Nghị Viên Al Hoàng phản hồi nhận định của ông Thất Lĩnh trên trang mạng Dân Làm Báo - Dân Làm Báo

Nghị Viên Al Hoàng phản hồi nhận định của ông Thất Lĩnh trên trang mạng Dân Làm Báo

Kính gởi mạng Dân Làm Báo:

Một người quen forward bài bình luận của ông Thất Lĩnh trên mạng Dân Làm Báo viết về sinh hoạt và quan điểm của tôi. Tôi cho rằng có những ngộ nhận. Tôi xin gởi lại những phản hồi của tôi và mong rằng Dân Làm Báo đăng tải để có thông tin và ánh nhìn hai chiều. 

Xin cám ơn nhiều.

Trân trọng,

Nghị Viên Al Hoàng tức Ls. Hoàng Duy Hùng 

*

Thất Lĩnh (Danlambao) - Tôi sinh ra tại Việt Nam sau năm 1975, và chưa từng một lần đặt chân đến Hoa Kỳ hay Châu Âu. Vì vậy, hầu như không am hiểu về những diễn biến của đời sống đồng bào Việt kiều hải ngoại. Một lần tình cờ, thông qua một người bạn, tôi vô tình biết được Phobolsatv. Lần đó, kênh truyền hình này thực hiện phóng sự về chuyến viếng thăm nhà cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết của nhóm nhà báo Việt kiều Mỹ. Cái cách truyền thông của kênh truyền hình này làm tôi rất ngạc nhiên, vì một đài hải ngoại mà tâng bốc đảng cộng sản tha thiết hơn cả truyền hình nhà nước. Gần đây nhất, tôi xem Phobolsatv phỏng vấn nghị viên thành phố Houston Hoàng Duy Hùng sau chuyến viếng thăm Việt Nam. Tôi nhận ra Phobolsatv và Hoàng Duy Hùng chính là tuyên truyền viên hải ngoại của đảng cộng sản Việt Nam. 


Đáp: Trong đối thoại, bất đồng phương thức là chuyện thường. Ông Thất Lĩnh có quyền bất đồng phương sách của tôi. Ông gán ghép tôi là loa tuyên truyền cho Cộng Sản là quyền của ông, tôi không giận không trách ông vì tôi tự biết mình làm theo lương tâm và tôi cũng không bao giờ chấp nhận cho mình làm cái loa tuyên truyền cho bất kỳ một ai hay một đảng phái nào, nhất là tuyên truyền cho ĐCSVN. Lương tâm tôi là động lực và sự thật là ông chủ ra lệnh cho tôi. 

Buổi phỏng vấn nghị viên Hoàng Duy Hùng khá dài nhưng trọng tâm xoáy vào vấn đề dân chủ và nhân quyền Việt Nam. Hoàng Duy Hùng cho rằng Việt Nam không nên đa đảng vì đa nguyên đa đảng như kiểu Campuchia và các nước Châu Phi không thực sự mang đến dân chủ. Ông đưa ra giải pháp đối thoại với đảng cộng sản để nâng cao ý thức dân chủ trong toàn dân.

Đáp: Tôi chưa bao giờ cho rằng Việt Nam không nên đa đảng mà ngược lại tôi cổ suý cho Việt Nam có đa đảng và mong Việt Nam có đa đảng càng sớm càng tốt, nhưng tôi không muốn đa đảng mà gây ra xáo trộn nồi da xáo thịt. Tôi đả trả lời báo chí trong nước đó là tôi ủng hộ Kiến Nghị Thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong vấn đề sửa đối Hiến Pháp trong đó có yêu cầu đa đảng. Nhưng tôi không muốn thấy VN có đa đảng như ở Campuchia hay ở Nga hoặc một số quốc gia ở Phi Châu. Bài học ở Miến Điện thập niên 1960s có đa đảng nhưng không phi chính trị hóa quân sự thì đẫ dẫn đến tình trạng độc tài quân phiệt và hệ quả kéo lê lết cho đến ngày hôm nay. Một số quốc gia ở Nam Phi cũng bị trường hợp tương tự. Do vậy, Dân chủ còn nhiều yếu tố khác ngoài yếu tố đa đảng. Tôi muốn VN có đa đảng song hành với một cơ chế hạ tầng dân chủ vững mạnh, đó là giáo dục cao, cơ sở dân sự trưởng thành, tự do ngôn luận và báo chí vững mạnh, hạ tầng cơ sở kinh tế phát triển, phi chính trị hóa quân sự, hệ thống luật pháp phân minh. Bài học dân chủ ở Campuchia hay ở Nga làm cho chúng ta phải suy nghĩ và rút ra ưu khuyết điểm để bổ sung ngõ hầu kiện toàn hóa dân chủ, và trả lời báo chí trong nước tôi cũng đã trả lời tôi tin rằng hệ thống đa đảng (thật ra là lưỡng đảng) của Hoa Kỳ đem áp dụng cho VN tốt hơn. 

Đầu tiên, tôi muốn hỏi ông Hoàng Duy Hùng là trên thế giới này có hàng trăm quốc gia đa đảng đang có nền dân chủ rất trưởng thành, tại sao ông lại lấy ví dụ ở những thiểu số quốc gia đa đảng đang thiếu dân chủ như Campuchia? Việt Nam vì một đảng độc tài mà tình trạng nhân quyền mới tệ hại như hiện tại, cho nên việc đa đảng có thế nào tình hình dân chủ chắc chắn tốt hơn bây giờ. Ở những quốc gia đa đảng, các ông bà dân biểu sẵn sàng và thẳng thắn công kích sai lầm của đảng khác. Nhờ vậy, mà đảng cầm quyền luôn cẩn trọng và dè chừng trong mọi hành động vì nếu làm sai sẽ bị soi và ném đá tơi bời. Xấu nhất là tiêu tan sự nghiệp làm chính trị. Ông Hùng không ủng hộ đa đảng tại Việt Nam nghĩa là chủ xướng vẫn giữ một đảng lãnh đạo là đảng cộng sản. Vậy thì ông Hùng và người dân yêu dân chủ trong và ngoài nước lấy tư cách gì để đối thoại với họ. Việc không có một đảng đối lập có tư cách pháp lý thì những đối thoại của ông Hùng liệu có tác dụng? 

Ông Hùng cho rằng những người đang đấu tranh dân chủ tại hải ngoại vì ý thức hệ quốc gia và cộng sản mà đấu tranh chứ không đấu tranh như mong muốn của người yêu dân chủ trong nước. Trong phỏng vấn ông Hùng khẳng định ông không gặp bất cứ một người bất đồng chính kiến nào trong nước, thế thì cơ sở nào để ông Hùng kết luận cuộc đấu tranh của đồng bào hải ngoại không đáp ứng nguyện vọng của người dân trong nước. 

Đáp: Tôi chưa bao giờ nói cuộc đấu tranh ở hải ngoại không đáp ứng nguyện vọng ở trong nước. Tôi cho rằng cuộc đấu tranh ở hải ngoại cần thay đổi sách lược để tăng sự hiệu quả hơn, và tôi cho rằng trực diện ôn hòa đối thoại với nhà cầm quyền sẽ gặt hái nhiều hiệu quả hơn là bế quan tỏa cảng. Trước năm 1995, Hoa Kỳ và cả thế giới cấm vận CSVN nhưng CSVN không chết mà dân thì đói kém. Hiện nay Hoa Kỳ muốn Việt Nam là một đồng minh chiến lược lâu dài ở trong vùng nên khó có một thực lực nào mà có thể lật đổ được CSVN. Không lật đổ được thì đối với tôi con đường tốt đẹp nhất cho VN là làm việc trên những sự đồng thuận và ôn hòa đối thoại để giải quyết những bất đồng. Tôi đã từng đấu tranh bạo động ở VN, đã từng bị bắt biệt giam 16 tháng vào năm 1992. Năm 1993, để được bãi vận và bang giao với Hoa Kỳ, CSVN trả tự do cho các công dân Hoa Kỳ trong đó có tôi. Tôi đã trải qua con đường của các nhà bất đồng chính kiến và tôi kính trọng họ vô cùng. Nhưng giờ đây, qua bao thăng trầm cũng như tiếp xúc với nhiều người và giới chức Hoa Kỳ, tôi cho rằng phải thay đổi sách lược chọn con đường ôn hòa đối thoại thì mới hữu hiệu. Đương nhiên có người đồng ý với quan niệm của tôi và có người không đồng ý. Một trong yếu tố của dân chủ là tôn trọng sự khác biệt và không quy chụp cho người khác chính kiến thì tôi tôn trọng những người khác chính kiến vôi tôi cho dầu người đó là Cộng Sản, Quốc Gia, hay không thuộc thành phần Quốc Gia hoặc Cộng Sản. 

Thực tế những chiến sĩ đấu tranh vì dân chủ trong nước có sự phối hợp và hỗ trợ rất tốt từ đồng bào hải ngoại. Ví dụ tiêu biểu như đài truyền hình SBTN đã thực hiện chiến dịch kêu gọi quốc tế can thiệp vào sự bắt bớ vi phạm nhân quyền của Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Việt Khang. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, bác sĩ Võ Văn Ái đã điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ và sắp tới trước hội đồng nhân quyền liên hiệp quốc về vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của chính quyền cộng sản Việt Nam. 

Đáp: Tôi chưa bao giờ phản đối việc làm của những vị đó. Tôi kính trọng lòng yêu nước và sự hy sinh của họ, và gần 30 năm trời tôi cũng đã trải qua cùng một tâm tư giống như họ. Nhưng đã 38 năm, tôi không thấy phương thức đấu tranh đó mang lại kết quả như sự mong muốn, hy sinh nhiều mà gặt hái khiêm nhường, tôi chuyển sang phương thức khác, làm việc trên sự đồng thuận và ôn hòa đối thoại để giải quyết những bất đồng. 

Thực tế, cách nghĩ đấu tranh dân chủ vì ý thức hệ quốc cộng là một ý kiến chủ quan của ông Hùng. Đất nước Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản chà đạp nhân quyền khiến người dân rên xiết. Mọi người từ hải ngoại đến quốc nội đang đấu tranh để giành lấy dân chủ chứ không phải vì điều gì khác. Những người trẻ trong nước và hải ngoại sinh ra sau 1975 đang dấn thân vào con đường giành lấy quyền con người chắc chắn không căm tức vì cảm giác thất bại. Họ chỉ muốn một tương lai tốt đẹp hơn. Trong số đó, những người đã từng phục vụ cho cộng sản như ông Hoàng Minh Chính, chị Tạ Phong Tần hay gia đình cách mạng như Nguyễn Tiến Trung còn cảm thấy bất bình trước bản chất lừa dối của đảng cộng sản mà bất chấp nguy hiểm đấu tranh vì lẽ phải. 

Đáp: Nguyện Vọng của tôi là nước Việt phú cường trong thể chế dân chủ thật sự dưới sự soi đường của ngọn đuốc Triết Việt xuất phát từ Đền Hùng. 

Cuối cùng, ông Hùng khen ông cựu chủ tịch Nguyễn Minh Triết là người giản dị và mộc mạc. Ông nói căn nhà của ông Nguyễn Minh Triết đang ở tầm 200 m2, có nhà nuôi yến, có ao nuôi cá, và vườn cây ăn trái. Đối với người Việt Nam căn nhà 200 m2 là một vila. Giá trị của nó chắc cũng hơn chục tỷ. Nhà nuôi yến ít nhất có giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ. Thiết nghĩ một quan chức dù là cao cấp nếu sống đúng với đồng lương thì đủ tiền để tậu một cơ nghiệp mơ ước của bao con người không. Xin nhớ rằng công nhân Việt Nam đang sống trong những căn phòng trọ ọp ẹp với với đồng lương chết đói. 

Đáp: Tôi hiểu trong đấu tranh khuynh hướng tự nhiên là khai thác tối đa mặt trái và khuyết điểm của đối phương cũng như phớt lờ hoặc không nói đến những cái tốt của họ. Tôi cho rằng phưứng thức này không có hữu hiệu trong sách lược "hợp nguyên" của tôi, (làm việc trên những sự đồng thuận và ôn hòa đối thoại để giải quyết những bất đồng). Tôi cho rằng "honesty is the best policy" trong giai đoạn hiện nay nên tôi thấy cái tốt thì tôi nói tốt, thấy cái xấu thì tôi nói xấu. Chúa Giêsu cũng đã dạy: "Có nói có, không nói không, mọi sự khác thì do lòng tà mà ra." Tôi thăm ông Cựu Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, thấy ông sống giản dì thì tôi nói ông sống giản dị, tôi không thể nào nói khác hơn. Còn căn nhà của ông sống, đới vôi tôi là ngưối sống ở Hoa Kỳ, đâu có gì là sa hoa lộng lẫy. Nói thiệt, căn nhủ của ông còn thua nhiều người ở hải ngoại lắm. 

Đúng ra tôi không viết bài viết này. Bởi vì, đối tượng mà ông Hoàng Duy Hùng và Phobolsatv nhắm đến là người Việt hải ngoại đấu tranh vì dân chủ. Tuy nhiên, vấn đề mà kênh truyền hình này đề cập và phát biểu của ông Hoàng Duy Hùng ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình dân chủ của đất nước. Trong một thế giới phẳng như hiện nay hầu như truyền thông không còn ranh giới quốc gia và lãnh thổ, vì vậy, tôi tin có nhiều người trong nước đã nghe những gì ông nói nên tôi muốn phản biện. 

Đáp: Tôi đồng ý với ông truyền thông hiện nay không còn ranh giới. Chính vì cái không biên giới này nên trong đấu tranh ta cần thông tin 2 chiều và nói sự thật cho nhau nghe, đừng vì mục tiêu "hạ" đối thủ mà chỉ biết phơi bày mặt trái của họ rồi quên đi những khía cạnh tích cực thì chúng ta khó lòng thuyết phục cho họ đối thoại cách chân tình với chúng ta. 

Các chiến sĩ đấu tranh vì dân chủ trong và ngoài nước cũng đang chọn con đường bất bạo động. Công cụ đấu tranh của họ báo lề Dân và mạng xã hội chứ không phải vũ khí. Nhưng mục đích mà họ muốn vươn tới là sự đa nguyên đa đảng cho Việt Nam. Bởi vì, đó là cách tốt nhất đem lại công bằng bác ái cho xã hội. Nếu chúng ta chỉ đối thoại suông và vẫn để cộng sản một mình một sân ung dung cai quản đất nước, chúng ta đừng mơ giấc mơ dân chủ. Nhóm lợi ích lãnh đạo vẫn làm giàu trên xương máu người dân qua tham nhũng, oan sai vẫn sẽ bao trùm lên mọi ngõ ngách cuộc sống. 

Đáp: Tôi hoàn toàn đồng ý với ông là đấu tranh cho có đa đảng nhưng tôi thêm vào đó là phải có những hệ thống khác giúp đa đảng không đưa tới sự xáo trộn mà là kiện toàn hóa nền dân chủ thì Mẹ Việt Nam mới thoát khỏi ách lầm than thật sự. Khi có đa đảng, chúng ta không muốn chứng kiến cảnh xáo trộn Áo Đỏ & Áo Vàng ở Thái Lan trong vài năm qua. Khi có đa đảng, chúng ta không muốn cảnh tập trung quyền lực vào một cá nhân như đang diễn ra ở Nga vì Vladimir Putin nắm hầu như mọi quyền hành. 

Người dân Việt Nam đang hiểu quá rõ sự mất dân chủ của đảng cộng sản và đang đấu tranh chống lại nó. Vì vậy, người Việt Nam đủ trưởng thành để đối phó với tình trạng đa đảng nhưng thiếu dân chủ. Vì vậy, luận điệu tuyên truyền theo ý đảng cộng sản của ông Hoàng Duy Hùng là một luận điệu phản động ngăn cản tiến trình dân chủ của đất nước. 

Đáp: Tôi ngưỡng mộ lòng yêu nước và sự hy sinh của ông Thất Linh. Cách trình bày của tôi có thể làm cho ông hiểu lầm, nhưng, cũng như ông, tôi muốn Việt Nam có đa đảng trong thể chế dân chủ trưởng thành. Tôi tôn trọng ý kiến của ông, ngay cả việc ông gán ghép chữp mũ cho tôi, vì tôi hiểu ông mong muốn cho Việt Nam sớm giàu mạnh và dân chủ như các quốc gia ở Âu Chàu và Hoa Kỳ. Tôi chúc ông sức khỏe, nghị lực, và ơn khôn ngoan. 


Trân trọng, 

Nghị Viên Al Hoàng tức Luật Sư Hoàng Duy Hùng 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo