Le Nguyen (Danlambao) - Có khá nhiều lời bình sau khi kết thúc hội nghị trung ương 7 khóa XI của đảng cộng sản Việt Nam và đa số bình luận, lý giải khen chê đều tập trung, xoáy sâu vào diễn viên chính là ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua 6 chủ đề được đưa ra bàn thảo bao gồm: đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị; tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; sơ kết một năm thực hiện nghị quyết xây dựng đảng; công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo đảng cho tương lai; ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên môi trường.
Ai cũng nhận thấy kết thúc hội nghị trung ương lần 7 là một thất bại khác của đảng cộng sản Việt Nam, dư luận xã hội cho rằng đó là cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng giữa phe bảo thủ, giáo điều do ông Trọng “non tay” cầm đầu đã thất bại thê thảm dưới tay các phe nhóm lợi ích, nếu không nói là thua liểng xiểng ngay từ hội nghị trung ương 6 khi ông mếu máo nhận lỗi sai phạm yếu kém của đảng, dù có đồng minh là ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang bên cạnh động viên, ông vẫn không dám kỷ luật, không dám gọi đích danh một đồng chí suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống thuộc loại hàng đầu trong bộ đầu não của đảng, ông chỉ dám khẽ gọi đồng chí X.
Phe ông còn thua tràn sang hội nghị trung ương 7 bởi các con bài tẩy Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ được ông tổng bí thư đảng giới thiệu, đề bạt vào bộ chính trị nhằm từng bước củng cố, thu tóm quyền lực về cho đảng qua việc tái lập ban nội chính trung ương, ban kinh tế trung ương nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đảng, đã bị một đồng chí lãnh đạo“suy thoái đạo đức” có bản cáo trạng dài cả trăm trang, cùng với các phe nhóm lợi ích lạnh lùng “đập” thẳng tay không thương tiếc.
Riêng số bình luận có bài bản chữ nghĩa hẳn hoi lại bảo: “...Sau thất bại bác cả Trọng đã tỉnh ngộ hay vẫn u mê? (Gò Cỏ May)... Cụ Tổng muốn gì? (Nguyễn Quang Lập)... Chỉnh đốn đảng dấu chấm hỏi hay dấu chấm hết? (Han Times)... Cuộc đảo chính của các ủy viên trung ương đảng? (Việt Hoàng)... Ông Nguyễn Phú Trọng đã lu mờ? (Phạm Trần)... Phấn đấu và cơ cấu (Huy Đức)... Hội Nghị trung ương 7 chấm dứt trong dững dưng (Nguyễn Văn Huy)... Trọng lú thua y tá và Việt Nam tiếp tục rơi vào tay Trung Cộng (Đặng Chí Hùng)... Ông Trọng thất bại, bộ chính trị loại Bá Thanh: đảng cộng sản Việt Nam đã đến thời điểm chết! (Nguyễn Hoàng Long)... Đức vua lú thật rồi (Nguyên Anh)... Những con rận trong cái quần khác (Ngô Nhân Dụng)...”
Tất cả bình luận nhẹ nhàng có, gay gắt có đã chỉ ra tương lai chính trị ảm đạm của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn liền với vận mệnh của đảng cộng sản Việt Nam. Kết thúc hội nghị không đơn giản là hội nghị kết thúc mà nó còn có dấu hiệu kết thúc sự nghiệp chính trị của ông Trọng và đặt dấu chấm hết sự độc quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Bởi hội nghị trung ương thông qua đầu phiếu đã đánh rớt Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ hai nhân vật được người đứng đầu đảng lãnh đạo ưu ái giới thiệu vào bộ chính trị nằm trong kế hoạch triển khai nghị quyết xây dựng chỉnh đốn đảng được đại hội đảng thông qua trong hội nghị trung ương lần 4 của năm trước.
Nghị quyết hội nghị trung ương 4 đưa ra “một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng” được đại đa số gần như tuyệt đối của các ủy viên trung ương đảng cộng sản Việt Nam "nhất trí" đồng thuận nhưng sau một năm đưa vào thực hiện đã bị số đông quay lưng.Tại sao có sự thay đổi nhanh đến thế, có phải các ủy viên trung ương này tự diễn biến, tự chuyển hóa, ngầm ủng hộ xóa sổ đảng cộng sản, thay đổi thể chế chính trị thực hiện dân chủ đa đảng?
Thật ra chưa có lời giải, chưa có dấu hiệu, chưa thấy rõ được nguyên nhân lẫn động cơ nằm đằng sau thúc đẩy các ủy viên trung ương bỏ phiếu loại trừ Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ, gián tiếp phá hỏng kế hoạch xây dựng chỉnh đốn đảng của ông Trọng nhưng chúng ta cũng kịp nhận ra rằng khi tán thành nghị quyết 4 mang nội dung “một số vấn đề cấp bách xây dựng đảng.” Đa phần các ủy viên trung ương nghĩ ông Trọng cũng chỉ sẽ “phê bình và tự phê bình” để chỉnh đốn đảng như đảng đã từng và các đảng viên có phạm tội như thế nào đi nữa, chỉ cần tung hô công ơn bác đảng, giả vờ thành khẩn cúi đầu nhận khuyết điểm là xong, là có thể hạ cánh an toàn...
Thế nhưng khi ông Trọng thực hiện việc chuyển ủy ban phòng chống tham nhũng về dưới sự chỉ đạo của đảng, chính xác là dưới tay tổng bí thư, tái lập ban nội chính trung ương và ban kinh tế trung ương, phần nào thể hiện sự quyết tâm làm trong sạch đảng dọn đường tiến lên “ thiên đường xã hội chủ nghĩa” khiến cho các quan tham lớn bé tỏ ra lo ngại quyền lợi, quyền lực bị kẻ khác tranh lấy, kể cả tội tham nhũng có khả năng bị trừng trị bởi có thằng cán bộ đảng viên có chức có quyền nào trong sạch không tham nhũng?
Bên cạnh các thách thức vừa kể thì nhân vật được đảng cơ cấu giữ chức trưởng ban nội chính chưa chi đã hùng hổ đòi hốt hết, hốt liền trên các phương tiện loa đài của đảng làm cho bọn suy thoái đạo đức lối sống, theo bản năng sinh tồn tự động "đoàn kết" chống lại đảng trưởng Nguyễn Phú trọng nhằm che chắn bảo vệ thành quả có được từ ăn cắp, ăn cướp của dân của nước.
Mặt khác, qua ngôn ngữ và hành động hoang tưởng xa rời thực tế đã chỉ ra ông Nguyễn Phú Trọng là tín đồ mê cuồng của Marx - Lenin, kiên định tiến bước trên con đường xã hội chủ nghĩa, kiên quyết độc quyền lãnh đạo, không tam quyền phân lập, bám chặt sở hữu toàn dân...và tất cả những ai bước ra ngoài khung định hướng chủ nghĩa xã hội đều bị ông gán cho là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Chính tư tưởng “cộng sản chuyên chính” của tiến sĩ ngành xây dựng đảng khiến cho các đồng chí tư bản đỏ của ông lo sợ, không biết ngày nào họ sẽ bị đảng “mần thịt” sẽ trở thành kẻ thù giai cấp “trí phú địa hào, đào tận gốc, tróc tận rễ” như lưỡi gươm treo lơ lững ngang cổ nên họ hợp đồng tác chiến loại ông Trọng ra khỏi cuộc chơi để trừ hậu hoạ chứ không có bao nhiêu đồng chí của ông chống ông là vì dân vì nước, là vì dân chủ đa nguyên, là bởi lời phát biểu xa rời thực tế, lải nhải như người ở cõi trên của ông:
“...Chỉ có làm tốt công tác dân vận, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa nhân dân với đảng thì đảng mới có sức mạnh.
Trong điều kiện đảng cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những hiện tượng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng là thách thức đối với mối liên hệ giữa dân với đảng.
Chỉ có đổi mới và làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với đảng, tăng cường mối liên hệ giữa đảng với dân, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân thì mới phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”
Lời phát biểu “vì đảng” quá rõ của ông khá chân thành đấy, tiếc rằng ông thiếu bản lãnh lẫn tầm nhìn của một nhà lãnh đạo có tầm bởi trong thực tế có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên nhạt đảng nhưng rất “sính”quyền và tiền, chính bộ phận này là thế lực thù địch chống phá nhiệt tình xây dựng, chỉnh đốn vì sự tồn vong của đảng của ông. Và ông cũng không phải là một lãnh đạo quyết đoán dám nói dám làm để các đồng chí "vì đảng" như ông tin tưởng làm theo bởi ông thiếu cái dũng của người lãnh đạo không dám kỷ luật một đồng chí cao cấp trong bộ chính trị thao túng quyền lực, quyền lợi gây hậu quả nghiêm trọng. Đã vậy ông còn mở mồm bảo "sợ kỷ luật gây ra gieo thù chuốc oán" thì còn gì là lãnh đạo nên các đồng chí vì đảng quay lưng chạy theo kẻ có khả năng ban phát quyền để họ kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền thế thôi chứ họ cũng không có ý định phản đảng, chống đảng chi cả!
Ngoài ra, nếu mở rộng tầm nhìn, quan sát rộng hơn ông sẽ thấy bộ phận không nhỏ dưới trướng được đảng các ông phân công nắm giữ các tập đoàn kinh tế, công ty quốc doanh lớn bé sử dụng vốn nhà nước, chính xác là vốn của dân, đi đánh cược trong những canh bạc dự án mà phần thua trông thấy trước nhưng họ vẫn cứ nhắm mắt, núp dưới bóng "chủ trương lớn hay quyết tâm chính trị" mà làm. Thậm chí bộ phận không nhỏ lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế nhà nước còn rời bỏ nhiệm vụ kinh tế chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đem vốn "chùa" đi đánh bạc trong "sòng bài" chứng khoán, bất động sản...của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều nghịch lý, trái khuấy cực kỳ phản động là kinh tế suy thoái nghiêm trọng, hàng loạt tập đoàn, công ty công, tư phá sản lẫn trên đà phá sản hàng loạt và nợ công ngày càng chồng chất đến hơn nửa giá trị tổng sản lượng quốc gia (GDP) vượt ngưỡng an toàn của chuẩn nợ quốc tế. Thế mà các "đại gia" có gốc đảng giàu sụ, của chìm của nổi, tiêu pha phung phí với bia, rượu ngoại đắc tiền, xe siêu sang biệt thự siêu bự, nhàn nhã du lịch nước ngoài, đưa con di du học các trường danh giá của các xứ tư bản giẫy chết...và trong lúc nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong cơn hấp hối rất cần vốn, tài năng và bản lãnh để vực dậy nền kinh tế thì bộ phận "đại gia" này lại tháo chạy với tài sản thu tóm được nhờ "ơn đảng"?
Ông có nhận ra, kết thúc hội nghị trung ương 7 với một bộ phận không còn nhỏ nữa mà là bộ phận cực lớn nhạt đảng, "sính" quyền và tiền đang tự diễn biến, tự chuyển thành thế lực thù địch chống bất cứ ai đe dọa lợi ích của họ, kể cả đảng. Song song với thế lực thù địch bên trong nội bộ đảng là nền kinh tế bên bờ vực thẳm, đất đai biển đảo bị cắt nhượng, bán buôn vô tội vạ, tài nguyên quốc gia bị đào bới cạn kiệt trong thời gian dài sẽ không còn gì để bán và rất có khả năng xảy ra kịch bản, nợ nước ngoài mất khả năng chi trả, ngân khố trống rỗng không còn tiền để trả lương cho đám quan chức ăn hại chỉ biết quyền tiền trong bộ máy cầm quyền song trùng cồng kềnh đảng, nhà nước.
Chắc chắc, với diễn biến tích cực đã và đang xảy ra không nghi ngờ gì nữa, trong tương lai gần đảng cộng sản của ông không ai đánh cũng tự tan, thế thì ông tổng bí thư còn tiếc, còn chần chờ gì nữa mà không ra tay kết thúc cái đảng không còn sức sống, đã chết lâm sàng này đi, may ra còn giữ lại được chút thanh danh giáo sư, tiến sĩ ngành xây dựng đảng cho giòng họ của ông?