Một đề nghị gởi đến cộng đồng Blogger Việt Nam - Dân Làm Báo

Một đề nghị gởi đến cộng đồng Blogger Việt Nam

Kim Nguyên (Danlambao) - Khi phát động chiến dịch kêu gọi toàn dân góp ý để sửa đổi bản hiến pháp 1992. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã không ngờ được sự hưởng ứng thật tích cực của tầng lớp trí thức, của các tôn giáo và của cộng đồng báo chí lề dân. Những đóng góp thật chính đáng và đầy thuyết phục đang đẩy đảng Cộng Sản Việt Nam vào cái thế lúng túng, loay hoay chống đỡ. Càng loay hoay, họ càng lộ ra những ấu trĩ vụng về làm cho khuôn mặt vốn nham nhở của họ càng trở nên khó coi hơn.

Xin được ngả mũ chào những người trí thức có lòng, dám dấn thân, chấp nhận mọi khó khăn sẽ đến với mình và gia đình khi dám nói lên những đòi hỏi cấp thiết đất nước. Những tiếng nói can đảm ấy đang dấy lên một phong trào người dân đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, đang soi sáng cho nhiều người thấy rằng những quyền lợi mà mình lẽ ra đương nhiên được hưởng đã bị đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam “cầm nhầm” hơn nửa thế kỷ nay. 

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã không lương thiện khi dùng phương tiện truyền thông độc quyền của mình để bôi xấu, xuyên tạc những góp ý chân thành vì tiền đồ tổ quốc. Đưa người của đảng, dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, thậm chí giả danh cả bậc tu hành, lên các phương tiện truyền thông để bôi hồng chế độ bằng những luận điệu nịnh bợ rẻ tiền, những khẩu hiệu rỗng tuếch. Cách hướng dẫn dư luận bất lương này đã ảnh hưởng không nhỏ đến một số đông người dân kém hiểu biết hay không được tiếp cận với những nguồn thông tin khách quan, trung thực. Những người yêu chuộng tự do, dân chủ, phải vô hiệu hóa trò ma giáo này của đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin đã đẩy lùi vào quá khứ cái thời nhà nước nói gì dân cũng nghe, cũng tin. Lợi khí của thời đại đang nằm trong tay những người muốn dùng vũ khí truyền thông để chọc thủng bức màn bưng bít, vạch trần những luận điệu phỉnh phờ.

Trả lời một cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA), một trong những trí thức đưa ra bản góp ý hiến pháp, Ông Nguyễn Quang A, đã khẳng định rằng ông sẵn sàng đối chất với bất cứ ai về những góp ý cho bản hiến pháp mà nhóm 72 đã công bố. Khi nghe lời phát biểu của người trí thức Nguyễn Quang A, tôi chợt nẩy ra một ý kiến: tại sao người dân Việt Nam không đòi hỏi nhà cầm quyền phải tỏ ra một chút xíu lương thiện bằng cách chấp nhận việc đối chất công khai trên các phương tiện truyền thông chính thức? Tại sao chúng ta không phát động một cuộc biểu tình trên mạng tạo áp lực lên đảng Cộng Sản, đòi hỏi họ phải thực hiện yêu cầu chính đáng này?

Đối thoại cộng khai, bình đẳng trên các phương tiện truyền thông là sinh hoạt hết sức bình thường tại tất cả các xứ văn minh. Thiển nghĩ, khi yêu cầu đảng Cộng Sản đối thoại công khai, chúng ta sẽ dễ nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Bản thân lời yêu cầu này không hề bênh ai, chống ai. Bởi vậy, đảng Cộng Sản không có lý do gì để chụp mũ “phản động”, “suy thoái” và đòi “xử lý” những người ký tên ủng hộ. Cũng thật là hợp lý và đúng lúc: khi nhà nước đang hô hào người dân góp ý, những buổi tranh luận cộng khai ấy sẽ giúp những ai không hiểu rõ luật pháp có được một số nhận thức để sự góp ý của họ có hiệu quả hơn. Đảng có dám nói rằng những thế lực thù địch đã xúi giục người dân đưa ra một đề nghị hợp lý như vậy không? nếu nói vậy chính là họ vinh danh những thế lực thù địch.

Ý kiến của tôi gởi đến cộng đồng blogger là: chúng ta hay nghĩ cách phát động chiến dịch đòi hỏi một cuộc đối thoại (hay đối chất) công khai được phát trực tiếp trên các phương tiện truyền thông đại chúng (TV, Radio, Internet). Những thành phần tham gia đối thoại sẽ là đại diện của đảng Cộng Sản Việt Nam; đại diện giới trí thức được bầu chọn bởi chính những trí thức đã lên tiếng trong bản góp ý; đại diện mọi thành phần người Việt trong nước và hải ngoại; đại diện các tôn giáo… Người điều hợp chương trình phải là người được lựa chọn và đồng ý của các tham dự viên. Và cuộc đối thoại sẽ được thực hiện nhiều lần với nhiều đề tài khác nhau.

Hiến pháp là bản văn tối quan trọng. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người, trong mọi sinh hoạt của xã hội. Vì vậy, góp ý để xây dựng hiến pháp vừa là bổn phận, vừa là quyền lợi của tất cả những ai còn có lòng với đất nước. Không ai được giở trò đánh lận con đen trong việc góp ý sửa đổi hiến pháp. Vì vậy, công khai minh bạch là điều tối cần thiết.

Có thể có người cho rằng làm như vậy là vô ích, rằng Cộng Sản sẽ bỏ ngoài tai, sẽ cười vào mũi những người ký tên. Tôi thì cho rằng nếu số người ủng hộ thật đông thì sự im lặng của đảng Cộng Sản sẽ càng tô lên những nét khó coi hơn nữa trên khuôn mặt của họ trước cộng đồng thế giới và người dân trong nước. Nó làm cho những người Việt Nam lương thiện nào còn tin vào lời đảng sẽ nhìn thấy sự tráo trở vô liêm sỉ của đảng Cộng Sản. Tôi không đề cập đến những kẻ bán linh hồn cho loài quỷ để đổi lấy chút lợi quyền, tuy rằng những thành phần ấy sẽ trở cờ rất nhanh khi thấy theo đảng chẳng còn sơ múi được gì. Những tiếng nói trên mạng đã phát huy được những tác dụng của nó, làm lung lay vị trí của đảng Cộng Sản, bằng chứng là Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng đã lo sợ đến nỗi phải lớn tiếng răn đe những tiếng nói không thuận theo ý đảng, qua đó để lộ ra những ấu trĩ, yếu kém của mình cho mọi người cùng xem và có dịp… cùng cười.

Nếu đảng Cộng Sản Việt Nam không dám tranh luận công khai, tức là họ mặc nhiên công nhận sự đuối lý của mình. Và như vậy, những màn trình diễn trên các phương tiện truyền thông sẽ tự động trở nên trơ trẽn, vô duyên, và sẽ mất đi sức thuyết phục.

Hơn 70 năm đảng Cộng Sản Việt Nam với phương tiện là bạo lực, dối trá đã đưa dân tộc đi từ bất hạnh này đến bất hạnh khác. Bẩy mươi năm, thời gian quá dài cho đoạn đường đau thương của dân tộc. Đã đến lúc đảng Cộng Sản phải trả lại sự cộng bằng cho lịch sử. Người Việt hỡi, xin đừng thờ ơ nữa.

02/04/2013


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo