Việt Nam - Hoa Kỳ: Khúc quanh mới trong bang giao quốc tế? - Dân Làm Báo

Việt Nam - Hoa Kỳ: Khúc quanh mới trong bang giao quốc tế?

... Sát với thời điểm diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ được nối lại ở Hà Nội, Hoa Kỳ dường như đã trở thành một trong những đồng phát ngôn về vấn đề bảo vệ ngư dân Việt trên Biển Đông. Chuẩn đô đốc phụ trách về chính sách và năng lực của Tuần duyên Hoa Kỳ William Lee vừa cho trang mạng US News biết về “một cuộc gặp giữa quan chức hai bên đã diễn ra trong tuần lễ sau khi có sự kiện tàu cá của Việt Nam bị Trung Quốc bắn cháy nóc cabin”, và “hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác để phát triển lực lượng cảnh sát biển đủ năng lực giúp các ngư dân Việt Nam khi họ gặp nạn”...

*

Khúc quanh mới trong bang giao quốc tế? 

Nguyễn Hoàng (SGTT.VN) - Từ ngày 21 – 25.4, Hải quân Việt Nam và Hải quân Hoa Kỳ có đợt trao đổi hoạt động suốt năm ngày tại cảng Đà Nẵng. 

Tàu USS Chung-Hoon. Ảnh: TL 2009TT 

Phái đoàn Hoa Kỳ gồm chuẩn đô đốc, tư lệnh lực lượng hậu cần vùng Tây Thái Bình Dương Tom Carney, đại tá Paul Schille, đơn vị tham mưu hàng hải, hạm trưởng tàu USS Chung-Hoon và USNS Salvor, cùng phó tổng lãnh sự Hoa Kỳ Robert Ogburn. Những hoạt động trao đổi được cho biết tập trung vào các sự kiện phi tác chiến và chuyên môn thuộc các lĩnh vực điều khiển và bảo trì. 

Mỹ – Nhật – Việt tăng cường giao lưu 

Tham gia hoạt động trao đổi với Hải quân Việt Nam lần này, phía Hoa Kỳ có tàu khu trục USS Chung-Hoon và tàu cứu hộ USNS Salvor. 

Trong một diễn biến liên quan, Việt Nam và Nhật đồng ý thảo luận về an ninh trên biển nhằm tăng cường hợp tác hàng hải giữa hai nước vào tháng tới. Bản tin của Japan Times hôm 15.4 cho biết một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận là quan điểm về việc Nhật Bản có thể cung cấp cho Việt Nam những tàu tuần tra, nhằm giúp Việt Nam tăng cường khả năng an ninh biển. 

Một nội dung mới được Japan Times đưa ra là cả hai phía Việt – Nhật có thể sẽ khẳng định lập trường của họ trước thái độ quyết đoán của Trung Quốc tại những vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Cả hai phía sẽ lặp lại yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế để có thể bảo đảm an ninh hàng hải. Một quan chức cao cấp của bộ Ngoại giao Nhật Bản nói với Japan Times rằng Nhật xem Việt Nam là một đối tác chiến lược có thể chia sẻ những mối quan tâm chung về an ninh hàng hải. 

Trong một bài viết trên tờ Sankei Express (Nhật), chuyên gia bình luận chính trị Hiroyuki Noguchi đã vạch ra âm mưu của Bắc Kinh: nếu dùng một cái que xiên cái lưỡi bò từ Đông sang Tây, chúng ta dễ dàng nhận ra Trung Quốc đang có ý đồ dòm ngó hai quân cảng quan trọng là Cam Ranh của Việt Nam và Subic của Philippines. 

Bảo vệ ngư dân trên Biển Đông 

Khi tháng 4.2013 trôi qua được hơn 2/3 thời gian, vô tình sát với thời điểm diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ được nối lại ở Hà Nội, Hoa Kỳ dường như đã trở thành một trong những đồng phát ngôn về vấn đề bảo vệ ngư dân Việt trên Biển Đông. Chuẩn đô đốc phụ trách về chính sách và năng lực của Tuần duyên Hoa Kỳ William Lee vừa cho trang mạng US News biết về “một cuộc gặp giữa quan chức hai bên đã diễn ra trong tuần lễ sau khi có sự kiện tàu cá của Việt Nam bị Trung Quốc bắn cháy nóc cabin”, và “hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác để phát triển lực lượng cảnh sát biển đủ năng lực giúp các ngư dân Việt Nam khi họ gặp nạn”. 

Rất tương đồng về mặt địa lý và có thể cả trên phương diện địa – chính trị, Biển Đông lại là một thành phần “không thể thiếu” của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tức cũng là một thành tố nhất quán của hiệp định TPP. 

Trước khi hiển lộ những tín hiệu “hợp tác đa phương”, thời gian qua, từng mối “quan hệ song phương” đã được ấp ủ và nhen nhóm. Vào những ngày cuối tháng 3, một cuộc hội kiến giữa ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh với người tương nhiệm Laurent Fabius đã diễn ra tại Paris. Sau cuộc hội kiến này, hai ngoại trưởng đã ra thông cáo chung về việc sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược” trong năm 2013. Không chỉ cam kết trên vấn đề Biển Đông, bản thông cáo chung Pháp – Việt còn cho thấy Paris quan tâm đến việc “thúc đẩy nhà nước pháp quyền và quyền con người” trong tinh thần đối thoại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo