Khiếu tố đất đai mang màu sắc chính trị? - Dân Làm Báo

Khiếu tố đất đai mang màu sắc chính trị?

Phạm Chí Dũng (BBC) - Thông điệp “cưỡng chế khiếu kiện” của ông Huỳnh Phong Tranh lại kích lộ vào thời điểm mà Quốc hội châu Âu vừa khẩn cấp phát đi một thông điệp “đồng cảm”: nhân quyền ở Việt Nam.

Việc gì phải sợ nó! 

Ông Huỳnh Phong Tranh - người đã tỏ ra mềm mỏng với thông điệp “Công tác thanh tra là bạn của dưới, tai mắt của trên” khi mới nhậm chức Tổng thanh tra chính phủ, đã vừa phát đi một thông điệp khác với quan điểm “kiên định” khác thường: “Đối với các đoàn (khiếu kiện) đông người quá khích, đặc biệt là những đoàn mang màu sắc chính trị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Tổng thanh tra chính phủ yêu cầu phải tiến hành cưỡng chế”.

Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm tỏ ra cứng rắn như thế, cũng như bức tranh khiếu tố đất đai đã bị phủ gam màu xám một cách có hệ thống từ nhiều năm qua. 

Cùng thời gian ông Tranh chấp nhiệm, nhiều vụ việc khiếu tố đất đai đông người và chống cưỡng chế đã đồng loạt diễn ra ở An Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định..., với cường độ dồn dập và tính chất xung khắc trở nên “quá khích” hơn hẳn so với trước đó. 

“Nếu mà lực lượng vô cưa cây thì ở đây sẽ đánh. Nếu bị bắt thì giữa dân và chính quyền sẽ xô xát với nhau, chứ không còn con đường nào để chọn cả, cũng như là dân ở đây giành lại sự sống thôi” - những người dân xã Mỹ An, An Giang đã trần thuật hoàn toàn thành thật như thế trước một vụ cưỡng chế giải tỏa của chính quyền địa phương. 

Nhưng bỏ qua đơn khiếu nại và tố cáo của dân về việc giá bồi thường chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/20 giá thị trường, vẫn có những cán bộ thuộc lực lượng cưỡng chế giải tỏa kiên quyết không thỏa hiệp: “Chính quyền, luật pháp trong tay, việc gì phải sợ nó!”.

Không cần giải thích, chắc người đọc cũng hiểu “nó” là ai. 

Được diễn giải một cách có văn hóa hơn, các đề tài nghiên cứu khoa học về khiếu kiện đất đai và giáo trình “chống diễn biến hòa bình” chỉ dùng từ “đối tượng” thay cho “nó”. 

Khái niệm được coi là “điểm nóng xã hội” và điểm nóng chính trị” cũng đương nhiên được xem là phát sinh từ các “đối tượng quá khích và kích động” trong các cuộc khiếu kiện đất đai. 

Não trạng cùng lối tư duy không biết mệt mỏi như thế đã xảy ra mòn mỏi đặc biệt vào những năm 2006 - 2008, là thời kỳ hoàng kim của sóng bất động sản ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cùng một số tỉnh thành khác, kéo theo gia tốc đậm đặc của “màu sắc chính trị” được xen cài vào “điểm nóng xã hội” để rất nhanh chóng và vào bất cứ lúc nào cũng có thể trở nên “điểm nóng chính trị” trong nhãn quan của những nhà điều hành. 

Vô nhân đạo 

Song giới chức chính quyền đã không để ý đến một hệ lụy tất yếu của quy luật tâm lý xã hội: sự chèn ép và phủ chụp về não trạng điều hành độc đoán đối với những người dân oan đi khiếu kiện đã góp một phần không nhỏ làm cho mối quan hệ giữa người dân và chính quyền trở nên xung khắc và thậm chí còn mang sắc màu xung đột. 

Vụ cưỡng chế đất đai của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một biểu thị xung đột quá xuất thần như thế. 

Nếu một số nhân sĩ, trí thức đã phải cho rằng thông điệp về cưỡng chế khiếu kiện của ông Huỳnh Phong Tranh là “vô nhân đạo”, thì người dân lại một lần nữa có cơ hội để hiểu thêm về cái được coi là “đức tính vô cảm” của giới chức chính quyền - những người trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết khiếu tố - từ bấy lâu nay. 

Đất đai là chủ đề nóng ở Việt Nam
Cũng bởi thế, không ngạc nhiên là tại một cuộc họp sơ kết tình hình khiếu nại tố cáo vào đầu tháng 4/2012, Tổng thanh tra chính phủ đã phải thừa nhận một thực tế là từ sau vụ Tiên Lãng, số lượt người, số đoàn đông người lẫn số vụ việc tăng hẳn lên; riêng số lượt người khiếu nại tố cáo trong tháng 3/2012 tăng 50% so với tháng 2/2012, còn số đoàn đông người tăng 30%. Trong số này chủ yếu vẫn là các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai với “tính chất rất phức tạp, gay gắt”. 

Đó cũng là một thực tế không thể phủ nhận và có thể đe dọa đến “sự tồn vong của chế độ” ở Việt Nam, kể từ sau cuộc biểu tình rộng khắp ở Thái Bình năm 1997. 

Khoảng 70% trong tổng số đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai. Sau “phát súng Đoàn Văn Vươn”, một hiện tượng xã hội tự động dắt dây là không hẹn mà gặp, giữa người dân khiếu kiện từ các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Dương, TP.HCM... đã có một mối dây tương thích về chia sẻ cảnh ngộ và phương thức đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình. 

Tính chất khiếu kiện có tổ chức cũng được thể hiện qua “đồng phục” như những cái áo cùng màu, trên đó được viết tay hoặc in những hàng chữ với nội dung phản đối chính quyền và một số cá nhân lãnh đạo trong chính quyền địa phương về chính sách bồi thường không thỏa đáng, chèn ép dân, nạn cướp đất...


Khác hẳn với lối hành xử sẵn sàng hình sự hóa khiếu nại dân sự như trước đây, từ năm 2011 đến nay, ngay cả nhiều chủ đầu tư dự án cũng lâm vào tình cảnh ngao ngán: “đối tượng” bị giải tỏa không chịu hiệp thương với giá cả bồi thường thấp hơn hẳn giá thị trường, thêm vào đó chủ đầu tư lại không mấy nhiệt thành bố trí nhà tái định cư nên người dân bị giải tỏa không biết đi đâu. 

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng quá tồi tệ từ năm 2011 đến nay, các chủ đầu tư không thể tiêu thụ sản phẩm và do đó không thể thu hồi được vốn đầu tư và trả món nợ kếch xù cho ngân hàng nếu không nhanh chóng hoàn thiện công trình. Với những dự án còn dở dang trong công tác giải phóng mặt bằng, điều tiên quyết là phải giải tỏa dân chúng càng sớm càng tốt để có thể thu về “đất sạch”. 

Riêng những chủ đầu tư máu lạnh phải hoàn thành bằng được bước đi đầu tiên và “sạch sẽ” nhất - ly khai với tầng lớp dân chúng nghèo khổ, để sau đó mới có thể tiếp cận được với một giai tầng dân chúng khác bớt nghèo khổ hơn nhiều. 

Một số chủ đầu tư máu lạnh như thế đã đốt cháy giai đoạn bằng cách thúc ép và cả “vận động” chính quyền địa phương bằng một thứ “dịch vụ đặc biệt” để chính quyền có động lực thi hành biện pháp cưỡng chế đối với những hộ dân thuộc loại “chây lì”. Cảnh sát và quân đội cũng được huy động vào các chiến dịch đẩy đuổi người dân ra khỏi chỗ chôn rau cắt rốn. 

Khiếu kiện, và hơn thế nữa, khiếu tố đông người cũng sinh ra từ đó, dai dẳng từ năm này qua năm khác, ngày càng mang tính đối đầu quyết liệt hơn. 

Sắc màu đồng hợp 

Như một hiệu ứng đồng pha, từ giữa năm 2011 đến nay đã đồng thời diễn ra một phong trào khiếu tố đất đai lan rộng với mức độ gay gắt bất thường ở cả Trung Quốc và Việt Nam. 

Đặc trưng “tụ tập đông người và yêu sách” mà giới chức chính quyền đã tổng kết về khiếu kiện đất đai, trong hơn một năm qua đã “vươn lên một tầm cao mới”: phản ứng đất đai, được biểu thị cụ thể bằng phản ứng tiêu cực đối với bản thân của người dân và hành vi xung đột của người dân đối với chính quyền. 

Nhưng khác với Việt Nam, chính thể Trung Quốc luôn có sẵn kế sách để ngăn chặn “nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ”. 

Từ ngày 10/4/2012, các quy định mới về cưỡng chế, thu hồi đất đai do Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, chính quyền không được tiến hành cưỡng chế nếu gặp phải một trong những tình huống như: thiếu căn cứ thực tế, thiếu căn cứ pháp luật, bồi thường không công bằng, không rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của người bị cưỡng chế, không đảm bảo điều kiện sống cơ bản hoặc điều kiện kinh doanh sản xuất của người bị cưỡng chế. 

Một năm sau đó, vào đầu tháng 4/2013, một cuộc hội thảo có tên “Xác định khó khăn và đề xuất giải pháp khi thu hồi đất thực hiện đầu tư xây dựng” do khoa luật Trường đại học Cần Thơ tổ chức, mới lần đầu tiên nêu ra tỷ lệ đến 92,5% người dân chưa hài lòng khi bị thu hồi đất. 

Tỷ lệ trên được cấu thành từ cuộc khảo sát 376 hộ dân bị giải tỏa bởi các dự án trên địa bàn thành phố Cần Thơ, trong đó gần 70% người dân cho rằng bảng giá đất mà thành phố ban hành hàng năm để áp giá bồi thường không sát giá thị trường. 

Những số liệu trên cũng làm rõ hơn bức tranh về sự vô cảm của chính quyền trong chủ đề nghiên cứu khoa học bồi thường giải tỏa đất đai. 

Từ nhiều năm qua, mỗi năm đều có không ít đề tài lấy tiền từ ngân sách nhà nước của các ngành tài nguyên môi trường, công an và một số chính quyền địa phương nghiên cứu về chủ đề này, song những nội dung và số liệu có thể phản ánh thực trạng theo nghĩa đen lại hầu như không được công bố trên bình diện công luận và cũng không đến tai dư luận. 

Thay vào đó, “điểm nóng xã hội” và “điểm nóng chính trị” được đặc biệt nhấn mạnh, không khác với cách nói về “màu sắc chính trị” của Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh. 

“Màu sắc” mà ông Tranh nhấn mạnh cũng có thể làm người ta liên tưởng đến một loại sắc màu đồng hợp khác - “nền kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc” mà chính thể Bắc Kinh thường tuyên giáo. 

Cận cảnh mất kiểm soát 

Hình như vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể sau vụ Tiên Lãng, ngoài việc “rút kinh nghiệm” chỉ đổi màu không đổi máu. 

Bài học mà một số giới chức lãnh đạo ở Việt Nam tưởng chừng đã “ tỉnh ngộ”, lại vẫn đang bị căn bệnh hoang tưởng quyền lực phong tỏa. Những gì mà giới chức chính quyền địa phương lẽ ra phải được giáo huấn một cách thật sự nghiêm khắc thì lại bị chính quyền trung ương phớt lờ. 

Trong bối cảnh thông tin một chiều về “diễn biến hòa bình”, các cơ quan của chính quyền địa phương, từ Ban dân vận, Ban tuyên giáo đến cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là cơ quan công an càng có lý do để gán ghép hành vi khiếu kiện đất đai của người dân bị giải tỏa thành “gây rối có tổ chức”. Cán bộ của những cơ quan này, trong khi không mấy quan tâm đến nguồn gốc đầy mất mát thương tâm của các vụ việc khiếu tố đất đai, lại luôn lên giọng về hình ảnh “các thế lực thù địch luôn tìm cách kích động, lôi kéo người dân đi khiếu kiện, tiến đến gây mất ổn định trật tự xã hội và an ninh chính trị”. 

Nguy cơ xung đột đất đai giữa người dân và chính quyền cũng bởi thế càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.

Sau Tiên Lãng ở Hải Phòng, Văn Giang ở Hưng Yên, Vụ Bản ở Nam Định, Dương Nội ở Hà Nội, người ta còn có thể chứng kiến hình ảnh sống động và đau đớn ở nhiều địa phương khác trên cả nước. 

Với người dân khiếu kiện đất đai, giờ đây vấn đề không còn đơn thuần nằm trong những lá đơn khiếu nại gửi tới các cấp thẩm quyền. Thái độ quan liêu tắc trách và cả ý đồ không nhân nhượng của một số nhân vật đặc quyền đặc lợi trong hệ thống chính quyền càng khiến cho người dân thấm thía số phận của mình đã bị an bài như thế nào. 

Bởi thế trong não trạng của rất nhiều người dân, chỉ có sự đoàn kết, đồng lòng trong khiếu tố, khoa học và bài bản trong tổ chức biểu tình và phản kháng mới có thể làm cho chính quyền địa phương thừa nhận sai lầm và mang lại cho người dân bị giải tỏa một kết thúc có hậu hơn. 

Còn với người dân bị mất đất và một số trường hợp gần như bị cướp đất, không còn cách nào khác, họ phải liều lĩnh hành động để giành giật sự sinh tồn cuối cùng cho gia đình mình. Thái độ và bản lĩnh trong việc thách thức và sẵn sàng đối đầu, chống đối chính quyền cũng vì thế đang có chiều hướng bùng phát, một sự bùng phát mà đến một thời điểm nào đó, mọi cố gắng kềm chế từ phía chính quyền sẽ trở nên bất khả kháng. 

Chỉ có điều, cái cận cảnh bất khả kháng như thế vẫn dường như không được nhìn nhận bởi não trạng vô thức của những giới chức thường bị ám ảnh bởi cách nhìn “quá khích” và “màu sắc chính trị”. 

“Một bộ phận không nhỏ” của thái độ vô cảm và vô thức như vậy cũng khiến cho tình hình đang trở nên tồi tệ nhanh chóng và có thể hoàn toàn mất kiểm soát vào một lúc nào đó. 

Cũng rất đáng lưu tâm, não trạng và thông điệp “cưỡng chế khiếu kiện” của những quan chức như ông Huỳnh Phong Tranh lại phát lộ vào thời điểm mà Quốc hội châu Âu vừa khẩn cấp phát đi một thông điệp “đồng cảm”: nhân quyền ở Việt Nam.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo