Hỡi ôi, chiếc lá cuối cùng là đây! - Dân Làm Báo

Hỡi ôi, chiếc lá cuối cùng là đây!

Hàn Lệ Nhân (Danlambao) - “Thời con gái của Mẹ, ở làng quê nước ta, phụ nữ vốn rất ít được đi học. Mẹ xin đi học, ông bà ngoại không cho, bẳn gắt: con gái học mần chi, tổ để đọc thư trai. Mẹ trả lời: biết đọc biết viết, trai có gửi thư mà mình biết đọc, có điều xấu hổ cũng chỉ mình mình biết còn hơn là không biết đọc, không biết viết nhờ người khác đọc hộ, viết giùm có phải ôốc dôộc (tiếng Nghệ Tĩnh = xấu hổ) hơn không?”

*

Mình gặp lại Mẹ lần đầu sau 16 năm xa cách. Bấy giờ tình hình đôi bờ nơi chốn cũ còn nhiều biến động, hơn nữa niềm tin trong mình đối với chính quyền bên kia bờ hoàn toàn tan tác, nên Mẹ con hẹn gặp nhau ở bên nầy bờ. Mỗi lần hình dung lại cái cảnh bên nầy biên giới, đứng trên bờ nhìn xuống dốc bến đổ, thấy Mẹ, năm đó đã 76, lụ khụ giữa hai đứa con lớn của anh chị, bước từng bước lên từng nấc thang dựng đứng là lòng mình bồi hồi...

Mẹ vốn là người thâm trầm ít nói, nên dù gặp lại cậu út, cục cưng của Mẹ sau bao nhiêu năm cách biệt, Mẹ vẫn không vồ vập, chỉ nắm chặt hai tay mình, lặng nhìn từ đầu xuống chân, nói nhỏ: tưởng út không về gặp lại Mẹ!

Tuổi đã 76, thể chất có suy mà tóc Mẹ còn đen nhánh, răng còn nguyên, nói năng tỉnh táo như thường. Mái tóc dài quá lưng ngày nào búi tó nay không còn nữa. Năm ngày được sống lại với Mẹ, mình hoàn toàn lột xác thành cậu ấm ngày nào. Mẹ vẫn nhớ chi li sở thích ăn uống của cậu ấm: út thì dễ tánh lắm, ăn chi cũng được... miễn là ngon! Riêng cái tật mọt sách của mình, chị Ngọc Sương bảo: tủ sách của út, Mẹ vẫn giữ nguyên, cất kỹ hơn vàng, không cho ai đụng tới. Mình nói: sao Mẹ không cho các trường hay Hội Người Việt đi. Mẹ trả lời: không được, vì Mẹ thấy trong sách con gạch, đánh dấu bằng bút chì, ghi chú bên lề, đưa cho, Mẹ sợ có chuyện, bít lối con về...

Thoắt cái đã đến hạn Mẹ và gia đình anh chị phải về. Chuyến đò cuối hôm đó vào lúc 4 giờ chiều. Phượng đỏ ven bờ sông nở rộ, người người lao xao xuống bến. Đi bên Mẹ mà hồn mình để đâu đâu. Bên kia sông là nơi chốn tìm về, xa xôi chi cho cam, chỉ độ 30 phút lênh đênh thôi, thế mà lại ngút ngàn gấp bao lần 12 giờ bay của phản lực 747 và 12 giờ xe lửa tốc hành.

Năn nỉ mãi quan thuế Thái Lan mới đặc biệt cho phép mình cõng Mẹ xuống đò, cố được ôm Mẹ thêm vài phút nữa: Mẹ còn khá nặng!

Hai năm sau, từ Pháp, duyên may mình được chọn đi công tác thiện nguyện cho Hội Học Đường Không Biên Giới (Ecoles Sans Frontière) ở Vientiane, với một cái hộ chiếu Tây. Thế là mộng về chốn cũ đã thành. An toàn. Xong nhiệm vụ là mình bay về với Mẹ ngay. Sau cảnh tương phùng, việc đầu tiên là Mẹ đưa cho mình một cái chìa khóa, nói: đây là chìa khóa tủ sách của út! Mẹ đã làm đúng lời dặn của Cậu (gia đình mình gọi Cha bằng Cậu) trước khi Cậu qua đời!

Trong 13 năm, sau ngày mở cửa, mình về thăm Mẹ được có 6 lần + 1, không tính thời gian gần hai năm mình về đón Mẹ qua Pháp thăm anh em chúng mình và các cháu, chắt. Những lần đàm luận đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất với bà cụ, mình đều ghi âm lại cả. Mẹ ít học, nhưng chịu khó đọc sách và rất trân quí sách. Chuyện biết đọc biết viết của Mẹ phải kể là hy hữu. Thời con gái của Mẹ, ở làng quê nước ta, phụ nữ vốn rất ít được đi học. Mẹ xin đi học, ông bà ngoại không cho, bẳn gắt: con gái học làm chi, tổ để đọc thư trai. Mẹ trả lời: biết đọc biết viết, trai có gửi thư mà mình biết đọc, có điều xấu hổ cũng chỉ mình mình biết còn hơn là không biết đọc, không biết viết nhờ người khác đọc hộ, viết giùm có phải ôốc dôộc (tiếng Nghệ Tĩnh = xấu hổ) hơn không? Mẹ lén học với người cậu của Mẹ, ông cậu Đường, một nhà cách mạng chống Pháp.

Mẹ có một trí nhớ kỳ lạ. Ngồi nghe bà cụ đọc vanh vách những bài thơ ‘quốc cấm’ dài hàng trăm câu thời chống Pháp, hay nguyên cuốn Kinh nhật tụng mà lạnh người, bây giờ thỉnh thoảng nghe lại những băng mình đã ghi âm, mình vẫn ghê cho bộ nhớ của Mẹ.

Bên nầy ông anh kế tên D. qua đời ở tuổi 50, năm 2000. Mình là người chủ trương giấu Mẹ chuyện nầy, mình bảo với các anh chị: em nghĩ không nên cho Mẹ biết, Mẹ đã 86, biết cũng vậy. Ai nói ra người đó chịu trách nhiệm, nếu Mẹ có mệnh hệ gì. Vậy là mọi người giữ kín chuyện “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời”. Suốt thời gian mình về lần thứ năm, năm 2001, Mẹ hỏi thăm anh D. và gia đình anh ấy, mình nói: anh D. bây giờ ‘khỏe và yên’ lắm rồi, Mẹ khỏi lo, ảnh gửi lời vấn an Mẹ... v.v... Mẹ cười nhẹ, chẳng nói gì.

Lần thứ sáu mình cấp tốc về thăm Mẹ nhằm tháng 4 năm 2004. Mẹ đã 90. Người bà cụ đã hư hao quá lắm rồi, chỉ còn da bọc xương, tuy vẫn còn minh mẫn. Trước kia mình thích cầm tay Mẹ đặt lên bàn tay trái của mình, tay phải vuốt vuốt chơi. Lần nầy đặt bàn tay của Mẹ lên bàn tay mình mà lòng rưng rưng kim chích, nó khô tóp, lọt thỏm trong lòng tay mình. Mẹ bảo: con về kỳ nầy, Mẹ không còn sức ngồi bóc nem chua có lá chùm ruột cho con nhắm với bia như mọi khi.

Trong sinh kế, mình có nhiều cơ hội chu du qua nhiều nước. Mẹ lại là người hay dặn mình khoan về Việt Nam, Mẹ biết bên nầy mình có vài sinh hoạt không vừa lòng người ta:

Mẹ ơi, từ lúc giã từ,
Con đi khắp chốn chỉ trừ Việt Nam!
Mẹ sợ...

Trong lần thứ sáu, có bà xã cùng về, cả tháng... Mẹ nói: Mẹ biết bệnh tình của Mẹ, chỉ là bệnh già. Mẹ muốn thấy con đưa vợ về quê mình một lần, dăm bảy ngày cho biết. Được Mẹ cho phép, mình nghĩ: vả lại Việt Nam là đất nước của hơn 80 triệu người việt nam chứ có phải là hương hỏa của một nhúm người nào đâu!

Chồng chị Ngọc Sương đưa hai đứa mình về Việt Nam bằng xe nhà. Đây là mấy ngày đầu tiên trong đời mình được đặt chân lên vùng quê Mẹ, ăn bữa cơm hoàn toàn Việt: đất Việt, thực phẩm Việt, bếp Việt! Lần đầu tiên được phiêu phiêu trên Đèo Hải Vân, tản bộ trong lòng phố cổ Hội An... rồi Huế... rồi leo tuốt lên động Phong Nha Kẻ Bàng… Trở lại gặp Mẹ, Mẹ cười bảo: từ rày “Quê Mẹ trong tôi” hết “chỉ là văn chương rồi nha” (1). Con thấy thế nào? Mình trả lời: con có viết được mấy câu, Mẹ nghe thử:

Ra đi khi trời chưa thấy đất,
Khi về thành phố đã lên đèn.
Métro, boulot, dodo, (2)
Càng dài viễn xứ càng mơ ước nhiều.
Mơ tôi theo đài VTV4,
Bay về trời nước đẹp vô ngần.
Xưa yêu quê nhờ ca dao,
Giờ ngàn cảnh thật lòng xao xuyến lòng.
Trời đất nước như một bức tranh thủy mạc
Mà Thượng Đế đã dành riêng trao.
Mới chỉ lần đầu
Mà đã như ngày nào
Thắm thiết dạt dào
Đến nghẹn ngào.

Chiều ôm Mẹ, chào trở lại Pháp, linh tính cho mình biết đây là lần cuối cùng mình còn được nghe Mẹ nói. Ánh mắt của Mẹ chiều hôm đó, cho tới đêm nay mình vẫn không sao diễn tả nổi, mặc dù đã từng viết nguyên một bài biên khảo khá dài về mấy chục loại mắt của con người (3). Thế mới hay vốn liếng việt văn học lóm của mình trong non 40 năm nay thật còn giới hạn lắm.

Trở lại Pháp đúng 30 ngày thì nhận được tin: Chiếc Lá Cuối Cùng đã rụng! Và là lần thứ bảy mình về, nhìn hình Mẹ trên áo quan. Mẹ mất ngày 23 tháng Tư năm Giáp Thân (10-6-2004):

Hai tay ôm lá vào lòng,
Hỡi ôi chiếc lá cuối cùng là đây! (4)

Sau ngày an táng Mẹ, chị Ngọc Sương kể: Mẹ biết chuyện cậu D. (anh kế mình) mất từ lâu, mấy cụ chia buồn với Mẹ trong chùa! Hai tuần trước Mẹ có nói với chị: Mềng biết chuyện thằng D. từ đầu, Mềng vẫn đọc kinh cầu siêu cho nó, nhưng "người ta" muốn giấu thì mềng cũng không hỏi!

(Thêm một lần nữa không về thắp nhang mộ Cậu Mẹ)


________________________________

Chú thích:

(1) Lời trong bản nhạc Viễn Khúc Việt Nam. (HLN)
(2) Xe điện ngầm, đi làm, ngủ nghê.
(3) Những con mắt trần gian (nhìn từ phương Đông).
(4) Nguyễn Bính: Cây bàng cuối thu.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo