Phạm Trần (Danlambao) - Sau 10 ngày họp của Hội nghị Trung ương 7, Ban Chấp hành đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã để lại cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một tương lai chính trị rất mơ hồ. Đó là hậu quả của việc ông Trọng không thu được đủ phiếu vào Bộ Chính trị cho hai ứng viên “gà nhà” Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội Chính và Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Thay vào đó, 175 Ủy viên Trung ương chính thức đã bỏ phiếu cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, 60 tuổi và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 59 tuổi, Bí thư đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, một quyết định đã vượt khỏi dự kiến của ông Trọng và ngay cả với đa số Ủy viên Bộ Chính trị 14 người.
Các giới thạo tin tại Hà Nội cho rằng việc có đa số người trong Ban Chấp hành Trung ương dồn phiếu cho ông Nhân nằm trong “kế họach hậu trường”, được cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang âm thầm ủng hộ, nhằm dọn đường cho ông Nhân thay thế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng việc bà Ngân lọt vào Bộ Chính trị lại có thể là đòn “đá hậu trả đũa” của các nhóm “không ưa lối phát ngôn bạo miệng đe dọa bắt người và chống Tham nhũng” của ông Nguyễn Bá Thanh, người được ông Trọng triệt để ủng hộ trong kế họach chống các nhóm “lợi ích” đang đe dọa sự tồn vong của đảng CSVN và ngay cả sự nghiệp chính trị của ông Trọng, sau khi ông Trọng thất bại không kỷ luật nổi ông Dũng tại Hội nghị Trung ương 6.
Tuy nhiên sau khi Bà Ngân được nhiều phiếu hơn hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ thì ông Trọng bỏ ý định chọn thêm Ủy viên thứ ba cho đủ số 17 người trong Bộ Chính trị để dễ điều hành khi bỏ phiếu vì ông Trọng sợ phe Quân đội trong Ủy ban Trung ương sẽ “dành mất chỗ” của ông Thanh.
Tiếng nói duy nhất hiện tại của Quân đội trong Bộ Chính trị từ Khóa đảng X là Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, nhưng tướng Thanh cũng đã đến tuổi nghỉ hưu nên phe Quân đội muốn “có người dự phòng” trước.
Như vậy, kết quả không xảy ra như ý muốn của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị 7 đã nói lên một điều cũng khá bất ngờ là “quyền uy” của Tổng Bí thư đảng không còn được các Ủy viên Trung ương “tuyệt đối” tuân theo như trước đây nữa.
Nhưng cũng có thể vì ông Trọng đã “thiếu cương quyết, không đủ uy tín, không làm như ông nói” để xử lý Nghị quyết Trung ương 4 về “xây dựng đảng” như ông đã chứng minh thất bại tại Hội nghị 6 nên không ai còn muốn nghe lời ông tại Hội nghị 7 nữa!
Mất định hướng?
Vì vậy, ông Trọng đã không nói được điều gì mới về chuyện “làm sạch đảng” để lấy lại niềm tin trong dân mà ông chỉ biết lập lại điệp khúc cũ mèm như “kiên quyết, kiên trì, tiếp tục...”
Ông nói như phải nói cho có chuyện trong diễn văn bế mạc (11/5/013): “Trung ương yêu cầu phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với những bước đi vững chắc để có thể thực sự tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng đảng. Trước mắt, tập trung xây dựng và thực hiện thật tốt, có kết quả cụ thể các chương trình, kế hoạch sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong đợt sinh hoạt chính trị vừa qua. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc gắn với kiểm điểm công tác hằng năm.”
Ngay đến ba công tác “đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị”, “dân vận” và “quy họach cán bộ cấp chiến lược” cho nhiệm kỳ đảng XII và về sau cũng rất mờ nhạt, chung chung không có cái “chất kích thích tố” cho đảng bức phá đi lên.
Ông Trọng chỉ biết tiếp tục hô hào: “Thường xuyên chỉnh đốn, xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền trong sạch, vững mạnh; mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước phải vì dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng, noi theo….
Tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về các hoạt động thông tin, truyền thông, định hướng dư luận xã hội; kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với các thông tin xấu, độc hại, nhất là qua mạng Internet.”
Riêng đối với ý kiến dân muốn đảng hãy can đảm “cởi bỏ chiếc áo đã mục nát” để đổi mới đất nước khi sửa đổi Hiến pháp thì ông Trọng đã chứng minh ông là người chỉ muốn đất nước cứ đứng nguyên một chỗ và dân tộc cứ mãi lạc hậu.
Ông nói: “So với bản dự thảo được công bố, đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân được tiếp thu, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng. Đối với những vấn đề mới, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau, Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo định hướng lựa chọn, tiếp thu, giải trình. Đối với các quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, Trung ương kiên quyết phê phán, bác bỏ.”
Nhưng ông Trọng đã không dám nói ra “các quan điểm sai trái” ấy có phải là dân muốn có dân chủ và các quyền tự do, từ bỏ chủ nghĩa lỗi thời Cộng sản và khẳng định không chấp nhận đảng độc quyền lãnh đạo?
Một điểm đáng chú ý là trong suốt bài diễn văn bế mạc, ông Trọng không nói đến một chữ về tình hình biển đảo của Việt Nam đang bị Trung Cộng lăm le chiếm hữu ở Biển Đông.
Người ta chỉ nghe thấy ông ca lại bài hát rất cũ nhìn đâu cũng thấy “các thế lực thù địch” đề hù họa người nhẹ dạ.
Ông kết luận: “Tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra những thách thức mới cho sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, ra sức kích động, chia rẽ nội bộ ta, chia rẽ đảng, Nhà nước với nhân dân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nêu cao ý chí của người cách mạng chân chính, tinh thần trách nhiệm trước đảng và nhân dân, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy hơn nữa vai trò cá nhân, cùng với cấp ủy và chính quyền, lãnh đạo và tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận, quyết định của Hội nghị Trung ương lần này cùng các nghị quyết khác của đảng, Quốc hội và Chính phủ; bảo đảm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.”
Lời đe dọa chen lẫn kêu gọi các cấp cần “nêu cao ý chí của người cách mạng chân chính” của ông Trọng sau 10 ngày họp của Hội nghị 7 đã không thấy tỏa ra một sức mạnh nào của một “đảng cách mạng” mà chỉ thấy toàn thân ông đã bị chìm trong màn khói “bất tín nhiệm” mà ông có hay?