Sản tự thay đổi thể chế, guồng máy nhà nước vẫn nằm trong tay “chế độ cũ”. Giống như ở các nước thay đổi kinh tế mà không thay đổi chính trị, các “cựu đảng viên” Cộng Sản Bulgaria vẫn còn cơ hội sử dụng quyền hành trong tay để làm giàu cho chính họ! Vì vậy tình trạng tham nhũng, dĩ công vi tư, lạm dụng quyền hành vẫn tiếp tục.

Tại sao những người “không Cộng Sản” ở Bulgaria lại thất bại lâu như vậy? Một lý do khiến họ không tập hợp được lại thành những đảng phái mạnh là vì suốt 40 năm trong chế độ Cộng Sản họ chưa bao giờ được phép tham dự vào các hoạt động chính trị. Chế độ Cộng Sản ở đâu cũng làm cho người dân “phát chán chuyện chính trị”. Những người đối lập với Cộng Sản thường là những con người “có lý tưởng,” quen giữ thái độ phi chính trị, vì coi chính trị là nhơ bẩn. Trong một chế độ dân chủ tự do, các đảng chính trị luôn luôn do những cuộc thỏa hiệp giữa nhiều nhóm quyền lợi khác nhau. Ngay các ông Walesa ở Ba Lan và Havel ở Tiệp cũng đều khinh thường những thỏa hiệp chính trị, kể cả khi họ lên làm tổng thống! Thái độ này khiến cho việc thành lập các đảng chính trị không tiến hành được, hoặc không thể tụ họp lại được thành những đảng lớn. Luật bầu cử vụng về khiến có quá nhiều đảng trong Quốc Hội làm việc tập họp các nhóm quyền lợi khó hơn.

Dân chúng Bulgaria cũng trải qua kinh nghiệm Cộng Sản và họ cũng chán ngán chính trị như vậy. Ðó là một lý do chính khiến quá trình dân chủ hóa ở Bulgaria đi rất chậm so với các nước khác. Mà hậu quả là nền kinh tế bị suy yếu vì không cải tổ nhanh chóng và toàn diện như các nước khác.

Một tai họa cho dân Bulgaria là khi các đảng viên Cộng Sản tiếp tục nắm quyền thì họ có phương tiện để ngăn cản các kế hoạch cải tổ kinh tế, nếu đụng tới quyền lợi họ đang hưởng. Bulgaria còn bị hai tai họa khác diễn ra vì cuộc chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ chậm chạp trong một thời gian quá dài. Một là nạn mất chất xám khi những người có học và giới chuyên gia bỏ nước ra đi rất nhiều; hai là các băng đảng tội phạm ngày càng mạnh vì xã hội bất ổn.

Nếu đọc lại lịch sử Bulgaria, chắc các người cầm đầu đảng Cộng sản Việt Nam có thể thấy một đường “hạ cánh an toàn;” là chính họ bắt đầu việc thay đổi chính trị. Họ sẽ cố nắm quyền kiểm soát các bước cải tổ để có thể tiếp tục nắm quyền. Dù bỏ điều 4 trong hiến pháp, dù chấp nhận đa đảng và bầu cử tự do, họ vẫn có cơ hội đóng vai chủ nhân ông trong một thời gian dài!

Nhưng người dân Việt Nam cũng biết đọc lịch sử để rút kinh nghiệm. Chắc chắn không ai muốn bị lừa gạt, như dân Bulgaria đã mắc bẫy.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo