Vài mẫu chuyện anh hùng bị lãng quên - Dân Làm Báo

Vài mẫu chuyện anh hùng bị lãng quên

Nhóm Hành Khất (Danlambao) - Trong cuộc sinh hoạt Hướng đạo "ngủ qua đêm" hai lần một tháng của Tráng sinh vốn thường được tổ chức tại trụ sở nhỏ nhoi của hội. Nhưng cứ mỗi năm vào tuần lễ của ngày 30 tháng Tư, kể từ khi tôi tham gia vào Hướng đạo, sinh hoạt đặc biệt nầy càng lúc càng được mở rộng với sự tham gia của các ngành Hướng đạo khác nhau đến nỗi hội phải xin phép mượn một phòng chơi bóng rổ của một nhà trường gần đó để hợp mặt sau giờ tan học cuối cùng dù chỉ trong vòng vài tiếng.

Trước sự ngỡ ngàng của ban tổ chức, năm nay, đặc biệt là có thêm nhiều em thuộc ngành Ấu, kể cả hầu như mỗi ngành đều có thêm các sói con, gấu con, chim sẻ, chim quyên v.v. được thân nhân đưa đến tham dự. Rất may là căn phòng thể thao đủ rộng cho sinh hoạt tập thể của các ngành tề tụ về. Sau những bài ca khởi đầu để hâm nóng bầu không khí, kế đến là vài lời phát biểu của bậc Đại Huynh trưởng về mục đích của đêm sinh hoạt hôm nay, cũng như nhắc nhở đến những nhiệm vụ của người Hướng đạo qua lời tuyên thệ trước khi gia nhập. Những sinh hoạt tiếp theo là những trò vui chơi, ca hát thường có của Hướng đạo, nhưng lúc nào cũng gây thích thúc và phấn khởi trong sự tham gia tích cực của mọi ngành. Cuối cùng là "giờ kể chuyện" trong khi những Hướng đạo viên được giải khát bằng nước ngọt hoặc nước trắng và nhâm nhi những cái bánh cookie đủ loại. 

Đặc biệt là đêm nay, trong "giờ kể chuyện" sẽ xoay quanh đề tài về những người đáng được gọi là anh hùng trong cuộc Chiến tranh ở miền Nam vừa qua nhằm tưởng nhớ đến Tháng Tư Đen của cả dân tộc Việt Nam và nhắc nhở với những người sống còn về những tấm gương anh hùng vốn dần dà bị lãng quên. Vị Đại Huynh trưởng khởi đầu bằng câu chuyện về Đại tá Hồ Ngọc Cẩn vốn là một quân nhân can trường, dũng cảm, và bất khuất của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa (QĐVNCH), và cũng là mẫu người cầm quyền liêm khiết, trung thực, và kiên quyết trong mọi hành động. 

Với giọng nói người miền Bắc trong Nam, cứng cỏi nhưng dịu dàng, trầm ấm, và thu hút, vị Đại Huynh trưởng kể tiếp: 

Câu chuyện thứ nhất: 

"... Hồ Ngọc Cẩn, sinh quán ở Rạch Giá, vì hoàn cảnh chiến tranh ông ta luôn bị gián đoạn trong vấn đề học vấn, và sau đó ghi tên vào trường Thiếu sinh quân lúc chưa xong cấp Đệ ngũ (tức lớp 8 bây giờ) ở tuổi 17. Ông ta được theo học khóa chuyên môn về vũ khí tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức. Với bản chất thiên tài, ông ta dần dà tỏ ra xuất sắc và đạt hạng ưu và tiếp tục cho khóa huấn luyện cao hơn. Từ cấp bậc Binh Nhì mới ra trường, qua những chiến công ròng rã trong 16 năm phục vụ trong QĐVNCH, cuối cùng ông ta được cất chức Đại tá và là vị Tỉnh trưởng trẻ nhất vào năm 1973 --lúc đó ông ta chỉ mới 35 tuổi-- của tỉnh Chương Thiện ở miền tây thuộc Quân khu 4, vốn là một vị trí chiến lược quan trọng và đầy nguy hiểm với khu căn cứ mật nổi tiếng của Việt Cộng là U Minh Thượng. Đây là một trọng trách thử thách nhất ngay cả đối với một người đạt được huân chương Bảo Quốc, cùng nhiều huân chương khác nhau như ông ta. Tuy thế, ông ta vẫn vui lòng nhận lãnh và càng mong có cơ hội chứng tỏ khả năng mình. 

Với tài năng thiên bẩm của vị Tỉnh trưởng mới, những phương cách quản trị về hành chánh, quân sự được đổi mới tạo ra những hiệu quả thiết thực qua sự phát triển ngày càng vững chắc hơn với công cuộc bình định và trợ giúp người dân địa phương, cũng như giữ được sự an ninh, yên lành cho họ. Vì thế, chính ông ta và những cộng sự viên của mình trở thành "bản quyết án" của những người Việt Cộng, nhưng lúc bấy giờ lực lượng Việt Cộng càng lúc càng yếu thế hơn qua những cuộc hành quân gian khổ của binh lính Địa phương Quân và Nghĩa Quân xuyên qua những vùng đầm lầy, sông rạch, cỏ cao trong sự phối hợp với hỏa lực pháo binh theo hoạch định của ông ta đưa ra. Vì thế, Việt Cộng không thể hoành hành vùng đất chiến lược trọng yếu đối với cả hai bên như trước đây. 

Thật không may, khi vận nước đã đến hồi, khi người thừa nhiệm cuối cùng vai trò Tổng Thống không chính thức của miền Nam Việt Nam là Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vào ngày 30/04/1975, những hàng sĩ quan và quân lính dưới cấp của vị Đại tá Hồ Ngọc Cẩn vẫn cương quyết chống trả đến khoảng giữa trưa ngày 1/05/1975 (chưa đầy 1 ngày rưỡi), đến lúc pháo binh không còn một quả pháo, súng trường không còn đạn tiếp tế và đến lúc chỉ còn mỗi khẩu súng đại liên trong hầm chỉ huy và khẩu súng chỉ huy ngắn của ông ta cùng người hạ sĩ quan trẻ tuổi, thân cận, duy nhất còn lại. Lúc bấy giờ là khoảng kém hơn 3 giờ chiều. 

Một số sĩ quan của ông ta cũng bị Quân Bắc Cộng và Việt Cộng bắt được khi không còn đủ sức đối kháng với khối đông gấp mấy lần hơn và đầy đủ hỏa lực của họ. Dù bị Cộng sản làm nhục dưới nhiều hình thức khác nhau, ông vẫn không cương quyết chịu đựng, nhưng không phải vì "ham sống sợ chết" mà vì ông ta là một con chiên ngoan đạo Công giáo với điều nguyện: "Không tự sát hại bản thân," như ông ta thường thố lộ với với những sĩ quan thuộc cấp sau buổi cầu nguyện mỗi ngày rằng: "Sống chết nằm trong tay Chúa." Ông ta dư biết rằng bản án hành quyết dành cho ông và những sĩ quan của mình chắc chắn sẽ phải đến..." 

Kể đến đây, vị Đại Huynh trưởng bất ngờ như lạc giọng và ngưng lại đôi chút. Qua tròng kiếng lão, dường như có ánh sáng lấp lánh trong những màn nước nơi đôi mắt chớp nhanh được phản ảnh lại qua những ánh đèn tỏ sáng của căn phòng đấu thể thao của nhà trường. Bầu không khí chung quanh dường như cũng đang lắng động, chỉ còn những nhịp thở bất chợt bị nén lại và buông dài, và sau đó hối hả nhanh hơn. 

Vị Đại Huynh trưởng, trong một động tác như muốn kiềm giữ cảm xúc của mình, cúi xuống, nhẹ nhàng tháo chiếc kiếng lão, lau sơ qua như thể là đôi tròng kiếng trắng trong đó đang làm nhòa ánh mắt mình. Trong một khoảnh khắc trôi nhanh đó, tưởng chừng dài hơn những phút mặc niệm trang nghiêm trong cái không khí hoàn toàn im lặng nhưng luôn luôn khiến cho người ta có cảm giác anh linh, huyền bí nào đó đang hiện diện bởi những tư tưởng đồng hướng về một tấm lòng ngưỡng mộ tương tác với hào quang vô hình đang truyền cảm từ đâu đó quanh đây (mà những người "vô thần" Cộng sản dường như không bao giờ cảm nhận được, trong khi ngay cả những cây cỏ, đất đá cũng có những biến chuyển rung động tinh vi mà khoa học đã từng chứng minh). Vị Đại Huynh trưởng cố gắng tiếp tục kể tiếp: 

"... Trong ngày ông ta và những sĩ quan của mình bị đem ra xét xử bởi Cộng sản, với hy vọng mượn tay quần chúng Cần Thơ làm nhục ông ta. Theo lời tường thuật của hai nhân chứng là Trung tá Bùi Quang Địch (hiện đang sống ở Berlin, Đức, 2013) và nhất là từ bà Vũ Thị Quỳnh Chi (hiện sống ở Marseille, Pháp, 2013), em gái ruột của cựu Thiếu sinh quân Vũ Tiến Quang, là vợ của Trung tá bác sĩ Jean Marc Bodoret. Cuộc khích động quần chúng "đấu tố" Đại tá Hồ Ngọc Cẩn và những sĩ quan của mình, trong lần thứ nhất, hoàn toàn thất bại trước thái độ im lặng, hững hờ của người dân thành thị Cần Thơ. Kế đó, ba tuần sau, là cuộc "đấu tố" thứ hai nhưng cũng thất bại dù họ tất nhiên đã chuẩn bị trước bằng cách đe dọa, hứa hẹn, và xúi giục người dân trong thời gian rút kinh nghiệm đó. Chỉ có một số rất ít người dân vì lý do nào đó, và toàn thể đám công an và quân Việt cộng đông đảo đang ghìm súng quanh đó, đưa tay biểu quyết tử hình. 

Vào lúc gần cuối của cuộc "phán xét dựng đứng," với hy vọng thêm một lần nữa muốn hạ nhục ý chí của vị Đại tá Hồ Ngọc Cẩn và thỏa lòng tự ái, đố kỵ, và ghen ghét của kẻ quá thua thiệt về kiến thức nhưng đang có được quyền hành. Người chỉ huy lực lượng Việt Cộng là Năm Thanh hỏi vị Đại tá Hồ Ngọc Cẩn rằng ông ta có chịu nhận tội mà tòa án của nêu ra hay không, trước khi tuyên án. 

Và theo lời của bà Bodoret tường thật một cách rõ ràng, vị Đại tá cười nhạt và hiên ngang nói thẳng: 

“Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi. Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi. Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Không ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phê phán xét đoán các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy. Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Xin đừng bịt mắt." 

Rồi hô to: “Đả đảo Cộng sản. Việt Nam muôn năm”

..." 

Cất tiếng cao lên trong câu hô to của vị Đại tá Hồ Ngọc Cẩn qua cách diễn tả sinh động của vị Đại Huynh trưởng Hướng đạo, mà dường như trong mỗi lúc buông mình theo câu chuyện do chính ông kể lại, cảm xúc nào đó luôn luôn bàng bạc theo diễn tiến của sự kiện lịch sử chân chính qua từng lời lên xuống như một giai điệu bi hùng của Ban nhạc Hòa tấu Luân Đôn. Và... chợt ngưng --tất cả mỗi người đang sử dụng nhạc khí đều ngưng tay, ngưng thổi, ngưng gõ nhịp-- như những bức tượng sống đang trong tư thế hòa âm. Như hình ảnh tương tự đó đang phơi rõ trên 3 vòng tròn xoay quanh của những "nhạc công" Hướng đạo nầy. Nhưng có điều hơi khác là, họ không đang hòa tấu bằng nhạc khí cụ thể mà bằng những nhạc-cụ-trái-tim khác nhau theo "giao hưởng tâm hồn." Trong phút chốt chợt im lặng đó, có vài tiếng nấc khe khẽ vang lên, và tiếng thút thút không kiềm giữ được. 

Bầu không khi dường như cũng được rung động một cách vô hình, làm mấy tờ giấy dưới chân vị Đại Huynh trưởng phất phới như muốn bay lên dù lúc bấy giờ hai cánh cửa phòng thể thao đã khép kín, không ai ra vào. Sự rung động đó như xoáy vào lòng người những cơn lốc đớn đau tiềm ẩn từ thời gian nào đó trong quá khứ, từ mối liên kết thủy chung với hiện tại và ngày mai, ngay cả đối với những người chưa bao giờ có mặt trong quá khứ đó ngoại trừ mối dây tương đồng như bất tận, xuyên theo những mạch máu trong họ. 

Tôi cũng cảm thấy những gì mà những Hướng đạo viên, và những người ngoài tham dự đang hiện diện đêm nay, cảm nhận. Vị Đại Huynh trưởng tiếp nối đoạn kết câu chuyện, sau khi lại một lần nữa... qua động tác lau chùi hai tròng kiếng trắng trong của mình như trước đó: 

"... Sau đó, họ đem vị Đại tá Hồ Ngọc Cẩn và những sĩ quan của mình ra pháp trường. Đó là ngày thứ Năm 14/08/1975, có nghĩa là chỉ sau 3 tháng 13 ngày bị giam cầm. Cũng xin nói thêm là, không hiểu do vô tình hay cố ý, viên chỉ huy Việt Cộng, Năm Thanh, lại chọn đúng ngày thứ Năm, như có ý muốn nhắc nhở đến cái tên Năm Thanh được đi vào lịch sử qua thành tích đó. Trong chiếc áo tù lem luốt, bạt màu, trong cái nóng gay gắt của những tháng hè ở Việt Nam --cũng khoảng vào trưa như ngày ông ta phải buông súng-- vị Đại tá vẫn bình tỉnh trả lời một cách khẳng khái khi được hỏi về sự yêu cầu sau cùng của ông ta: 

"Tôi chỉ có một mình, không mang vũ khí, tôi không đầu hàng, các ông cứ bắn tôi đi. Nhưng trước khi bắn tôi xin được mặc quân phục và chào lá quốc kỳ của tôi lần cuối." 

Viên chỉ huy Việt Cộng, dường như có phần nào kính nể trước ý chí và thái độ của vị Đại tá của QĐVNCH, tuy nhiên đã từ khước lời yêu cầu sau cùng đó của ông ta. Duy nhất, lời yêu cầu "không cần bịt mắt" của vị Đại tá trước những họng súng hành quyết, là được toại nguyện. Không một chút sợ hãi, ông nhìn thẳng lần cuối vào những người nhân danh "chính nghĩa" đó để "giải phóng" một miền Nam tự do, sung túc, đầy yêu thương của mình như muốn có ý nói rằng: 

"Vâng, tôi không làm điều sai ngoài trừ chính các người. Rồi đây chính các người sẽ phải trả giá cho những hành động sai lầm nầy trước dân tộc Việt Nam. Hãy nhớ lấy! Hãy nhớ ánh mắt của tôi ngày hôm nay! Tôi không thù hận các người, vì chẳng có gì đáng phải thù hận. Tôi chỉ làm nhiệm vụ của một người công dân miền Nam Việt Nam nhằm bảo vệ cuộc sống yên vui của những người dân vô tội của tôi. Vâng, tôi không làm điều sai. Chính các anh cũng là những người đang sống ở miền Nam, gia đình thân nhân của các anh cũng đang hưởng được những gì tôi mang lại cho tỉnh Chương Thiện nầy. Hãy nhớ lấy! Hãy nhớ ánh mắt của tôi! Mai nầy, các anh sẽ hiểu, và mai nầy cả những cán binh miền Bắc sẽ thấy vì sao tôi kiên quyết chống cộng, một khi đất nước bị mất hoàn toàn vào tay những người Cộng sản phi dân tộc. 'Xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm' " 

Những ý tưởng vụt thoáng qua trong giây phút cuối đó dường như đang rơi vào trong khoảng không gian mà mọi hoạt động đều chậm lại như một đoạn phim được kéo dài thời gian, dù không được nói ra, nhưng người ta cũng có thể cảm thấy ý niệm nào đó trong cách hành xử, tư cách, và hoạt động, cũng như ý chí của vị Đại tá Hồ Ngọc Cẩn. 

Và một lần nữa, vị Đại tá hô vang: "Đả đảo Cộng sản. Việt Nam muôn năm," trước khi những viên đạn có cơ hội thoát khỏi nòng súng hận thù, trước đôi mắt thản nhiên cố tìm bắt tốc độ vút nhanh qua không khí của chúng..." 

Sau lời kết luận đó, vị Đại Huynh trưởng xin phép cáo lui trong chốt lát như ngại rằng khó thể kiềm giữ lâu hơn những giọt nước mắt chực rơi của mình. Và nói nhỏ với tôi, đứng ra tiếp tục điều hành cuộc sinh hoạt. Tôi đang định lên tiếng nhằm thay đổi bầu không khí bằng cách đề nghị một bái hát Hướng đạo. Chợt một cánh tay nhỏ nhắn đưa lên, xin được phát biểu. Trong tinh thần dân chủ theo chủ trương của Hướng đạo (không phải theo tinh thần Hướng đạo Việt Nam dưới chế độ Cộng sản hiện nay (2013) trong nước), tôi cho chép nữ Thanh sinh Thỏ Tím đưa ý kiến. 

Thỏ Tím nhanh nhẩu đứng lên, không chút rụt rè, và nói: "Thỏ Tím, Thanh sinh, xin Huynh trưởng cho phép Thỏ Tím kể một câu chuyện cho các bạn mà Thỏ Tím đọc được trên net, nhân ngày 30/04 nầy." 

Tôi mỉm cười nói: "Tán thành với Thỏ Tím. Các bạn sẽ chắc chắn tán thưởng việc nầy." 

Tôi quay nhìn vòng tròn như tỏ ý thăm dò ý kiến, thì một tràng pháo tay khuyến khích vang lên. Tôi chuyền cái microphone không dây cho Thỏ Tím. Sau khi hắng giọng vài cái, và cười duyên, Thỏ Tím bắt đầu lên tiếng: 

Câu chuyện thứ hai: 

"...Thưa các bạn, Thỏ Tím sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện về một anh hùng trong khoảng Thanh sinh của mình (Thỏ Tím cười khì khì, rồi rút ra tờ giấy nói tiếp). Thỏ Tím không giỏi kể chuyện, nên copy lại, lượt sơ bài viết của tác giả Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ, là một vị Bác sĩ, cũng là người thầy của Bác sĩ Jean Marc Bororet có người vợ là Vũ Thị Quỳnh Chi --em gái của người anh hùng Vũ Tiến Quang-- rồi nhờ bố mẹ chỉnh sửa. 

Theo lời kể của bà Bororet cho Bác sĩ Trần Đại Sỹ, người anh hùng trẻ tuổi đó, chính là một hạ sĩ quan thân cận của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, với cấp bậc Trung sĩ. Và tên của ông ta cũng đã được lưu vào Lịch sử Thiếu sinh Quân cùng những vị đàn anh dũng cảm nhất, qua câu nói hiên ngang, bất hủ của mình trước mặt quân thù, sau khi sa vào tay giặc Cộng sản: 

"Tôi có chính nghĩa thì tôi không thể là ngụy. Còn Cộng quân dùng súng giết dân mới là ngụy, là giặc cướp. Tôi nhất quyết giữ chính khí của tôi như Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, như Nguyễn Biểu." 

Ông ta là người dân Chương Thiện, được sinh ra vào năm 1956, và gia nhập trường Thiếu sinh Quân lúc 13 tuổi, dù mẹ của ông ta muốn ngăn cản vì lo cho con sau khi thân phụ là một Hạ sĩ Địa phương Quân bị tử trận, lúc ông ta chỉ mới 5 tuổi. Ông là một người năng động và có khả năng vượt trội về môn học Anh ngữ sau một thời gian ngắn học ở đó. Chỉ mới lớp đệ lục, tức lớp 8, ông đã có thể đọc hiểu sách báo ngoại ngữ và trò chuyện khá lưu loát với các cố vấn Mỹ. 

Có một câu chuyện thật sự mà tưởng như là huyền thoại, về tài năng sớm phát triển của ông ta về quân sự. 

"Trong suốt niên học 1969 đến 1974, trong mỗi dịp phép nghĩ hè 2 tháng rưỡi, ông ta trở về quê nhà, vùng Chương Thiện, để thăm gia đình và các quân nhân xuất thân từ trường Thiếu sinh Quân. Từ những giao du thân mật trong tình anh em đó, ông đã học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm chiến đấu mà chỉ có được qua những ngày tháng gian khổ, trực diện với đối phương. Chính vị Đại tá Hồ Ngọc Cẩn truyền dạy cho ông ta những kinh nghiệm hiếm hoi, quý báu nhất mà sau đó không lâu, tên tuổi của một khóa sinh còn đang thụ huấn ở trường Thiếu sinh Quân đã vang dội bay xa để thành một huyền thoại khắp năm tỉnh miền tây như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Chương Thiện. 

Trong một cuộc hành quân cấp sư đoàn vào vùng Hộ Phòng, thuộc tỉnh Cà Mau vào Mùa Hè Đỏ lửa 1972 (Thỏ Tím ngưng đọc và ngước lên cười duyên giải thích: "Đó là cách nói theo quân sự, chớ không phải là mùa hè... nóng nực, mà ngụ ý là trận chiến quyết liệt vào mùa hè 1972." Rồi cúi xuống đọc tiếp), ông ta, sau khi nài nỉ với những bậc đàn anh mình để được đi theo vì muốn trải nghiệm qua lần đầu trong cuộc chiến quy mô và khốc liệt đó, cuối cùng đã được cho phép ngầm để tháp tùng với vị cố vấn Mỹ là Thiếu úy Hummer vì người thông dịch bị bệnh bất ngờ. 

Ngay khi vừa nhảy xuống khỏi trực thăng, người lính truyền tin luôn bên cạnh vị cố vấn Mỹ bị thiệt mạng, vì vậy, khóa sinh Vũ Tiến Quang được xem như là người đắc lực, hữu ích nhất còn lại cho vị cố vấn Thiếu tá Hummer. Trong vòng 10 phút sau khi giao tranh, đến lượt vị cố vấn bị thương, nhưng bản chất can trường và hết lòng chia sẻ gian nguy với những binh lính người Việt, vị cố vấn yêu cầu cậu bé Quang --vì lúc đó ông ta chỉ mới 16 tuổi-- đừng báo cáo thương tích của mình về Trung tâm Hành quân. Trận chiến kéo dài sang giờ thứ hai, thật không may, lần nầy, vị cố vấn bị thiệt mạng; --xem như không còn ai ra lệnh yêu cầu sự hỗ trợ hỏa lực từ không quân và pháo binh, cũng như hoạch định vị trí tác xạ và phong tỏa-- vì vậy cậu bé Quang phải trực tiếp đứng ra làm nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm đó qua kiến thức học được từ trường Thiếu sinh Quân và kinh nghiệm của các bậc đàn anh, như thể là vị cố vấn vẫn còn đang chỉ huy. 

Trên nguyên tắc hỗ trợ hỏa lực của Mỹ, chỉ được tác xạ trong khoảng cách từ 70 đến 100 mét trước tiền quân bạn. Tuy nhiên, những binh lính gai góc Địa phương Quân và Nghĩa Quân Việt Nam muốn khoảng cách gần hơn là 20 mét như họ thường bàn thảo với nhau trước mặt cậu bé. Thế là, cậu bé Quang khi nhận được tin quân địch đang dùng chiến thuật cận chiến hầu tránh được những sức mạnh hỏa lực đáng sợ, cậu ta liền yêu cầu sự hỗ trợ của pháo binh và trực thăng theo hoạch định vùng tác xạ. Và nhờ thế, binh lính Chương Thiện được giải vây đúng lúc, mặc dù cậu bé Quang cũng nhận được 7 viên đạn từ trên nón sắt đến áo giáp, nhưng hoàn toàn vô sự. 

Sau đó, vị Trung tá J. F. Corter, là cố vấn trưởng của trung đoàn, được báo cáo về sự hy sinh của vị cố vấn can trường Hummer, ông ta đã ngạc nhiên kêu lên: 

"Theo báo cáo, ông Hummer đã hy sinh lúc trưa 11 giờ 15 phút, mà tại sao tôi lại thấy ông ta chỉ huy trực thăng và pháo binh vào lúc 17 giờ (tức là 5 giờ chiều tối)?" 

Cậu bé Quang giữ đúng tác phong quân kỷ về trách nhiệm, nên lên trình diện và nhận tất cả lỗi về sự lạm quyền chỉ huy và xin lỗi ông Corter. Tuy nhiên, ông Corter không những sẵn sàng bỏ qua nguyên tắc quân kỷ mà còn có ý định ban huân chương cho cậu ta. Đối với người Mỹ, với dáng dấp nhỏ thó, và mặt lúc nào cũng trông như non chẹt của binh lính Việt Nam, nên ông ta cũng cho là cậu bé Quang cũng là một quân nhân thực thụ theo đúng như quy định về số tuổi. Cuối cùng khi biết ra, dù cậu bé Quang không được huân chương, nhưng huyền thoại của một kỳ đồng về quân sự được lan rộng trong Quân khu IV lúc bấy giờ." 

..." 

Đến đây, Thỏ Tím ngẩng mặt lên, cười nói: "Xin hết, Thỏ Tím cảm ơn các bạn đã lắng nghe." 

Sau đó, là trận vỗ tay hoan nghênh Thỏ Tím và câu chuyện hào hùng của một Hoài Văn Vương Trần Quốc Toản thời đại, hay một Nghĩa Vương Trần Bình Trọng ái quốc, hoặc như là một Nguyễn Biểu kiên cường của An Nam xưa kia mà những Hướng đạo viên được nghe kể trước đó trong những buổi sinh hoạt nhóm nhỏ. 

Vị Đại Huynh trưởng đã trở lại từ lâu và cũng ngồi lắng nghe Thỏ Tím kể chuyện. Ông ta cũng vỗ tay tán thưởng cho sự học hỏi tiến bộ đáng kể của Thỏ Tím, mới chỉ ở cấp Thanh sinh. Trong lúc, tôi cũng đồng thanh vỗ tay, vị Đại Huynh trưởng ghé tai nói nhỏ: "Anh cứ tiếp tục điều hành sinh hoạt thay tôi, nha." Tôi mỉm cười gật đầu và cho vòng sinh hoạt bừng lên trong một bài ca ngắn. Sau đó, tôi nói: 

"Trước khi kết thúc đêm sinh hoạt tưởng niệm đặc biệt cho Tháng Tư Đen, và cũng để gọi là 'công bằng' cho các cấp của chúng ta (Tôi cười khì khì, rồi tiếp). Vì Đại Huynh trưởng với câu chuyện về Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, xem như là bậc Huynh trưởng Tráng sinh của chúng ta, và kế đó là câu chuyện của Thỏ Tím về anh hùng Vũ Tiến Quang, xem như là ở cấp Thanh sinh. Giờ, anh sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện của một vị anh hùng khác ở cấp Thiếu sinh. Các em có đồng ý không?" 

Vừa dứt lời, là hàng loạt pháo tay rào rào vang lên khiến tôi cũng cảm thấy càng thích thú với câu chuyện sắp kể. 

Câu chuyện thứ ba: 

"... Đó là cậu bé anh hùng Tạ Thái Mạnh, mới 13 tuổi, đã nhận được huân chương Anh Dũng Bội Tinh vào năm 1968. Đó cũng là năm của một biến cố quan trọng trong dịp Tết Việt Nam qua cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân của Bắc Cộng và Việt Cộng. Và cũng trong tháng Tư nầy, chính cậu bé anh hùng đó được vinh danh; tuy rằng sau này, rất ít người Việt Nam biết đến câu chuyện, mặc dù một số ít báo chí Tây phương trung thực cũng đã từng đưa tin vào lúc bấy giờ. 

Tạ Thái Mạnh là học sinh lớp 7, sinh năm 1955, nhà ở Xóm Mới thuộc khu vực Gia Định của thành phố Sài Gòn, vào lúc biến cố Mậu Thân xảy ra. Vào ngày 31 tháng Giêng, cuộc chiến lan đến vùng Phú Thọ, gần nhà của cậu bé. Trông thấy những người mặc áo bà ba đen, tay cầm súng, mà cậu bé cứ ngỡ đó là lính quốc gia. Sau khi lực lượng Việt Cộng bị đẩy lui bởi sức phản công mãnh liệt của Đại đội 5 Biệt Động Quân, cậu bé lẻn ra ngoài đường, hướng về tiếng súng thì gặp Đại đội 5 đang ghìm súng chờ đợi phục kích ở những căn nhà trong khi một lực lượng bên sườn cố gắng đẩy Việt Cộng ra ngoài. Cậu bé được cho biết là Việt Cộng đang có mặt ở khắp nơi, nên phải cẩn thận việc đi lại. Sau đó, cậu bé lại có ý định tiến gần hơn để xem việc gì đang xảy ra, vị chỉ huy Đại đội nghĩ là cậu bé quá quen thuộc với khu vực cư ngụ, nên để cậu ta đi. 

Vào khoảng hơn nửa cây số trên đường phố phía trước mà cậu bé vừa qua khỏi một nghĩa địa, là một quan cảnh của cuộc chiến đấu khốc liệt nhất trong cuộc tấn công trước đó. Cậu ta vừa chui qua một bức tường loang lỗ, thì bị hai tên Việt Cộng len lén đến bắt lấy. Một tay chận lên cổ, và tay khác chận lấy miệng, họ kéo cậu bé trở lại bức tường. Họ mang súng AK-47 và phi pháo B-40 trong bộ áo bà ba đen và y phục thường dân mà cậu bé chưa từng bao giờ thấy người nào trong số họ. Họ đánh cậu bé bằng báng súng trên lưng, và tàn nhẫn đập lên sau gáy đầu để điều tra về vị trí của lực lượng chính phủ Sài Gòn. Sau khi nhiều lần điều tra, chẳng tìm ra được tin tức gì, họ dụ cậu bé theo phe, nếu không sẽ thủ tiêu ngay. Cậu bé giả vờ đồng ý, và phải ở qua đêm với họ. Đến đêm sau, một tên Việt Cộng kéo cậu ta vào một hầm cá nhân và giúi vào tay cậu khẩu súng AK-47 ra lệnh canh gác cho hắn ngủ. 

Vào khoảng 8 giờ tối, ánh hỏa châu tỏa sáng trên trời và tiếng súng phản công cách nghĩa trang dưới 300 thước, tên Việt Cộng non trẻ vào khoảng 18 tuổi, bừng tỉnh và nhảy ra khỏi hầm, nhưng cậu bé đã chĩa súng vào hắn. Sau khi đả thương tên đó, và nhìn thấy hai tên Việt Cộng khác đang chạy về phía mình trong bóng mờ của hỏa châu. Họ bắn về phía cậu. Nhanh nhẹn, cậu bé chụp lấy quả lựu đạn Mỹ đang đeo bên người của tên Việt Cộng bị thương --nhờ vào lúc trước, cậu ta hay đến chơi với binh lính đang canh gác gần nhà, nên được hiểu biết về cách sử dụng vũ khí và lựu đạn-- và rút chốt ném về phía họ, trước khi phóng xuống hầm. 

Kế đó, cậu bé tìm cách trở về đường cũ và gặp lại Đại đội 5, với khẩu súng AK-47 sau khi bị một trận bắn lầm vì tưởng là Việt Cộng --may là có người nhận ra tiếng cậu bé hét to. Cậu ở lại với họ, giúp đỡ những người bị thương và mang nước cho từng người một, đến ngày thứ năm. Là ngày mà lực lượng Dù của Quân đội Việt Nam phá được vòng vây của Việt Cộng. Trận chiến xem như chấm dứt. 

Sau khi trở về nhà không lâu, cậu bé tìm cách trở lại gặp gỡ những binh lính mà cậu ta đã từng trải với họ. Những người lính mến thương sự giúp đỡ xưa, nên may cho cậu bộ quân phục Biệt Động. Cậu bé Tạ không có cấp bậc gì cả và không được trả lương --cậu ta không có thể gia nhập lực lượng Biệt Động cho đến khi 17 tuổi. Một sĩ quan Mỹ đã bày tỏ: "Cậu bé sẽ có cả một ngực mề-đay đến lúc đó." 

Và từ đó, cậu bé theo chân những binh lính Biệt Động, giống như một người lính thực sự, sau khi gia đình cậu ta buột phải bằng lòng chiều theo ý cậu. Có lần cậu bé đã tâm sự: 

"Ba mẹ muốn em trở lại trường, nhưng trước hết, chúng ta phải hoàn tất loại bỏ hết lực lượng Việt Cộng, kế đó, sẽ có thời gian trở lại trường. Nơi em chọn là ở đây." 

Sau biến động ngày 30 tháng Tư, mỗi người lưu lạc mỗi ngã, không ai biết được hiện tại cậu bé anh hùng Tạ Thái Mạnh ở đâu hay ra sao. Nhưng những hành động anh hùng và mưu trí khôn khéo của một cậu bé 13 tuổi sẽ vẫn mãi còn đó, vì đây là một câu chuyện có thật mà một số quân nhân Biệt Động còn sống sót đều biết đến và ngay cả vài sĩ quan Mỹ. Và cũng có thể, một ngày nào đó, nhân vật Tạ Thái Mạnh huyền thoại sẽ xuất hiện trước mắt chúng ta. 

..." 

Khi tôi vừa kết thúc câu kết, lại được tán thưởng thêm một tràn pháo tay, mà tôi biết là không phải tài kể chuyện của tôi. Mà chính là sự tán thưởng cho cậu bé họ Tạ đó, vì tôi nghe những tiếng reo lên như "Bravo, Tạ Thái Mạnh," "Tạ Thái Mạnh, number one" của các em Hướng đạo. 

Vừa khi tiếng vỗ tay dần chấm dứt, một bàn tay lại đưa lên. Tôi mời em Hướng sinh đó phát biểu. 

"Huynh trưởng. Khi em theo mẹ về Sài Gòn kỳ rồi để thăm ông bà, lúc đi ngang một cái công viên có cái tượng gì lạ quá, nên em hỏi thì được mẹ cho biết đó là tượng anh hùng Lê Văn Tám, nhưng mẹ nói thêm rằng chẳng qua là họ dựng ra câu chuyện không có thật, rồi đưa vào sách vở để ca ngợi chế độ. Huynh trưởng cho em biết ý kiến thêm." 

Tôi cười cười rồi đáp: 

"Vâng, mẹ em nói không sai. Câu chuyện Lê Văn Tám, 10 tuổi hay 13 tuổi hay 16 tuổi gì đó, bắt đầu vào năm 1945 hay 1946 gì đó --vì họ đưa ra nhiều thông tin sai biệt, lẫn mâu thuẫn nhau-- là hoang tưởng vì do chính vị giáo sư sử học Phan Huy Lê thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội dưới chế độ Cộng sản đưa ra luận cứ từ lời nói của chính người tạo ra câu chuyện đó, là Bộ trưởng tuyên truyền và cổ động của họ, Lê Huy Liệu, và khẳng định rằng đó là một thủ đoạn tuyên truyền bẻ cong lịch sử vì lợi ích cho cách mạng và mãi cho đến nay, họ vẫn cố tình dựng đứng câu chuyện thêm hơn với tượng đài, tên trường học, rạp hát, công viên, tên đường, tổ chức nầy nọ với cái tên đó. Đối với những người Cộng sản, lịch sử chẳng có ý nghĩa gì cả nếu nó không phục vụ cho mục đích lợi ích của đảng. Có nghĩa là tất cả những gì, ngay cả con người từ bất kỳ tầng lớp nào, kể cả trí thức, nếu không tạo ra được lợi ích gì cho đảng, sẽ bị loại bỏ ngay. Từ đó, cho thấy rằng, một câu chuyện Lê Văn Tám cũng là sự đương nhiên phải có của họ, huống chi cả lịch sử Việt Nam từ ngàn xưa cũng dần dần bị thay đổi miễn là có lợi ích cho đảng; mỗi khi họ cần đến phần nào trong lịch sử, thì phần đó được lôi ra chỉnh sửa lại theo ý họ, rồi dạy lại cho đám thế hệ sau." 

Tôi hỏi lại, sau khi trả lời xong: "Em nào có thắc mắc gì nữa không? Cứ nêu lên. Nếu không còn, thì chúng ta... Giờ cũng mệt mỏi rồi, phải không? Cùng hát vài bài trước khi chia tay. Các em đồng ý không?" 

Sau đó, trước khi nắm vòng tay hát bài "Tạm Biệt" như là một nghi thức của Hướng đạo, tôi đưa ra lời yêu cầu tất cả sinh hoạt viên dành ra 1 phút mặc niệm cho ngày tưởng nhớ nầy. 

Sau đêm sinh hoạt đó, tôi trở lại trụ sở cùng các huynh trưởng khác của Hướng đạo để sinh hoạt "ngủ qua đêm." Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi, nhưng trong lòng như hân hoan hơn khi biết rằng công việc của mình cũng góp một phần dù là nhỏ nhoi, trong việc xây dựng một cộng đồng tốt đẹp mai sau. Chúng tôi là cơn gió nhẹ nhằm xoay hướng từng chút một cho con thuyền thế hệ theo đúng đường của nó. Con đường đến với dân tộc, lòng yêu nước, mà không phải chịu lệ thuộc vào bất kỳ mưu toan của đảng phái nào ngoại trừ chính mình, vì đó mới chính là ý nghĩa của hai chữ Hướng đạo. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo