Quốc Phương (BBC) - Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiến hành một cuộc cách mạng nếu kịp thời thay đổi nhân sự vào thời điểm hiện nay mà không chờ tới năm 2016 khi nhiệm kỳ hiện tại của Ban chấp hành Trung ương Đảng kết thúc.
Nhận xét được nhà quan sát từ nước ngoài, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, Hoa Kỳ, nói với BBC nhân dịp Hội nghị Trung ương 7, khoá XI của Đảng Cộng sản đang diễn ra từ ngày 02-11/5/2013.
Giáo sư Hùng nói: "Hội nghị này có nhiều vấn đề chứ không phải chỉ về nhân sự, nhưng có lẽ nhân sự là quan trọng nhất. Nó trùng hợp với thay đổi Hiến pháp, nhưng nhân sự là thay đổi quan trọng nhất.
"Thứ nhất họ đã đưa ông Nguyễn Bá Thanh về làm Nội chính rồi, vấn đề đặt ra là họ có đưa ông Thanh vào Bộ Chính trị hay không. Nếu không thì thấy quyền của ông Nguyễn Bá Thanh cũng kém và việc đánh tham nhũng hay sự sắp xếp thay đổi nhân sự cũng không có gì ghê gớm cả."
Nhà nghiên cứu bình luận về vị thế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chiều hướng vận động:
"Nhiều người chán ông Trọng, nhưng không thấy rõ sự vận động để thay thế ông Trọng... Bây giờ thay đổi mà ghép hai vị trí vào, tôi thấy là việc làm hợp lý và tôi nghĩ nhiều người ở Việt Nam cũng nghĩ là phải làm chuyện đó.
Về chiều hướng chuyển động, thay đổi nhân sự trên chính trường Việt Nam, Giáo sư Hùng nói:
"Trong trường hợp muốn có lãnh đạo mới và phối hợp hai chức Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng, thì phải có một thời gian, nếu thời gian đó phải chờ đến 2016, thì tôi thấy là quá muộn để cho Việt Nam làm tốt được.
"Nếu họ chờ đến 2016 thì muộn quá rồi, còn nếu làm bây giờ thì tôi nghĩ đó là sự chuyển động có tính cách cách mạng."
'Ai thay Thủ tướng?'
"Nếu thay ông Nguyễn Tấn Dũng, chức Thủ tướng nên đưa vào ông Nguyễn Bá Thanh thì đất nước sẽ có nhiều chuyển biến tốt hơn"
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang
Hôm 05/5, nhà quan sát ở trong nước, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang nói với BBC, ông cho rằng ông Nguyễn Bá Thanh là một ứng cử viên sáng giá để kế tiếp vị trí của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một khi có sự thay đổi.
Ông nói: "Nếu thay ông Nguyễn Tấn Dũng, chức Thủ tướng nên đưa vào ông Nguyễn Bá Thanh thì đất nước sẽ có nhiều chuyển biến tốt hơn.
"Thực tế ông làm được cho thành phố Đà Nẵng trở thành một gương mặt vào loại sáng sủa, đẹp đẽ nhất, ở Việt Nam.
"Và những chính sách thực thi của ông đối xử với trí thức, đối xử với vấn đề Biển Đông v.v... cho thấy rằng ông Thanh tỏ ra mạnh mẽ, đúng mực hơn so với đòi hỏi thực tế, so với hòa nhập quốc tế, những chính sách ông đã thực thi, chúng tôi cho là tốt."
Tuy nhiên, chính nhà hoạt động vì dân chủ này cũng chỉ ra những nhược điểm của người được cho là ứng viên cho một ghế Ủy viên Bộ chính trị bổ sung đợt này. Ông nói: "Ông Nguyễn Bá Thanh hơi hăng hái quá, hơi lộ liễu quá, ông tung hô mạnh quá. Ông hô là sẽ bắt hết, nhốt hết.
"Trước đây, ông chỉ đạo hành động ở một thành phố, đơn phương thì tiếng nói của ông ấy có thể có uy tín tuyệt đối, nhưng trăm, triệu con mắt nhìn vào, cả Bộ Chính trị, Trung ương nhìn vào, thì người ta có thể thấy rằng khi quyền vào tay ông ấy, thì ông có thể hơi khó hợp tác, hơi khó điều khiển."
Tiến sỹ Giang cho rằng chính trường Việt Nam hiện đang thể hiện tương đối rõ sự cạnh tranh, thậm chí đối địch giữa các phe phái, điều có thể được cho là chi phối bầu không khí chung của Hội nghị Trung ương 7 đang diễn ra.
Ông nhận xét: "Bây giờ nó càng biểu hiện ra tương đối rõ, là một phía bảo thủ, trì trệ, vẫn tư duy ý thức hệ, đặc trưng điển hình bởi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Và từ đấy nó ràng buộc chặt với Trung Quốc và gần như nó nghiêng về hướng dẫn dắt đất nước trở thành đồ đệ của Trung Quốc. Vẫn xưng hô Trung Quốc là bạn bè, đồng chí, nhân dân và Mỹ vẫn là kẻ thù.
"Còn một phía khác, gần đây sau Hội nghị Trung ương 4, nổi rõ lên là phía đối lại là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Có thể nói, cầm đầu hai phái đó một bên là Nguyễn Phú Trọng, một bên là Nguyễn Tấn Dũng.
"Còn ông Trương Tấn Sang, có người nói, lúc thì ông nghiêng về phía ông Nguyễn Phú Trọng, để ông chống ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng có người nói về tư duy thì ông gần với ông Nguyễn Tấn Dũng hơn."
'Chỉ huy thống nhất'
Hôm Chủ Nhật, nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất tỏ ra thận trọng khi nhận xét với BBC về tình hình nội bộ của Đảng:
Ông nói: "Để nói rằng ông nào đánh ông nào, có thật hay không, bây giờ làm sao mà nói được, nhưng người dân người ta nhìn vào thấy nó rối lên. Nó rất bất an. Dư luận người ta nhìn vào, người ta thấy rối, người ta đánh giá thế thôi."
Ông Nhất cho rằng hội nghị Trung ương 7 đang diễn ra tại thời điểm trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng thiếu một sự thống nhất, ăn khớp:
"Sự thống nhất giữa Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thiếu ăn khớp, thống nhất với nhau... Sự thống nhất và uy lực của Bộ Chính trị qua các hội nghị Trung ương gần như không bằng các nhiệm kỳ trước," ông nói.
"Như Hội nghị 6 chẳng hạn, ví dụ trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi đó Bộ Chính trị thống nhất đề nghị xin ý kiến Trung ương để có một hình thức kỷ luật nào đó và xin ý kiến Trung ương,
"Nhưng ra Trung ương bỏ phiếu thì lại phần lớn không đồng ý với ý kiến của Bộ Chính trị, mà lại bác đi, không kỷ luật Thủ tướng. Những cái đó nói lên điều rằng sự thống nhất của Bộ Chính trị không được sự đồng tình của phần đông Ban Chấp hành Trung ương."
Ông Nhất, do đó, đặt vấn đề về uy tín của ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản và cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng nên cân nhắc rời chức vụ sớm:
"Trước tình hình như thế này, tình hình nội tại như thế này, tôi nghĩ người nên ra đi là Tổng Bí thư. Theo tôi, Tổng Bí thư nên ra đi. Nhưng thực tế có hay không, thì theo tôi ông Trọng khó ra đi lắm...
"Giả sử cứ cho ông Trọng nghỉ đi, thì (thay thế) chỉ có hai nhân vật là Thủ tướng và Chủ tịch Nước thôi, và tôi nghĩ bây giờ nên hợp nhất hai chức vụ đó lại (Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước), ông Dũng nắm cũng được mà ông Sang nắm cũng được, rồi hợp nhất lại đi. Tôi nghĩ ông Trọng nên nghỉ lúc này."
Trao đổi với BBC, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh Đảng cần cân nhắc khía cạnh 'chỉ huy thống nhất' trong nội bộ lãnh đạo cao cấp, đặc biệt qua phương án hợp nhất hai chức vụ đứng đầu Đảng và nhà nước.
Ông nói: "Làm việc đó mới có chỉ huy thống nhất để làm chuyện khác quan trọng, cả trong việc đối nội, nhất là trong việc đối ngoại. Bởi vì cứ chia phân ba như thế thì không có cách gì có chỉ huy thống nhất được."
'Cảnh báo trong, ngoài'
"Ở Việt Nam, ba ông lãnh đạo chưa đoàn kết với nhau, nên trong mặc cả với Trung Quốc, họ bị thiệt hơn... Mục tiêu của Trung Quốc hiện tại là muốn duy trì Đảng Cộng sản Việt Nam... "
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
Nhân dịp này, Giáo sư Hùng đưa ra cảnh báo rằng thiếu đoàn kết, nhất trí trong lãnh đạo có thể trở thành một điểm yếu, bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia láng giềng Trung Quốc, nước mà theo ông luôn có mục tiêu duy trì, nhưng kiềm chế Đảng Cộng sản Việt Nam:
Ông nói: "Ở Việt Nam, ba ông lãnh đạo chưa đoàn kết với nhau, nên trong mặc cả với Trung Quốc, họ bị thiệt hơn... Mục tiêu của Trung Quốc hiện tại là muốn duy trì Đảng Cộng sản Việt Nam...
"Không biết là trong cuộc điều đình giữa hai nước, Trung Quốc có nhượng bộ không, để cho chính quyền Việt Nam khỏi ở trong thế trên đe dưới búa. Ở ngoài thì bị Trung Quốc lấn át, còn ở trong dân chúng không sợ nữa và quay lưng lại với chính quyền."
Hôm thứ Bảy, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, người được công an cho tại ngoại sau bốn tháng bị câu lưu trong một vụ án được cho là có màu sắc chính trị nội bộ và mới được báo Tuổi trẻ công khai xin lỗi vì đưa thông tin sai lệch về ông, cũng bình luận với BBC về vấn đề này.
Ông nói: "Tôi cho là làm gì thì làm, cần phải đánh giá lại mối tương quan đối ngoại đối với Trung Quốc. Cần phải hết sức lưu ý mối tương quan này, trong một mối tương quan khác liên quan tới các đồng minh chiến lược đã và trong tương lai của Việt Nam ở Nhật, ở Mỹ và Liên minh Châu Âu.
"Làm gì thì làm, đừng quá lệ thuộc vào Trung Quốc, cũng nên nhìn thấy một bàn tay thiện chí từ Phương Tây đang đưa ra đối với Việt Nam"
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng
"Làm gì thì làm, đừng quá lệ thuộc vào Trung Quốc, cũng nên nhìn thấy một bàn tay thiện chí từ Phương Tây đang đưa ra đối với Việt Nam.
"Điều đó sẽ liên quan, tác động tới những vấn đề nhân sự và những biến động nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể không chỉ trong hội nghị này, mà còn trong các hội nghị tiếp theo.
"Tôi nghĩ sẽ phải mất một thời gian nữa, ít nhất là từ một năm, tới một năm rưỡi, để giải quyết một số vấn đề nào đó về nhân sự trong Bộ Chính trị, chứ không phải được ngay bây giờ."
Hôm Chủ Nhật, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng cảnh báo rằng Việt Nam đang ở trong một tình trạng nguy hiểm khi có thể đối diện bất cứ lúc nào với nguy cơ đổ vỡ bất lường do các bế tắc về thể chế, cũng như lộ trình, kịch bản thoát ra.
Ông nói: "Ở Việt Nam không có một triệu chứng gì cho thấy người ta sẽ chịu chuyển quyền hòa bình, ôn hòa cả. Ở Việt Nam cũng không có những định chế cho chuyển quyền ôn hòa như trong trường hợp Miến Điện. Cho nên nếu chuyển quyền thì nó sẽ là một sự sụp đổ,
"Thành ra tôi rất e ngại rằng trước hết là không tiên đoán được và khi đã sụp đổ xảy ra thì chỉ là trường hợp tức nước vỡ bờ, thì không ai có thể tiên đoán được lúc nào là tức nước vỡ bờ cả," nhà quan sát và học giả từ Hoa Kỳ nói với BBC.