Hoàng Lực (GDVN) - Đó là nhận định của một chuyên gia kinh tế có tiếng xung quanh ý kiến khác nhau về “siêu dự án” lọc dầu 27 tỷ USD do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư.
Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam) đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương không nên đồng ý dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội trị giá khoảng 27 tỷ USD do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư.
Nguyên nhân Petro Việt Nam gửi văn bản đề nghị không phê duyệt dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội vì không có trong quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Cụ thể PetroVietnam cho rằng, “siêu dự án” 27 tỷ USD Nhơn Hội lại rất gần các điểm như Vũng Rô, Vân Phong, Dung Quất - nơi đã được quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu.
Hơn nữa theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nếu bổ sung Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội sẽ tạo nguy cơ thừa nguồn cung với thị trường nội địa, ảnh hưởng đến khả năng bao tiêu của PetroVietnam và giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn...
Tuy nhiên theo một chuyên gia kinh tế có tiếng, lý do phản đối của Petro Việt Nam không thỏa đáng và có dấu hiệu mưu tính 'lợi ích nhóm'. “Lý do phản đối rất nhẹ và rất lợi ích nhóm…”, ông nói.
Đánh giá quan điểm của Petro Việt Nam cho rằng dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội không có trong quy hoạch cũ nên cần loại bỏ, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, đánh giá như vậy là không thỏa đáng, bảo thủ. Về mặt nguyên tắc thì ngay chính quy hoạch nước mình cũng cần phải điều chỉnh lại. Cũng giống như hàng loạt các kế hoạch, chủ trương chính sách khác nếu phù hợp thì phải làm lại.
Bày tỏ quan điểm của mình sau tranh luận về “siêu dự án” lọc dầu 27 tỉ USD, ông cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ Bình Định, ủng hộ Bộ Công thương và phê duyệt dự án xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội vì kéo theo đó là rất nhiều cái lợi…”. Cái lợi đầu tiên theo chuyên gia này, nếu phê duyệt dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội chính là tăng tổng cung mặt hàng xăng dầu.
“Dù cho Petro Việt Nam nói là thừa nhưng thừa thì chúng ta xuất khẩu. Điều này sẽ biến nước ta không chỉ là nước nhập khẩu mà còn xuất khẩu sản phẩm hóa dầu. Hơn nữa nó góp phần phát triển ngành công nghiệp hóa dầu thúc đẩy ra tăng các ngành chế biến nguyên vật liệu từ dầu khác”, ông đánh giá.
Từ ổn định tổng cung, cái lợi tiếp từ “siêu dự án” chính là việc ổn định, chủ động đảm bảo nguồn cung tránh trường hợp giá dầu thế giới chao đảo quá mức ảnh hưởng giá dầu trong nước. “Bởi nếu ta ổn định tổng cung có dự trữ sẽ giúp chủ động được số lượng mức cung và giá cả, bên cạnh đó dự án này cũng sẽ giải quyết vẫn đề việc làm không nhỏ cho một bộ phận lao động địa phương”.
Nhưng sau tất cả, vị chuyên gia này cho rằng cái lợi quan trọng nhất là giúp cải cách, cải thiện cơ cấu kinh tế không chỉ ở cấp quốc gia mà ở các địa phương. “Hơn nữa ở dự án này chúng ta không bị thâm vào đầu tư công do đầu tư chủ yếu là của Thái Lan. Quan trọng là thời gian tới ta làm rõ hơn cơ chế huy động vốn thêm ngoài nguồn vốn chủ thầu Thái Lan thì các nguồn vốn bổ sung. Đồng thời hoàn thiện cơ chế hợp tác cho phù hợp”, ông nhận định.
Bên cạnh bài toán kinh tế, các cơ quan quản lý cũng cần tính toán, đánh giá tác động khác nhau như về môi trường, hệ quả kinh tế xã hội… cũng như phải làm rõ và cơ chế quản lý hoạt động trước khi đi vào thực hiện.
Được biết trước đó, vào chiều 4/2 Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã có buổi làm việc với Bộ Công thương về chủ trương đầu tư dự án lọc hóa dầu trị giá khoảng 27 tỷ USD tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Theo báo cáo Dự án lọc hóa dầu sẽ trị giá 27 tỷ USD dự kiến đặt tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Dự án có quy mô dự kiến 660.000 thùng/ngày, tương đương 30 triệu tấn dầu thô/năm - gấp gần 5 lần công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay.
*
Chủ tịch tỉnh Bình Định nói về dự án lọc dầu 27 tỷ USD: Có lợi thì làm
Tuệ Minh (GDVN) - “Nếu dự án này được triển khai thì kinh tế của Bình Định sẽ phát triển rất nhanh. Chính vì thế nên lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dự án này”.
Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietNam) đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương không nên đồng ý dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội trị giá khoảng 27 tỷ USD do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang được đầu tư bởi PetroVietNam
Lý do được PetroVietNam đưa ra là nhằm tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu. Bởi theo quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 (trên cơ sở dự báo để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu của Việt Nam đến năm 2025 và các năm tiếp theo) không có dự án lọc dầu Nhơn Hội.
Chiều 23/4, trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam về “siêu dự án” trị giá 27 tỷ USD này của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), ông Lê Hữu Lộc – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói: “Về ý kiến phản đối của PetroVietNam thì tôi không có bình luận gì”.
Chủ tịch tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc (Ảnh: BinhDinh.info)
Chủ tịch Tỉnh Bình Định nói tiếp: “Về phần của tôi, nhiệm vụ của tôi là thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Có dự án nào mình thu hút được thì mừng dự án đó. Giờ đây, khi các Bộ ngành còn nghi ngờ thì đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) giải trình về đầu ra, đầu vào của sản phẩm, xuất khẩu như thế nào, tiêu thụ nội địa… Thời gian tới, họ (PTT) sẽ tiếp tục qua (Việt Nam) để giải trình các Bộ ngành rõ”.
“Còn việc bổ sung vào quy hoạch của ngành lọc, hoá dầu thì Bộ Công thương đã đồng ý và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ rồi. Hiện việc này đang chờ Thủ tướng Chính phủ có ý kiến. Làm thế nào để làm rõ tích khả thi để Chính phủ chấp nhận cho đầu tư vào Bình Định thì Bình Định mừng. Còn Bình Định thấy dự án có lợi cho dân thì Bình Định làm”, ông Lộc cho hay.
Ông Lộc bộc bạch: “Bình Định tạo điều kiện về đất đai, có mặt bằng sạch, giá thuê đất thấp, các cơ sở hạ tầng… Nói chung là nhà đầu tư cũng rất hài lòng khi chọn Bình Định để đặt tổ hợp lọc, hoá dầu ở đây. Bản thân tôi muốn có nhiều dự án nước ngoài đầu tư vào Bình Định”.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Hữu Lộc nói: “Trong số những dự án mà Bình Định thu hút được thì đây là dự án quá lớn chứ không phải lớn. Đây thực sự là một “siêu dự án” vì số tiền đầu tư lên đến 27 tỷ USD chứ không phải là triệu USD nữa. Có thể đây còn là dự án lớn nhất Đông Nam Á chứ không riêng của Việt Nam.
Nếu dự án này được triển khai thì kinh tế của Bình Định sẽ phát triển rất nhanh. Chính vì thế nên lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dự án này. Tỉnh cũng đang yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục giải trình một số nội dung để các Bộ ngành Trung ương thẩm định”…