Tại sao người Việt đọc ít? - Dân Làm Báo

Tại sao người Việt đọc ít?

Trần Thành Nam (Danlambao)Gần đây, báo chí ta chợt xuất hiện lên một thông tin nhỏ, một con số gây chút ít ngạc nhiên, nhưng rồi nó cũng rơi ngay vào quên lãng – im lặng, như bao thông tin khác không “hốt” ở xứ sở này. Có lẽ vì nó không ảnh hưởng đến cuộc sống, miếng cơm manh áo của bất kỳ ai, và nó càng không ảnh hưởng đến ổn định xã hội hay an ninh chính trị (nếu không nói là nó củng cố cho những cái đó)?

Đó là con số: Trung bình người Việt đọc 0,8 cuốn sách mỗi người trong một năm! Đọc gần một cuốn sách mỗi năm… hu hu… hu… Tôi thấy đau xót vô hạn cho thân phận mình nằm trong con số đó…

Đối với tôi, đó lại là con số của rất nhiều con số, thông tin của rất nhiều thông tin nói lên hiện trạng xã hội ta hôm nay. Vì thế trong đầu óc tôi “nó” không ngừng xuất hiện, không cho tôi yên. Nó không muốn tôi để nó đi vào quên lãng. Nó là một dấu hỏi lớn bắt tôi phải trả lời. 

Thế là tôi phải viết bài này…

What? Cái gì? Người Việt chúng ta đọc trung bình gần một cuốn sách một năm! (Năm 2012)

Con số này so sánh với các nước khác thế nào? Nước Mỹ, năm 2012: 9,5 cuốn, trong đó đã tính có 25% người không đọc cuốn nào…

Đối với cá nhân, đọc trung bình 1 cuốn mỗi tuần trở nên có thể coi như đọc nhiều (trên 50 cuốn/năm), và ngược lại. Nhiều người đọc trung bình trên 100, trên 200 cuốn mỗi năm…

Mặt khác, trên thế giới hiện nay có khoảng 130 triệu cuốn sách. Nếu mỗi tuần bạn đọc 1 cuốn thì bạn cần sống khoảng … 2,6 triệu năm để đọc hết số sách đó.

Why? Tại sao thế? Tại sao người Việt đọc ít thế?

Bây giờ nhiều trò hay mới diễn ra…

Người ta đổ lỗi cho người đọc lười biếng đọc, nhất là thế hệ trẻ VN. 

Người ta đỏ lỗi cho số người không hề đọc sách quá nhiều (có thể trên 50%?) nên trung bình mới thấp như vậy. Dân tộc Việt lười đọc sách nhé!

Người ta đổ lỗi cho TV, Internet, báo chí, phim ảnh… phát triển quá làm mọi người ít đọc sách đi (ít thời gian hơn) và ít có nhu cầu đọc sách hơn…

Người ta không nói gì đến nội dung sách có đáng đọc không? Bối cảnh xã hội có thực sự khuyến khích đọc sách không? Người viết sách có được xã hội trân trọng không?...

Tôi thì tự tìm hiểu và tự trả lời câu hỏi “Why? Tại sao người Việt ít đọc” cho mình, thế này:

Trước hết, tôi không đồng ý với tất cả các lý do trên, vì chúng chỉ là lý do bên ngoài, và trên toàn thế giới hiện nay ở đâu cũng thế, không chỉ VN.

Theo tôi…

Đọc vẫn là cách học chính của người Việt ta hiện nay. Nếu đọc ít đi thì là do học ít đi. Ít đọc do ít học.

Đọc là phương pháp học chủ động, trong khi đại đa số người Việt (nghèo?) lại chỉ học thụ động - phải học để có cái nghề kiếm cơm thôi, học (và đọc) không phải niềm vui, hạnh phúc, không phải cho mình, nên càng không chủ động đọc sách.

Đó là hai lý do thuộc về tâm thức người đọc bị sai: Tâm thức đọc bị động của người Việt.

Mà tâm thức này do đâu? Do mấy chục năm nay, gần thế kỷ nay, các thế hệ người Việt, không chỉ thế hệ trẻ, người Việt sống hoàn toàn bị động theo sự lãnh đạo của giai cấp cầm quyền quen rồi. Họ (chính quyền) cũng kiểm soát hoàn toàn các hệ thống và quá trình viết sách, xuất bản sách, phân phối sách… vì họ muốn/phải kiểm soát hoàn toàn nội dung sách mà người Việt đọc.

Nước ta không có tự do báo chí thì cũng chẳng có chút tự do viết và đọc sách nào, nhất quán thôi. 

Bắt đầu từ việc kiểm soát những người viết sách. Xã hội ta hoàn toàn không khuyến khích và trân trọng họ. Có thể nói người viết sách ở VN là bị coi thường và lợi dụng nhất thế giới. mà đó chính là những cá nhân có tâm có tầm nhất xã hội. Ngược lại chính quyền luôn kiểm soát họ ngặt nghèo, bắt họ phải uốn cong ngòi bút. Chỉ những cuốn sách nào thuận theo chính quyền mới được viết, được in. Vì thế, sách “được phép” viết ra và in ra đến người đọc đều rất nhàm chán, chảng ai thèm đọc. Thế là người đọc dị ứng với sách. Tôi đặc biệt dị ứng với sách “được phép” in ra.

Thứ hai, người ta thường cho in “nhầm” sách. Những cuốn nào có nội dung chả ra gì, chả có ích gì cho ai, nhưng có lợi cho ổn định và chính trị xã hội thì được in thoải mái, được tài trợ, được ưu ái… Chỉ có điều những cuốn sách đó chật hiệu sách mà chẳng ai mua đọc cả. Lại dị ứng. Dị ứng thì không đọc.

Thứ ba, với mảng sách dịch từ trí thức nhân loại, ngừời ta cũng đã cố gẵng kiểm soát gắt gao. Trước thì đơn gian không cho dịch. Nay thấy không thể kiểm soát bằng “cấm dịch” được nữa (vì thô thiển qúa?) thì người ta không quản lý nữa. Chính quyền ta là thế, cái gì không có lợi cho họ thì họ không quan tâm. Họ chỉ quan tâm hai thứ: thư nhất là an toàn, thứ hai là lợi ích sát sườn. Người ta “thả lỏng” thị trường này. Nhưng thực ra là người ta siết chặt hơn…

Thế là hình thành thị trường “ngầm” dịch, in, phân phối sách nước ngoài (thường sách rất có giá trị)… gọi là thị trường “làm sách” chứ không phải xuất bản, có vẻ không có tổ chức, quản lý gì cả, loạn tùng phèo và thiếu cạnh tranh lành mạnh, (vì các đầu nậu sách toàn núp bóng các nhà in và nhà xuất bản nhà nước đang lỗ chỏng gọng và được trợ giá – để làm giàu cho đầu nậu, cũng chính là các quan chức ), làm cho sách đắt lên kinh khủng… (trung bình cuốn sách bìa mềm 200 trang là khoảng 100 nghìn đồng) và người đọc đa số là nghèo khó mà mua được….

Thứ tư, vẫn với mảng sách dịch từ trí thức nhân loại, đây là thị trường văn hóa phẩm cực lớn về giá trị và tầm quan trọng mà chính quyền không ý thức được, hoặc rất có ý thức, đã giao hẳn và đã thực sự đã lọt vào tay các đầu nậu tư nhân – cũng chính là cánh hẩu của quan chức quản lý ngành sách. Họ đang dùng chính thiết bị in và hệ thống phân phối (các hiệu sách quốc doanh) của nhà nước, để họ quản lý sách thay nhà nước và làm giàu cho riêng họ -mô hình nhà nước và “nhân dân” cùng làm. Điều đó có nghĩa là họ không quan tâm nên luôn làm hỏng hết nội dung những cuốn sách tuyệt vời của Nhân loại mà họ dịch và in chỉ vì lợi nhuận. Những người làm sách tâm huyết, trân trọng nội dung sách, bản quyền tác giả và luật pháp quốc tế thì không thể trụ được vì họ. Người đọc cuối cùng cũng chẳng nhìn thấy những giá trị tuyệt vời trong các cuốn sách dịch/biên dịch đó nữa…càng dị ứng và càng không có nhu cầu đọc sách nữa. Thế là thị trường sách vẫn được kiểm soát nội dung, 100%. Nội dung được kiểm soát đó thì sẽ bị xã hội quay lưng…không đọc! Đọc làm gì khi TV, hơn 700 báo chí quốc gia, phim ảnh, Internet… cũng nói cùng nội dung và tinh thần đó.

Tóm lại, điều tôi muốn nói ở đây là: Không có lỗi của người đọc trong con số “trung bình người Việt đọc gần một cuốn sách mỗi người mỗi năm” hiện nay. Người Việt ta vốn rất hiếu học, ham đọc và rất biết trân trọng sách như bảo bối trong nhà. 

Lý do 100% nằm ở phía nhà nước: chỉ hơn nửa thế kỷ qua chính quyền này đã làm hỏng dân tộc ta, đã tạo ra xã hội rẻ rúng sách, dị ứng sách như hiện nay. Và họ sẽ cứ hàng năm tổ chức những hội chợ sách hoành tráng như ở Văn Miếu (bằng tiền của dân nghèo đóng thuế) để chê bai đổ lỗi cho người đọc, nhất là thế hệ trẻ…lười đọc sách.

Thực ra, người Việt càng lười đọc sách, chế độ ta hôm nay càng an toàn. Cũng như, vì chúng ta ít đọc sách mà xã hội ta đã có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới đó thôi?!

Đọc sách đòi hỏi tư duy. Tôi tư duy nên tôi tồn tại. Chúng ta có tư duy không nhỉ? Có, chúng ta đang phải và được phép tư duy trung bình với tốc độ 0,8 lần trong một năm!

Người Việt sẽ giữ vững ngôi đầu bảng Hạnh phúc trên Thế giới vì tốc độ tư duy đó. Mỗi năm chỉ cần phải tư duy gần một lần thôi, còn lại là chúng ta hạnh phúc!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo