Làm truyền thông hay là “Tuyên truyền phản tuyên truyền” - Dân Làm Báo

Làm truyền thông hay là “Tuyên truyền phản tuyên truyền”

Đoan Trang - ... Khi các blogger, Facebooker đến những “điểm nóng” về đất đai như Tiên Lãng, Văn Giang, để viết bài, phỏng vấn, chụp ảnh tung lên mạng, họ gọi hành động đó đơn giản là “làm truyền thông” – có gì đâu, đơn giản là truyền tải thông tin thôi mà. Nhưng chính là họ đang tác động để dư luận hiểu các khía cạnh khác của sự việc – nhất là những phần mà hệ thống báo chí của Đảng và Nhà nước ta không/chưa/ngại đề cập. Việc ấy của họ thực chất là “làm chính trị”, với ý nghĩa thật đẹp đẽ của khái niệm “chính trị” này...

*

Chúng ta đã biết, qua các bài trước (*), rằng trong xã hội Việt Nam, tồn tại một thực tế là người dân thấp cổ bé họng không có khả năng tiếp cận nhà làm chính sách để mà lobby. Nếu không tin, đố bạn hẹn gặp được Đại biểu Quốc hội của địa phương bạn để phản ánh chuyện bạn bức xúc về giá thực phẩm quá cao mà vệ sinh an toàn thực phẩm thì không đảm bảo đấy. 

Chúng ta cũng biết một thực tế là người dân thấp cổ bé họng rất khó có khả năng kết hợp lại với nhau, ví dụ trong một cuộc biểu tình/ đình công, trong một tổ chức, hoặc có được một tổ chức đứng sau tài trợ, bảo trợ, để giúp họ lên tiếng với nhà làm chính sách. Nếu không tin, đố bạn giúp công nhân ở một khu công nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc, ở gần nhà bạn nhất, tiến hành đình công đòi giới chủ phải tăng lương cho họ từ 1/5 tới đấy. 

Vậy người dân còn cách nào để lên tiếng, để nguyện vọng của mình được lắng nghe và thực hiện? Ở Việt Nam, câu hỏi này chưa có lời đáp, nhưng trong một xã hội tự do, vận hành bình thường, thì có một lực lượng chuyên giúp họ làm việc ấy, đó là báo chí hay nói rộng hơn, truyền thông. (*) 

“Hệ thần kinh” của xã hội 

Có thể bạn sẽ nghĩ: Báo chí như ở Việt Nam thì quan trọng gì, bao nhiêu lâu nay tôi không đọc báo, không xem thời sự truyền hình, cũng chẳng chết, vẫn sống khoẻ. 

Nhưng đó là bạn đang nói trong bối cảnh Việt Nam, với một nền báo chí không chuyên nghiệp, không hề được tự do “phản ánh hiện thực khách quan”, nhất là nếu việc phản ánh ấy “chưa có lợi trong tình hình hiện nay” như cách nói của Ban Tuyên giáo. 

Chứ còn trên lý thuyết và trên thực tế, báo chí, truyền thông đại chúng vô cùng quan trọng trong xã hội. Đơn giản là nó cung cấp thông tin để giúp người ta ra quyết định. Một ví dụ được nhà khoa học chính trị người Mỹ Austin Ranney viện dẫn: Tháng 11/1996, có khoảng 96 triệu dân Mỹ đi bỏ phiếu bầu cử Tổng thống để chọn ra 1 trong 3 ứng viên là Bill Clinton, Bob Dole và Ross Perot. Câu hỏi mà ông Ranney đặt ra là: Liệu có bao nhiêu người trong số họ quen biết Clinton, Dole và Perot? Bao nhiêu người trong số 96 triệu từng trò chuyện, làm việc với các ứng viên, đánh giá được năng lực cá nhân, cách ứng viên cư xử trong tình huống khủng hoảng v.v.? Ông Ranney bảo, tỷ lệ có lẽ chỉ tới 1 phần nghìn. Vậy thì người dân Mỹ lấy thông tin từ đâu để biết được năng lực, kinh nghiệm sống, tính cách, nhân cách, suy nghĩ của mỗi ứng viên? 

Câu trả lời là: Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng – báo, đài, tivi và giờ là mạng Internet. Và bạn hãy chú ý rằng đó phải là một lượng thông tin khổng lồ, tràn ngập, được đăng tải trong một thời gian dài trước kỳ bầu cử, chứ không phải chỉ là vài dòng thông tin tiểu sử mà bạn đọc được loáng thoáng ở điểm bầu cử Quốc hội gần nhà bạn, nhân mấy phút ngẩng đầu lên trước khi bỏ phiếu vào hòm. 

Truyền thông giúp người dân trong xã hội có thông tin, và nhờ đó có sự hiểu biết, kiến thức, nhận thức. Đồng thời nó cũng giúp giới làm chính sách hiểu được tình hình thực tế, nguyện vọng, nhu cầu của mọi người; và xin bạn nhớ là chính quyền dân chủ hay độc tài đều cần biết những thông tin đó cả. Có điều cách phản ứng của họ khác nhau:

- Chính quyền dân chủ thì để cho một nền báo chí tự do làm “tấm gương phản ánh xã hội”, trước, trong và sau khi ban hành mỗi chính sách, đạo luật. Họ cho phép tồn tại cả “thăm dò dư luận” (một cách khoa học, khách quan), trưng cầu dân ý, và nhiều cách khác để hiểu người dân muốn gì. 

- Chính quyền phi dân chủ thì sử dụng báo chí làm công cụ tuyên truyền, giải thích chính sách, định hướng dư luận, vận động dư luận ủng hộ chính sách, chủ trương, đường lối của mình. Và để biết người dân nghĩ gì, họ… dùng tới lực lượng an ninh, chỉ điểm và thiết bị nghe lén. Bởi vì nói sao thì nói, suy nghĩ của dân chúng luôn là điều mà các chính trị gia thèm khát được biết, có điều thay vì để báo chí làm việc đó một cách chuyên nghiệp thì nhà cầm quyền tin dùng công an, cảnh sát, an ninh mà thôi. Càng phi dân chủ, họ càng huy động công an vào công tác “tìm hiểu dư luận” nhiều hơn – thực tế này đã và đang xảy ra ở Liên Xô, Đông Đức, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam… 

“Không quản thì nguy to” 

Có thể bạn nghĩ, sẽ ra sao nếu mặt bằng dân trí thấp, trình độ nhà báo thì yếu kém, nôm na là dốt? Một nền báo chí như thế mà không “quản lý” thì nguy, nguy lắm. 

Nhưng nếu chuyện đó là có thực, nhà báo kém cỏi thực, đưa tin sai, vu khống, bôi nhọ hết người này đến người kia, thì luật pháp ở đâu mà không có công cụ để xử lý nhà báo? Đó là chưa kể, bên cạnh luật pháp, còn có các công cụ khác như văn hoá xã hội, đạo đức nghề nghiệp. Một nhà báo dối trá hoàn toàn có thể bị hội của anh/cô ta tẩy chay (nếu đó là hội nghề nghiệp đúng nghĩa như kiểu hội “25 độ C” mà chúng ta từng nhắc tới). 

Và, có một thực tế là, thời trước, ở nơi nào mà báo chí càng kém phát triển thì thông tin vỉa hè, “phi chính thống” càng lên ngôi. Thập niên 1980, ở Việt Nam, báo chí bị kiểm soát chặt chẽ, không có vai trò nổi bật nào trong đời sống xã hội ngoài làm giấy gói xôi. Người dân khi ấy chẳng thể biết “khủng hoảng kinh tế”, “khủng hoảng tài chính toàn cầu” là thế nào, “mở cửa”, “hội nhập” là cái gì. Càng không có chuyện báo chí đưa tin và bài phân tích, bình luận về “gói kích cầu”, “cắt giảm đầu tư công”, “tăng giá điện”, “giảm giá xăng”, chuyên gia kinh tế A nói thế này, Bộ trưởng X bảo thế kia v.v. 

Còn trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhờ thông tin dồi dào hơn (và phần rất lớn không phải đến từ báo chí mà lại là từ blog, mạng xã hội), chúng ta có một cảm giác rằng, dù có thể gây hoang mang, nhưng thông tin luôn mang lại sự hiểu biết và ở một mức độ nào đó, cả sự an ủi và chia sẻ. Cảm giác này thật khác với thời 1986, khi mỗi cơ quan, mỗi gia đình, thậm chí mỗi cá nhân, đều như những ốc đảo, một mình chiến đấu với lạm phát phi mã, đời sống khó khăn, trong tình trạng không biết “ở trên” đang làm gì, ở ngoài đang làm gì và như thế nào… Cô độc và đáng sợ. 

Cần chú ý là, khi nền báo chí kém phát triển thì không chỉ thông tin vỉa hè lên ngôi, mà ngay cả thông tin báo chí cũng thành ra “vỉa hè hoá”, “tin vịt hoá”. Người nào từng sống qua thời bao cấp ở Việt Nam hẳn vẫn còn nhớ, thỉnh thoảng, đâu đó lại rộ lên chuyện “con cua hình mặt người” hay “chuột nhiễm xạ ở Chernobyl, to như con chó”, v.v. Tất cả đều là chuyện nhảm nhí, và bạn biết không, phần lớn tin bài ấy được sản xuất bởi các báo của ngành… công an. Có thể nói, “quản thì mới nguy to”. 

Đó là chuyện ngày trước, còn thời nay, nếu báo chí chính thống không chứng tỏ được uy tín, sức nặng của nó, thì đến lượt truyền thông Internet (blog, mạng xã hội, diễn đàn v.v.) trỗi dậy. Bây giờ, nhà báo không thực hiện chức năng nghề nghiệp của mình, thì giới blogger và Facebooker sẽ “làm truyền thông”. 

Lực lượng cưỡng chế đất ở Văn Giang, buổi sáng ngày 24/4/2012. Ảnh: một blogger vô danh 

“Làm truyền thông” là hoạt động chính trị 

Với cách hiểu theo nghĩa rộng – “ hoạt động chính trị, theo nghĩa rộng, là tất cả những gì bạn làm để tạo áp lực lên một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức, nhằm thuyết phục họ hành động như ý bạn muốn” – bạn có thể thấy là “làm truyền thông” đương nhiên cũng là một hình thức hoạt động chính trị. Các tổ chức, nhóm, hội (như hội “25 độ C” chẳng hạn), các đảng phái, đều có thể hoặc lập đội ngũ truyền thông riêng của mình (ví dụ báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam); có thể gây tác động lên giới truyền thông, thông qua truyền thông để thuyết phục dư luận theo ý mình muốn. Dư luận ở đây bao gồm tất cả: người dân, quan chức, nhà hoạch định chính sách, v.v. 

Khi các blogger, Facebooker đến những “điểm nóng” về đất đai như Tiên Lãng, Văn Giang, để viết bài, phỏng vấn, chụp ảnh tung lên mạng, họ gọi hành động đó đơn giản là “làm truyền thông” – có gì đâu, đơn giản là truyền tải thông tin thôi mà. Nhưng chính là họ đang tác động để dư luận hiểu các khía cạnh khác của sự việc – nhất là những phần mà hệ thống báo chí của Đảng và Nhà nước ta không/chưa/ngại đề cập. Việc ấy của họ thực chất là “làm chính trị”, với ý nghĩa thật đẹp đẽ của khái niệm “chính trị” này. 

---- 

* Truyền thông hiểu đơn giản là “truyền thông tin”, nghĩa là việc một cá nhân/tổ chức truyền tải thông tin (dưới các hình thức ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, tín hiệu) cho một/các cá nhân/tổ chức khác biết. Nó cũng có thể được phân loại thành truyền thông cá nhân – thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người như trò chuyện hoặc sử dụng thư tín, điện thoại; và truyền thông đại chúng – truyền tải thông tin đến một lượng lớn khán/thính/độc giả nhưng không tiếp xúc trực tiếp với họ. Báo chí, truyền hình-phát thanh, điện ảnh, Internet đều là các phương tiện truyền thông đại chúng. 



Kỳ sau: Khiếu kiện, đình công, biểu tình... 

(*) Đã đăng:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo