Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Tham mưu là gì: Là “đấu giá”, nhưng duy nhất chỉ với “một” người mua, để có số chênh 25 tỷ trải đều cho 17 quan chức. Ngày 28-3-2013, ông Trương Tấn Thiệu chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước có đơn gửi HĐND tỉnh xin thôi giữ chức vụ chủ tịch UBND tỉnh vì lý do “sức khỏe” và đã được chấp thuận.
Người dân quen mặt quanh UBND tỉnh rất ngạc nhiên vì ông còn rất khỏe béo tốt, tuổi chưa tới 60 (sinh 1955).
Tấu hài: chúc mừng kẻ sai phạm bị Kỷ Luật!?
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu (dấu X đen) - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết ông Thiệu đã nộp đơn xin thôi chức vì lý do sức khỏe. (Tinmoivn.com)
Ngày 5- 4, HĐND tỉnh Bình Phước khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) tổ chức kỳ họp “bất thường” miễn nhiệm chức vụ chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Trương Tấn Thiệu và bầu mới chủ tịch UBND tỉnh. Ông Thiệu bị miễn nhiệm do đã có một số vi phạm về nguyên tắc lãnh đạo, quản lý, điều hành (theo công bố của cơ quan Tỉnh Ủy).
Nhưng nhìn hình ảnh chắc người dân Bình Phước và cả nước cười “nôn ruột”. Băng rôn ghi kỳ họp “bất thường”, theo thông lệ sinh hoạt “đảng ta” những phiên họp đột xuất quan trọng như thế này thường là nghiêm trọng rất không “vui” chút nào. Đối tượng Trương Tấn Thiệu CT/UBND bị T.Ư đề xuất kỷ luật “cách chức” HĐND tỉnh “miễn nhiệm” bởi những sai phạm (liệt kê dưới) mà nếu “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” thì không “dựa cột” chắc cũng bóc lịch mãn đời trong tù, nhưng ở đây có sự hiện diện đầy đủ “bộ sậu” của nhà nước và đảng “ta” tỉnh Bình Phước, hoan hỉ đông vui vỗ tay chúc mừng kẻ tham ô, làm nghèo đất nước nhưng giàu cho cái túi tham của mình, lại tặng quà lưu niệm như ghi nhận cái thành tích “đáng khen” (T.Ư kỷ luật đề nghị cách chức, địa phương trực tiếp miễn nhiệm) vì những sai phạm nghiêm trọng gây thất thoát rất lớn tiền nhà nước, tài sản nhân dân, họ “vỗ tay” chúc mừng vì có sự chỉ đạo sâu sát của “đảng ta” nên tỉnh ủy “trong sạch vững mạnh” trong tập thể đảng viên!?
Cái này nếu không do Điều 4 “đảng lãnh đạo” toàn diện, thì ai đứng ra “lãnh giùm” - ngoài tài sản nhân dân “lãnh đạn”!?
Bán công sản giá bèo, 17 quan chức “đền” 25 tỉ đồng
TT - Ngày 15-4, Sở Tài chính tỉnh Bình Phước cho hay cơ quan này vừa có tờ trình trình UBND tỉnh danh sách các cán bộ liên quan phải khắc phục hậu quả do việc định giá (giá thấp), bán đấu giá vườn cao su sai quy định gây thất thoát tiền nhà nước.
Một góc lô cao su bị bán với giá rẻ như cho và ông Trương Tấn Thiệu (ảnh nhỏ) vừa bị miễn nhiệm chức chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - Ảnh: NHẤT NGUYÊN
Theo đó, có 17 quan chức từ nguyên chủ tịch UBND tỉnh đến cán bộ thuộc các sở, ban ngành liên quan bị đề nghị phải tự bỏ tiền túi để khắc phục trên 25 tỉ đồng thất thoát do bán vườn cao su nhà nước với “giá bèo”.
Bán rẻ như cho
Đây là một trong “ba vụ án” mà Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đang đề nghị khởi tố liên quan đến trách nhiệm của ông Trương Tấn Thiệu, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước (ngày 5-4, ông Thiệu đã bị miễn nhiệm chức vụ chủ tịch UBND tỉnh).
Theo hồ sơ, tháng 3-2008, UBND tỉnh Bình Phước lập ban chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng đường từ ngã ba Lộc Tấn đến trung tâm huyện Bù Đốp và khai hoang, trồng mới 1.000ha cây cao su do ông Trương Tấn Thiệu (lúc đó là chủ tịch UBND tỉnh) làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án trồng 1.000ha cao su trên diện tích đất rừng chuyển đổi theo quy hoạch để tạo vốn thực hiện dự án. Tháng 5-2010, UBND tỉnh lập hội đồng định giá bán đất cao su để lấy tiền đầu tư dự án trên. Sau đó UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với các sở Tư pháp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên - môi trường chọn một trong số các lô cao su (trong tổng diện tích 323ha) thí điểm bán đấu giá công khai để làm cơ sở xác định giá của các lô còn lại. Tháng 8-2010, UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm của ba lô cao su (diện tích 31,3ha) trên là 11,046 tỉ đồng (bình quân 353 triệu đồng/ha) và giao Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh, Sở Tài chính tổ chức bán đấu giá. Sau đó, lấy lý do sau hai lần thông báo nhưng vẫn không có người đăng ký đấu giá nên UBND tỉnh đã ra quyết định giảm 30% giá khởi điểm, xuống còn 8,261 tỉ đồng (trung bình 264 triệu đồng/ha). Vừa giảm giá, UBND tỉnh quyết định bán thẳng ba lô cao su thí điểm và 292ha cao su còn lại cho khách hàng duy nhất là ông Lê Văn Sương mà không đăng ký đấu giá công khai lại.
Việc giảm 30% giá UBND tỉnh không xin ý kiến của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, gây thất thu ngân sách trên 25 tỉ đồng. Ngoài ra quy trình bán đấu giá “có vấn đề” như: việc bán đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia, đăng báo sai nguyên tắc, không thông báo rõ diện tích, địa điểm, hiện trạng các lô bán thí điểm, có dấu hiệu thông thầu...
Quan chức phải bỏ tiền túi bồi thường
Người đứng đầu danh sách phải bỏ tiền túi để khắc phục sai phạm là ông Trương Tấn Thiệu, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Khi còn đương chức, sau khi ký quyết định bán thẳng không qua đấu giá ba lô cao su thí điểm, ông Thiệu tiếp tục ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm 292ha cao su để bán với giá thấp. Đứng ngay sau ông Thiệu là ông Nguyễn Văn Lợi, phó chủ tịch UBND tỉnh. Ông Lợi phải khắc phục sai phạm do đã ký quyết định điều chỉnh giá khởi điểm ba lô cao su không qua đấu giá. Kế đến, ông Lợi ký quyết định phê duyệt kết quả bán đấu giá 292ha cao su cho ông Lê Văn Sương.
“Vai trò tham mưu”
Ngoài hai lãnh đạo trên, danh sách các cán bộ lần lượt được thống kê từ Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh và những thành viên của hội đồng định giá đã có hành vi làm giảm giá vườn cao su gồm: ông Phạm Công (giám đốc Sở Tài chính, nguyên chánh Văn phòng UBND tỉnh), Phạm Thụy Luân (phó chánh Văn phòng UBND tỉnh) và ông Trần Lê Thương (chuyên viên phòng kinh tế UBND tỉnh). “Những người này đóng vai trò tham mưu và ký ba quyết định tham mưu” cho lãnh đạo tỉnh phê duyệt điều chỉnh giá khởi điểm, bán thẳng không qua đấu giá 323ha cao su.
Đối với Sở Tài chính, các lãnh đạo phải chịu trách nhiệm khắc phục sai phạm gồm: Nguyễn Hoàng Thái (nguyên giám đốc, hiện là chủ tịch UBND thị xã Phước Long), Nguyễn Tân Xuân (nguyên quyền giám đốc Sở Tài chính, hiện là chủ tịch UBND thị xã Bình Long), Trương Văn Phẩm (nguyên phó giám đốc sở, đã bị bắt), Trần Minh Luân (nguyên trưởng phòng giá - quản lý công sản, đã bị bắt) và ông Nguyễn Xuân Hiệp (chuyên viên phòng giá - quản lý công sản). Riêng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước có hai cán bộ liên quan gồm: bà Hà Thị Thu Hiền (kế toán trung tâm, thư ký ghi biên bản các cuộc bán đấu giá), ông Nguyễn Tuấn Cảnh (nguyên giám đốc trung tâm, nguyên phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, đã bị bắt). Bà Hiền, ông Cảnh đã không phát hiện cán bộ định giá lại tham gia đấu giá, điều hành các cuộc bán đấu giá, quyết định người mua được tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá và trả bằng giá khởi điểm, ký trình UBND tỉnh, Sở Tài chính bán thẳng không qua đấu giá...
Năm cán bộ còn lại nằm trong hội đồng định giá gồm các ông: Phạm Ngọc Sự (phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, hiện là phó giám đốc Sở Tài chính), Nguyễn Văn Tám (chủ tịch UBND huyện Bù Đốp), Võ Hữu Phúc (phó trưởng phòng tài chính Công ty cao su Lộc Ninh), Mai Đình Lương (phó trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Bình Phước) và ông Nguyễn Khắc Điệp (chuyên viên phòng giá đất giải tỏa bồi thường thuộc Sở Tài nguyên - môi trường).
Cũng theo nguồn tin từ Sở Tài chính Bình Phước, cơ quan này đã hoàn trả trên 96,4 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho khách hàng đã mua 323ha cao su, bao gồm số tiền họ đã mua đấu giá, công chăm sóc cao su, các chi phí hợp lý khác. Căn cứ biên bản của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các cá nhân liên quan đến vụ bán đấu giá 323ha cao su sai quy định phải chịu trách nhiệm về số tiền lãi phải trả lại cho các khách hàng.
Cùng ngày, Tỉnh ủy Bình Phước cho hay những vụ việc sai phạm đã và đang được Ban thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo khắc phục, đồng thời đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định và theo pháp luật. (tt.online).
Bắt thang lên hỏi ông trời, 25 tỷ vào túi 17 quan có đòi được không? Nếu người mua (ông Lê Văn Sương) không muốn mang tội “đưa hối lộ”? Bởi muốn đòi, ông Sương phải công khai sự việc với cơ quan Pháp Luật, dù 17 quan có cắn răng hoàn trả đủ 25 tỷ thì số tiền này sẽ tịch thu sung công quỹ (vì tang vật đưa hối lộ) các quan đã “khắc phục hậu quả” đã nhận “án” khiển trách hay cảnh cáo để…“rút kinh nghiệm” vẫn tại vị hay thay đổi vị trí một hai “cái ghế” lòng vòng cho có lệ, còn ông Sương mất cả chì có thể lẫn chài (tù, đưa hối lộ) Ông Sương chắc phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Biết vậy thay vì khuyến khích chỉ đạo cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra khởi tố, thì “lãnh đạo đảng” (chắc cũng được Tham Mưu?) lệnh cho Sở Tài chính Bình Phước, đã hoàn trả trên 96,4 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho khách hàng (ông Sương) đã mua 323ha cao su, còn 17 quan chức từ nguyên chủ tịch UBND tỉnh đến cán bộ thuộc các sở, ban ngành liên quan “đề nghị” phải tự bỏ tiền túi để khắc phục trên 25 tỉ đồng thất thoát do bán vườn cao su nhà nước với “giá bèo” !?. (liệu ông Sương có dám đòi)? Một thế cờ chỉ có thắng, hiếm khi hòa để ‘hạ cánh an toàn’ còn lận lưng bạc tỷ.
Chắc cũng vì vậy mới có buổi “chúc mừng tiễn đưa kẻ sai phạm bị Kỷ Luật” Trương Tấn Thiệu chủ tịch UBND Bình Phước, cái đầu tàu kéo 16 cái toa phía sau, tuy không đến đích như lộ trình, nhưng quan trọng là 17 toa không bị “trật đường ray” chỏng vó, chỉ lắc lư say tàu chút đỉnh!?.